MỘT NGÀY SỐNG TRÒN ĐẦY CỦA CHÚA GIÊSU

Thứ tư 02/09/2020- thứ tư tuần XXII thường niên, 1Cr 3,1-9; Lc 4,38-44

Một ngày sống tròn đầy của Chúa Giê-su

 

Sứ vụ rao giảng của Chúa Giê-su là một chuỗi ngày sống tròn đầy ý nghĩa và tình thương. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy rõ một ngày sống của Đức Giê-su với những công việc cụ thể từ sáng sớm tới lúc chiều tà. Vậy đâu là chương trình của Đức Giê-su cho một ngày sống tròn đầy? Và một ngày sống của Ngài mang đậm dấu ấn gì cho chúng ta?

Hành trình loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giê-su tung gieo khắp nơi. Một ngày sống của Ngài đều cho thấy Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa đang thực hiện nơi Ngài. Cả cuộc đời trần thế của Ngài là thi hành thánh ý Chúa Cha đã trao phó. Vì “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Hơn nữa, “phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm” (Ga 17,4). Từ sáng sớm tới lúc chiều tà, khi hoàng hôn buông xuống, Ngài hằng luôn kết hợp cùng Chúa Cha. Sáng sớm cho thấy bắt đầu một ngày mới và chiều tà diễn tả một ngày kết thúc. Điều đó nói lên rằng, Đức Giê-su chính là An-pha và Ô-mê-ga, là khởi nguyên và cùng tận. Như vậy, “tất cả mọi người đều được mời gọi kết hợp với Đức Ki-tô, Đấng chính là ánh sáng thế gian, là cội nguồn, là sức sống và là cùng đích của tất cả chúng ta” (Lumen Gentium, số 3). Sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Đức Giê-su không gì khác hơn là chính Con Người của Ngài. Lời nói của Ngài luôn đi đôi với việc Ngài làm. Đứng trước cơn bệnh của bà mẹ vợ ông Si-mon, “Đức Giê-su đã cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt và cơn sốt rời khỏi bà” (Lc 4,39). Tiếp đến, “Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ” (Lc 4,40). Điểm nổi bật của Tin Mừng Luca diễn tả tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trong Đức Giê-su. Người luôn chạnh lòng thương trước cảnh khốn cùng của con người, nhất là nơi những người nghèo khổ, bệnh tật.

Sáng ngày, Người đi ra một nơi hoang vắng. Nơi hoang vắng muốn nói lên một không gian yên tĩnh trong bầu khí ngập tràn tình yêu của sự tương quan thân tình giữa Ngài với Chúa Cha. Quả vậy, cả cuộc đời của Ngài nơi trần thế là một cuộc trò chuyện thân tình với Chúa Cha không ngơi nghỉ. Ban ngày, Ngài luôn quan tâm, chăm sóc mọi người nhất là những ai đau khổ bệnh tật. Đêm về, Ngài cùng tâm sự và thưa chuyện cùng Chúa Cha; mối tình giao hảo giữa Ngài với Chúa Cha luôn khắng khít vững bền. Công đồng còn cho thấy rõ: “Triều đại này tỏa chiếu trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Đức Ki-tô” (Lumen Gentium, số 5). Hơn thế, “cả cuộc đời Chúa Giê-su là một lời giáo huấn liên tục: những lúc Người thinh lặng, các dấu lạ Người làm, việc Người cầu nguyện, tấm lòng yêu thương của Người đối với con người, sự quan tâm đặc biệt của Người đối với những người bé mọn và nghèo hèn” (SGL số 561).

Chính do ân sủng mà thánh Phao-lô đã cảm nghiệm và xác tín trong bài đọc 1: “Chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1Cr 3,9). Bởi lẽ, “tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6). Quả thực, “kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể” (1Cr 3,7). Qua đó, mỗi người cũng được mời gọi cùng cộng tác với Đức Ki-tô trong việc loan báo Tin Mừng cho khắp cùng trái đất bằng chính ơn gọi của mình.

Lạy Chúa, một ngày sống của chúng con chỉ có giá trị và ý nghĩa khi và chỉ khi chúng con sống trong sự tròn đầy tình thương và ân sủng Chúa. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết hăng say đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người bằng chính cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương trong từng ngày sống. Amen.   

FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn

You May Also Like

Trả lời

X