Thứ 7 Tuần XXXIV Thường Niên
(Kh 22,1-7; Lc 21,34-36)
Trong tâm tình ngày cuối cùng của năm phụng vụ, Lời Chúa mời gọi mỗi người luôn tỉnh thức và cầu nguyện để đón chờ Ngày của Chúa. Bởi lẽ, “Ngày của Chúa như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất” (Lc 21,34-35). Lòng khao khát mong chờ Chúa đến trong cuộc đời mỗi người như một ân huệ tình thương Thiên Chúa đặt trong tâm hồn. Vậy Ngày của Chúa là ngày nào? Tại sao lại là Ngày của Chúa? Ngày ấy mang ý nghĩa gì? Mong đợi Ngày của Chúa mời gọi ta phải làm gì và có thái độ nào?
Khi nói đến ngày của Chúa thì tất cả mọi ngày đều là của Chúa. Bởi lẽ, như nhà Vịnh Gia đã nói: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ” (Tv 118,24). Thế nhưng, Ngày của Chúa mà Tin Mừng hôm nay nói tới mang một ý nghĩa đặc biệt, ngày được viết hoa. Vì Ngày của Chúa đến bất chợt, nên mời gọi ta phải đề phòng với thái độ tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Do đó, “anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất” (Lc 21,34-35). Và “đây, Ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ đang canh thức” (Kh 16,15). Chúa Giê-su diễn tả Ngày của Chúa đến như chiếc lưới bất ngờ chụp xuống và không ai trong vũ trụ thoát khỏi. Thế nên, “anh em phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36). Đồng thời, “chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ” (1 Tx 5,2.6). Hơn nữa, “chúng ta hãy nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21).
Sự đời thế gian dễ hấp dẫn và lôi cuốn khiến người ta si mê. Càng si mê sự đời thì lòng trí càng nặng nề, càng sống theo xác thịt thì càng xa Thần Khí Chúa; càng thuộc về thế gian càng xa Nước Thiên Chúa. Do đó, Chúa mời gọi ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn. Tỉnh thức để đề phòng, để phân định tốt – xấu, thiện – ác, Thiên Chúa – thế gian. Có những thứ men tinh vi độc hại, có những giá trị quyến rũ khiến ta khó dứt bỏ, vì thế ta phải luôn cầu nguyện mới đứng vững trong ngày của Chúa. Để khỏi sa chước cám dỗ, cần phải có một sự cương quyết của trái tim. Vì “kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó” (Mt 6,21). Do đó, cần phải cầu nguyện thì mới có thể chiến đấu và chiến thắng được cám dỗ. Bằng cách, “hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1-2). Đồng thời, tâm hồn phải tỉnh thức, hiệp thông với sự tỉnh thức của Đức Giê-su. Chính Chúa Thánh Thần không ngừng hành động, để giúp chúng ta tỉnh thức và mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị. Thế nên, chúng ta hãy để Thần Khí hướng dẫn và “nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25).
Để đạt được Nước Chúa và đứng vững trong ngày của Chúa thì Chúa mời gọi ta tuân giữ các sấm ngôn của Ngài. Thật vậy, “đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày” (2 Pr 3,8). Đồng thời, “ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và các công trình trên đó sẽ bị thiêu hủy” (2 Pr 3,10). Như thế, “muôn vật phải tiêu tan, thì anh em phải là những người tốt dường nào, phải sống đạo đức và thánh thiện biết bao, trong khi mong đợi ngày của Thiên Chúa và làm cho ngày đó mau đến” (2 Pr 3,11-12). Do đó, “trong khi mong đợi ngày đó, anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền không chi đáng trách và sống bình an” (2 Pr 3,14). Như vậy, Nước Thiên Chúa, lúc cùng tận thời gian, sẽ đạt tới sự viên mãn của mình. Lúc đó, những người công chính sẽ hiển trị muôn đời với Đức Ki-tô, bằng cả thân xác và linh hồn đã được tôn vinh, và chính toàn thể vũ trụ vật chất cũng sẽ được biến đổi. Khi ấy, “họ sẽ được nhìn thấy tôn nhan Người, và thánh danh Người ghi trên trán họ” (Kh 22,4). Và chính “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).
Qua đó, như thánh Sipriano Giám mục: “chúng ta hãy ôm ấp trong lòng cái ngày mỗi người được trở về nơi mình cư ngụ, ngày chúng ta được giải thoát khỏi đời này, khỏi cạm bẫy thế gian mà vào Thiên Đàng, vào Vương Quốc của Chúa” (bài đọc Kinh Sách, thứ 6, tuần XXXIV). Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết khao khát Ngài để được Ngài yêu thương và ân thưởng.
FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn