Thời gian ơi bao giờ mi trở lại?
Làn gió ơi cho nhắn gởi đôi lời
Tới nơi đó có chị và em tôi
Có cha mẹ và… những người mong đợi.
Cái ngày ấy bất chợt đến với tôi không biết nên vui hay nên buồn! Tôi đã dứt áo ra đi để theo “tiếng gọi của con tim”. Tôi đi như tổ phụ Abraham đi tìm đất hứa. Ông đã bỏ quê hương, xứ sở để đi đến một vùng đất xa xôi mà ông chưa hề biết; còn tôi, tôi cũng bỏ như ông, có điều nơi tôi đến thì có hai bà soeurs đã đưa tôi đến tận nơi. Còn một điều khác nữa là ông Abraham mang theo vợ, cháu và mọi tài sản mà ông đã gầy dựng được cùng với các gia nhân và họ lên đường; còn tôi, tôi chỉ một thân một mình với một chiếc vali nhỏ cộng với một mối tình vắt vai vừa chớm nở và nỗi khát vọng yêu thương mà tôi chưa thốt được nên lời.
Tôi bước đi mà không dám quay lưng lại, vì sau lưng tôi là những ánh mắt nhớ nhung và mong chờ. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi tôi quay đầu lại nên tôi cứ lặng lẽ, âm thầm, cúi đầu bước đi.
Khi đi xa, dường như người ta mới cảm thấy trống vắng, mới cảm nhận được sự ấm áp của những bữa cơm thanh đạm bên gia đình, mới hiểu được thế nào là xa quê hương, nhớ mẹ hiền. Cảm giác đó đã được nhà thơ Nguyễn Bính gửi gắm trong bài thơ “Tết Biên Thùy”:
Có phải đêm nay trời mới tối,
Đêm nào trời cũng tối như đêm.
Ải xa không pháo giao thừa nổ,
Mưa rét tơi bời mưa rét thêm.
Vườn cũ hoa mai chắc nở rồi
Cành mai ai gửi đến xa xôi?
Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng
Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi.
Khi đi xa, tôi lại mong ước có ngày trở về. Trở về để được gặp gỡ những người thân yêu, để được nghe lại lời ru thuở nào, để tìm lại ký ức xa xưa đã một thời quên lãng… và để được ôm chầm mẹ tôi vào lòng cho thỏa nỗi ước mong.
Trên thực tế, lý thuyết và hành động bao giờ cũng khác xa nhau một trời một vực. Tôi đã từng trở về, cũng đã từng muốn thực hiện ước mơ. Nhưng mối khi muốn làm điều đó, đôi chân tôi như có ai đó buộc vào hai quả tạ khiến thân thể gầy còm của tôi không thể nào tiến bước. Rồi tôi lại ra đi, đầy dẫy sự tiếc nuối trong lòng! Lần nào tôi cũng chỉ nói được một câu cụt ngủn: “Thôi, con đi đây”.
Tôi lại ra đi và lại càng mong ước một ngày trở về. Tôi về lại với mái nhà thứ hai của tôi, một mái nhà yên bình và tràn ngập niềm vui. Niềm vui đời dâng hiến. Khi ở nhà, tôi đã từng ước ao có một đứa em trai để cùng nhỏ to tâm sự những niềm vui nỗi buồn, thì tại nơi đây, tôi đã được thỏa lòng ước mong. Không những có một mà là có cả trăm như lời Chúa Giêsu đã nói: “Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19,29).
Cũng tại nơi đây, tôi bắt gặp được không những tình phụ tử mà cả tình mẫu tử nơi những người cha nhân hậu. Trong ngày Lễ Bổn Mạng đầu tiên của tôi, một cảm giác mà tôi không thể nào quên được trong nghi thức chúc bình an: Viện Phụ dang hai tay ra chào đón tôi. Ngài ôm lấy tôi và áp má Ngài vào má tôi. Tôi có cảm giác mình như đứa con hoang đàng trở về vòng tay của cha sau bao ngày ăn chơi trác táng. Một cái áp má thân thương của người cha, một vòng tay êm ái của người mẹ. Tôi mong ước sao khoảnh khắc đó sẽ ngừng lại để tôi cảm nhận được hơi ấm và sự ngọt ngào của tình phụ tử, điều mà bấy lâu nay tôi vẫn ước ao sẽ thực hiện với hai đấng sinh thành ra tôi.
Thời gian thật vô tình, dường như nó chẳng thấu hiểu một ai. Cứ trôi đi lặng lẽ để lại sự tiếc nuối cho mọi người!
Người ta thương nói rằng: cơ hội không đến lần thứ hai. Còn tôi, tôi vấn tin tưởng nếu còn thời gian sẽ còn cơ hội. Chỉ có điều không biết thời gian có chờ đợi tôi không? Tôi lại chợt nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Bính:
“Mẹ ơi! Một sớm thăm hoa rụng
Nhặt giữ giùm con dăm cánh thôi”.