SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
LC 1, 26-38
- Bối cảnh: “Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê gọi là Nazareth gặp một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse thuộc dòng dõi vua Đa vít. Trinh nữ ấy tên là Maria”.
Nazareth, xứ Galilê, một thôn làng quê rất bình thường, rất ít người biết đến trong Cựu Ước. Còn Galilê một miền bị coi thường vì lẫn lộn người Do Thái với dân ngoại.
Công cuộc nhập thể của Ngôi Hai Thiên Chúa được phác họa một cách khiêm nhường: “Người đã từ bỏ mình để mang lấy thân phận tôi đòi” như thánh Phao lô đã diễn tả trong thư Philip (xPl 2, 6-7).
Một trinh nữ đã đính hôn, tên là Maria, một thục nữ rất giản dị, khiêm tốn và đạo đức. Đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đa vít. Mọi bản văn đều nhấn mạnh đến dòng dõi vua Đa vít của Giuse. Do đó, chàng hôn phu của đức Maria thuộc dòng dõi vương giả, nhưng đã sa sút làm nghề thủ công: thợ mộc, không chút cao vọng trở lại ngai vàng. Tuy nhiên, nhờ ông mà lời hứa với Đa vít sẽ được thực hiện.
- Suy niệm: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên! Hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”.
- Đó là lời chào của Thiên Chúa đối với thiếu nữ, Người chào đức Maria với vẻ tôn kính và ưu ái biết bao!
- Nghe lời ấy, bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì. Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ! vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngự trên ngài vàng Đa vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 29-33).
- Cô thôn nữ bình dị, âm thầm, ẩn dật, khiêm hạ ấy sẽ là mẹ của Đấng Cứu Tinh nhân loại! và cô đã thân thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng”.
- Điều đó muốn nói lên rằng đức Maria đã không có những tương quan vợ chồng. Đây không phải là bản văn duy nhất quả quyết mầu nhiệm này. Đức Maria đã tự ý chọn lựa sống phận trinh nữ. Do đó, lời chất vấn trên giúp chúng ta tiến sâu vào tư tưởng và tâm hồn của đức Maria: Người đã hiến mình cho Thiên Chúa trong một tình yêu huyền nhiệm, tuyệt đối trong sáng.
- “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa …Vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc1, 35-37).
- Cuối cùng sứ thần đã kết thúc sứ điệp truyền tin bằng một lời bảo đảm tuyệt đối: “Vì không có gì là không thể đối với Thiên Chúa”.
- Và đức Maria với tâm tình đầy khiêm tốn, tin tưởng phó thác và vâng phục, liền thưa: “Vâng tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Một câu tuy vắn gọn, nhưng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới. Một câu đã khai mở một kỷ nguyên cứu rỗi. Một câu đã đem lại cho nhân loại tràn đầy hân hoan hy vọng và bình an.
Vả lại, với uy quyền của Đấng Tối Cao, một thế giới vô vọng trong vòng kiềm tỏa của ma quỷ, sự dữ và tội lỗi đã hy vọng được cứu thoát. Với uy quyền Đấng Tối Cao, một nhân loại đang sống dưới ách nô lệ của Satan, đã được tự do làm con cái Chúa.
Sau cùng, lời thưa xin vâng của Đức Mẹ Maria không chỉ nói lên một lần trong ngày truyền tin mà liên lỷ suốt của cuộc đời mãi đến khi đứng dưới cây thánh giá đón nhận lời trăn trối của con mình.
Thế nên Giáo Hội muốn tất cả chúng ta sống những ngày trông đợi và chờ đón Chúa Cứu Thế như đức Maria, Đấng kết tinh lại tất cả niềm trông đợi của dân Thiên Chúa và của loài người. Quả vậy, các ngôn sứ khác chỉ loan báo xa xa như Isaia, Nathan, Mikha; gần thì có Gioan Tẩy giả chuẩn bị và giới thiệu Đấng Cứu Thế, nhưng dẫu sao các vị ấy vẫn còn ở bên ngoài. Còn đức Maria thì khác, Mẹ trực tiếp có liên hệ với Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc và đích thân đón nhận Đấng Cứu Thế do Thiên Chúa ban rồi trao lại cho loài người chúng ta. Nhờ đức Maria mà Con Thiên Chúa nhập thể mà loài người chúng ta được thông phần thiên tính, được làm con cái Thiên Chúa. Như vậy, trong mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, đức Maria giữ địa vị và vao trò cao quý đặc biệt có một không hai.
Chính vì thế mà Mùa Vọng này Giáo Hội muốn chúng ta chiêm ngắm đức Maria, Đấng đã trông đợi, ước mong chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế và tiếp đón Ngài cách tâm tình hơn ai hết, để nhờ đó, chúng ta cũng noi gương đức Maria mà tỉnh thức cầu nguyện và hân hoan chuẩn bị đón chào Chúa đã đến gần kề.
LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC