Thư nhân dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống của Tổng Phụ Xitô 2019
Anh chị em thân mến,
Cách đây 900 năm trước, các tiên phụ Xitô của chúng ta, cùng với các cộng đoàn của mình, đã đưa ra một bản văn, và đã được chuẩn nhận bởi Đức Giáo hoàng Calisto II, để tạo nên mối dây liên kết sống động trong mối tương quan giữa các đan viện với nhau, giống như Tu luật Thánh Biển Đức tạo nên mối dây liên kết sống động trong mối tương quan giữa các thành viên nơi mỗi cộng đoàn. Các ngài đã đặt tên cho văn bản này là Carta caritatis – Hiến chương đức ái, chính bởi vì bản văn này đã làm cho gia đình đan tu mới hình thành ở Cĩteaux mới có thể được phát triển vững mạnh trong tình hiệp thông huynh đệ, và do đó phản chiếu trong Giáo hội và trên thế giới ánh sáng thiêng liêng của Tình yêu Ba Ngôi.
Trong năm nay, có rất nhiều sáng kiến để mừng, cũng như học hỏi để ghi nhớ ngày kỷ niệm này, quan trọng là trên thực tế, sự chấp thuận của bản văn này đánh dấu sự ra đời của Dòng Xitô trong ý nghĩa là một Dòng tu chính thức được thành lập và có tổ chức. Trong các đại hội, các hội thảo chuyên đề, cũng như các cuộc gặp gỡ khác nhau trên khắp thế giới đã được lên kế hoạch để mừng kỷ niệm, thì có nhiều khía cạnh của Hiến chương đức ái sẽ được đào sâu, và điều này chắc chắn sẽ giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về căn tính của mình, về giá trị của đặc sủng, về nhiệm vụ mà Chúa Thánh Thần giao phó cho chúng ta, cũng như Giáo hội đã nhìn nhận và chúc lành trong thẩm quyền mà Chúa Kitô giao phó cho Thánh Phêrô.
Trong Lá Thư nhân dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống này, tôi muốn tập trung vào một điểm duy nhất, điểm trọng tâm, của Hiến chương đức ái, là điều phải được nhấn mạnh, để qua đó, chúng ta, là những tu sĩ dòng Xitô, cũng như những ai sống trong mối liên quan đến đặc sủng của chúng ta theo những cách khác nhau, có thể làm sống lại ngọn lửa đã thắp sáng lên từ 900 năm trước; cũng là điều mà, dẫu nhiều có nhiều sự yếu đuối và bất trung, đã không bị dập tắt qua bao thế kỷ. Điểm trọng tâm này chính là ngọn lửa tình mến.
Ngày nay có nhiều vấn đề và khó khăn trong việc sống ơn gọi của chúng ta, và những điều đó không phải là mới mẻ gì. Nhưng sự đương đầu một cách liên lỉ đối với những vấn đề này, không chỉ giúp sự gặp gỡ nhau của chúng ta mỗi ngày một cách khắng khít hơn trong ước muốn và trong sự dấn thân đối với việc đương đầu với chúng và giải quyết chúng, mà còn khơi lên cho một vấn đề thiết yếu hơn, đó là: Điều gì hiệp nhất chúng ta lại với nhau? Tại sao chúng ta đồng hành với nhau? Có phải chăng là chính những vấn đề, những khó khăn và sự yếu đuối liên kết chúng ta lại với nhau? Hay chỉ là những khoản luật lệ, những cam kết do bởi lời khấn hứa của chúng ta đã làm cho chúng ta đoàn kết với nhau? Chẳng lẽ không có gì sâu xa hơn sao?
Vấn đề này càng trở nên khẩn thiết hơn khi chúng ta nhận ra rằng, qua tất cả các yếu tố này, cũng như sự dấn thân trong việc đối diện với chúng và sống chúng, chúng ta cũng không thực sự đoàn kết với nhau. Rất nhiều người đã chạy trốn khỏi sự hiệp thông giữa chúng ta hoặc trong cộng đoàn của họ, cụ thể là họ không muốn đối diện với các vấn đề hoặc là còn không trung tín với những gì thuộc về luật Dòng, cũng như sự cam kết sống các lời Khấn.
Chính trong hoàn cảnh này mà dường như ngày càng ít người vui vẻ nhận trách nhiệm về Dòng, đặc sủng và ơn gọi và sứ mệnh, mà năm nay giống như người đưa thư đến trước cửa nhà chúng ta để đưa lại cho chúng ta một lá thư đã được gửi từ 900 năm trước. Ngày đóng dấu bưu điện làm chúng ta ngạc nhiên: ngày 23 tháng 12 năm 1119! Chúng ta mở nó ra trong sự lo lắng và tò mò, và, thật bất ngờ!, chúng ta phát hiện ra rằng đó là một lá thư tình! Chúng ta đỏ mặt một chút, vì chúng ta không quen đón nhận chúng. Đọc nó, sự tươi mới của nó đã làm chúng ta ngạc nhiên. Đã 900 năm qua rồi, nhưng nó lại có tính thời sự, rất phù hợp với chúng ta ngày nay! Vậy sự mới mẻ trường tồn này đến từ đâu? Nó xuất phát từ chính việc đặt tình yêu, lòng bác ái, làm trung tâm và giúp chúng ta hiểu làm thế nào chúng ta có thể đương đầu với những khó khăn và những vấn đề, nhưng nhất là sống ơn gọi và sứ mệnh của chúng ta, khởi đi từ điểm trọng tâm này, để nó chiếu tỏa ở nơi mà chúng ta chung sống và về những tình huống mỏng dòn và khó khăn mà chúng ta phải đối diện.
Hiến chương bác ái khơi lên trong chúng ta một câu hỏi rất căn bản: Chúng ta sẽ sống ơn gọi của mình dưới ánh sáng của đức ái không? Chúng ta sẽ sống ơn gọi của mình trong tình mến không? Chúng ta có đồng hành cùng nhau trong tình mến không? Chúng ta có hiệp nhất với nhau bởi tình mến không? Chúng ta có sống trong Dòng như là một sự hiệp thông của tình mến không?
Khi một người đang yêu viết một lá thư tình cho người mình yêu, trước tiên anh ta bày tỏ tình cảm của mình đối với người mình yêu, sau đó đòi hỏi người mình yêu biểu lộ tình cảm dành cho anh ta. Có lẽ chúng ta không đủ tinh tế để cảm nhận được điều này, nhưng tốt hơn nếu đọc các bản văn căn bản về đức tin cũng như về ơn gọi của chúng ta một cách y như là những bày tỏ về tình cảm mà nó đòi hỏi tình cảm được đáp lại. Các bản văn đó không phải là Kinh Thánh, Tin Mừng sao? Đó cũng không phải là Tu luật của Thánh Biển Đức, hay chẳng phải là các tác phẩm của các tác giả của chúng ta sao?
Và một trong số đó cũng chính là Hiến chương bác ái của Thánh Stefano Hardingo và những người cùng thời với ngài. Vào 900 năm trước, từ bản văn này mà vốn đã lưu tâm đến việc làm cho chúng ta sống ơn gọi của mình một cách trọn vẹn, thì chúng ta thực sự cần phải cảm nhận được là chúng ta được yêu thương, được ưu đãi. Cũng chính vì điều này mà bản văn thiết lập và đưa ra các lời khuyên về cung cách và những thời điểm hiệp thông với nhau trong cuộc sống, lời cầu nguyện, chương trình huấn luyện, cũng như trong việc góp ý sửa chữa lỗi lầm cho nhau để không ngừng tẩy trừ khuynh hướng làm nguội lạnh “tình yêu ban đầu”, nhằm mục đích sưởi ấm tâm hồn chúng ta trong ơn gọi thiết yếu, và đó là “không lấy gì hơn tình yêu của Chúa Kitô” (Tu luật 4,21).
Sự âm ấm nơi Hội Thánh Lao-đi-ki-a khiến Chúa Kitô ghê tởm đến mức khiến Ngài phải buồn nôn là gì vậy (x. Kh 3,15-16)? Âm ấm, không nóng cũng không lạnh, có nghĩa là thích nghi với nhiệt độ của môi trường xung quanh. Âm ấm là nhiệt độ của thế gian. Âm ấm có ý nghĩa là thế tục. Thật buồn khi thấy chúng ta thường trở nên thế tục, thích ứng với thế gian và sự phù phiếm của nó; trong khi đáng lẽ ra chúng ta cần phải thay đổi nhiệt độ trong tất mọi thứ mà mọi người cùng đang sống: cầu nguyện, lao động, nghỉ ngơi, tương quan tha nhân, v.v. Sự âm ấm là cơn cám dỗ mà chúng ta dễ dàng trượt ngã nhất, bởi vì sự nhiệt thành trong Chúa Thánh Thần bị mai một đi giống như ly cà phê đã bị nguội lạnh dần hay nước giải khát không còn mát lạnh nữa: đồ uống đó nếu không được hâm nóng hay ướp lạnh thêm thì nó sẽ dần dần dung hòa với nhiệt độ bình thường của môi trường xung quanh, do đó đồ uống đó sẽ mất đi hương vị và sự thích thú khi chúng ta thưởng thức nó.
Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm này. Chúng ta đã đánh mất lòng nhiệt thành, sự nhiệt huyết, niềm vui để sống ơn gọi. Chúng ta đã đánh mất hương vị của những gì đã từng đốt cháy lên trong lòng chúng ta, chẳng hạn như sự ngọt ngào của Lời Chúa, hay lời cầu nguyện chung của Cộng đoàn, hoặc là hương vị của đời sống huynh đệ, hay là sự phục vụ cộng đoàn, toàn Dòng, cũng như Giáo hội. Nhưng để chống lại sự âm ấm này, chúng ta không thể dùng bình nước nóng vốn dĩ chỉ duy trì một cách giả tạo sự nhiệt thành ban đầu mà thôi. Nó không đủ để bảo quản, đó là phải luôn cung cấp thêm nhiệt, ngọn lửa tình mến một cách trực tiếp để hun nóng con tim và sự nhiệt thành trong đời sống. Điều này không phải là phương cách của mỗi kỷ cương trong đời đan tu, với mục đích là tất cả những gì mà Tu Luật của Thánh Biển Đức khuyên dạy và ấn định hay sao? Sự trung thành lặp đi lặp lại những cử chỉ và những thời điểm để hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em sẽ chống lại sự âm ấm không thể tránh được mà chúng ta thường hay vấp phải, hoặc chúng ta bị lôi cuốn bởi sự mê hoặc phù phiếm của thế gian.
Ngọn lửa mà chúng ta cần và thứ mà chúng ta luôn phải được nuôi dưỡng, đó chính là tình mến – tình mến của Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta qua Chúa Thánh Thần. Bài Thánh Thi của Kinh Giờ Ba nhắc nhở chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần: “flammescat igne caritas – làm bừng cháy lên ngọn lửa của tình mến”.
Chính bởi vì điều này mà nó có tầm quan trọng rất lớn, giống như Hiến chương đức ái đã dạy chúng ta rằng chúng ta cần tương trợ lẫn nhau để giữ cho ngọn lửa tình mến của Chúa Kitô luôn bùng cháy nơi chúng ta và trong chính chúng ta.
Làm thế nào điều này có xảy ra được? Làm thế nào mà Chúa Giêsu luôn thắp cháy sự nhiệt thành của đức ái nơi các môn đệ?
Khi chúng ta suy niệm các Tin mừng về sự Phục sinh, chúng ta lưu ý một điều không thay đổi là: sự hiện ra huyền nhiệm của Chúa làm bùng cháy lên nơi lòng các môn đệ ngọn lửa của tình mến và hân hoan. Không kể tường thuật về các môn đệ trên đường Emmau nói về sự nhiệt thành nơi tâm hồn đã được mô tả rất rõ ràng (x. Lc 24,32), thì việc chiêm ngưỡng cảnh bình minh mà Chúa Giêsu phục sinh hiện ra trên bờ hồ Tiberias làm tôi thích thú. Sau phép lạ về số cá bắt được và sau khi Phêrô đã kéo lên 153 con cá lớn ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu mời các môn đệ cùng dùng bữa sáng mà chính Người đã chuẩn bị cho họ. Thực tế thì họ đã tìm thấy “than hồng cùng với cá ở trên và bánh nữa” (Ga 21,9). Sau khi yêu cầu bảy môn đệ bỏ thêm vào than hồng một số con cá mà họ mới bắt được, Chúa Giêsu chỉ đơn giản mời họ: “Hãy đến mà ăn”. Thánh Gioan nói thêm: “Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai? “, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.”(Ga 21,12-13).
Không khó để tưởng tượng được niềm hân hoan của các môn đệ, mà trước đó đã hết sức mệt mỏi và thất vọng, sống trong giây phút hiệp thông và chia sẻ đó. Trong sự thinh lặng của buổi sớm mai, dưới ánh sáng vàng óng của bình minh in trên mặt hồ, được ở với Chúa Giêsu là một trải nghiệm trọn vẹn và hoàn mỹ. Các ngài chẳng có thể mong muốn bất cứ điều gì khác, cũng chẳng có thể tưởng tượng được vẻ đẹp hoàn mỹ và thanh bình nào có thể lớn lao hơn những điều này. Các môn đệ cảm nhận thấy được yêu thương, được đong đầy bởi tình mến, bởi vì Chúa Giêsu còn đang sống và ở với các ngài. Đối với các môn đệ, tình mến cũng trùng khớp với sự hiện diện sống động của Chúa Kitô. Và kinh nghiệm của tình mến này khiến các ngài có thể yêu thương, yêu một tình yêu của chính Chúa Giêsu, sự hiện diện của Người, và quây quần bên ngọn lửa tình yêu này, các ngài cảm nhận thấy một sự tròn đầy của tình mến dành cho mọi người và cho tất cả mọi thứ: tình yêu giữa các ngài, cho mỗi người trong số các ngài, về tình yêu dành cho các gia đình của các ngài, cho các môn đệ vắng mặt và cho cả nhân loại nữa. Tình yêu đó cũng dành cho bờ biển nơi đó, cho những ngọn đồi và biển cả, cho bầu trời, cho ánh dương và không khí, cho những con chim và cá, cũng như cho cả vũ trụ. Chúa Giêsu, Người đã mời gọi tất cả để đến với Ngài, chỉ đơn giản là ở với Ngài, mà một ngọn lửa đang bùng cháy lên ngọn lửa của tình mến nơi lòng của mọi người và tất cả thực tại.
Tất cả sự mới lạ của đức ái Kitô giáo không phải là những gì được thực hiện cho Thiên Chúa hoặc cho tha nhân. Sự mới lạ là đâu là nơi mà tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân được chiếu tỏa ra: sự mới lạ là ngọn lửa mà Chúa Kitô đã thắp lên cho chúng ta, để chúng ta trải nghiệm vẻ đẹp của sự hiện diện của Người. Cá và bánh đã được Chúa Giêsu nướng chín trên than hồng là biểu tượng của cuộc Thương Khó và Cái Chết của Người, là biểu tượng của Bí tích Thánh Thể. Ngọn lửa tình mến được nuôi dưỡng bằng gỗ của Thánh Giá để ban cho chúng ta chính Chúa Kitô để chúng ta có thể ăn và uống, để đồng hóa và để trao ban.
Thánh Augustinô nhớ lại rằng sự mới lạ của “điều răn mới” mà Chúa Giêsu trao ban cho chúng ta không phải chỉ là yêu thương tha nhân như chính mình, bởi vì Cựu Ước cũng đã đòi hỏi điều đó rồi. Điều mới lạ của điều răn mới là “cởi bỏ người cũ của chúng ta để mặc lấy con người mới”. Yêu như Chúa Kitô yêu chúng ta là một điều răn mới, bởi vì đó là một tình yêu đổi mới chúng ta mọi sự (x. Sup. Joh. 65,1). Điều răn của Chúa Giêsu là mới mẻ bởi vì nó đổi mới tình yêu của chúng ta bằng chính ngọn lửa tình yêu Phục sinh của Người.
Ngay cả Thánh Phêrô, ngay sau khi quây quần quanh ngọn lửa hồng bên bờ hồ, ngài đã hiểu rằng điều mà ngài có thể nói với Chúa Giêsu, đó là: “Thầy biết con yêu mến Thầy!” (x. Ga 21,15-17) bởi vì tình mến này không còn là điều bất kỳ nào đó mà tự nơi nó có thể chạm đến nữa, nhưng là sự phản chiếu và chiếu tỏa về tình yêu mà ngài cảm nhận thấy nó đang bùng cháy trong bản thân mình khi ở bên Chúa Giêsu, và hợp nhất với Người.
Điều mới mẻ nhất là tình mến được thắp lên trong chúng ta bắt nguồn từ sự kết hợp với Chúa Giêsu Kitô.
Các môn đệ quây quần bên Ngài gần đống lửa, với cá nướng và bánh, các ngài cảm nhận thấy bản mình tràn ngập bởi sự nhiệt huyết đơn sơ và sự hân hoan của sự hiệp thông với Người. Có lẽ lúc đó các ngài nhớ đến lời Chúa Giêsu đã nói về chính mình khi Người nói với các ngài về người mục tử tốt lành là người sẵn sàng hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Người nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Các ngài trực giác rằng sự hiệp thông này với Chúa Cha giống như một ngọn lửa luôn bùng cháy trong Chúa Giêsu với một tình yêu không có giới hạn. Sau khi Ngài phục sinh, các môn đệ hiểu rằng các ngài có thể nói điều này về bản thân các ngài đối với Người, và đó là ngọn lửa cũng nuôi dưỡng tình yêu vô hạn trong các ngài. Thiên Chúa gắn kết chúng ta một cách thẳm sâu trong tình yêu đến nỗi mỗi người chúng ta có thể nói về Người: “Tôi và Chúa Kitô là một”; và chúng ta có thể nói điều đó trong ý thức của Giáo Hội rằng sự hiệp thông này với Chúa Giêsu liên kết chúng ta nên một. Ngay cả người anh em của tôi, người chị em của tôi, cũng là một với Chúa Kitô như tôi, và không có gì có thể liên kết chúng ta chặt chẽ hơn mầu nhiệm này. Giáo hội sống dựa trên nhận thức rằng tất cả chúng ta là một với Chúa Kitô. Và khi trở nên một với Ngôi Con, ngay tức khắc chúng ta là một với Chúa Cha, trong sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần: “Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.” (Ga 14,20).
Sự kết hợp với Chúa Kitô, một kinh nghiệm phản chiếu tình yêu Ba Ngôi của Người, là nguồn gốc chắc chắn về sự phong phú của chúng ta. Chúng ta, đối mặt với những thử thách của cuộc sống, về ơn gọi và sứ mệnh mà Chúa giao phó cho chúng ta, chúng ta thường sống với nỗi sợ hãi là chúng ta không có khả năng, cũng như về sự thất bại. Và thậm chí chúng ta còn hoài nghi hơn nữa về khả năng của những người khác có thể thay đổi. Chúng ta quên rằng trước hết Thiên Chúa đã làm chúng ta khả năng kết hiệp với Người, hay đúng hơn là: Chúa Kitô đã làm cho chúng ta trở nên một với Người qua sự chết và phục sinh của Người, với ân sủng của đức tin, Bí tích Rửa tội, Bí tích Thánh Thể và tất cả các Bí tích, làm cho chúng ta trở nên thân thể của Người, tức là Giáo hội. Hồng ân được kết hợp với Chúa Kitô là trọn vẹn nhất, và làm cho chúng ta có mọi khả năng thực hiện tất cả mọi điều mà Chúa muốn từ nơi chúng ta. Sự hiệp thông với Chúa Kitô là ân sủng luôn được trao ban và đổi mới. Bất cứ ai đón nhận và trau dồi ân sủng này đều thấy rằng tất cả đều là hồng ân, ngay cả những nhiệm vụ nặng nề nhất, thậm chí là thử thách nặng nề nhất.
Đón nhận ân sủng này sẽ làm chúng ta có thể hoàn thành và luôn đổi mới ơn gọi của chúng ta, cũng như mọi ơn gọi khác nữa. Trong Hiến chương đức ái, các bậc tiên phụ Xitô của chúng ta, đòi buộc chúng ta phải sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta trong ánh sáng và với lòng nhiệt thành của đức ái, đã truyền lại cho chúng ta, trong sự kế thừa, bí quyết của một cuộc canh tân mà luôn luôn có thể thực hiện được, được nuôi dưỡng chủ yếu bởi ân sủng là trở nên một với Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta cảm nhận thấy sự cần thiết và tính cấp bách của sự đổi mới này, một cách cá nhân hay cộng đoàn, thì chúng ta phải hiểu rằng đó là lời kêu gọi của chính Chúa Kitô để cho chúng ta được thiêu đốt bởi ngọn lửa tình mến trong sự hiệp thông với Người. Tuy nhiên, chúng ta không phải tách biệt tình mến đến từ sự hiệp thông với Chúa Kitô là Đấng đã liên kết chúng ta nên một với Cha trong quà tặng của Chúa Thánh Thần, bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa là tình mến và chỉ những kệt hiệp với Người, chúng ta mới được “thông phần của thiên tính” (2 Pr 1,4).
Sai lầm lớn nhất của chúng ta là quên rằng Chúa Giêsu đã nói với chúng ta, ngay cả khi Ngài yêu cầu chúng ta phải yêu thương nhau, rằng không có Ngài, chúng ta không thể làm gì được (x. Ga 15,5). Định nghĩa một tình mến không có sự kết hợp với Chúa Kitô đã làm cho tình yêu của chúng ta, công việc của chúng ta đi đến thất bại. Chúng ta không được đưa ra quyết định yêu thương, nhưng là ở lại trong sự kết hợp với Chúa Kitô là Đấng là chúng ta có thể yêu mến như Ngài yêu đã chúng ta, yêu thương nhau và yêu mến Ngài trong mỗi người mà chúng ta gặp gỡ.
Chỉ có tình mến này lan tỏa ra từ sự hiệp thông với Chúa Kitô có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta và cộng đoàn của chúng ta. Biến đổi và làm cho chúng chúng ta trở nên các công cụ trong việc dựng xây Nước Chúa, bởi vì “tình mến thì xây dựng” (1 Cr 8,1). Biến đổi cuộc sống của chúng ta và cộng đoàn của chúng ta với lòng đầy xót thương, bởi vì tình mến “che lấp muôn vàn tội lỗi” (1 Pr 4,8), của chúng ta và của những người khác. Biến đổi bằng cách làm trở nên hợp nhất, bởi vì Chúa Kitô là trung tâm của sự hợp nhất của tất cả mợi thực tại được tạo thành. Biến đổi và làm cho chúng ta vượt qua “từ cõi chết để bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em.” (1 Ga 3,14). Biến đổi bằng cách thay đổi nỗi buồn của chúng ta thành niềm vui trong chúng ta và giữa chúng ta lớn lao hơn: niềm vui trọn vẹn của Chúa Kitô (x. Ga 15,11).
Nhưng di sản này cũng là một lĩnh vực đòi hỏi chúng ta phải làm việc. Mỗi sự kế thừa còn sống động được khi nó trở nên một nhiệm vụ. Chúng ta là những người thừa kế của một đặc sủng vốn dĩ đòi hỏi chúng ta phải xây dựng các nơi cư ngụ, các cộng đoàn, cũng như cùng nhau xây dựng một gia đình đan tu, chứ không phải là các bảo tàng hay những câu lạc bộ cá biệt. Hiến chương đức ái dạy chúng ta đón nhận quà tặng tình mến như là một hạt giống muốn sinh nhiều hoa trái. Đồng thời cũng dạy chúng ta phải làm sao tương ứng với thực tế là tình mến nơi chúng ta chỉ có thể được nuôi dưỡng trong sự hiệp thông với Chúa phục sinh.
Sự thừa kế đã được trao tặng cho chúng ta thế nào, và từ đó đòi chúng ta phải trau dồi sự hiệp thông với Chúa Giêsu là Đấng làm trào dâng trong chính chúng ta và giữa chúng ta tình mến của Người ?
Có thể nói rằng chính Chúa Kitô đã kết hợp chúng ta với chính Người trong mức độ mà chúng ta đón nhận và trau dồi để kết hợp với các dấu chỉ và các phương thế của sự hiện diện của Người. Cho nên, cũng giống như Tu luật của Thánh Biển Đức, Hiến chương đức ái, khẳng định rằng trước hết chúng ta kết hợp trong thân mình của Giáo Hội được hình thành bởi đặc sủng của chúng ta, rằng chúng ta không lơ đi sự thuộc về trước tiên đối với cộng đoàn chúng ta và “cộng đoàn của cộng đoàn” mà hình thành nên Dòng của chúng ta và toàn thể Gia đình Xitô. Cũng dạy chúng ta gặp gỡ nhau, lao động cùng nhau, sửa chữa lỗi lầm cho nhau với lòng xót thương, và luôn hướng tới sự hiệp thông của việc cầu nguyện đón nhận chúng ta trong mỗi cộng đoàn như thể đó là của chúng ta vậy.
Chúng ta phải biết ơn các linh phụ của chúng ta đã gửi cho chúng ta lá thư tình mến vốn hằng nhắc nhở chúng ta về tất cả những điều này. Nhưng đối với lá thư này, thì chúng ta phải trả lời.
Thiên Chúa trao cho chúng ta trả lời với lá thư chính cuộc đời của chúng ta, và đó cũng là một bức thư tình!

Fr. Mauro-Giuseppe Lepori OCist Tổng phụ