Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm A
NGƯỜI TỘI LỖI SẼ VÀO NƯỚC TRỜI TRƯỚC CÁC ÔNG
(Ed 18, 25-28; Pl 2, 1-11; Mt 21, 28-32)
Đức Giê su nói: “Người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào Nước trời trước các ông”. Câu nói tạo ra những tranh luận gay gắt nhưng cũng mở ra niềm hy vọng cho con người.
Hy sinh cả đời sống trong tu viện, sống theo luật Chúa mà ai đó nói: mấy đứa tội lỗi kia sẽ và Nước Trời trước các cha, các thầy và các sơ. Chúng ta phản ứng ra sao? Dù không dám tức tối nhưng cũng xa xầm mặt mũi và lẩm bẩm không hiểu nổi, không thể chấp nhận. Đó là tâm trạng của những người đạo đức, công chính chiếu theo luật, họ không thể chấp nhận “quân tội lỗi và những cô gái điếm sẽ vào Nước trời trước họ”. Nếu đúng như thế, họ cho rằng Thiên Chúa quá bất công, và cả đời sống luật của họ sẽ là uổng công. Vậy sống công chính để làm gì?
Câu nói này cho thấy sự khác biệt của đức công chính theo nhãn quan Thiên Chúa và cái nhìn của con người. Những người tự cho mình là công chính chiếu theo luật, lúc nào cũng dạ dạ vâng vâng nhưng chỉ nghe mà không thi hành: “thưa Ngài con đi, nhưng rồi lại không đi”, đó là đạo đức giả, công chính giả: lấy sơn công chính không che lấp lòng dạ bất chính. Ngược lại, dù tội lỗi thế nào mà bỏ đường tà và thi hành theo Lời Chúa vẫn được kể là công chính chiếu theo tình thương và lòng thương xót của Chúa.
Lời Chúa bài đọc I nói rõ ý định của Thiên Chúa: “ người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn kẻ gian ác bỏ điều dữ nó đã làm mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình… nó sẽ được sống và không phải chết”. Như thế, đích điểm của người nghe Lời mà không thi hành hoặc cả gan làm trái là sự chết; Còn người nghe dù tội lỗi thế nào đi chăng nữa mà hoán cải tin Lời và thực hành Lời thì được sống.
Câu nói: “ người tội lỗi và những cô gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ông”, không hề dập tắt con đường cứu độ của cứ ai, kể cả những người dựa theo luật và tự cho mình công chính, nhưng Đức Giê su muốn đánh thức lòng sám hối nơi họ để họ sám hối và được hưởng niềm vui Nước trời; Như thế, lời Chúa Giê su đã mở cánh cửa hy vọng cho người tội lỗi biết hối cải ăn năn, và đây cũng chính là lý do Đức Giê su đến trần gian: “Ta đến để tìm kiếm và cứu chữa những gì đã hư mất”.
Thực tế không ai dám vỗ ngực cho mình là người công chính, may ra chỉ kẻ đạo đức giả mới dám coi người khác là kẻ tội lỗi và cho mình là người công chính. Vì thế, hai từ Sám Hối hay Hối Hận là hàng xa xỉ đối với người tự cao, nhưng lại là chiếc phao cứu sinh cho người tội lỗi. Hai từ Sám Hối hay Hối Hận rất bình thường nhưng đủ để mở một con đường hy vọng. Hy vọng được chữa lành, được cứu độ, được vào Nước trời. Bởi vậy, đức tin và lòng sám hối chính là con đường để Chúa Giêsu đến không những làm mới lại tâm hồn, phục hồi phẩm hạnh cao quý của những ai biết sám hối mà còn cho họ hưởng trọn niềm vui cứu độ.
Giờ không phải lúc ngồi xét xem ai công chính hơn ai, ai tội lỗi hơn ai; Cũng chẳng phải lúc dìm mình trong tự ti mặc cảm về thân phận của mình. Quan trọng nhất trong lúc này là hãy mặc lấy, “hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu”, đó là đừng làm chi vì “ganh tị” hãy lấy “lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” và cứ đường lối Chúa mà thẳng tiến; Đồng thời cũng phải biết mặc lấy tâm tình của những người tội lỗi biết sám hối ăn năn, để thấy rằng lòng thương xót của Thiên Chúa trong Đức Giê su thì lớn hơn tất cả tội lỗi của chúng ta, và hồng ân cứu độ vẫn thuộc về những ai biết sám hối ăn năn.
Xin Chúa ban ơn sám hối cho tất cả chúng con, để dù được gọi là công chính hay tội lỗi chúng con vẫn một lòng sám hối ăn năn và cùng nhau tay trong tay tiến về Trời.
FM. Tùy Phúc Hậu