Theo Tông huấn Christus Vivit – Đức Kitô Hằng Sống, từ số 179-201
- Dẫn Nhập
“Chim có tổ, suối có nguồn, con người có tổ tiên, có cội nguồn”. Nhưng cội nguồn hay nguồn gốc của con người phát xuất từ đâu và sẽ đi về đâu? Cội nguồn của con người vẫn là bí ẩn lớn nhất. Có người cho rằng, con người phát xuất từ đất và khả thể của đất. Thuyết tiến hóa của Darwin lại cho rằng con người tiến hóa từ loài vượn. Con người chẳng phải là đất, cũng chẳng thể nào phát triển, tiến hóa thêm, nhưng là một cái gì hoàn toàn mới: cái hoàn toàn mới đó chính là hơi thở của Thiên Chúa; sách Sáng thế viết: “Ngài thổi sinh khí vào lỗ mũi, nhờ vậy con người trở thành vật sống động” (St 2, 7). Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình. Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1, 27).
Như vậy, nguồn gốc hay cội rễ của con người chính là Thiên Chúa. Từ nguồn cội này, Ngài cho chúng ta được tham dự vào sự sống của Ngài, đồng thời Ngài ban cho con người có khả năng yêu thương, sự tự do, sự thật, tình bằng hữu, tình yêu quê hương đất nước, truyền thống gia đình, niềm tin tôn giáo. Một con người khi lớn lên, nếu không biết mình là ai, xuất phát từ đâu, không biết nguồn cội, xem nhẹ truyền thống của ông bà tổ tiên, không ai dám chắc người ấy được hạnh phúc, vì “quê hương, cội rễ nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nỗi thành người”.
Vì thế, khởi đầu Tông huấn: “Đức Kitô Hằng Sống”, Đức Phanxicô khẳng định nguyên lý của mọi sự, cội rễ của tất cả: “Đức Kitô Hằng Sống. Ngài là niềm hy vọng và là sự trẻ trung đẹp nhất của thế giới. Tất cả những gì Ngài chạm đến đều trở nên trẻ trung, tươi mới và tràn đầy sức sống”[1]. Do đó, nếu chúng ta muốn có nền tảng, cùng đích, gốc rễ thì hẳn chúng ta phải xây trên đá tảng là Đức Kitô. Người đang sống, Người ở với chúng ta, và chắc chắn Người không bỏ rơi chúng ta. Dù chúng ta có đi lạc, nhưng lòng nhân và tình thương Chúa ấp ủ ta trong suốt cả cuộc đời. Thế nên, chúng ta cần giữ sự nối kết, cần giữ liên lạc “online” với Người. Giống như chúng ta cố gắng để không mất nối kết internet, hãy bảo đảm rằng chúng ta luôn nối kết với Chúa. Điều này có nghĩa là đừng ngắt cuộc đối thoại, nhưng hãy lắng nghe, chia sẻ đời sống của chúng ta cho Người, và bất cứ khi nào chúng ta không rõ mình nên làm gì, thì hãy hỏi: “Chúa ơi, Chúa sẽ làm gì trong trường hợp của con?”[2] Lúc đó, Người sẽ tưới gội chúng ta bằng ân sủng của Ngài, để ta trở nên mảnh đất màu mỡ đầy đủ dưỡng chất, những dưỡng chất đó làm cho chúng ta lớn lên trong ân tình và tín nghĩa.
Nhưng làm sao chúng ta có thể lớn lên trong ân tình và tín nghĩa? Khi mà chúng ta đang sống trong một thế giới tự do chi phối bởi các ý thức hệ, một thứ tự do như JP quan niệm: con người có quyền làm mọi thứ, và nhiều người trẻ cũng tin như thế. Tự do dẫn đến một nền “văn hóa loại bỏ”, không tôn trọng sự sống và phẩm giá, gạt bỏ tất cả những giá trị như công lý, đức tín thành, lòng nhân nghĩa và tình thương xót, đó là dấu hiệu mất gốc. Tất cả núp trong vỏ bọc của cái gọi là “tôn thờ tuổi trẻ”, thôi thúc người trẻ “cháy hết mình” nơi những trò vô bổ. Họ chăm chút vẻ đẹp bên ngoài hơn là những giá trị bên trong. Các cụ ngày xưa quan niệm “cái nết đánh chết cái đẹp”, nhưng thời nay xem ra, “cái đẹp đè bẹp cái nết”. Vẻ đẹp hào nhoáng bên ngoài luôn hấp dẫn người trẻ đến nỗi nhiều bạn trẻ làm mọi thứ để đánh bóng diện mạo của mình. Bên cạnh những mưu chước của một sự sùng bái tuổi trẻ, chúng ta còn thấy một mưu chước tệ hại hơn, đó là: họ cố gắng quảng bá một cuộc sống không Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã chết. Đây là những nguy cơ thật sự làm cho người trẻ mất gốc rễ.
Đức Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ rằng: “Các bạn trẻ thân mến, các con đừng cho phép người ta khai thác tuổi trẻ của các con để quảng bá một lối sống nông cạn vốn nhập nhằng lộn xộn giữa cái đẹp và dáng vẻ bên ngoài”. Lời nhắn nhủ này được mấy ai nhận ra?[3] Ngài nói tiếp: “Các con hãy nhận ra nét đẹp từ cội rễ của các con, bởi cội rễ ấy luôn quan trọng để các con bám vào”. Nhưng là cội rễ nào đây? Làm cách nào để người trẻ hôm nay vẫn tin và bám vào cội rễ? Là người Công giáo, chúng ta tin Thiên Chúa chính là nguồn cội, là sự sống đích thực của chúng ta. Nhưng làm sao biết được Thiên Chúa chính là nguồn cội của mình? Đức tin cho chúng ta câu trả lời.
Như thế, ta sẽ có đủ sức gánh vác cuộc đời, và tự tin khi đối diện với mọi thứ; bởi đơn giản, chúng ta có Thiên Chúa làm trọng tài, có Ngài luôn bảo bọc chở che và đồng hành hướng dẫn; đồng thời, chúng ta có Giáo hội là Mẹ và là Thầy, có những giá trị tôn giáo làm bệ phóng để ta có thể vươn cao bay xa. Từ đó, chúng ta có quyền hy vọng lao mình về phía trước để đoạt được giải, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhưng bằng cách nào? “Hãy chăm sóc gốc rễ của mình”[4]. Người trẻ cần giữ mối liên hệ với người già, cần trân trọng những ân huệ; và nhắc nhở các bậc cao niên có bổn phận giúp người trẻ, cùng nhau lắng nghe và thực hành lời Chúa. Vì thế, ngài khuyên: “Các con không nên mất liên lạc với những người lớn tuổi, những bậc khôn ngoan trong Giáo hội, để thu thập kinh nghiệm”, và hãy đi cùng nhau, mạo hiểm với nhau, vì trên hành trình này, “người trẻ và người già cùng nhau bén rễ sâu trong hiện tại, nhắc lại quá khứ cùng nhìn đến tương lai bằng ánh sáng Tin Mừng, để chúng ta có khả năng lướt thắng được những cám dỗ khiến chúng ta bật gốc rễ”.[5]
- Nguy Cơ Làm Bật Gốc Rễ
1.1 Các ý thức hệ
Trong thời đại hôm nay, nhiều người trẻ bị lung lạc bởi các ý thức hệ, họ bị sử dụng và khai thác như bia đỡ đạn để tiêu diệt, khủng bố hay hạ nhục người khác. Tệ hơn nữa, nhiều người trẻ ‘tôn thờ cái tôi nhân’, hay gây hấn và nghi ngờ người khác; bằng cách này, người trẻ trở thành một mục tiêu dễ dàng cho những sách lược bạo tàn của các nhóm chính trị hay các thế lực kinh tế. Chúng ta biết, các ý thức hệ đều áp đặt, hay một thứ mê hoặc; thánh Phaolô coi các ý thức hệ như một thứ gì đó mê hoặc, chính vì thế ngài trách cứ những tín hữu Galát: “Ôi những người Galata vô tâm trí, ai đã mê hoặc anh em? Những người rao giảng bằng những ý thức hệ: Tôi muốn anh em cho tôi biết điều này thôi: anh em đã nhận được Thần Khí vì đã làm những gì luật dạy, hay vì đã tin nhờ được nghe. Anh em đã khởi sự nhờ Thần Khí, nay lại kết thúc nhờ xác thịt sao? Ngài còn nói thật nặng lời: [anh em] thật ‘ngu xuẩn’, vì anh em đã để cho bản thân mình bị mê hoặc (Gal 3, 1-5).
Kính thưa cộng đoàn, ngày nay các ý thức hệ ảnh hưởng rất nhiều đến giới trẻ vì chúng nhấn mạnh đến chủ nghĩa cá nhân; chủ nghĩa cá nhân quan niệm tất cả mọi người cần tuyệt đối bình đẳng về điều kiện, suy nghĩ, tự do quyết định chứ chẳng cần gì truyền thống, chẳng cần gì luật lệ, và chẳng cần tới niềm tin vào một ai đó, mình là mình… muốn làm gì thì làm, và đánh mất gốc rễ. Từ đó, một thứ phi văn hóa ra đời; văn hóa loại bỏ.
1.2. Văn hóa loại bỏ
Trong khi các nhà khoa học trên thế giới đang dồn toàn tâm, toàn lực cùng chung tay tìm ra vắc xin để ngăn ngừa Virus Corana, hầu có thể cứu vãn phần nào sự sống cho con người trong cơn đại dịch Covid 19, thì ngấm ngầm đồng thời vẫn loại bỏ sự sống của những thai nhi vô tội, những người già neo đơn, những bệnh nhân nan y, họ cho rằng những người này không còn giá trị. Đức Phanxicô thật đau lòng khi viết: “Trong một nền văn minh không tôn trọng sự sống và phẩm giá của con người, không có chỗ cho người già hoặc người cao niên bị loại bỏ, thì xã hội đó đã nhiễm vi khuẩn của sự chết chóc”[6].
Thật vậy, Giáo hội không ngừng thúc đẩy và luôn cổ võ toàn thể nhân loại xây dựng một nền văn minh tình thương, nơi lòng nhân được tôn trọng. Vì thế, Đức Phanxicô nói tiếp: Một xã hội được coi là “văn minh”, khi xã hội ấy phải chân nhận giá trị thánh thiêng của sự sống, và tôn trọng phẩm giá của mọi người”. Một xã hội đang làm tiêu mòn đi nhận thức về sự quý giá của sự sống con người, và giá trị sự sống được đánh giá trên tiêu chuẩn hiệu quả và tính hữu dụng, đến mức cho rằng, những cuộc sống không đáp ứng được các tiêu chuẩn này thì bị xem là “cuộc sống bị bỏ đi” hay “cuộc sống không xứng đáng”. Qua đó, chúng ta thấy, một xã hội được gọi là “văn minh”, “nếu nó phát triển kháng thể chống lại văn hóa loại bỏ”.[7]
Bởi thế, Đức Giáo Hoàng nhắn nhủ: cần có lòng trắc ẩn, khi đề cao gương mẫu của người Samaria tốt lành, ngài nhắc rằng: cần phải hoán cải nội tâm, nghĩa là hoán cải con tim, để chúng ta có lòng trắc ẩn. Không có lòng trắc ẩn, ta sẽ nhìn dửng dưng như thầy tư tế, và Lêvi, họ nhìn đó, nhưng chẳng quan tâm đến những gì mình thấy và rồi bỏ đi; ngược lại, những người có trái tim nhân hậu thì được đánh động và can thiệp, dừng lại và chăm sóc. Muốn được như thế, thì cần nhắc lại lời Mẹ Têrêsa Calcuta, người đã sống sự gần gũi và chia sẻ với những người nghèo, neo đơn, những bệnh nhân khi nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của họ cho đến cuối cùng. Mẹ nói: “Một người mà trong cuộc đời chỉ thắp lên một ngọn đuốc trong giờ phút đen tối của ai đó, thì cuộc sống của người đó sẽ không vô nghĩa”[8].
Như vậy, khi chúng ta tôn trọng phẩm giá của con người, lúc đó chúng ta sẽ xây dựng một nền văn minh tình thương, một nền văn minh của sự sống, nếu không chúng ta sẽ rơi vào cái nguy cơ tiếp theo làm chúng ta bật rễ, đó là: loại bỏ quá khứ, truyền thống để sùng bái tuổi trẻ.
1.3. Sùng bái tuổi trẻ
Số 182, Đức Phanxicô viết: “Ngoài ra, còn có một chiêu trò khác được những “bậc thầy thôi miên” này sử dụng, đó là: “sự sùng bái tuổi trẻ”, thái độ loại trừ những gì không còn trẻ, xem nó như lỗi thời và đáng khinh”. Với góc nhìn đó, thân xác của người trẻ trở thành biểu tượng cho trào lưu sùng bái; những gì “không còn trẻ trung” thì bị coi thường, đề cao đam mê cháy bỏng, đến mức loại bỏ nguồn gốc, coi khinh giá trị văn hoá, và cũng coi thường cách sống của người lớn tuổi, của cội rễ tôn giáo.
Thái độ này được biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau như: thích hào nhoáng bên ngoài, đến độ coi khinh vẻ đẹp tâm hồn; có vẻ như là “lỗi thời” để tin vào Thiên Chúa và giáo huấn của Giáo hội; thích tình dục ngoài hôn nhân hơn là giá trị hôn nhân truyền thống; thích đề cao sự hưởng thụ tiện nghi vật chất, hơn là khổ chế bản thân. Chúng ta chứng kiến những nam thanh, nữ tú lại say mê thần tượng. Tại sao lại họ lại cuồng si thần tượng? Những chuẩn mực đạo đức, những giá trị luân lý truyền thống dường như đã bị đảo lộn. Sự sùng bái thần tượng, cho thấy ảnh hưởng của chủ nghĩa tiêu thụ đối với giới thanh thiếu niên hiện nay là rất lớn. Chủ nghĩa tiêu thụ vốn đề cao những gì hào nhoáng và đưa đến việc khiến cá nhân chỉ xây dựng căn tính của mình dựa trên những “vật” hào nhoáng ấy mà thôi; và rồi những người này sống như chẳng có ai trên mình nữa, dẫn đến tình trạng sống ở trên đời chỉ có mình vậy, họ coi Thiên Chúa không hiện hữu, một Thiên Chúa đã chết.
1.4. Một linh đạo không Thiên Chúa
Không khó để nhận thấy rằng các Giáo hội Kitô đang nỗ lực thu hút và giữ lại những người trẻ đang rời xa Giáo hội mà họ không biết rằng đó là một phần có ý nghĩa trong đời sống mình. Thiểu số người có tôn giáo thấy mình như đang lội ngược dòng. Theo điều tra của viện Gallup, từ năm 2005 đến 2012, tiến sĩ Mark Gray, Georgetown University, nhận định rằng: “Một trong những lý do là sự phân tách giữa đức tin và giáo dục, khi mà người trẻ có thể đi lễ chỉ một lần mỗi tuần nhưng còn lại cả tuần, để nghe người ta bêu riếu rằng đức tin là “ngớ ngẩn”, là vô bổ. Người trẻ có khuynh hướng phản kháng, và không muốn chỉ là những “thùng chứa” bất đắc dĩ tôn giáo của cha mẹ mình. Người trẻ muốn tự mình quyết định tương lai, kể cả niềm tin, đôi khi dứt khoát với quá khứ nơi mình xuất thân, họ như “những cây nhỏ xinh xinh, nhánh cứ vươn lên cao mãi với bộ rễ lưa thưa không được bén sâu vào lòng đất”[9], thế là không được hút dưỡng chất từ đất, nên chết dần chết mòn.
“Linh đạo không Thiên Chúa”, đây không phải lần đầu tiên Đức Phanxicô đề cập đến, nhưng trước đó trong Tông huấn, “Evangelii Gaudium”, số 63, ngài nói: “Đức tin Công Giáo của nhiều người ngày nay đang bị thách thức bởi sự nở rộ của các phong trào tôn giáo, một số có khuynh hướng cực đoan đề nghị: một linh đạo không Thiên Chúa”. Vì thế, ngài lấy làm buồn: “Khi thấy người trẻ được gợi ý xây dựng một tương lai không cội rễ như thế giới mới bắt đầu từ hôm nay vậy”[10], và họ đang đối diện với những sai lầm, sai lầm lớn nhất là họ cổ võ một linh đạo không Thiên Chúa.
Dưới triều đại của Đức Bênêđictô XVI, ngài cũng đã cảnh báo cái nguy cơ này: “Con người dường như muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của mình, bởi họ coi văn minh kỹ thuật và mức sống phồn thịnh ngày nay đưa con người tới chỗ khẳng định, là mọi chuyện con người làm ra”. Khi nghĩ vậy, thì dương nhiên người ta sẽ hạn chế cuộc sống vào cái chúng ta có thể làm, có thể tạo ra, và có thể chứng minh được mà thôi. Như vậy, vấn đề Thiên Chúa chẳng cần đặt ra nữa. Trong cơn đại dịch Covid 19, có nhiều người than vãn rằng: Thiên Chúa của người Công giáo đâu?
Vẫn biết rằng, Đức Phanxicô tha thiết mời gọi toàn thể tín hữu, và toàn thế giới cầu nguyện cho cơn đại dịch mau chấm dứt. Thế mà tính đến ngày hôm qua 3.10.2020, toàn thế giới ghi nhận 34.463.670 người nhiễm bệnh, và 1.023.659 người chết, cơn đại dịch chưa thấy dấu hiệu chửng lại, thử hỏi Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Ngài lại im tiếng? Tại sao Ngài lại không trả lời, lời cầu xin của bao người thiện ý, như Ngài phán: “Hãy xin thì sẽ được”? Tại sao Ngài ẩn mặt? Tại sao nhân loại lại gặp điều trái ngược với những gì mình xin? Đây là cơn cám dỗ triền miên của con người, nhưng với chúng ta, hãy nghe lời Đức Phanxicô nói: “Đứng trước đau khổ, qua đó người ta có thể đo lường mức độ phát triển đích thực của các con. Chúng ta thấy, biết bao người hằng ngày thực hành kiên nhẫn và đổ tràn hy vọng, chú tâm không gieo rắc kinh hoàng nhưng gieo vãi tinh thần đồng trách nhiệm. Biết bao người cha, người mẹ, ông bà, giáo chức, chỉ cho các trẻ em chúng con qua những cử chỉ bé nhỏ và thường nhật – cách thức đương đầu và vượt thắng một cuộc khủng hoảng, bằng ngước mắt lên cao và khích lệ cầu nguyện. Hãy cầu nguyện, đó là khí giới hữu hiệu nhất giúp chúng ta chiến thắng”[11], vì điều này chắc chắn không có nghĩa Chúa là cái kho để ta muốn lấy gì thì lấy, hầu lấp đầy chỗ trống của chúng ta.
Trái lại, chúng ta tin tưởng Ngài sẽ nhận lời chúng ta và sẽ ban cho chúng ta những gì mà Ngài cho là phải, là đúng[12]. Đó mới là người con hiếu thảo, đó mới là phương thế để gốc rễ của chúng ta thêm vững chắc[13], đó mới là lời nhắc nhở cho những người than trách Thiên Chúa rằng, chỉ có:“Kẻ ngu si mới tự nhủ làm chi có Chúa Trời”. Chắc chắn trong chúng ta không ai muốn mình là kẻ ngu si cả. Bởi thế, chúng ta đừng để mình bật gốc rễ, hãy bén rễ sâu vào Thiên Chúa Ba Ngôi để chúng ta kín múc được sự khôn ngoan từ Ngài. Từ sự khôn ngoan này, chúng ta được lớn lên, được triển nở và sinh hoa trái”. Một trong những cách thiết thực để bồi đắp vun xới hầu gốc rễ của chúng ta được vững chắc đó là xây dựng mối tương quan giữa người trẻ với các bậc cao niên[14]
- Xây Dựng Mối Tương Quan Giữa Người Trẻ Với Các Bậc Cao Niên
2.1. Người trẻ biết trân trọng những ân huệ
Người trẻ chúng ta hôm nay hãy biết trân trọng những ân huệ mình đang có; vì đó sẽ con đường dẫn chúng tới tới cội nguồn sự sống, cội nguồn hạnh phúc là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong cuộc sống hàng ngày, chưa nói tới những ân huệ siêu nhiên, (bảy Ơn Cả Chúa Thánh Thần). Ngồi ngẫm lại một chút, thì chúng ta sẽ nhận ra biết bao ân huệ trong cuộc sống; thật vậy, đối với nhà Phật họ nhận thấy 10 ân huệ thiết yếu: “Ân huệ được trời đất che chở; Ân huệ được cha mẹ dưỡng dục; Ân huệ được thầy cô dạy dỗ; Ân huệ được quý nhân dìu dắt; Ân huệ được người chỉ cho mình kiến thức; Ân huệ của người cứu bạn lúc nguy nan; Ân huệ của người góp nên thành công của bạn; Ân huệ được là vợ chồng quan tâm chăm sóc lẫn nhau; Ân huệ có được tình cảm anh em; Ân huệ có được tình bạn tri kỷ, thân thiết”. Nếu người trẻ biết trân trọng những ân huệ tự nhiên này, thì ta sẽ sống không vô ơn với đời, với người và với cội nguồn của mình.
Còn chúng ta những người được thừa hưởng đức tin của cha ông để lại, biết bao ân huệ Chúa đã ban cho chúng ta, như con đã nói bảy Ơn Cả Chúa Thánh Thần, Ngài ban cho chúng ta cách nhưng không. Chúng ta càng phải biết ơn và trân trọng biết chừng nào, vì những ơn huệ này dẫn chúng ta tới thiên đàng, tới Thiên Chúa Ba Ngôi cội nguồn Chân Thiện Mỹ, cội nguồn sự sống của chúng ta. Với tâm tình đó, con xin nhắc lại những ân huệ này một chút, để giúp mỗi người chúng ta nhất là những người trẻ, luôn biết trân trọng và lắng nghe tiếng nói âm thầm của Chúa Thánh Thần hầu chúng ta giữ vững gốc rễ, cội nguồn của mình.
Thứ nhất, Ơn khôn ngoan: Là “Ân huệ Chúa Thánh Thần” giúp chúng ta luôn ở trong tư thế “tìm kiếm Thiên Chúa và Thánh ý của Ngài” (Am 5,4tt; Mt 7,8; Is 59,2; Kn 1,1; Xp 2,3; Tv 22,27; Dnl 3,39tt; Cv 3,27; Gr 29,14; Tv 69,33; Ga 8,21; Pl 3,8.12; Rm 10,3; Cl 3,1; Ga 13,33; ….); thứ hai, Ơn hiểu biết giúp ta biết, cái gì là tốt, là hoàn hảo, cái gì là xấu… (Ga 6,44; 14,26; Rm 12,2; Cl 1,9; v,v…); thứ ba, Ơn khéo liệu giúp chúng ta có những quyết định đúng đắn trong cuộc sống hiện tại và tương lai của mình, hợp với thánh ý Thiên Chúa và mang lại hạnh phúc đích thực; thứ tư,Ơn mạnh bạo giúp ta đủ sức mạnh thực hiện những quyết định trong mọi khó khăn (Lc 11,28; 14,28-33; 12,57-59; 12,47; Mt 7,21; 21,31; Dt 13,21; Pl 2,13; ….); thứ năm: Ơn thông minh: giúp chúng ta biết được: Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa duy nhất và chân thật; và mối tương quan giữa Thiên Chúa và Đức Giêsu là mối tương quan Cha Con trong vĩnh hằng và trong lịch sử; thứ sáu: Ơn đạo đức giúp ta tin yêu Chúa và giúp đỡ anh chị em, vì trong Đức Giêsu Kitô (Mt 6,9; Rm 8,29; Gl 3,26; 4,5tt; Dt 12,5-12, tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau vì cùng có chung Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và là Cha (Mt 6,9; 2Pr 1,4) ; (1Tm 2,4).
Vì thế, con người cần đáp lại tình yêu Thiên Chúa với “tình con thảo” (1Ga 4,7-8; Gl 4,6), bằng Ơn kính sợ Ngài, giúp ta luôn có được những thái độ, tâm tình đúng đắn và quân bình “vừa yêu vừa kính sợ” đối với Thiên Chúa, Đấng vừa đáng sợ vừa đáng yêu (Mysterium tremendum et fascinosum) (Ml 1,6; Dnl 10,12; Cn 1,7; Cv 10,34tt). Như thế, mỗi khi những người trẻ biết trân trọng những ân huệ tự nhiên cũng như siêu nhiên, thì lúc đó: “Người trẻ sẽ hướng nhìn tương lai với đầy sinh lực và sự năng động”, để rồi có những quyết định đúng đắn. Nhưng trong những quyết định của người trẻ, người già cũng có bổn phận và đóng một vai trò quan trọng.
2.2. Bổn phận người già
Một loạt câu hỏi, Đức Giáo Hoàng nêu lên. Ngài đặt vấn đề, là những người già, chúng ta có bổn phận nào, và có gì để trao cho người trẻ? Có nhiều lắm: sự khiêm tốn, lòng nhiệt thành, sự vâng phục. Rồi, “Người già có thể nhắc cho những người trẻ hôm nay, những người đang có những tham vọng táo bạo lẫn những bất an của riêng họ, rằng một đời sống mà không có tình yêu là một đời sống khô cằn”. Người già có thể kể cho người trẻ điều gì? Nhiều lắm, có thể kể về tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa trải dài trên cuộc đời; biết bao ân huệ đã nhận được. Người già có thể nói với những người trẻ đang sợ hãi rằng, họ có thể vượt qua nỗi lo lắng về tương lai. Với hành trình dương thế đầy những chông gai, nhưng không thiếu ân tình của Thiên Chúa vẫn bảo bọc chở che, thế nên, người già tạo sự an toàn cho người trẻ. Người già có thể dạy giới trẻ điều gì? Nhiều điều: “Người già có thể dạy những bạn trẻ đôi khi quá loay hoay với chính mình rằng cho thì vui hơn là nhận, và rằng tình yêu không chỉ thể hiện nơi lời nói, mà cả nơi hành động nữa”[15].
Nhìn vào gương mẫu bao bậc tiền bối đã để lại, người trẻ chúng ta cảm nghiệm được rằng, thật là tuyệt vời khi cho đi, thật là tuyệt vời khi sẵn sàng phục vụ, và thật là tuyệt vời khi hy sinh quên mình…tất cả những thứ đó sẽ làm cho người trẻ có một cái nhìn tích cực khi dấn thân phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội và tha nhân. Nhưng làm thế nào để những người trẻ sống chung với người già không xẩy ra xung đột? Việc người trẻ sống chung với người lớn tuổi là việc không hề đơn giản theo kiểu xưa. Ngày nay, người trẻ vốn đã gặp nhiều áp lực trong cuộc sống, nên khi về nhà cha mẹ già không thông cảm thì cũng rất dễ bị căng thẳng, và tổn thương. Trong cộng các đoàn tu cũng vậy, khi nhiều thế hệ sống chung với nhau, có cách suy nghĩ khác nhau, nếu như người già cứ khư khư với quá khứ, “người trẻ hướng nhìn tương lai với đầy tràn sinh lực và sự năng động”, thì làm sao có sự dung hòa?
Vì thế, ngài nhắc nhở các bậc cao niên có bổn phận “giúp người trẻ khám phá những kho tàng sống động của quá khứ, trân trọng ký ức”. Nhưng điều này không có nghĩa rằng là người trẻ phải đồng ý với bất cứ gì người lớn nói. Một người trẻ luôn cần có tinh thần phê bình, tâm hồn cởi mở và biết lắng nghe. Thánh Basiliô khích lệ người trẻ quí trọng các tác giả Hy lạp cổ, nhưng chỉ chấp nhận những gì tốt đẹp mà họ dạy. Điều này rất đúng với tinh thần của Chúa: “Những gì tốt đẹp họ dạy thì hãy làm, còn những gì họ làm thì đừng có làm theo”[16]. Nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng, dù gì đi nữa, người cao niên vẫn rất cần cho người trẻ chúng ta, vì nếu chúng ta không trân quý và biết ơn với người già, giới trẻ chúng ta ắt bị bật gốc.
2.3. Giữ sự gần gũi với người già
Lời Chúa nhắn nhủ với chúng ta rằng: “Thấy người đầu bạc, ngươi phải đứng lên” (Lv 19,32). Vì “sức mạnh là niềm tự hào của giới thanh niên, mái đầu bạc là vinh dự của hàng bô lão” (Cn 20,29)[17]. Một trong những gương mẫu nổi bật được Tin Mừng kể lại về sự gần gũi giữa người trẻ với bậc cao niên đó là: Đức Maria và bà Elisabet. Một bên còn đôi mươi, trẻ đẹp tràn đầy sức sống, bên kia là bà già lủ khụ. Nhưng cuộc gặp gỡ tràn ngập niềm vui, đức tin và hy vọng. Tình yêu, và sự quan tâm của Mẹ thôi thúc Mẹ lên đường đến gặp gỡ bà chị họ cao tuổi của mình, để giúp đỡ, nhưng cũng là để học hỏi từ bà, một sự khôn ngoan nào đó: “Hãy có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó. Thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới, chân đi mòn ngưỡng cửa nhà họ” (Hc 6,34.36)[18].
Bằng những kiểu nói khác nhau, ngài cũng gợi lại giới răn thứ tư: “Hãy tôn kính cha ngươi và mẹ ngươi, để được sống lâu trên mảnh đất mà Chúa là Thiên Chúa của ngươi đã ban cho ngươi” (Xh 20,12). Như thế, “một dân tộc sẽ không có tương lai nếu như dân tộc đó không có sự gặp gỡ giữa các thế hệ, và nếu như một gia đình con cái không lãnh nhận cách biết ơn chứng tá của cuộc sống từ đôi tay của cha mẹ, thì làm sao người trẻ có thể lớn lên”. Thế nên, lời khuyến cáo của thánh Phaolô Tông đồ gởi cho người môn đệ trẻ Timôthê và, xuyên qua ông, nói với chúng ta rằng: “Hãy tôn trọng người cao tuổi và các thành viên trong gia đình, và thánh nhân nói thêm: làm điều đó với một thái độ con thảo: các cụ ông coi cụ như là cha; các cụ bà coi như là mẹ” (x.1Tm 5,1).
Rồi, một vị lãnh đạo cộng đoàn cũng vậy, dầu người ấy có thể trẻ hơn, giỏi hơn cách này cách khác, nhưng không được miễn chuẩn khỏi ý muốn này của Thiên Chúa, đó là: Hãy biết trân trọng những thành viên trong cộng đoàn, hơn nữa, lòng yêu mến Chúa Kitô thúc đẩy người lãnh đạo làm điều đó với một tình yêu lớn. Như Đức Maria, Đấng dù đã trở nên Mẹ của Thiên Chúa, lại cảm thấy được thúc đẩy bởi tình yêu, Mẹ năng động, sẵn sàng mau mắn lên đường đến thăm bà chị họ cao niên của mình. Ngài không loay hoay với kế hoạch nhỏ, nhưng Mẹ quan tâm và để ý tới bà chị cao niên cần bàn tay trẻ khỏe của mình giúp đỡ trong lúc chuẩn bị sinh nở. Mẹ không chần chừ, nhưng Mẹ lên đường với tất cả niềm vui và hy vọng. Chúng ta có thể nghĩ rằng Mẹ Maria, khi ở nhà bà Êlisabeth, sẽ nghe bà, giúp bà công việc, và cùng gia đình bà cầu nguyện, xin ơn và cảm tạ Chúa: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, chính Ngài là niềm hy vọng của con, con ẩn náu bên Ngài ngay từ độ thanh xuân, giờ đây, xin đừng bỏ rơi con khi con già yếu; chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn. Cả lúc con già nua và tóc bạc, ôi lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con; và con sẽ tường thuật quyền năng của Chúa cho thế hệ này được rõ, và dũng lực của Ngài cho thế hệ mai sau” (Tv 71,5.9.18).
Đó là tiếng kêu than của người cao tuổi lo sợ bị quên lãng và coi khinh. Tâm hồn Mẹ đã cảm được này của Chúa, và cùng với bà chị họ cao niên thốt lên những lời chân tình đó như nhà vịnh gia. Chắc chắn Mẹ Maria sẽ không bao giờ quên bà chị đã cao niên, bởi Mẹ đã nghe và giữ tất cả điều đó trong lòng. Vậy nên, người trẻ có thể giữ sự gần gũi với người già khi và chỉ khi chúng ta biết lắng nghe và yêu mến Lời Chúa.
2.4. Yêu mến Lời Chúa
Thánh Giêrônimô để lại cho chúng ta một câu bất hủ: “Ai không biết Kinh Thánh là không biết Chúa”, biết cũng có nghĩa là yêu. Thật vậy, trong Thông điệp Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2006, Đức Bênêđictô XVI viết: “Các bạn trẻ thân mến, các bạn hãy yêu mến Lời Chúa để các bạn tiếp cận được một kho tàng rất quý giá, và Lời ấy sẽ là ngọn đèn soi cho các con bước, là ánh sáng chỉ đường cho các con đi”. Quả thế, Lời Chúa là lời sống động và linh hoạt, sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, gân cốt và tủy não, lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng dạ con người” (Dt 4, 12). Thế nên, khi yêu mến Lời Chúa, là các bạn yêu Chúa, vì Công đồng Vatican II định nghĩa: Lời Chúa là chính Chúa. Thánh Gioan nói: “Nếu chúng ta ở lại trong lời của Chúa, thì hẳn thật, chúng ta là môn đệ của Ngài, và lúc đó chúng ta sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng chúng ta” (Ga 8, 31–32).
Đối với nhiều người trẻ, sự gặp gỡ Đức Kitô là khởi đầu cho một cuộc mạo hiểm phi thường. Họ bắt đầu hiểu rằng “người kitô hữu có sứ vụ giảng rao lời của hy vọng bằng cách chia sẻ với những người nghèo khó, những người đau khổ qua việc làm chứng về lòng tin của mình vào vương quốc của chân lý và sự sống; của thánh thiện và ân sủng, của công lý, tình yêu và hoà bình, qua sự gần gũi mà không phê phán hay lên án nhưng luôn nâng đỡ, sáng soi, an ủi và tha thứ[19]. Chúng ta hãy mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần để Ngài hướng dẫn chúng ta hiểu rằng, phục vụ Tin Mừng không phải là một công việc nhỏ nhặt muốn làm cũng được mà không làm cũng không sao, nhưng phải thấy đây là một công việc cấp thiết, “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng”.
Vì thế, Đức Bênêđictô XVI mời gọi: “Các con thân mến, các con hãy thường xuyên suy niệm Lời Chúa và hãy để Chúa Thánh Thần trở thành người Thầy của các con. Lúc đó các con sẽ khám phá ra rằng cách suy nghĩ của Chúa không giống cách suy nghĩ của loài người. Khi chiêm nghiệm Thiên Chúa, các con sẽ nếm được sự hân hoan đến từ chân lý. Trong cuộc hành trình của cuộc đời, thực sự không dễ dàng và đầy dẫy những thất vọng, các con sẽ gặp những khó khăn và đau khổ, và có lúc các con bị cám dỗ thốt lên “lạy Chúa, con bị khốn khổ ê chề quá” (Tv 119, 107), nhưng đừng quên “lạy Chúa, chiếu theo lời Ngài, xin cứu sống con. Mạng con hầu như muốn chết hụt, nhưng con đã không quên thánh chỉ của Ngài” (Tv 119, 107, 109). Sự hiện diện của Chúa, qua lời Ngài, là ngọn đèn xua tan bóng đêm của sợ hãi và thắp sáng lối đi ngay cả khi khó khăn nhất”[20].
Thật vậy, Lời Chúa là điểm quy chiếu cho bất cứ ai chấp nhận, để Lời ấy thấm nhập soi sáng giúp chúng ta sống trưởng thành. Thánh Giacôbê dạy rằng: “Hãy làm theo Lời, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Vì ai nghe Lời mà không thi hành, thì nó giống như người soi gương xem mặt mày ra sao. Soi rồi thì đi mất, mà quên ngay không nhớ mình thế nào. Còn ai thiết tha và trung thành giữ luật trọn hảo, luật mang lại tự do, ai thi hành luật Chúa chứ không nghe qua rồi bỏ đấy thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1, 22–25). Nếu chúng ta chỉ có nghe và xác tín suông thì chẳng ích lợi gì, chẳng trổ sinh được hoa trái tốt, chẳng xứng đáng là môn đệ của Chúa. Người chỉ nghe mà không thực thi Lời, thì khác nào thanh la phèng phèng, thì khác chi cây xấu cho trái xấu, thì khác nào như căn nhà được xây trên nền cát mưa sa, nước cuốn, căn nhà đó sẽ sụp đổ tan tành. Thế nên: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21). Như vậy, người môn đệ đích thực là người biết để cho Lời Chúa tràn ngập lòng mình, soi sáng tâm hồn và kiên trì sống theo những đòi hỏi của Lời ấy, và chính Lời ấy giúp chúng ta thực hiện cuộc vượt qua chính mình để cùng nhau mạo hiểm.
- Cùng Nhau Mạo Hiểm
Người ta nói, trong khó khăn hoạn nạn mới biết ai là bạn, ai là thù. Có lẽ điều này cũng đúng trong tình yêu. Một tình yêu quảng đại và hướng đến người khác cũng có thể là một hành động mạo hiểm. Trong tình yêu, đôi khi cũng cần đến sự mạo hiểm, một sự mạo hiểm có thể dẫn chúng ta đến phạm sai lầm[21]. Nhưng nếu chúng ta dám liều, dám mạo hiểm, dám nhảy theo nhịp của Thần, thì kết quả sẽ trở nên mỹ mãn. Chúng ta thấy, Mẹ Maria khi thưa tiếng xin vâng không chút do dự, đó là lúc Mẹ sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng đặt cược tất cả những gì mình có, sẵn sàng mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần.
3.1. Mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần
Chỉ có Chúa Thánh Thần là Đấng dạy chúng ta tuyên xưng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa”[22]. Thế nên, chúng ta phải mở lòng cho Chúa Thánh Thần; bằng không, Ngài không thể vào. Ngài là “quà tặng lớn lao nhất của Chúa Giêsu”, Đấng không để chúng ta đi lạc. Nhưng Ngài sẽ ngự ở đâu nếu chúng ta không mở lòng ra để đón nhận Ngài? Chúng ta tin rằng: Chúa Thánh Thần, Ngài là Thượng Khách, là ‘Vị Khách ngọt ngào êm ái của tâm hồn’: Ngài ở đó. Nhưng Ngài không thể vào một khi tâm hồn ta khép kín”. Chúng ta hãy tự hỏi chính bản thân mình, liệu tâm hồn ta có thật sự mở ra cho Ngài không? “Tôi có nỗ lực để lắng nghe tiếng của Ngài, nghe điều mà Ngài nói với tôi không? Và vì thế chúng ta tiến bước trong đời sống Kitô hữu, và chúng ta cũng làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô”[23]. Thật vậy, Chúa Thánh Thần, như Chúa Giêsu đã hứa, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta “đến sự thật toàn vẹn” (Ga 16,13); và làm cho chúng ta được thông hiệp trọn vẹn với Chúa Giês Kitô, Đấng cứu độ chúng ta.
Truyền Thống của Hội Thánh khẳng định rằng Thánh Thần Chân Lý hoạt động trong tâm hồn chúng ta bằng cách làm dậy lên “cảm thức đức tin” (sensus fidei). Công đồng Vaticanô II xác quyết, “Dân Thiên Chúa, dưới sự hướng dẫn của Huấn Quyền, gắn bó bền chặt với đức tin được truyền lại”.[24] Trước đó, các Tông Đồ sợ hãi vì chỉ lo cho chính mình, nhưng một khi các ngài dám mở lòng ra đón nhận Chúa Thánh Thần, thì các ngài đã trở nên can đảm.
Do đó, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta, “thật cần thiết để mở lòng ra cho sức mạnh của Thần Khí”. Quả vậy, khi chúng ta mở lòng cho Thần Khí, thì điều đó giống như lái một con thuyền để cho chính nó được thúc đẩy bởi gió và tiến bước, tiến bước, tiến bước, và không bao giờ ngừng lại”. Bằng cách nào? Cầu nguyện. Vâng! Cầu nguyện là khí giới giúp chúng ta tiến bước. Xin Thiên Chúa giúp chúng ta cảm được điều này: để chúng ta[25], được hiệp thông trong thần Khí, hầu chúng ta biết sống thân tình và cảm thương nhau, để rồi tất cả chúng ta: có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau”. Như thế, chúng ta cùng hướng đến một mục đích duy nhất là làm chứng cho Chúa Giêsu, một Chúa Giêsu chết và đã phục sinh đem ơn cứu độ cho mọi người.
3.2. Cùng nhìn về một hướng
Chúng ta vẫn thường nghe nói: Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Thế tại sao hai người yêu nhau không dùng mắt để nhìn và quan sát những góc đẹp trong tâm hồn nhau mà lại nhìn về một hướng: “Yêu không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng”. Đây có thể là một điều khá thú vị dành cho những người đã từng yêu nhau có cơ hội suy nghĩ và chọn lựa hầu đưa ra một quyết định cho riêng mình, càng nhìn nhau, họ càng yêu nhau. Thế nhưng, chúng ta không dừng lại ở việc tình yêu được vun đắp nơi ánh nhìn của nhau mà còn mở ra cho các tương quan khác.
Theo các nhà tư vấn tâm lý, dấu hiệu của một tình yêu lành mạnh là mở ra với các đối tượng khác. Yêu không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng. Hướng ấy có thể hiểu là lý tưởng hay giá trị cuộc sống, những đứa con và hơn nữa, là một “Ai đó”. Cho dù, chúng ta đang nhìn nhau hay nhìn về một hướng, hãy luôn tâm niệm Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, dù trẻ hay già, Ngài vẫn sẵn sàng chia sẻ phận người với chúng ta, cùng lo lắng với chúng ta, cùng đỡ nâng, đồng trách nhiệm và chúc phúc cho chúng ta. Chúng ta thấy, hình ảnh này thật đẹp, thật thân tình của Chúa Giêsu với các môn đệ trên thuyền. Lúc ấy, Chúa và các môn đệ cùng ở trên thuyền khi sóng gió ập tới.
Cũng như các môn đệ, chúng ta có thể bị bất ngờ giông tố ập tới vùi dập, nhưng chúng ta đừng quên Chúa đang ở trên thuyền ấy. Nếu chúng ta chỉ loay hoay lo cho bản thân mình thì chắc chắn sẽ chìm như Phêrô: “Chúng ta chết mất”. Chúng ta được mời gọi cùng chèo với nhau, tất cả cần an ủi nhau, bởi tất cả chúng ta cùng ở trên một con thuyền cuộc đời[26]. Và như thế, nếu chúng ta hành trình cùng nhau, người trẻ và người già, chúng ta có thể cắm rễ vững chắc trong giây phút hiện tại, nhưng chúng ta phải làm sao để giây phút này đầy ắp sự hiện diện của Chúa. Có như thế, chúng ta mới nhớ lại những ân huệ Chúa đã ban cho chúng ta trong suốt cuộc hành trình, để chúng ta tìm lại được những giá trị, những bài học từ lịch sử đời ta, một lịch sử trải dài những ân tình của Thiên Chúa, ân tình đó sẽ nâng đỡ, chữa lành, giúp chúng ta hướng tới tương lai trong niềm vui và hy vọng hầu nuôi dưỡng sự hăng hái nhiệt thành, và có thể làm cho những giấc mơ bừng nở hy vọng.
3.3. Cội rễ và ước mơ
Chúng ta tất cả đều đang già đi. Đây là một thực tế cuộc sống không thể không chấp nhận. Tuổi già ập đến cùng một sự nuối tiếc, đó là hình ảnh thường thấy ở những người cao tuổi. Phải làm gì để tuổi già không còn gắn liền với hai chữ “giá như”? Người già, nếu chúng ta để ý, ta sẽ thấy những ước mơ của họ thật giản đơn nhưng thấm đẫm tình thương. Người già, tưởng chừng ước mơ của họ nhỏ bé, bình thường, mà vô cùng phi thường. Bao giờ cũng vậy, những đấng sinh thành luôn nghĩ về con, luôn lo cho con dù tuổi đà xế bóng. Họ mong có sức khỏe không hẳn để được sống lâu, nhưng để không làm phiền đến con cháu. Họ không trông chờ con cái đem tiền bạc về nuôi, mà chỉ mong chúng sống hạnh phúc bình an, ấm êm.
Đức Phanxicô đã nói những lời rất thiết thực “người già có những giấc mơ thật giản đơn dệt từ các ký ức và hình ảnh mang dấu ấn kinh nghiệm lâu năm của họ. Nếu người trẻ tìm kiếm gốc rễ nơi các giấc mơ ấy, họ có thể sánh vai đi vào tương lai”. Ngài nói thêm: khi hai thế hệ kết hợp với nhau, và chỉ bằng sự kết hợp này có thể vạch ra những con đường để tìm được không gian cho một tương lai tốt đẹp hơn. Quả vậy, “Không có sự phát triển, nếu không có cội rễ, và không có sự trổ hoa, nếu không có những chồi non.”
Đối với ngài, nơi gặp gỡ giữa người trẻ và người già là những ước mơ. Ngài nhắc lại lời ngôn sứ Giôen: “Ta sẽ đổ thần khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến” (Ge 3, 1). Rồi, ngài đặt câu hỏi, nếu không phải là người trẻ thì ai có thể đón lấy những giấc mơ của người già và thực hiện chúng?
Riêng bản thân ngài cũng là người cao tuổi, nên ngài khuyên, “Các con không thể mang tất cả người già trên vai, không thể, nhưng một điều các con có thể mang đó là những ước mơ của họ”. Vâng, các con sẽ mang chúng tiến bước về phía trước cùng với các con, và chúng sẽ rất hữu ích cho các con.” Nhưng các con có thể tìm ở đâu phương thế để các con tiến bước? Trong sự gần gũi với người già. Đó là câu trả lời. Sự gần gũi với người già là một tài sản quý giá. Thật vậy, chính “sự gần gũi này làm cho chúng ta miễn nhiễm loại virus chia rẽ và ngờ vực, để nuôi dưỡng “văn hóa hy vọng.” Như thế, cội rễ và ước mơ, đấy là điều chúng ta không thể bỏ qua: “Người trẻ là chồi non và tán lá, còn người già là gốc rễ.” Do đó, ngài khuyến khích người già hãy mơ ước: “Tôi biết ông bà cảm thấy cái chết đang cận kề, và ông bà sợ, nhưng hãy nhìn sang hướng khác, hãy nhớ đến con cháu và không ngừng mơ ước. Đây là những gì Thiên Chúa yêu cầu nơi ông bà: Vâng! Hãy mơ ước” (Ge 3, 1).
Thời khắc khó khăn trong cơn đại dịch Covid 19, đứng giữa nỗi sợ hãi và sự đau khổ, Đức Phanxicô nói: “Hãy mời Chúa Giêsu bước lên những con thuyền cuộc sống của chúng ta. Cũng như các môn đệ, chúng ta sẽ nghiệm thấy rằng có Chúa ở trên thuyền, thuyền sẽ không bị đắm. Vì chúng ta có một cái neo: trong thập giá của Chúa chúng ta được cứu độ. Chúng ta có một hoa tiêu: trong thập giá của Ngài chúng ta được cứu chuộc. Chúng ta có một hy vọng: trong thập giá của Chúa chúng ta được chữa lành và ấp ủ, vì không có gì và không một ai có thể tách biệt chúng ta ra khỏi tình thương cứu độ của Chúa”[27]. Chỉ trong Thập giá của Chúa, chúng ta mới thật sự tìm được cội nguồn gốc rễ của mình.
- Thay lời kết
Chúng ta ở trên cùng một con thuyền và chúng ta cần phải chèo để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn[28]. Đó là những lời kết của Đức Phanxicô trong chương thứ 6 này. Nhưng chúng ta cùng chèo như thế nào? Cùng tôn trọng và lắng nghe. Chèo bằng ân sủng và tình thương của Chúa. Chèo bằng cách mở tâm hồn ra để Chúa hoạt động trong ta. Quả là một điều thật tuyệt vời “khi những chàng trai và thiếu nữ cùng nhau, những người già và trẻ em, đều ca ngợi thánh danh Chúa – Tv 148, 12-13”[29]. Đó là điều cần thiết và quan trọng để nói lên với mọi người rằng: Thiên Chúa là Cội Nguồn của mọi sự tốt đẹp, của mọi vẻ đẹp vừa rất xưa vừa mới mãi, của mọi sự thánh thiện, tất cả đều phải kính sợ Ngài.
Chúng ta có nguồn cội là Thiên Chúa, là truyền thống đức tin. Chúng ta được lớn lên trong tình yêu của Thiên ChúaBa Ngôi, chúng ta sẽ có đủ sức gánh vác cuộc đời, tự tin đối diện với mọi thứ; bởi đơn giản, chúng ta có Thiên Chúa trong tim, có Giáo hội là Mẹ và là Thầy luôn dạy dỗ bảo ban, và có những giá trị tôn giáo làm bệ phóng. Từ đó chúng ta vững tâm tiến bước mà không sợ mất hướng; nhưng chúng ta hãy cần chăm sóc cho gốc rễ của mình, vì sức mạnh từ gốc rễ, sẽ giúp chúng ta lớn lên, phát triển và sinh hoa kết quả[30].
Nhưng bằng cách nào? Mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần: Yêu mến Lời Chúa; giữ mối liên hệ với người già và những bậc khôn ngoan trong Giáo hội, để thu thập kinh nghiệm của họ. Thật tuyệt vời biết bao: “Người trẻ có mặt khi các bậc lão thành hội họp, thấy vị nào khôn ngoan, hãy hết lòng gắn bó, thấy người học thức uyên thâm, con hãy năng lui tới” (Hc 6,34 và 36); và “Hãy lắng nghe cha con, đấng sinh thành ra con, đừng khinh dể mẹ con khi người già yếu.” (Cn 2,22). Vậy nên ước gì chúng ta đi cùng với nhau. Trên hành trình này, “người trẻ và người già cùng nhau bén rễ sâu trên nền tảng Tin Mừng”, bén rễ sâu trong Chúa Giêsu Kitô, một Chúa Giêsu khiêm nhường và hiền hậu, một Chúa Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng hủy mình ra không, vâng theo thánh ý Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập tự, một Chúa Giêsu đã bám chắc vào cội nguồn là Thiên Chúa Cha, khi chu toàn thánh ý Cha trong mọi sự, vì thế, Cha đã siêu tôn Người vượt trên muôn ngàn danh hiệu, đến nỗi khi nghe danh thánh Giêsu, thì các tà thần chạy trốn, khắp trái đất khiếp run (x. Pl 2, 6 -11). Xin Thiên Chúa Ba Ngôi suối nguồn Tình Yêu giúp chúng ta, để chúng ta cắm rễ sâu trong Người.
CỘNG ĐOÀN ĐĂK-PHƯỚC
———— 000 ———–
Câu hỏi gợi ý: Chúng ta phải làm gì để nuôi dưỡng gốc rễ của mình?
Làm thế nào để những người trẻ sống chung với người già không xẩy ra xung đột?
[1] Số 1
[2] Số 158
[3] Số 183
[4] Số 186
[5] Số 199
[6] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Tình Yêu, số 193
[7] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Vatican News 30.1.2020
[8] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Vatican News 30.1.2020
[9] Số 178
[10] Số 179
[11] Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxico trong cơn đại dịch Covid 19, ngày 27.3.2020
[12] Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, Thiên Chúa và Trần Thế, tr. 24
[13] Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Phanxico trong cơn đại dịch Covid 19, ngày 27.3.2020
[14] Số 186
[15] Số 197
[16] Số 191
[17] Số 188
[18] Số 188
[19] Thông điệp kết thúc của Hội nghị các Giám mục 2008, đoạn 13. Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI thông điệp Ngày Giới Trẻ Thế giới năm 2008
[20] Thông Điệp của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nhân Ngày Giới Trẻ Thế giới năm 2006
[21] Số 198
[22] ĐGH Phanxicô dâng Lễ tại Nguyện Đường Santa Marta
[23] Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)
[24] x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 12
[25] Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican)
[26] Số 199.
[27] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài giảng Covid 19
[28] Số 201
[29] Số 196
[30] Số 186