NHÌN LẠI MỘT LỐI ĐI

Dẫu biết rằng mỗi một ngày trôi qua là một hồng ân – hồng ân được sống và lãnh nhận. Nhưng cũng có những ngày thật đặc biệt, những ngày đáng ghi nhớ để rồi dừng lại và suy gẫm. Hôm nay là một ngày như thế, ngày mà cách đây tròn bốn năm tôi đặt chân tới đan viện. Nhìn lại không phải là để hoài niệm và bám chặt vào những cái đã qua nhưng là để nhận ra tình thương của Chúa phủ lấp trên cuộc đời ta – một tình yêu vô bờ dù bản thân chẳng đáng lãnh nhận.

Bầu trời âm u, những cơn mưa bất chợt dài miên man gợi nhớ ngày đầu đến đan viện – cũng mưa và buồn. Nỗi buồn ở đây không dành cho sự tuyệt vọng nhưng thêm động lực cho hành trình ra đi. Ra đi để vượt lên những bất toàn, vươn ra vùng ngoại vi của bản thân; ra đi để tìm kiếm lẽ sống cho cuộc đời và tìm lại chính con người của mình, để trở thành “ cái tôi là ”.

Đọc lại những dòng nhật ký của ngày đầu tiên lững thững bước vào đan viện, vẫn còn nguyên cái cảm xúc xao xuyến; nhưng giờ đây thay cho sự xa lạ là sự thân thuộc. Nơi đây – giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi, là “ gia đình thứ hai ” và là nơi tôi thuộc về. Nơi đây tôi cảm nghiệm được tình thương lạ lùng của Chúa. Những con người mà tôi tiếp xúc, những công việc mà tôi làm đều một cách nào đó ẩn hiện sự hiện diện của Ngài – lúc âm thầm từ tốn nhưng có lúc rõ ràng đầy mãnh liệt. Tôi tin chắc một điều là, sự có mặt của tôi nơi đây không phải là ý muốn cá nhân của mình cho bằng chính do Chúa sắp đặt. Ngài luôn có những dự tính đầy bất ngờ.

Nếu như ngày đầu còn có những bỡ ngỡ, những gượng ép để có thể hòa nhập, thì nay cuộc sống và những sinh hoạt nơi đây giờ đã trở thành thói quen mà khi thiếu tôi chẳng biết mình phải làm gì ? Khi nghĩ về cuộc sống nơi đan viện với tường cao cổng dày, sự nhàm chán và cô quạnh thường bó buộc tâm trí nhiều người. Nhưng chỉ những ai sống nơi đây mới có được những cảm nghiệm chính xác.

Dẫu rằng đôi khi vẫn có những lúc vì yếu đuối của thể lý, tôi có những tư tưởng hướng ngoại, những câu hỏi treo lơ lửng trong trí óc, những khó khăn đến từ bên trong lẫn bên ngoài…. Nhưng tôi chẳng bao giờ có ý nghĩ muốn rời bỏ nơi đây. Tôi nhận ra đó là những cám dỗ mà những người bước theo Chúa luôn phải đối diện. Nó là cuộc chiến thầm lặng, liên lỉ và đòi hỏi sự bản lĩnh. Thiếu bản lĩnh. thiếu sự tin tưởng ta sẽ mất thăng bằng và buông xuôi. Điều quan trọng là mình phải biết vượt qua những khó khăn. trở ngại đó. “Cõi phúc” đòi hỏi một sự đánh đổi không hề đơn giản: phải biết hy sinh những lợi ích chóng qua, những tiêu chuẩn của con người thời đại với đầy toan tính và thực dụng.

“Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương”(2Cr 9, 7). Quả thật, còn niềm vui nào lớn bằng khi trở thành người yêu của Chúa qua lời tuyên khấn. Trước tình yêu lớn lao đó nhìn về bản thân với đầy những giới hạn, tôi chỉ biết thầm cảm tạ và quyết tâm trung thành với những gì mình tuyên khấn. Nhưng liệu rằng: “ Người tu sĩ là người vô ơn hay mang ơn? ”. Câu hỏi mà cha Đaminh Saviô đặt ra trong một giờ học Phụng vụ luôn lởn vởn trong tâm trí khiến tôi phải suy nghĩ. Nó phải được trả lời bằng chính thái độ sống của chính tôi. Ranh giới giữa sự mang ơn và vô ơn thật mong manh.

Nhìn lại quãng thời gian vừa qua, tôi hiểu rằng mình là người mang ơn của Giáo hội, của cộng đoàn. của ân nhân và của chính gia đình. Từng vật dụng nhỏ bé như bàn chải đánh răng. cái kim. đôi dép đến những thứ lớn hơn như tấm áo, từng bữa ăn hằng ngày đều chẳng phải do tôi làm ra. Nó được góp nhặt từ công sức và sự hy sinh của biết bao con người. Đó có thể là của một bà góa nghèo nơi miền Bắc xa xôi, những người nông dân chân chất nơi miệt vườn Nam Bộ hay những ngư dân phơi mình giữa sương gió của biển khơi.. Nếu tôi đón nhận với lòng biết ơn và cầu nguyện cho họ khi đó tôi mới thực sự tỏ ra mình là kẻ mang ơn. Nhưng nhìn lại dường như sự vô ơn vẫn ẩn hiện đâu đó trong cách sống của tôi. Tôi chưa sử dụng hợp lý những gì mình đón nhận, chưa trân trọng những thứ được trao tặng mà còn tị nạnh hơn thua, còn ham muốn tốt – xấu. Giờ kinh nguyện đáng ra là lúc thuận tiện để tôi dâng lên Chúa lời nguyện cầu cho những người giúp đỡ mình thì tôi lại đọc qua loa, coi đó như một thủ tục, vẫn thả hồn theo những suy nghĩ vẩn vơ vô định.

Có lẽ tôi chưa làm tròn bổn phận của một người đang tập để trở nên một đan sĩ thực thụ, phong hóa cuộc đời vẫn còn lấm lem trong tâm hồn, những toan tính và sự ích kỷ vẫn nhen nhóm. Nếu hành trang theo Chúa là sự từ bỏ thì bây giờ chính là lúc tôi phải cương quyết hơn bao giờ hết.

Dừng lại để nhận ra thiếu sót, kiểm điểm để sửa đổi. Không bao giờ là muộn nếu ngay hôm nay tôi quyết tâm thay đổi. Mỗi ngày Chúa mời gọi tôi biết bắt đầu lại, biết làm mới mình, đừng đóng khung mình trong những lối mòn, đừng thất vọng trước những lỗi lầm. Hãy can đảm đứng lên sau những lần vấp ngã bởi vì “Ơn Ta đủ cho con” (2Cr 12,9).

Tạ ơn Chúa vì tình thương con được lãnh nhận. Xin thứ tha những lỗi lầm và thái độ bất xứng nơi cách sống của con. Ơn gọi này là của Chúa, xin Chúa cho con luôn biết ý thức điều này để sống với thái độ tin tưởng và phó thác. để nơi đây con trở thành một “ Môsê” luôn biết dang tay cầu nguyện cho mọi người, biết vùi mình vào đất sâu thinh lặng hút nhựa sống Giêsu để làm đẹp cho đời.

M. Nicolas Dũng

You May Also Like

Trả lời

X