NHỮNG MẪU GƯƠNG TRẺ TRUNG: MẸ MARIA VÀ CÁC THÁNH TRẺ

Theo Tông huấn “Đức Kitô Đang Sống- CHRISTUS”, từ số 43-63.

* Dẫn nhập.

Đức thánh cha Phanxicô là vị Giáo hoàng luôn nở nụ cười thân thiện và dễ gần. Sự gần gũi của ngài làm cho mọi người cảm nhận rõ tình thương của một người cha với con cái. Trong vai trò nâng đỡ và củng cố niềm tin cho Giáo hội, cách riêng cho giới tu trì, ngài đã gửi một Tông thư cho các tu sĩ trên toàn thế giới trong Năm đời sống Thánh hiến. Trong Tông thư Đức Thánh Cha Phanxicô ngài nhấn mạnh: “Ở đâu có tu sĩ thì có niềm vui”. Niềm vui ở đây là gì? Tại sao ở đâu có tu sĩ lại có niềm vui?

Tu sĩ là những Kitô hữu, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, bước theo sát Đức Kitô qua việc tự nguyện khấn giữ ba lời khuyên Phúc âm để trở nên giống Đức Kitô. Niềm vui là sự vắng mặt của đau khổ và niềm vui riêng trong tâm trí của mình. Hiểu như vậy, ta thấy rằng niềm vui của tu sĩ là niềm vui được trở nên giống Đức Kitô, sống kiếp nô lệ giống con người, hầu giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi và ban ơn tái sinh, được tự do và sống đời đời.

Vâng khi nói đến niềm vui, ta thường nghĩ rằng, đó chính là sự trẻ trung của những người sống đời thánh hiến, trẻ trung ở đây không phải là tuổi tác nơi con người, nhưng trẻ trung còn được thể hiện qua một tâm hồn đầy năng động và luôn tràn trề sức sống, vậy nguồn sức sống đó được lấy ra từ đâu? Lời mở trong Tông huấn đã cho chúng ta hay “Đức Kitô sống, Ngài là niềm hy vọng của chúng ta và là sự trẻ trung đẹp nhất của thế giới này. Tất cả những gì Ngài chạm đến đều trở nên trẻ, mới và đầy sức sống”.

Đức Maria là người phụ nữ trẻ trong đời dâng hiến, bởi vì mẹ đã luôn mang một trái tim của yêu thương rộng lượng, biết đón nhận, luôn cho đi và luôn tận tâm trong phục vụ, hay nói một cách ngắn gọn hơn, Mẹ chính là người đã cưu mang nguồn sức sống vô tận, để cho nhân loại được sống và sống dồi dào[1].

Thứ đến là các vị thánh trẻ, họ là những người đã theo gương Mẹ Maria sống đời thánh hiến, các ngài luôn phó thác cho Thiên Chúa trong cuộc sống của mình. Sự phó thác của các ngài bằng chính con tim trao ban, không quản ngại gian khổ, sự vất vả hi sinh, và thậm chí còn đánh mất cả mạng sống mình nữa, nhưng ở nơi tâm hồn của các ngài vẫn luôn toát lên sự thánh thiện và hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.

  1. MARIA, NGƯỜI PHỤ NỮ TRẺ Ở NAZARET

Cách đây hơn 2000 năm, có một cô thôn nữ trẻ trung trạc tuổi 15-16, cô thôn nữ có tên là Maria, bằng một đời sống cầu nguyện và dâng hiến mình cho Thiên Chúa. Với tuổi trẻ và lòng khát khao cháy bỏng yêu thương. Thiên Chúa đã sai thiên thần Gapriel đến báo tin cho cô thôn nữ biết rằng “Bà có phúc giữa muôn người phụ nữ” và “sẽ cưu mang Con Đấng Tối Cao”. Dù ngỡ ngàng, nhưng cô thôn nữ Maria đã thưa lên hai tiếng “Fiat”, xin vâng trước kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa: “Xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.[2]

  1. Sứ mạng của Đức Maria qua tiếng xin vâng

“Chúng ta mãi còn kinh ngạc trước sức mạnh của tiếng ‘xin vâng’ nơi cô gái trẻ Maria, sức mạnh trong lời thưa ‘hãy thực hiện điều đó’ mà Maria nói với vị thiên sứ. Đây không phải là sự chấp nhận thuần túy thụ động hay bị bắt buộc, hay một tiếng ‘vâng’ vu vơ, kiểu như nói: ‘Ờ, thì ta cứ thử xem sao’? Maria không nói như vậy, không ‘cứ thử xem sao’. Ngài rất kiên quyết, ngài ý thức cái giá phải trả, và ngài nói ‘xin vâng’ không chút do dự.

Qua  tiếng xin vâng cao cả của Mẹ Maria, ta thấy sự lớn lao ngay vào thời điểm Truyền Tin. Vì tiếng xin vâng này mà Chúa Giêsu bắt đầu hành trình của Ngài trên những nẻo đường của nhân loại. Ngài bắt đầu hành trình ở nơi Mẹ Maria, dành những tháng đầu đời của Ngài trong cung lòng Mẹ Ngài: Ngài không xuất hiện như là một người đã trưởng thành và mạnh mẽ, mà đi theo toàn bộ lịch trình của việc làm người. Ngài biến chính bản thân Ngài nên giống như chúng ta mọi sự, trừ tội lỗi. Mẹ Maria đáp trả trước lời đề nghị của Thiên Chúa bằng việc nói: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa[3]. Bởi vậy các thánh Giáo phụ có lí để nhận ra nơi Đức Maria không phải chỉ là một dụng cụ hoàn toàn thụ động trong tay Thiên Chúa, nhưng đã cộng tác tích cực vào việc cứu độ nhân loại, nhờ tin và vâng phục trong tự do, thực vậy, Thánh Irênê nói: “Chính Ngài, nhờ vâng phục, đã trở nên nguyên nhân cứu rỗi cho mình và cho toàn thể nhân loại[4].

Mẹ không nói: “Hả, lần này con sẽ làm theo ý Chúa, con sẽ sẵn sàng bản thân con, rồi con sẽ xem….” Không, lời của mẹ là tiếng xin vâng trọn vẹn, hoàn toàn cho cả một đời sống không có điều kiện. Khi tội lỗi là cội nguồn khép lại con đường của mỗi người đến với Thiên Chúa, thì tiếng xin vâng của Mẹ Maria mở ra con đường đến với Thiên Chúa ở nơi chúng ta. Đây là tiếng xin vâng quan trọng nhất trong lịch sử, tiếng xin vâng khiêm nhường lật đổ sự kiêu ngạo, tiếng xin vâng trung tín chữa lành sự bất tuân, tiếng xin vâng đầy sẵn sàng lật đổ chủ nghĩa cái tôi của tội lỗi.[5] Do đó, không có gì lạ nếu các thánh Giáo phụ đã thường xưng tụng Mẹ Thiên Chúa là Ðấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một tạo vật mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành như một tạo vật mới[6]. Tiếng xin vâng của Mẹ Maira cũng đồng nghĩa từ đây Mẹ phải luôn mang sứ mạng của mình, nghĩa là cuộc đời của mẹ luôn gắn chặt vào Chúa Giêsu trong suốt hành trình dương thế. Như đã nói, đón nhận và sống theo lời “xin vâng” không bao giờ là một chọn lựa đơn giản, với Mẹ Maria cũng không có ngoại trừ. Cuộc đời Mẹ từ đây in đậm những bước chân gian nan. Đó là những bước chân về Bêlem, bước chân sang Aicập, bước chân tìm con trong đền thờ, bước chân theo con rong ruổi khắp nơi rao giảng và cuối cùng là bước chân lên đồi Canvê. Một khi đã đón nhận lời xin vâng vào trong cuộc đời mình, Mẹ không quản ngại những khó khăn gian nan nhưng một lòng theo con đến cuối hành trình. Đức Thánh cha còn giải thích thêm: Đây là tiếng ‘xin vâng’ của một người đã sẵn sàng dấn thân, một người sẵn sàng mạo hiểm, sẵn sàng đặt cược tất cả những gì mình có, mà không có gì chắc chắn hơn ngoài việc biết rằng mình nhận một lời hứa.

Mẹ Maria đã ao ước hiến dâng cho một mình Thiên Chúa, cũng như có thể hiến dâng cho những người khác cách hoàn toàn vì Thiên Chúa. Người ta có thể hoàn tất điều tốt nhất này nơi sự tinh khiết tuôn trào từ tình yêu Thiên Chúa và khi người ta đặt cái tôi của mình sang một bên để phục vụ Thiên Chúa. Đây là tình yêu mang đời sống Thiên Chúa tới cho con người qua việc yêu thương người lân cận, đó là những gì Mẹ ước muốn và Mẹ đang thực hiện mỗi ngày[7].

Chúng ta được mời gọi đặt lời xin vâng của chúng ta khi đón nhận Đức Kitô vào cuộc đời của mình và sống theo ơn gọi Chúa ban, trong lời “xin vâng” của Đức Mẹ. Cũng giống như Đức Mẹ, tiếng xin vâng ban đầu của chúng ta cần phải làm mới lại suốt đời, nhất là ở những khúc quanh quan trọng và trong thời gian tĩnh tâm, hay ở những lúc khó khăn thử thách lớn nhỏ trong hành trình ơn gọi. Trong những giai đoạn khó khăn thử thách lớn, và  trong cuộc đời chúng ta được mời gọi thưa “xin vâng” mỗi ngày, bằng cách nhận lời xin vâng của Mẹ làm của mình, và lời  xin vâng này có nghĩa là: “Con là nữ tì của Chúa, xin xảy ra cho con theo như Lời của Ngài”.

  1. Đức Maria luôn cưu mang tình yêu bao la và luôn đầy trách nhiệm

Qua tiếng xin vâng đó chúng ta cũng biết được rằng, ở nơi Mẹ luôn mang một tình yêu bao la đối với nhân loại. Đức thánh cha nói rằng: Đức Maria đã không mua bảo hiểm! Ngài đã mạo hiểm, và vì lý do này, ngài mạnh mẽ, ngài là một ‘người gây ảnh hưởng’, ‘người gây ảnh hưởng’ của Thiên Chúa. Tiếng ‘xin vâng của ngài và mong muốn phục vụ của ngài mạnh mẽ hơn bất cứ nghi ngờ hay khó khăn nào’. Vì vậy suốt cuộc đời, Mẹ luôn mang trong lòng sứ mệnh của Thiên Chúa. Mẹ phó thác tương lai vào cuộc sống và quyền năng của Thiên Chúa. Trước khi thiên thần truyền tin, Mẹ Maria đã đính hôn với Giuse, một người thuộc dòng tộc David. Giờ đây mẹ đang cưu mang Con Thiên Chúa nhập thể. Một thiếu nữ mang thai trước khi thành hôn và trước khi sống chung với nhau là điều hiểm nguy cho tính mạng, bởi vì thiếu nữ ấy có thể bị kết án tử vì tội ngoại tình. Maria biết rõ luật lệ này, nhưng đứng trước lời mời gọi của Thiên Chúa. Maria hoàn toàn phó thác tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, như lời thiên thần đã nói: “Vì đối với Thiên Chúa không gì là không thể làm được[8]. Đức Maria là một phụ nữ trẻ có trái tim tràn ngập niềm vui, có đôi mắt phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhìn đời bằng đức tin và trân qúi giữ gìn mọi điều trong trái tim trẻ trung của mình.[9]

Mẹ Maria đón nhận sứ vụ lớn lao của Thiên Chúa với trọn niềm tin tưởng. Người Con mà Mẹ đang cưu mang là Con Thiên Chúa, Người Con ấy được hạ sinh trong hoàn cảnh rất đặc biệt tại Bêlem, quê hương của vua Đavid. Đây là nơi mà tiên tri Mikha đã tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh nhà Ítrael[10]. Mẹ Maria đã hạ sinh Con Thiên Chúa trong khi Mẹ và thánh Giuse trở về quê quán ở Bêlem để đăng kí kiểm tra dân số theo lệnh của hoàng đế Augusto.

Con Thiên Chúa được hạ sinh trong cảnh nghèo hèn và âm thầm. Thế nhưng trong hoàn cảnh đó Mẹ Maria nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa thể hiển qua sự hiện diện của các mục đồng và các nhà chiêm tinh[11]. Mẹ ghi nhớ những dấu chỉ của Thiên Chúa trong lòng.

Mẹ Maria, cùng với thánh Giuse, đã đồng hành với Hài Nhi Giêsu trong những năm tháng ẩn dật tại làng Nazaret. Rồi khi Đức Giêsu bắt đầu rao giảng và thực thi kế hoạc cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ vẫn âm thầm theo dõi từng bước chân của Con. Mẹ lắng nghe sứ điệp rao giảng và những phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện tại Galilê và nhiều nơi khác. Mẹ âm thầm đón nhận và khám phá kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu trong mỗi ngày cho đến giây phút Mẹ đứng bên thập giá, nơi treo Người Con yêu quý của mình.

Mẹ đã trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa từ tiếng thưa xin vâng lúc ban đầu cho tới những giây phút cuối cùng của Chúa Giêsu trên thập giá. Lúc này đây Mẹ Maria cảm nhận hết sứ vụ mà Thiên Chúa muốn mời gọi Mẹ cộng tác vào. Kế hoạch cứu độ nhân loại được hoàn tất và thực hiện nhờ hiến tế của con Thiên Chúa, trong đó mẹ Maria được Thiên Chúa mời gọi cộng tác vào kế hoạch này.[12]

Lời xin vâng của Mẹ Maria trong ngày sứ thần đến truyền tin, Mẹ được sứ thần khen là “Đẹp lòng Thiên Chúa[13] đang dần dần lộ diện một cách trọn vẹn qua mọi sự kiện, nhất là qua cuộc đời của Đức Giêsu khi Ngài ở thế gian này, cũng như sau này với Giáo hội qua các biến cố cho tới ngày hôm nay. Thực vậy, khi sứ thần truyền tin, Mẹ Maria đã đón nhận Ngôi Lời Thiên Chúa trong tâm hồn và thân xác, và đem sự sống đến cho thế gian. Mẹ được công nhận và tôn kính là Mẹ thật của Thiên Chúa và của Ðấng Cứu Thế. Ðược cứu chuộc cách kỳ diệu hơn nhờ công nghiệp Con Ngài và hiệp nhất mật thiết và bền chặt với Con, Ðức Maria đã lãnh nhận sứ mệnh và vinh dự cao cả là được làm Mẹ của Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và cung thánh của Chúa Thánh Thần[14].

Vâng tình yêu và trách nhiệm nơi Mẹ Maria luôn đồng hành với nhau, từ khi thưa tiếng xin vâng, thì lúc đó Mẹ luôn mang trong mình trách nhiệm, nghĩa là mẹ luôn đối diện với bao thử thách trong cuộc sống, nhưng các thách đố phía trước không phải là lý do để Mẹ Maria dễ dàng thoái thác, nhưng ngược lại Mẹ đã luôn mau lẹ để đi hết hành trình mà Con của Mẹ đi và Mẹ đã hoàn thành trong đầy ơn nghĩa với Chúa. Đức thánh Cha viết: Maria là một phụ nữ trẻ với tâm hồn tràn ngập niềm vui, đôi mắt ngài phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhìn đời sống với đức tin và lưu giữ mọi sự trong trái tim trẻ trung của ngài[15]. Đồng thời Mẹ còn luôn hướng về tha nhân là nơi đang cần đến sự nâng đỡ của Mẹ, Ngài năng động, sẵn sàng mau mắn lên đường khi biết rằng người chị họ cần đến mình. Ngài không loay hoay với các kế hoạch riêng của mình, nhưng ra đi “vội vã” đến miền đồi núi ấy[16].

Với trách nhiệm và tình yêu thương lơn lao của mình, Mẹ đã chiếu sáng cho mỗi người chúng ta, và đồng thời ở nơi mẹ cũng chính là con tim cho Giáo hội lữ hành này.

  1. Đức Maria chiếu sáng ở con tim Giáo hội

Lời của Đức thánh cha viết: Đức Maria chiếu sáng ở con tim Giáo hội, Ngài là kiểu mẫu tuyệt hảo cho một Giáo hội trẻ trung muốn đi theo Đức Kitô với nhiệt tâm và sự mềm mỏng. Khi còn rất trẻ, Maria đã đón nhận thông điệp của thiên sứ, ngài không sợ nêu ra các câu hỏi “việc đó xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng[17]. Với trái tim và tâm hồn rộng mở, ngài đáp: “Này đây, tôi là nữ tỳ của Đức Chúa[18]. Quả vậy vì hoàn toàn gắn bó của Mẹ với thánh ý Chúa Cha, với công trình cứu chuộc của Con mình, và với mọi tác động của Chúa Thánh Thần, Đức Trinh Nữ Maria là gương mẫu về đức tin và đức mến cho Hội Thánh. Vì vậy Mẹ chính là ‘thành phần ưu việt và tuyệt đối độc nhất vô nhị của Hội Thánh, và Mẹ cũng là “sự thực hiện mẫu mực”, là “điển hình” của Hội Thánh.[19] Với tư cách người được cứu chuộc một cách hoàn hảo, Mẹ Maria đạt sự thống nhất tuyệt vời, chứ không phải tự nhiên đã có của tinh thần, thể chất và tâm hồn. Nơi Mẹ, mọi sự quy về thái độ toàn thân, Mẹ vâng phục Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa hoàn toàn thành tựu trong Mẹ.Việc tuyển chọn bởi ân sủng và tấm lòng mở rộng đón nhận ân sủng là một nơi Mẹ. Ngay cả chúng ta có thể nói rằng ở đây Thiên Chúa được một tạo vật đón nhận triệt để nhất có thể.

Vận mệnh của Mẹ Maria không phải chỉ là việc của riêng Mẹ: Mẹ không phải là Mẹ Thiên Chúa cho riêng Mẹ theo nghĩa thuần sinh học hay với tình thương chỉ dành cho Mẹ. Tình mẫu tử của Mẹ dẫn vào ơn cứu độ cho mọi người! Điều ấy có nghĩa Maria đặc biệt diễn tả Giáo hội một cách chính thức. Đây là chủ điểm: nhiệm vụ của Mẹ thiết yếu là duy nhất! Mẹ thực hiện nhiệm vụ duy nhất của Mẹ trong Giáo hội một cách hoàn hảo bằng cuộc sống nội tâm của chính Mẹ. Không hề có sự chia tách giữa nhiệm vụ và bản thân Mẹ.

Mẹ vẫn rạng rỡ lên trong ơn huệ làm Mẹ của Chúa, cũng là người Mẹ thánh thiện. Cũng có thể nói, Giáo hội suy tư sâu xa hơn từ công lý thần học, như trong trường hợp này, nhiệm vụ và con người không thể chia tách. Chúng ta không nói Maria không có tự do, nhưng nhìn nhận Mẹ đã được đặt để trước, hướng tới mối tương quan hoàn hảo giữa nhiệm vụ chính thức và sự thánh thiện cá nhân, nhờ ân sủng hữu hiệu của Thiên Chúa, Đấng duy nhất ban cho con người tự do.[20]

Trong những ngày đầu, Đức Maria đã là Giáo hội để đón nhận Chúa Kitô và sống với Chúa, và đến ngày sau hết, ngày sống lại cuối cùng, khi mọi sự được hoàn tất thì Giáo hội sẽ trở nên rất giống như Đức Maria, cũng đạt tới chỗ mà Đức Maria đã đạt tới, hồn xác lên trời. Như vậy Đức Maria là như lý tưởng của Giáo hội, như đỉnh cao Giáo hội mong đạt tới. Đức Maria là thành phần Giáo hội đã đạt tới trước, Giáo hội lữ hành đang tìm cách đạt tới sau.[21]

Quả vậy Đức Maria là trái tim chiếu sáng trong Giáo hội, mẹ đã khấn đức trinh khiết cho Thiên Chúa, dịu dàng tinh sạch và duyên dáng khi mẹ thực hiện lời khấn trinh khiết của mình. Đây là một vẻ đẹp mà không cũ hay xấu đi nhưng vẻ đẹp đó sẽ lớn lên, tươi mát hơn phong phú hơn và sáng láng hơn mỗi tháng, mỗi năm như bông hoa rất hiếm trinh khiết càng nở càng tròn đầy hơn. Đối với Mẹ Maria đời mẹ đã đang và sau này là mãi mãi dành cho Thiên Chúa, một sự khao khát vị Hôn phu của người trinh nữ, một sự hiệp nhất cho đến khi viên mãn hoàn toàn.[22] Với sự hiện diện của ngài, một Giáo hội trẻ đã ra đời, khi các Tông đồ lên đường hạ sinh một thế giới mới[23]. Vì Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Ngài đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên chúng ta thấy các Tông đồ trước ngày Hiện Xuống “đã kiên tâm hiệp ý cầu nguyện, cùng với các phụ nữ, với Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với anh em Người[24]

Vâng Mẹ Maria là một người phụ nữ trẻ. Vậy đâu là nét trẻ đẹp tinh tuyền nơi Mẹ?

Mẹ Maria là một phụ nữ trẻ vì Mẹ có trái tim tràn ngập niềm vui, có đôi mắt phản chiếu ánh sáng của Chúa Thánh Thần, nhìn đời bằng đức tin và trân qúi giữ gìn mọi điều trong trái tim trẻ trung của mình. Đồng thời Maria Mẹ của chúng ta hướng nhìn dân lữ hành này: một dân trẻ trung mà ngài yêu thương và tìm kiếm ngài trong sự im lặng của trái tim họ giữa mọi ồn ào, huyên thuyên và sao lãng của cuộc lữ hành.

Từ tiếng ‘xin vâng’ của Mẹ Maria và lòng khát khao phục vụ của ngài thì mạnh hơn bất cứ sự nghi ngờ hay khó khăn nào”, luôn mau lẹ với công việc của mình mà không chậm trể trong việc tính toán kế hoạch cho riêng mình, Mẹ không lẩn tránh cũng không ảo tưởng, “Maria sát cánh bên đau khổ của Con mình; ngài nâng đỡ Con bằng ánh mắt nhìn và che chở Con bằng trái tim. Ngài chia sẻ đau khổ của Con, nhưng không bị đè bẹp bởi đau khổ ấy. Khi đứa con bé bỏng của mình cần sự bảo vệ, Maria trẩy đi cùng với Giuse đến một xứ sở xa xôi.

Đặc biệt hơn ngày nay Đức Maria là Mẹ chăm sóc chúng ta, con cái ngài trên hành trình cuộc đời vốn thường gặp mệt mỏi và quẫn bách, lo sao để ánh sáng hy vọng không bị dập tắt. Vì đó là ước vọng của chúng ta: ước mong ánh sáng hy vọng không bao giờ lụi tàn. Đức Maria, Mẹ chúng ta, coi sóc đoàn dân lữ hành này: một dân non trẻ mà ngài yêu thương, một dân kiếm tìm ngài trong cõi tâm an tĩnh của mình ở giữa muôn náo động, giữa những tiếng nói huyên thuyên và những chia trí trong cuộc hành trình. Nhưng dưới ánh nhìn của Mẹ, chỉ có sự thinh lặng lấp đầy hy vọng. Vì thế Đức Maria không ngừng soi sáng tuổi trẻ của chúng ta.

  1. CÁC THÁNH TRẺ

 Đức Thánh Cha Phanxicô viết: Giữa lòng Giáo hội có rất nhiều vị thánh trẻ, những người dâng hiến đời mình cho Đức Kitô, đến mức nhiều người trong đó nhận cái chết tuẫn đạo. Các ngài là những phản ảnh quí giá của Đức Kitô trẻ trung; chứng tá sáng ngời của các ngài khích lệ và đánh thức chúng ta khỏi cơn mê. Thượng hội đồng nhấn mạnh rằng “nhiều vị thánh trẻ đã cho phép các nét trẻ trung chiếu sáng trong tất cả vẻ đẹp của chúng, và trong cuộc sống của mình, các ngài đã thực sự là những ngôn sứ đem lại sự thay đổi. Mẫu gương của các ngài cho thấy rõ những gì mà người trẻ có thể làm, một khi họ mở lòng ra sẵn sàng gặp gỡ Đức Kitô”.

“Xuyên qua sự thánh thiện của người trẻ, Giáo hội có thể làm tươi trẻ lại lòng sốt mến thiêng liêng và khí thế Tông đồ của mình. Dầu thơm thánh thiện lấy từ đời sống tốt lành của vô số người trẻ có thể chữa lành các vết thương của Giáo hội và của thế giới, đưa chúng ta trở về với sự viên mãn của tình yêu mà ta luôn luôn được mời gọi: Các thánh trẻ thôi thúc chúng ta lấy lại tình yêu thuở ban đầu[25]”. Vâng sự nhiệt tình, sự năng nộ, sự dấn thân nhiệt huyết luôn hướng về một mục đích cao thượng là đạt được chính Thiên Chúa mà các ngài đã không ngừng hi sinh chiến đấu bản thân mình cho đến giây phút cuối cùng trong cuộc đời để làm vinh danh Chúa và rạng ngời cho Giáo hội. Vậy các vị thánh trẻ đó là những ai?

  1. Gương sáng của các vị thánh trẻ

Đức thánh cha nêu ra 12 vị thánh trẻ như Thánh Anrê Phú Yên, Đaminh Saviô, Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Berchmans, Sebastianô…. để làm gương cho tất cả mọi người học hỏi cách sống của các ngài, đặc biệt là những người đang dấn thân trong đời sống dâng hiến. Vậy các vị thánh đó là ai?(xin xem từ số: 51 đến 62 của Tông huấn).

 Qua tiểu sử vắn tắt của 12 vị thánh trẻ mà Đức thánh cha nêu ra, bản thân con xin được trình bày đầy đủ hơn ba vị thánh mà chúng ta luôn gần gũi quen thuộc, chính các ngài đã có những cảm nghiệm sâu xa trong đời sống nội tâm với Thiên Chúa.

Thánh Anrê Phú Yên

Thánh Anrê Phú Yên, Thầy Giảng, Tử Đạo của Giáo Phận Qui Nhơn.

Thánh Anrê Phú Yên (1625-1644), ngài một con người ốm yếu, nhỏ người, nhỏ nhất trong nhóm thầy giảng Đàng Trong, nhỏ tuổi đời, nhỏ tuổi đạo, nhỏ tuổi tu, nhưng Ngài đã dâng mạng sống bằng tử đạo của mình như cử chỉ yêu thương đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Trong khi quan ra lệnh cho lính tới nhà cha Đắc Lộ để lùng bắt một thầy giảng tên là Ignatio. Nhưng thầy Ignatio đã đi làm việc tông đồ. Lính chỉ thấy Thầy Anrê trẻ, để khỏi trở về dinh quan Bộ tay không, lính đánh đập thầy Anrê, trói thầy lại, rồi giải xuống thuyền đem về dinh quan trấn thủ. Chiều ngày 25 tháng 7 năm 1644, thầy được dẫn tới trước mặt quan. Lính thưa với quan rằng họ không tìm thấy thầy Ignatio, nhưng đã bắt được một thầy giảng khác giống như vậy, vì suốt cuộc hành trình anh ta luôn nói về đạo Kitô và khuyến khích họ theo đạo. Nghe vậy quan tìm mọi cách làm cho thầy Anrê từ bỏ cái đạo điên rồ đó và bỏ lòng tin, nhưng thanh niên can trường ấy trả lời quan rằng mình là Kitô hữu, và rất sẵn sàng chịu mọi khổ hình chứ không từ bỏ đạo mình tuyên xưng: “xin quan cứ tùy ý chuẩn bị các hình cụ, tôi vui lòng đón nhận, với xác tín rằng, vì đức tin, càng chịu khổ đau chừng nào thì càng chết vinh quang chừng ấy”.

Trước giờ Thầy Anrê bị hành quyết, Cha Đắc Lộ xin và được phép trải một tấm chiếu dưới người thầy để hứng lấy máu, nhưng thầy Anrê không muốn nhận điều ấy, thầy muốn máu mình thấm xuống đất, để được giống như máu cực trọng Chúa Kitô đã đổ ra. Chính nhờ những giọt máu này mà chúng ta mới được như hôm nay, chính nhờ các Ngài mà hạt giống Đức tin đã nảy mầm và lớn lên trong chúng ta.

Thánh Anrê Phú Yên đã sống trọn tình vẹn nghĩa với Chúa như lời thánh Phaolô: “ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”.

Thánh Anrê Phú Yên, mới rửa tội được 4 năm, thế nhưng đức tin của “chàng trai trẻ” đã trưởng thành nên mới có thể thí mạng vì Chúa Kitô khi mới 19 tuổi đời. Ngài đã nêu gương cho chúng ta không những bằng đức tin, mà còn bằng cuộc sống đức tin và bằng nổ lực truyền bá đức tin[26].

Mặc dù Anrê Phú Yên được tôn phong Chân Phước sau 117 thánh tử đạo Việt Nam, nhưng ngài đã đứng đầu danh sách những chứng nhân đức tin, đến độ người ta không ngần ngại truy tặng ngài danh hiệu “người chứng thứ nhất” của Giáo Hội Việt Nam, cũng như thánh Stêphanô được truy tặng danh hiệu “vị tử đạo tiên khởi” của Giáo Hội hoàn vũ[27].

Thánh Đaminh Saviô

Câu nói thời danh của vị thánh trẻ này là: “Thà chết mà không phạm tội”

Đaminh Saviô sinh ngày 02.04.1842 tại San Giovanni di Riva, vùng Chieri, thuộc tỉnh Torino, miền Bắc nước Ý.

 Đaminh Saviô lớn lên trong một gia đình giàu những giá trị. Từ nhỏ, cậu gây ấn tượng bởi sự trưởng thành về nhân bản cũng như Kitô hữu của mình. Để được giúp lễ, cậu đến nhà thờ từ rất sớm, có khi chưa mở cửa, cậu đứng ngoài nhà thờ chờ vị linh mục, ngay cả dưới trời mưa tuyết. Đaminh Saviô là một cậu bé luôn vui tươi. Cậu được phép rước lễ lần đầu khi mới chỉ bảy tuổi. Cậu đã sống một cách rất nghiêm túc, có một đoạn trong vở cậu viết về kế hoạch sống: “Tôi sẽ xưng tội rất thường xuyên và tôi sẽ rước lễ tất cả mọi lần như Cha giải tội cho phép (thời đó người ta chỉ được hiệp lễ theo như cha Giải tội ấn định). Tôi muốn thánh hóa những ngày lễ. Bạn của tôi sẽ là Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Thà chết mà không phạm tội”.

Lúc 12 tuổi Đaminh Saviô gặp Cha Thánh Bosco, và cậu xin ngài nhận cậu vào Nguyện xá của ngài ở Tôrinô, bởi cậu có một khao khát cháy bỏng là được học để trở thành linh mục. Ngạc nhiên trước tâm hồn cậu, cha Bosco nói: “Cha thấy con là tấm vải tốt”. Đaminh Saviô  đáp lại: “Vậy thì con sẽ là tấm vải, còn Cha là thợ may”.

  Với những bạn hữu, vừa khi đến Nguyện xá, cậu nói: “Các bạn biết ở đây chúng ta cốt yếu nên thánh trong việc làm mình trở nên vui tươi”. Điều tiên quyết là “chúng ta hãy tránh tội lỗi, nó như kẻ thù lớn, đánh cắp ân sủng của Thiên Chúa và sự an bình của tâm hồn, và chúng ta hãy thực hiện bổn phận của mình một cách chính xác”.

 Ngày 08 tháng 12 năm 1854, Đức Thánh Cha Piô IX công bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm, Đaminh Saviô dâng hiến mình cho Mẹ Maria và cậu bắt đầu tiến nhanh trên đường thánh thiện. Năm 1856, cậu và một số bạn trong Nguyện Xá đã thành lập “Hội Đức Mẹ Vô Nhiễm” cho hoạt động tông đồ của nhóm. “…không ai có thể vượt qua được cõi lòng tốt lành và linh hồn đẹp đẽ của Đaminh Saviô ”

 Mẹ Margherita đã nói với Cha Bosco: “Con có rất nhiều những trẻ tốt, nhưng không trẻ nào có thể vượt qua được cõi lòng tốt lành và linh hồn đẹp đẽ của Đaminh Saviô”. Và mẹ giải thích: “Mẹ thấy Đaminh Saviô luôn luôn cầu nguyện, ở lại trong nhà thờ sau các người khác; mỗi ngày, Đaminh Saviô rút mình khỏi giờ giải trí để viếng Bí Tích Cực Thánh… Em ở trong nhà thờ như một Thiên Thần đang ở trên Thiên Đàng”.

 Đaminh Saviô qua đời tại Mondonio ngày 09 tháng 3 năm 1857.  Đaminh Saviô được phong Á Thánh tại Rôma ngày 05 tháng 03 năm 1950 do Đức Piô XII và cũng với Đức Piô XII, ngài được phong Hiển Thánh ngày 02 tháng 06 năm 1954[28].

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu

Vâng lời, cầu nguyện và hy sinh” là chương trình sống của Têrêsa. Thánh nữ có một lòng khao khát chịu đau khổ vì yêu mến Thiên Chúa. Têrêsa có tinh thần can đảm của một nữ anh thư đích thực. Thánh nữ viết: “Xin Chúa hãy cho con được chịu tử đạo hoặc trong tâm hồn, hoặc ngoài thể xác hoặc tốt hơn, cả hai!”.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thường được gọi là Bông Hoa Nhỏ, sinh năm 1873 tại Normanđi, nước Pháp. Song thân ngài là ông Luy và bà Zêli Martin. Têrêsa là cô gái út trong gia đình có năm chị em. Têrêsa rất hoạt bát và dễ thương. Thân phụ Têrêsa hay gọi ngài là “nữ hoàng nhỏ” của ông. Tuy nhiên, Têrêsa rất nhạy cảm. Trong truyện tự thuật, Một tâm hồn, Têrêsa nói chính Chúa Hài Nhi Giêsu đã giúp ngài vượt thắng sự yếu đuối này.

Dù chỉ mới 15, Têrêsa đã có một đời sống rất trưởng thành. “Vâng lời, cầu nguyện và hy sinh” là chương trình sống của Têrêsa. Thánh nữ có một lòng khao khát chịu đau khổ vì yêu mến Thiên Chúa. Têrêsa có tinh thần can đảm của một nữ anh thư đích thực. Thánh nữ viết: “Xin Chúa hãy cho con được chịu tử đạo hoặc trong tâm hồn, hoặc ngoài thể xác, hoặc tốt hơn, cả hai!” Và Thánh nữ có ý muốn như vậy! Trong mùa đông giá rét, Têrêsa Hài Đồng phải chịu sự lạnh lẽo và ẩm thấp của căn phòng ngủ trống trải. Rồi cũng có những thứ đau khổ khác nữa. Bất cứ khi nào cảm thấy bị làm nhục hay bị hiểu lầm, Têrêsa liền dâng những đau khổ ấy lên Chúa Giêsu yêu quý. Têrêsa dùng nụ cười tươi để che giấu đau khổ của mình. Thánh nữ đã vượt ra khỏi chính mình để đến với những chị em khó hòa hợp. Têrêsa đã xin Chúa Giêsu cùng đồng hành với Thánh nữ để chu toàn thánh ý Thiên Chúa.

Têrêsa cũng cố gắng sống khiêm nhường. Ngài gọi lòng tin cậy tuyệt đối vào Thiên Chúa là “con đường nhỏ” để nên thánh. Têrêsa luôn luôn có một khát vọng nóng bỏng là nên thánh. Vị nữ tu trẻ tuổi này muốn tìm một “con đường tắt,” hay một “chiếc thang máy” để dẫn ngài mau đạt tới sự thánh thiện. Vì vậy, Têrêsa đã tìm đọc Kinh Thánh và gặp thấy những lời này: “Hỡi tất cả những ai bé nhỏ, hãy đến với tôi!”[29].

Khi hấp hối, Têrêsa đã nói: “Tôi đã chẳng cho Thiên Chúa tốt lành điều gì ngoài tình yêu, và Người sẽ trả lại cho tôi chính tình yêu. Sau khi tôi chết, tôi sẽ làm mưa hoa hồng. Từ thiên đàng, tôi sẽ tiếp tục làm phúc xuống cho trần gian!” Bông Hoa Nhỏ này đã về trời hôm 30 tháng Chín năm 1897.

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu dạy cho chúng ta biết “con đường thơ ấu” của ngài. Để theo con đường này, mỗi ngày chúng ta hãy vui vẻ dâng những hy sinh nhỏ mọn của chúng ta lên Chúa Giêsu. Chúng ta hãy vượt qua chính mình để đối xử thật tốt với những người khó tính. Nếu cảm thấy bị tổn thương, thay vì bực mình khó chịu, chúng ta hãy dâng lên Đức Chúa Giêsu những bực dọc ấy[30].

Vâng nhiều vị thánh trẻ mà Đức thánh cha nêu ra cho chúng ta, các ngài là những người dám nói dám làm và dám sống để tình yêu được lớn lên và tỏa ánh sáng hào quang của Thiên Chúa cho nhân loại. Vậy đâu là những nét tương đồng nơi các vị thánh trẻ? 

  1. Những nét tương đồng nơi các vị thánh trẻ

Các vị thánh trẻ cũng là những con người bằng xương bằng thịt yếu đuối và mỏng dòn như chúng ta, nhưng bản thân của mỗi chúng ta cũng tự hỏi rằng bởi đâu các ngài lại có những sức mạnh phi thường như vây? Phải chăng sức mạnh các ngài có được là do ý chí và quyết tâm của mình? Thưa hẳn nhiên không phải vậy. Nhưng những gì các ngài đang thể hiển là do ơn trên ban cho mà thôi, vì như lời Đức Giêsu đã khặng định: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời[31]. Quả vậy chính Thiên Chúa mới làm cho những con tim biết yêu thương, để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Các thánh trẻ là những người đi trước chúng ta, nêu gương sáng cho chúng ta học đòi bắt chước, vậy ở các ngài đã nêu bật điểm chung như thế nào?

* Với xã hội

 Các ngài là nhưng công dân ưu tú, luôn kính trọng nhà vua và yêu thương đất nước của mình, cho dù đứng trước bao nguy hiểm sự rình rập để bách hải, nhưng chính lòng yêu mến Chúa Kitô các ngài đã tìm mọi cách để làm chứng và loan truyền đạo của mình, chẳng hạn như thánh Sebastianô là một chỉ huy trẻ của Đội Cận Vệ hoàng đế.

Ngài nói: Hỡi các chiến sĩ Chúa Kitô, các bạn hi sinh linh hồn bất tử cho thân xác bùn đất sao? Các bạn chối bỏ đức tin, phản bội Thiên Chúa, hiến thân cho ma quỉ và từ khước triều thiên sắp sáng chói trên đầu các bạn sao? Chính ngài đã khặng định: mình chỉ có thể phục vụ hoàng đế và tổ quốc khi thờ phượng một Thiên Chúa chân thật và khinh bỏ các ngẫu tượng bằng gỗ đá.

Rồi các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài là những bậc tổ tiên cha anh chúng ta trong việc đón nhận đức tin nơi Thiên Chúa và cũng là những người gìn giữ kho tàng cao quý và vô giá này để trao ban lại cho chúng ta. Hình ảnh gương sống của các ngài thật là một điều kì diệu rạng danh cho nước Việt. Lòng trung thành với nhà vua, nêu cao tình thần yêu nước và hi sinh quên mình để bảo vệ nước nhà đang bị xâm chiếm. Nhưng sống trong thời bị bách hại vì theo đạo Kitô, các ngài đã nêu cao được tinh thần mến Chúa yêu người và luôn thực hành những gì Chúa dạy. Như lời của thánh Gioan Baotixita Đinh Văn Thành(1796-1840). “Khi đó, Thế Tổ Gia Long, phụ thân của Hoàng đế ra Hà Nội, chúng tôi có đến ra mắt. Người hứa cho chúng tôi được tự do giảng đạo, xây nhà thờ và các nhà bác ái. Người yêu cầu chúng tôi cổ động dân chúng sống hòa thuận và chăm chỉ làm ăn. Từ đó đến nay, tôi vẫn tuân giữ lệnh vua, nhắc nhở bà con làm điều tốt, tránh điều xấu. Tôi thờ Vua trên trời và thuần phục vua dưới đất, tôi vẫn xin Vua trên trời ban ơn cho các quan, để thời các ngài được thái bình thịnh trị. Sao hôm nay quan lại bảo tôi bỏ lệnh Tiên Đế mà tôi đã tuân hành biết bao năm nay….?

* Với Giáo hội

Đức Giêsu đã mệnh lệnh cho các môn đệ “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo[32]. Quả vậy sự nhiệt tình hăng hái sống hết mình vì Giáo hội qua việc truyền giáo của mình, và để cho lời Chúa được lan rộng khắp nơi. Nhưng làm thế nào để có thể đưa lời Chúa vào lòng những con người đang còn xa lạ, đó chính là hãy ở với Chúa trước đã và khi đã có Chúa rồi thì mới trao ban được. Hình ảnh thánh Phanxicô Xaviê là một gương sáng trong sứ vụ truyền giáo, những thành quả mà ngài đã mang lại cho Giáo hội thật lớn lao như lời thánh nhân khặng định: “Cách tốt nhất để đạt được chân giá trị là giũ bỏ cả áo quần của mình và sống cuộc đời khó nghèo.” Trong suốt chuyến mục vụ lạ lùng ở Goa, Ấn Độ, Nhật Bản và các miền đất khác bên Đông phương, Thánh Phanxicô Xaviê đã thâu nạp được hàng ngàn người trở lại Công giáo. Thực vậy, Phanxicô Xaviê đã rửa tội cho quá nhiều người đến nỗi Thánh nhân không thể nhấc nổi hai cánh tay của ngài lên được nữa[33]

* Với cộng đoàn

Đâu là các yếu tố làm nên đời sống cộng đoàn theo Tin Mừng? Trước hết đó chính là sự hiệp nhất mà Đức Giêsu đã minh hoạ bằng hình ảnh cây nho và cành nho[34]. Các tu sĩ không tự quy tụ với nhau vì có cùng một sở thích. Nhưng được mời gọi quy tụ và gắn kết lại với nhau chính là Đức Giêsu. Đức Giêsu là thân nho, các thành viên trong cộng đoàn là cành nho. Họ cùng bám vào Chúa Giêsu để sống, để múc lấy dinh dưỡng cho đời tu của mình.

Các thánh là những người đã sống và làm được như vậy. Tuy nhiên để sống một đời sống cộng đoàn họ phải có một đời sống phi thường, như lời thánh Biển Đức nói đó là đời sống anh dũng nhất. Quả vậy các thánh là những người chu toàn mọi việc trong đời sống cộng đoàn, những việc các ngài làm dường như rất nhỏ mọn hay nói chính xác hơn là những việc âm thầm mà không ai để ý tới, như quét nhà dọn bàn ăn phục vụ bếp núc thậm chí là những hi sinh trên dường bệnh để hiệp thông với Chúa Giêsu như thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Nhưng điều muốn nói ở đây là sự yêu mến cộng đoàn, luôn lợi dụng mọi việc để làm cho cộng đoàn của mình trở nên tươi trẻ và không làm cho người khác phải buồn phiền. Vị thánh trẻ Berchmans cũng nói lên rằng: “Nếu tôi không nên thánh lúc còn trẻ, thì tôi sẽ chẳng bao giờ nên thánh!”, Và ngài đã viết ra một khẩu hiệu: “Rất cẩn thận trong các việc nhỏ mọn!” Và thánh nhân đã sống trọn vẹn châm ngôn này. Thánh Gioan Berchmans chưa bao giờ làm được bất cứ việc gì cao cả và anh hùng, nhưng thánh nhân đã làm mỗi việc một cách tốt đẹp, từ việc phục vụ bàn ăn cho tới việc ghi chép trong lớp.

Sự trẻ trung hòa mình vào đời sống cộng đoàn, hăng say trong mọi công việc bề trên giao phó và chu toàn bổn phận của mình trong tình yêu vời Thiên Chúa và cộng đoàn, đó chính là những nét chung nơi các vị thánh trẻ. Các ngài là những bài học cho mỗi người chúng ta hôm nay.

  1. Mẫu gương nên thánh cho từng người trong đời sống cộng đoàn và hôm nay

Phải chăng mỗi người chúng ta tự đặt câu hỏi rằng: đời tu của ngày hôm nay khác với đời tu của ngày xưa, hay đời sống cộng đoàn của ngày hôm nay cũng khác với đời sống cộng đoàn của ngày xưa? Vì thế đời tu của ngày xưa dễ dàng nên thánh hơn đời tu ngày nay? Để trả lời cho câu hỏi này, trong Tông Huấn Vui Mừng và Hy vọng (số10) Đức thánh cha đã nhắn nhủ mỗi người: lời mời gọi nên thánh mà Thiên Chúa dành cho từng người một trong chúng ta; đây là tiếng gọi mà Thiên Chúa cũng đang hướng về bạn: “Hãy nên thánh, vì Ta là Thánh[35].

 Công Đồng Vatican II đã nhấn mạnh tới điều đó một cách rất rõ ràng: “Được trang bị với rất nhiều những phương tiện để nên thánh, tất cả mọi Kitô hữu đều được Thiên Chúa kêu gọi, trong tất cả các mối tương quan và trong từng hoàn cảnh cũng như trên mọi nẻo đường của mình, để đạt tới sự trọn lành thánh thiện, mà chính Thiên Chúa Cha cũng là Đấng trọn lành thánh thiện[36]. Vì vậy nên thánh là một điều tất yếu trong từng hoàn cảnh của đời sống hiện tại, dù mình đang ở môi trường hay trong hoàn cảnh nào, hãy nên thánh bằng cách thực hiện công việc của mình trong sự phục vụ những người anh chị em với sự ngay thực và với kiến thức chuyên môn[37].

 Các thánh đã nêu gương cho ta thấy cuộc sống nên thánh ở ngay chính đời sống của mình như thế nào, từ nhũng việc bé nhỏ trong đời sống cộng đoàn, không cần những việc làm lớn lao, nhưng trong từng công việc đó các ngài làm với một niềm xác tín là làm cho Chúa và cho cộng đoàn để mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh. Sự năng động nhiệt tình vui vẻ là yếu tố tạo nên một đời sống trẻ trung cho cộng đoàn. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh, bằng cách là chúng ta sống trong Đức Ái, và làm chứng trong cuộc sống hằng ngày của mình, ở bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện. Bạn là nam tu sĩ hay nữ tu sĩ? Hãy nên thánh bằng cách sống cuộc đời dâng hiến của mình với trọn niềm vui[38]. Khi Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị giam trong tù, ngài đã không tự gây kiệt lực cho mình bằng cách ngồi đó để ngóng ngày mình được trả tự do. Nhưng ngài đã quyết định:“Tôi sống trong khoảnh khắc này và lấp đầy nó bằng tình mến” và cách thức để làm cho việc đó trở thành cụ thể sau:“Coi mỗi ngày là một cơ hội để thực hiện những điều nhỏ bé với một cách thức vĩ đại[39].

* Kết luận

Sự trẻ trung nơi Đức Maria được biểu lộ qua cuộc đời của Mẹ. Với lời chào của sứ thần Gapriel “mừng vui lên hỡi Đấng đầy ẩn sủng” và để đáp lại lời chào Mẹ đã nhanh nhẹn hiểu lời truyền tin của sứ thần để nói lên tiếng xin vâng. Tiếng xin vâng của mẹ đã gắn trọn với cuộc đời mà mẹ hằng phó thác cho Thiên Chúa. Từ sự vui mừng mang Đấng Cứu Thế mẹ đã mau lẹ ra đi để mang Chúa đến cho Bà chị họ của mình, mẹ ở lại để phục vụ và chăm lo công việc cho người chị họ của mình trong thời gian sinh nở.

Trong giá lạnh buốt của mùa đông, Mẹ đã vội vã trở dậy cùng với chồng của mình để đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập, vì vua Hêrôđê đang tìm cách diết hại, thật là một sự khó khăn dường nào cho một người phụ nữ mới sinh xong, vì sự thường như chúng ta vẫn thấy, sau khi sinh người phụ nữ phải ở cữ một tháng.

Trong suốt cuộc đời Chúa Giêsu ở trần gian, Mẹ vẫn luôn âm thầm theo dõi từng bước chân, mẹ cùng với những người thân tín đi sau để phục vụ Chúa và các môn đệ. Còn sự đau đớn nào hơn khi Mẹ theo sau Chúa để cùng Ngài vác thập giá lên đồi sọ, chứng kiến cái chết đau thương của con mình, nhưng mẹ đã đón nhận thánh ý Chúa Cha để của lễ được nên trọn vẹn.

Sau khi Chúa về trời Mẹ đã qui tụ các Tông đồ lại để đón nhận Chúa Thánh Thần, và bắt đầu khai sinh một Giáo hội mới, Giáo hội của Chúa ở ngay trần gian này, và cuối cùng Mẹ cùng với các Tông đồ ra đi và mang Chúa đến cho toàn cùng cõi đất.

Vâng sự trẻ trung nơi Mẹ Maria mà chúng ta thấy đó chính là sự nhanh nhẹn và nhạy bén của mình, Mẹ không thể chậm trể hay thoái thác công việc của mình cho người khác, như Đức thánh cha nói, Mẹ không loay hoay với các kế hoạch cho riêng mình, nhưng Mẹ thực hiện kế hoạch Thiên Chúa trong âm thầm và cầu nguyện. Chính Mẹ đã dấn thân vào tất cả các công việc ấy. Mẹ chính là mẫu gương cho các thánh cũng là mẫu gương cho mỗi người chúng ta.

Các vị Thánh trẻ mà Đức Thánh cha giới thiệu cho chúng ta (từ số 51-62). Các ngài cũng là nhưng người luôn năng nộ và mau mắn trong mọi việc mình làm. Sự hi sinh quên mình để làm cho Chúa và cộng đoàn nơi mình lớn lên mỗi ngày, bí quyết nên thánh của các ngài thật đơn giản nhưng rất hữu nghiệm, luôn yêu mến, luôn hăng say, luôn vui vẻ, luôn vâng phục, luôn nhiệt tình làm hết mình cho mọi người, cho cộng đoàn.

Chúng ta là những tu sĩ, là những người luôn học hỏi và sống theo gương Mẹ Maria và các thánh, vậy mỗi chúng ta phải sống như thế nào? Đức thánh Cha Phanxicô nói rằng: tu sĩ hãy trở nên nhưng môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, và luôn trung thành sống theo đặc sủng của của hội dòng và không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân mình[40].

M. Gioan Kêty Nguyễn Thanh Toàn. Ocirt

[1] x. Ga 10,10.

[2] Lc 1,38.

[3] Lc 1,38.

[4] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Công Đồng Vaticano II, 2012, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, chương VIII, Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, số 56, Nxb Tôn Giáo.

[5] https://www.masimpress.com/duc-giao-hoang/dgh-phanxico-ve-tieng-xin-vang-cua-me-maria-va-cua-chung-ta-truoc-thien-chua.

[6] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Công Đồng Vaticano II, 2012, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, chương VIII, Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, số 57, Nxb Tôn Giáo.

[7] Albert J. Hebert. S. M. Cuộc sống ẩn kín của Đức Maria. Tr 345.

[8] Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, SDB. Những gương mặt phụ nữ trong Kinh Thánh, tr 247.

[9] x. Lc 2. 19,51.

[10] MK 5,1.

[11] x. Mt 2. 1,12.

[12] Linh mục. Giuse Nguyễn Ngọc Vinh, SDB. Những gương mặt phụ nữ trong Kinh Thánh, tr 249.

[13] x. Lc 1, 30.

[14] Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Công Đồng Vaticano II, Nxb Tôn Giáo 2012, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, chương VIII, Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, số 53.

[15] x. Lc 2.19,51.

[16] x. Lc 1,39.

[17] Lc 1,34.

[18] Lc 1,38.

[19] GLHTCG số: 967.

[20] https://dcvxuanloc.net/tri-thuc/than-hoc/duc-maria-va-giao-hoi.html, Linh mục Gioan chuyển    ngữ,

Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

[21] http://giadinhlaurenso.org/me-maria/ngay-mung-nam-:-duc-maria-va-giao-hoi.html.

[22] Albert J. Hebert. S. M. Cuộc sống ẩn kín của Đức Maria. Tr 341.

[23] x Cv 2. 4,11.

[24] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Công Đồng Vaticano II, 2012, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, chương VIII, Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, số 53, Nxb Tôn Giáo.

[25] x. Kh 2,4.

[26] Tác giả bài viết: Linh Mục Antôn Nguyễn Xuân Huệ.

[27] Rm 8,35-37.

[28] Ngọc Yến, FMA chuyển ngữ, http://conggiao.info/thanh-daminh-savio-d-44605.

[29] x. Mt 11,28.

[30] http://www.cgvdt.vn/lich/hanh-cac-thanh/thanh-teresa-hai-dong-giesu_a1557.

[31] Mt 16,17.

[32] Mc 16,15.

[33] http://www.cgvdt.vn/lich/hanh-cac-thanh/thanh-phanxico-xavie 1907.

[34] x.Ga 15.1,17.

[35] x. Lv 11,44; 1Pr 1,16.

[36] Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin. Công Đồng Vaticano II, 2012, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, chương VIII, Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội số 11, Nxb Tôn Giáo.

[37] Tông Huấn Vui Mừng và Hy vọng số 14.

[38] Tông Huấn Vui Mừng và Hy vọng số 14.

[39] Những Nẻo Đường Hy Vọng, Sứ Điệp Niềm Vui từ trong tù, Vallendar 2008, S. 23 u. 285.

[40] Báo CGvDT số: 2173, tr 20.

You May Also Like

Trả lời

X