ĐAN VIỆN THÁNH MẪU PHƯỚC SƠN
Tĩnh Tâm tháng 02 năm 2021
ĐỀ TÀI:
NHỮNG NGUYÊN TẮC HƯỚNG DẪN CANH TÂN
Phần A
5 NGUYÊN TẮC LÝ THUYẾT
(Sắc Lệnh “Perfectae Caritatis” – số 2)
* Dẫn nhập
“Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Lời mời gọi của Chúa Giêsu thúc bách con người phải biết đổi mới và thánh hóa đời sống của mình mỗi ngày, không giậm chân tại chỗ nhưng tiến lên, nghĩa là luôn luôn phải canh tân đời sống của mình nếu không muốn bị chi phối và ảnh hưởng của các trào lưu tục hóa khác.
Trong thời kỳ đầu của Giáo Hội, các Kitô hữu đã chịu ảnh hưởng bởi Do thái giáo. Họ đã từng sống, suy tư và thực hành những nghi lễ của Do thái giáo, nên đã bị chi phối rất nhiều. Vì thế, để sống theo Tin Mừng Chúa Ki-tô, họ phải chấp nhận canh tân đời sống của mình theo một nghi lễ mới và một một cơ chế mới. Một trong những vấn đề đầu tiên là việc cắt bì, điều đã được bàn thảo tại công đồng Giêrusalem (xCv 15). Đến thế kỷ thứ II, tính chất “Do thái-Ki-tô giáo” càng trở nên trầm trọng hơn đến nỗi có thể làm lu mờ tính Ki-tô trong đời sống của các cộng đoàn và cản trở việc loan báo Tin Mừng cho các dân tộc như thánh Phao-lô đã cảnh báo (x Gl 3). Điều này càng thúc bách một cuộc canh tân để nuôi dưỡng và tăng trưởng đức tin nơi các tín hữu. Chính vì thế, Giáo Hội đã quyết định đi theo hướng mà thánh Phao-lô đã nói tới, không chấp nhận ở mãi trong chiếc nôi ban đầu: “Do thái-Ki-tô giáo”, nhưng là đi đến sự khai mở với các nền văn hoá khác để thực hiện tính phổ quát của Tin Mừng Chúa Ki-tô.
Theo dòng chảy thời gian, Giáo Hội đã trải qua biết bao cuộc canh tân, hầu làm mới lại Giáo Hội và đáp ứng những nhu cầu của thế giới. Trong số đó phải kể đến Công đồng Vaticano II. Công cuộc canh tân này đã mang lại một làn gió mới và dẫn đưa Giáo Hội từng bước vượt qua những cuộc khủng hoảng của thời đại.
Cùng với tiến trình đó, lịch sử của đời sống thánh hiến cũng có nhiều đổi mới, được thể hiện cách rõ nét trong: “Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi Ðời sống Dòng Tu “Perfectae Caritatis”. Theo đó, Thánh Công đồng muốn đề ra một mô thức mới cho đời sống thánh hiến, nhằm giúp các tu sĩ mở tâm hồn mình ra để đón nhận làn gió mới của Thánh Thần trong thời đại hôm nay.
Vậy, đâu là những lý do thúc đẩy đời sống thánh hiến cần phải được canh tân? Công đồng Vaticano II đã cho chúng ta những hướng dẫn nào giúp việc canh tân đời sống thánh hiến được thực hiện tốt hơn?
- Lý Do Cần Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến
Trước khi đi vào những hướng dẫn cụ thể giúp việc canh tân được hiệu quả, con mời cộng đoàn cùng tìm hiểu những lý do nào đã thúc đẩy Giáo hội, cách riêng đời sống thánh hiến phải lập tức bước vào công cuộc canh tân thích nghi.
1- Xét về hoàn cảnh xã hội
Những lý do đến từ hoàn cảnh của một xã hội với những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của thời mở cửa, với nhiều cám dỗ đầy màu sắc, với nhiều khuynh hướng nghiêng chiều về những giá trị vật chất hơn là những giá trị tinh thần; đó là những khuynh hướng thực dụng, khuynh hướng tục hóa, dẫn đến lối sống đề cao chủ nghĩa cá nhân, duy vật chất, duy khoái lạc…đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tận hiến của các tu sĩ. Cho nên, những người sống đời thánh hiến cần “hâm nóng, làm mới lại tình yêu” của mỗi người với Chúa. “Chúa Giêsu có còn là tình yêu thứ nhất và độc nhất, như chúng ta đã quyết tâm khi tuyên khấn hay không?”[1] .
2- Xét về mặt kinh tế
Tiến trình toàn cầu hoá kinh tế, nhất là sự khủng hoảng kinh tế tại những nước chậm phát triển đã làm phương hại rất nhiều đến người nghèo. Hố ngăn cách giàu – nghèo ngày càng sâu rộng hơn. Trong thực tế, không thiếu những cung cách hưởng thụ, tiêu xài xa xỉ hoang phí đối nghịch với tình cảnh thiếu thốn cơ cực của lớp người cùng khổ. Đó cũng là những khó khăn mà cuộc sống cộng đoàn chứa đựng; nên rất cần khơi lên tầm quan trọng của một “sự phân định nghiêm chỉnh và liên lỉ để lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần nói với các cộng đoàn, để nhận ra những gì đến từ Chúa và những gì trái ngược với Ngài”. Thật vậy, “nếu không có sự phân định được đi kèm với việc cầu nguyện và suy niệm, đời sống thánh hiến có nguy cơ bằng lòng với những tiêu chí của thế giới này: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa duy vật.”[2]
3- Xét về khía cảnh văn hóa và giáo dục
Về văn hoá giáo dục: các dịch vụ Internet nở rộ ngay cả nơi các vùng nông thôn, và qua đó phổ biến những hình thức văn hoá không lành mạnh. Thách đố này tác động không nhỏ tới nền văn hóa của nhân loại. Quả vậy, ơn gọi Thánh hiến là một hồng ân Thiên Chúa ban, vì thế mỗi tu sĩ được mời gọi sống một cách triển nở với chọn lựa của mình. Trong một xã hội có biết bao cám dỗ của nền văn hóa tạm thời, một nền văn hoá cổ võ cho sự thay đổi những lựa chọn đã thực hiện, tu sĩ được mời gọi phải nỗ lực rất nhiều trong việc tự huấn luyện chính mình để đạt được sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng, nhờ đó có thể đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Những lý do nêu trên đã làm ảnh hưởng đến những người sống đời thánh hiến, nhất là giới trẻ trong các tu dòng, hiệp hội khiến họ không muốn dấn thân trong ơn gọi. Quan trọng hơn là nó đang làm cho những người tận hiến mất phương hướng, những người trẻ mất dần niềm hy vọng vào tương lai của Giáo hội. Chúng ta không thể ở mãi trong tình trạnh như thế. Chính chị thánh Catarina đã nói: “Bao lâu còn là lữ khách ở cuộc đời này, các con có điều kiện để không ngừng tiến lên. Ai không tiến lên là lùi”[3]. Do đó “một cuộc canh tân đời sống thánh hiến không thể trì hoãn được nữa”.
Chỉ một số lý do điển hình nêu trên, chúng ta thấy việc canh tân đời sống thánh hiến thật cấp bách biết chừng nào. Tuy nhiên, trước khi đi vào việc canh tân cụ thể từng lĩnh vực của cuộc sống, thật cần thiết để chúng ta đọc lại những chỉ dạy của Công Đồng Vaticano II về việc canh tân đời sống dòng tu. Vậy đâu là những nguyên tắc hướng dẫn của Công đồng trong việc canh tân đời sống thánh hiến?
- Những Hướng Dẫn Của Công đồng Vaticano II Về Việc Canh Tân
Trong sự khôn ngoan và cân nhắc kỹ lưỡng, Công đồng Vaticano II đã đưa ra 5 nguyên tắc chung của việc canh tân thích nghi. Việc canh tân thích nghi đời sống dòng tu một trật bao gồm sự liên tục trở về nguồn mạch của đời sống Kitô hữu và ơn linh ứng nguyên thủy của hội dòng cũng như sự thích nghi hội dòng với những hoàn cảnh đổi thay qua các thời đại. Phải xúc tiến việc canh tân ấy dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần và sự hướng dẫn của Giáo Hội theo các nguyên tắc sau đây[4]:
1- Sống quy luật của Tin Mừng
Bước theo Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời tu dòng, nên tất cả các hội dòng phải coi tiêu chuẩn ấy như là quy luật tối thượng[5].
Vì vậy, muốn canh tân đời sống của mình trước và trên hết phải lấy Tin Mừng làm kim chỉ nam cho việc canh tân. Bởi vì đối với các vị sáng lập, lý tưởng của đời tu là “gắn bó hoàn toàn với Chúa, đến nỗi có thể nói như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô” (Pl 1,21).
Cho nên, Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhắc nhở các người thánh hiến rằng sống linh đạo trước tiên có nghĩa là xuất phát lại từ Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật và người thật, hiện diện trong Lời của Người, đó là “nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo”. Sự thánh thiện không thể có được nếu không lắng nghe lời Thiên Chúa. Trong Novo Millennio Ineunte, chúng ta đọc: “Đặc biệt cần thiết là việc nghe Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống… cho phép rút ra từ bản văn Kinh Thánh Lời Hằng Sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta”. Quả thế, chính nơi đó, Thầy Chí Thánh mặc khải chính mình và giáo dục tâm trí và con tim chúng ta. Chính nơi đó, cái nhìn đức tin được trưởng thành, bằng cách học biết nhìn thực tại và các biến cố qua con mắt của Thiên Chúa, đến mức ta có được “tư tưởng của Đức Ki-tô” (1 Cr 2,16).
Chính Chúa Thánh Thần qua Lời Chúa đã ban ánh sáng mới cho các vị sáng lập. Mọi đoàn sủng và mọi luật lệ xuất phát từ đó và tìm cách trở nên một cách diễn tả của Lời Chúa. Tiếp nối các vị sáng lập, các môn đệ của họ ngày hôm nay được mời gọi đón nhận và gìn giữ trong lòng Lời Chúa, để Lời Chúa trở nên chiếc đèn soi bước chân đi và ánh sáng rọi soi con đường của họ (x. Tv 118,105). Như thế Chúa Thánh Thần sẽ có thể dẫn họ đến chân lý toàn vẹn (x. Ga 16,13)[6].
Cũng trong chiều hướng “canh tân đời sống thánh hiến”, tại buổi tiếp kiến (ngày 26/11/2010) dành cho các Bề Trên Tổng Quyền tham dự Tổng Hội Nghị Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền, ĐTC Bênêđictô XVI đã một lần nữa nhấn mạnh đến sự quan trong của Lời Chúa khi ngài nói:
Trước hết là ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa và “cách cụ thể hơn, của Tin Mừng”. Việc canh tân sâu xa đời sống thánh hiến khởi đi từ trọng tâm Lời Chúa, đặc biệt từ Tin Mừng, là quy luật tối thượng của anh em… Tin Mừng được sống thường ngày là yếu tố mang lại sự cuốn hút của nó cho đời sống thánh hiến và giới thiệu anh em cho thế giới như là một thế chọn lựa đáng tin cậy… Đó là nhu cầu của xã hội, cũng là những gì mà Giáo hội mong đợi từ anh em: trở nên một chứng nhân Tin Mừng sống động.
2- Sống Theo Tinh Thần Của Đấng Sáng Lập
Chính để mưu ích cho Giáo Hội nên mỗi Dòng có tính cách và phận vụ riêng. Do đó, phải trung thành nhận thức và noi giữ tinh thần cùng ý hướng đặc biệt của các Ðấng Sáng Lập cũng như tất cả các truyền thống lành mạnh, vì tất cả những yếu tố đó tạo nên di sản của mỗi hội dòng. [7]
Nguyên tắc cho việc canh tân thứ hai mà Công Đồng đề ra là luôn trung thành với tinh thần và ý hướng của Đấng sáng lập. Đặc biệt trong sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống tu trì, Giáo hội mời gọi mỗi Tu hội phải trung thành đón nhận và tuân giữ ý hướng đặc biệt của Đấng Sáng Lập nhằm mưu ích cho Giáo hội.[8] Nhiệm vụ nền tảng của tất cả các thành viên là gìn giữ ý hướng và tinh thần của Đấng sáng lập[9]. Sự hài hòa giữa kỷ luật và tinh thần của Đấng Sáng Lập phải giúp các thành viên lớn lên về tinh thần, làm sao cho mỗi tu sĩ cảm nghiệm thấy sự thích ứng phù hợp với chính ơn gọi của mình trong gia sản của Tu hội.
Sắc lệnh “Đức ái hoàn hảo” mời gọi các tu sĩ phải trung thành với tinh thần và trí ý của Đấng Sáng Lập, vì đây là căn tính và nền tảng cho ơn gọi sống đời sống thánh hiến. Là căn tính và nền tảng, vì tinh thần và mục đích của Đấng Sáng Lập không phải là một sáng kiến cá nhân, cũng không phải phát xuất từ nhục thể, nhưng là tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống Giáo Hội, vì Giáo Hội, cho Giáo Hội và thuộc về sự thánh thiện của Giáo Hội. Như vậy, theo cách nói của Đức Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, đây là một đặc sủng. Đặc sủng được Thiên Chúa ban cho Giáo Hội và vì lợi ích Giáo Hội, đồng thời cũng là hoa trái của Thần Khí đang hoạt động trong Giáo Hội. Các tu sĩ đón nhận qua Vị Sáng Lập và phải có bổn phận giữ gìn ơn huệ này. Đây là một đặc ân, nhưng cũng là một bổn phận. Bởi thế, trung thành với tinh thần Đấng sáng lập giúp các tu sĩ phục vụ Giáo Hội đắc lực nhất và làm phong phú ơn ban của Thiên Chúa. Đức Thánh Gioan Phaolô II trong bài nói chuyện với các bề trên tổng quyền nam vào ngày 24.11.1978 tái khẳng định sự hiện diện của các đặc sủng khác nhau tại chính nguồn gốc của mỗi Hội dòng. Theo Ngài “Mỗi Đấng Sáng Lập, dưới sự linh hứng của Thần Khí mà Chúa Kitô đã hứa ban cho Giáo hội, đã nhận được một ân huệ đặc biệt. Đấng Sáng Lập là một dụng cụ đặc biệt mà Chúa Kitô đã dùng để phục vụ cho công cuộc cứu độ của Ngài. Giáo hội đã dần dần nhận ra những đặc sủng này, xem xét chúng và khi Giáo hội thấy chúng xác thực, đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và gìn giữ chúng trong đời sống cộng đoàn để cho chúng luôn đơm bông kết trái.”[10]
3- Hiệp Thông Trọn Vẹn Với Giáo Hội
Mọi Hội dòng đều phải tham dự vào đời sống Giáo Hội và tùy tính cách riêng của mình phải hết sức cổ võ những sáng kiến và đề nghị của Giáo Hội. Chẳng hạn, trong lãnh vực Thánh Kinh, phụng vụ, tín lý, mục vụ, hiệp nhất, truyền giáo và xã hội như thể là chính của riêng mình[11].
Theo gương các Đấng Sáng Lập, những người tận hiến luôn sống một cảm thức nhạy bén về Giáo Hội, biểu lộ qua việc tham dự trọn vẹn vào đời sống Giáo Hội trong mọi mặt và vâng phục mau mắn đối với các vị mục tử, đặc biệt với Đức Thánh Cha. Một khía cạnh nổi bật của sự hiệp thông với Giáo Hội là gắn bó bằng cả trí tuệ và con tim với huấn quyền của các Giám mục. Những người tận hiến giữ một vị trí đặc biệt trong Giáo Hội, cho nên thái độ của họ đối với huấn quyền có tầm quan trọng lớn lao trước toàn thể Dân Chúa. Chứng tá của lòng yêu mến hiếu thảo của họ mang lại sức mạnh và sinh khí cho hoạt động tông đồ của họ.
Những người tận hiến được kêu gọi trở thành chất men hiệp thông phục vụ cho sứ vụ của Giáo Hội hoàn vũ, vì các đoàn sủng khác nhau của các tu hội được Chúa Thánh Thần ban cho là để mưu ích cho toàn Nhiệm Thể, nên họ phải phục vụ công việc xây dựng Nhiệm Thể (x. 1Cr 12,4-11). “Con đường trổi vượt hơn cả” (1Cr 12,31), “điều cao trọng hơn cả” (1Cr 13,13) là đức mến, vì đức mến dung hòa mọi khác biệt, thúc đẩy mọi người nâng đỡ nhau để hăng hái dấn thân trong công việc tông đồ. Để đạt tới đức mến đó đời thánh hiến trong các tu hội và tu đoàn tông đồ muốn được liên kết đặc biệt trong tình hiệp thông với Đấng Kế Vị Thánh Phêrô trong tác vụ kiến tạo sự hiệp nhất và thúc đẩy công cuộc truyền giáo phổ quát.
Giáo Hội ký thác cho các cộng đoàn sống đời thánh hiến bổn phận đặc biệt, đó là phát triển linh đạo hiệp thông trước tiên trong chính cộng đoàn mình, kế đến trong cộng đoàn Giáo Hội và vượt cả biên giới này nữa, bằng cách kiên trì theo đuổi đối thoại bác ái, nhất là tại những nơi đang bị xâu xé bởi hận thù ghen ghét. Cảm thức về hiệp thông trong Giáo Hội này được củng cố và nuôi dưỡng thông qua sự các mối quan hệ thiêng liêng huynh đệ và cộng tác giữa các cộng đoàn tận hiến. Họ hiệp nhất vì cùng cam kết bước theo Đức Kitô – sequela Christi – và được cùng một Thánh Thần thúc đẩy, như thế họ sẽ biểu lộ cách hữu hình sự viên mãn của Tin mừng tình yêu, như những cành nho của một cây nho duy nhất. Sự hiệp thông Giáo Hội đó cũng biểu lộ qua sự cộng tác với các giáo dân. “Đối với các dòng đan tu và chiêm niệm, mối quan hệ với giáo dân chủ yếu ở mặt thiêng liêng, còn đối với các tu hội dấn thân tông đồ thì mối quan hệ ấy được diễn tả qua sự hợp tác mục vụ. Các thành viên tu hội đời, giáo dân hay giáo sĩ, duy trì quan hệ với các tín hữu khác trong những hình thức thông thường của cuộc sống hằng ngày. Đoàn sủng của các tu hội có thể chia sẻ với giáo dân: giáo dân được mời gọi tham dự nhiều hơn và sâu hơn vào linh đạo và sứ mạng của chính tu hội”.
4- Theo Hiện Trạng Và Nhu Cầu Của Thế Giới
Các hội dòng phải thúc đẩy các tu sĩ tìm hiểu đầy đủ về hiện trạng của con người, của thời thế và về các nhu cầu của Giáo Hội, làm sao để một khi biết khôn ngoan nhận định những hoàn cảnh của thế giới ngày nay trong ánh sáng đức tin và biết nung nấu nhiệt tâm truyền giáo, họ có thể nâng đỡ con người cách hữu hiệu hơn[12].
Việc canh tân thích nghi phải đáp ứng những yêu cầu thực tế. Cách sống, cách cầu nguyện và hoạt động phải tùy theo tính chất của mỗi dòng để thích ứng với hiện trạng thể lý và tâm lý của các tu sĩ, cũng như với các nhu cầu tông đồ, những đòi hỏi văn hóa, những hoàn cảnh xã hội và kinh tế ở khắp mọi nơi, nhất là trong các xứ truyền giáo.
Vì vậy trong buổi gặp gỡ của Đức Thánh Cha Phanxicô với Liên hiệp các Bề trên tổng quyền dòng Nam, lần thứ 82, tháng 11 năm 2013, đức thánh cha đã nhắn nhủ những người sống đời thánh hiến là: “Hãy đánh thức thế giới! Hãy trở nên chứng nhân của một cách làm việc khác, cách hành động khác, cách sống khác! Có thể sống khác đi trong thế giới này”. Đức thánh cha Phanxicô còn khẳng định rằng: “… Tính quyết liệt của Tin Mừng không chỉ dành cho các tu sĩ: mà đòi hỏi tất cả mọi người. Nhưng người tu sĩ đi theo Chúa một cách đặc biệt, mang tính ngôn sứ. Đó là chứng tá mà tôi mong đợi nơi anh em. Các tu sĩ phải là những người có thể đánh thức thế giới”.
Đức thánh cha Phanxicô đã lập đi lập lại điều này và coi đó như là sứ mạng của đời sống thánh hiến. Tu sĩ phải là người có khả năng “đánh thức thế giới”. Nhưng trước khi đánh thức thế giới, chúng ta phải đánh thức chính mình. Nếu đặc trưng của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ, thì “đánh thức thế giới”, chính là sống đặc tính ngôn sứ của mình.
Các tu sĩ đánh thức thế giới qua việc thi hành sứ vụ bằng những công tác khác nhau, tùy theo hoàn cảnh, thời đại, lãnh vực hoạt động của hội dòng và khả năng riêng của mình. Bởi vì “Giáo Hội và ngay cả xã hội cần có những người có khả năng dâng hiến mình trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho tha nhân vì tình yêu Thiên Chúa”[13].
5- Quy Luật Tối Thượng Của Đời Sống Thánh Hiến
Ðời sống tu trì trước hết nhằm làm cho các tu sĩ theo Chúa Kitô và kết hợp với Thiên Chúa nhờ khấn giữ các lời khuyên Phúc Âm; bởi thế, phải thận trọng cân nhắc: những nỗ lực tốt đẹp nhất nhằm thích nghi với các nhu cầu hiện đại sẽ chẳng sinh kết quả gì, nếu không được linh động nhờ sự canh tân về tu đức, vì đó là yếu tố bao giờ cũng giữ địa vị then chốt, ngay cả khi phải xúc tiến các hoạt động bên ngoài[14].
Khởi đầu phần III quyển II của Bộ giáo luật về đời sống thánh hiến, Giáo hội mời gọi các tín hữu sống đời thánh hiến tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm để bước theo sát Chúa Kitô, tiến tới sự hoàn hảo của đức ái: “Đời sống thánh hiến qua việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm là một lối sống bền vững, nhờ đó, các tín hữu theo sát Đức Kitô hơn, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, tự hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa mà họ yêu mến trên hết mọi sự, để một khi đã hiến thân cho việc tôn vinh Thiên Chúa, cho việc xây dựng Giáo Hội và phần rỗi thế giới, với một danh nghĩa mới mẽ và đặc biệt, họ đạt tới sự hoàn hảo của đức ái trong việc phụng sự Nước Chúa, và một khi đã trở nên dấu chỉ rực rỡ trong Giáo hội, họ tuyên báo vinh quang thiên quốc”[15].
Ngoài ra, khi nói đến nghĩa vụ của các tu sĩ, Giáo hội cũng lập lại việc đi theo sát Chúa Kitô: “Các tu sĩ phải coi việc đi theo Đức Kitô do Phúc Âm đề ra và được trình bày trong hiến pháp của tu hội là luật tối thượng của đời sống” (đ.662).
Sống đời thánh hiến không chỉ có nghĩa là chấp nhận một nếp sống đạo, hay là một công tác mục vụ, nhưng là dấn thân theo Chúa Kitô. Vì vậy, sắc lệnh về canh tân và thích nghi đời sống Dòng tu, Giáo hội khẳn định: “Theo sát Chúa Kitô như Phúc Âm dạy là tiêu chuẩn tối hậu của đời sống tu dòng, nên tất cả các tu sĩ phải coi tiêu chuẩn ấy là quy luật tối thượng”[16].
Bước theo sát Chúa Kitô như thế nào?
Theo sát Chúa Kitô được diễn tả qua hai hình thức như sau:
– Qua việc tuyên khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm.
– Qua việc xây dựng Giáo hội và phần rỗi thế giới (đ. 573§1).
Việc theo sát Chúa Kitô là tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm, nhưng điều nầy không chỉ đi tìm sự trọn hảo cho chính mình mà còn để xây dựng Giáo hội và phần rỗi của thế giới. Chính Chúa Kitô đã chấp nhận sự vâng phục, khó nghèo và khiết tịnh để cứu chuộc nhân loại, thì những người chấp nhận lối sống của Ngài cũng chia sẻ vào công cuộc cứu rỗi thế giới như vậy.
Lời khấn là phương thế tuyệt hảo cho đời sống thánh hiến. Người tu sĩ dựa vào lời khấn để biết mình đang đi về đâu? Để có trách nhiệm cao độ với lời khấn. Và lời khấn giúp cho tu sĩ uốn nắn con đường mình đi cho đúng ý Chúa và Giáo hội. Chính vì thế tu sĩ nghiêm ngặt trong lời khấn và cởi mở bước đi trong linh đạo của Hội Dòng. Tu sĩ dấn thân triệt để sống lời khấn như một dấu chứng tình yêu giữa mình và Thiên Chúa, đồng thời ngược lại. Tuy sống trong cởi mở nhưng tu sĩ luôn đối chiếu với lời khấn đừng để bao giờ con thuyền trật hướng. Luôn luôn vui vẻ sống phó thác và hy vọng triệt để vào Chúa qua lời khấn và quyết định dùng lời khấn làm bàn đạp tiến đức của mình, và vui vẻ bước đi loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống phó thác cho lời khấn theo tinh thần của dòng.
Do đó người tu sĩ đi theo Đức Giêsu Kitô như quy luật tối thượng để đời sống người tu sĩ trở thành một dấu chỉ trong thế giới ngày nay.
* Kết luận
Để việc canh tân đời sống thánh hiến đạt hiệu quả thiết thực cho từng người chúng ta, mỗi người hãy tích cực và quyết tâm canh tân đời sống của chính mình về mọi phương diện, đặc biệt: Đời sống nhân bản; đời sống tâm linh, cầu nguyện; đời sống cộng đoàn; v.v. Về nhân bản, chúng ta cần nhìn lại và canh tân từ cách suy nghĩ, tư tưởng, lời nói, hành động. Chúng ta có luôn cố gắng suy nghĩ tích cực, nói những lời chân thành, xây dựng và thực thi những hành vi bác ái, yêu thương với mọi người không? Về đời sống tâm linh, chúng ta hãy cùng nhau soi mình dưới ánh sáng Lời Chúa để khiêm tốn thấy rõ tương quan thực sự của mình với Chúa đang ở mức độ nào? Lâu nay, chúng ta đã cầu nguyện như thế nào? Cầu nguyện cho xong bổn phận hay như một cơ hội thuận lợi để gặp gỡ Thiên Chúa, để được Chúa dạy dỗ và tăng cường thêm sức mạnh, ơn thánh hầu chu toàn mọi nhiệm vụ được trao phó? Cầu nguyện có trở thành một nhu cầu không thể thiếu như hơi thở của chúng ta mỗi ngày và mỗi giây phút không? Về đời sống chung trong cộng đoàn, chúng ta đã hết lòng xây dựng cho chính cộng đoàn chúng ta đang sống không và chúng ta có thực sự yêu thương các anh em mà chúng ta có trách nhiệm hay các anh em đang sống chung với chúng ta không? Vì vậy chúng ta cần làm mới lại tình yêu” hay “hâm nóng tình yêu” của mỗi người chúng ta với Chúa. Tình yêu đích thực tự nó là một sự mới mẻ và đòi những ai sống tình yêu ấy phải đổi mới không ngừng và đổi mới từng giây phút để có thể hòa hợp và nên một trọn vẹn với Đấng là Tình yêu, Đấng hằng yêu thương mời gọi chúng ta tự nguyện và khiêm tốn để Ngài biến đổi hầu mỗi ngày chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Ngài hơn, vì “rượu mới cần phải được tích chứa trong bầu da mới” thì mới giữ được cả hai, nếu không sẽ uổng phí cả hai (x. X. Lc 5, 33-39).
***
Câu hỏi gởi ý: Thánh Công đồng đã gợi ý cho chúng ta những đường hướng nào trong việc canh tân đời sống thánh hiến và lòng nhiệt thành, say mê trong sứ vụ của mình?
Fr. Gioan Tân – Nguyễn Thanh Bình
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxico, Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, 21.11.2014.
[2] ĐTC Benedicto XVI tại buổi tiếp kiến dành cho các Bề Trên Tổng Quyền tham dự Tổng Hội Nghị Liên Hiệp các Bề Trên Tổng Quyền, (ngày 26/11/2010).
[3] Catarina de Siena, Đối thoại (Dialogo), Calgary, Alberta – Canada 2003, số 99.
[4] Công đồng Vaticano II, Sắc lệnh về Canh tân thích nghi Dòng Tu “Perfectae caritatis” (PC), 1965, số 2.
[5] x. PC, số 2.
[6] Thánh Giáo Hoàng Ga Phao Lô II Đời Sống Thánh Hiến Sự Hiện Diện Của Tình Yêu Đức Ki-Tô Giữa Lòng Nhân Loại (số 24).
[7] x. PC, số 2.
[8] x. PC, số 2b.
[9] x.Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, đ. 578.
[10] www.conggiaovietnam.net/index.php, Lm, GB Trần hữu Hạnh, fsf, Đặc sủng của Đấng sáng lập.
[11] PC, số2.
[12] PC, số 2.
[13] x. ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Đời Sống Thánh hiến Vita Concesrata (25/3/1996), Số 105.
[14] x. PC, số 2.
[15] x.Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, đ. 573§1.
[16] x. PC số 2, §1.