TN-065-TUẦN X-thứ Hai
NIỀM AN ỦI
(2Cr 1,1-7 / Mt 5,1-12)
VP Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn
Trong hai tuần kể từ hôm nay, chúng ta sẽ nghe bài đọc thứ nhất với các trích đoạn trong thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-rin-tô. Và bài Tin Mừng với Tin Mừng theo thánh Mát-thêu.
Giáo đoàn Cô-rin-tô được thánh Phao-lô thành lập trong chuyến đi truyền giáo lần thứ hai. Thánh nhân đã ở lại đó giảng đạo hơn mười tám tháng (Cv 18,1-8), từ năm 50 đến giữa năm 52. Hai thư Cô-rin-tô, nhất là thư thứ hai, cho chúng ta am hiểu tâm hồn thánh Phao-lô cũng như tương quan của ngài với giáo dân.
Khi suy niệm hai bài đọc Kinh Thánh hôm nay, tôi khám phá ra một chủ đề chung, đó là niềm an ủi.
1. NIẾM AN ỦI: MỘT ÂN PHÚC CỦA THIÊN CHÚA
Trích đoạn hôm nay của thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô thuộc chương 1 từ câu 1 đến 7. Trong trích đoạn này, chúng ta đếm được 8 lần thánh Phao-lô sử dụng từ ủi an hoặc dưới dạng động từ hoặc là danh từ. Tại sao ngay trong đầu thư thứ hai gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, trong vỏn vẹn 7 câu mà thánh nhân đã nhắc đến 8 lần từ an ủi?
Chúng ta biết, thánh Phao-lô là người đã thành lập giáo đoàn Cô-rin-tô, vì thế ngài chính là cha của họ trong đức tin. Chính ngài đã viết trong thư thứ nhất gửi cho họ: “Cho dầu anh em có ngàn vạn giám thị trong Đức Kitô, anh em cũng không có nhiều cha đâu, bởi vì trong Đức Kitô Giêsu, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1 Cr 4,15). Với tất cả tình yêu thương, ngài chăm sóc cho họ, từng người. Nhưng, đã xảy ra những chuyện không tốt đẹp giữa họ và ngài: một số người trong họ đã có những thái độ gây sự với vị đại diện của ngài, làm tổn thương uy tín của ngài (x.2Cr 2,5;7,12). Việc này khiến thánh nhân không qua thăm họ, mà thay vào đó, ngài viết cho họ một lá thư nghiêm khắc, “nước mắt chan hoà” (2Cr 2,3tt.9); thư này đạt kết quả là cứu được tình thế (2Cr 7,8-13). Lá thư này không đã không tồn tại đến chúng ta. Vấn đề xảy ra và lá thư nghiêm khắc đã gây nên nhiều nỗi buồn cho cả hai phía. Giờ đây thánh Phao-lô viết cho họ, ngài muốn tất cả hướng đến niềm ủi an.
Trước khi là niềm ủi an mà thánh nhân muốn gửi đến cho họ, thì niềm ủi an đó phát xuất từ Thiên Chúa. Ngài viết: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giầu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hẵng sẵn sàng nâng đỡ ủi an”. Sự ủi an mà Thiên Chúa sẵn sàng ban phát chất chứa sự đỡ nâng. Chúng ta có thể hiểu hai từ nâng đỡ và ủi an đồng nghĩa với nhau. Đây là sự đỡ nâng từ bên trong, bằng phục hồi, ban sức mạnh, thêm nghị lực và niềm vui cho cộng đoàn.Thánh Phao-lô viết tiếp với một xác tín: “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách..”
Khi viết cho những người đã và đang đau buồn về những sự cố xảy ra, buồn phiền về tương giao bị rạn nứt và những hậu quả của chúng, thánh Phao-lô muốn hướng về một ánh sáng soi chiếu cảnh tối tăm, u buồn, của thực tế bằng một ân phúc của Thiên Chúa, đó là niềm an ủi. Niềm an ủi là sự đỡ nâng mà Thiên Chúa thực hiện trong những hoàn cảnh gian nan thử thách.
Chúng ta đã kinh nghiệm rất nhiều rồi về niềm ủi an có sức mạnh lớn thế nào để có thể tiếp tục sống với gian nan thử thách và vượt ra khỏi đường hầm tăm tối. Thiên Chúa vẫn an ủi đỡ nâng chúng ta, bằng nhiều phương thức khác nhau, tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể. Thiên Chúa an ủi chúng ta, vì Người là Cha giầu lòng từ bi lân tuất. Người thấy con cái mình khổ đau, gian nan, mà lại không thương và nâng đỡ hay sao? Mỗi chúng ta đã có kinh nghiệm thế nào là được Thiên Chúa đỡ nâng ủi an, để có thể tiếp tục sống đến hôm nay và tiếp tục hướng tới tương lai.
Đừng khổ đau mà thất vọng, chán chường. Thiên Chúa có cách nâng đỡ ủi an. Chúng ta hãy đến với Chúa Cha, đến với Thánh Tâm Chúa Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã tha thiết mời gọi chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28). Nghỉ ngơi bồi dưỡng là được an ủi.
2. NIỀM AN ỦI: MỘT QUÀ TẶNG TRAO CHO NHAU
Sau khi đã cầu xin Thiên Chúa Cha giầu lòng từ bi lân tuất ban cho ân phúc an ủi, thánh Phao-lô nói đến niềm an ủi mà con người có thể trao tặng cho nhau. Ngài viết: “Thiên Chúa luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó.
Như vậy, con người có thể trao tặng nhau niềm an ủi. Đây là một trong những quà tặng quí mà chúng ta có thể trao tặng cho nhau. Thật là quí, nếu trong gian nan thử thách, chúng ta nghe được những lời khuyến khích, động viên. Thật là quí, nếu trong gian nan thử thách, chúng ta nhận được bàn tay đưa ra để nắm lấy chúng ta kéo ra khỏi những ao bùn hay tù ngục. Thật là quí, nếu trong gian nan thử thách, chúng ta nhận được tình yêu của ai đó sẵn sàng hy sinh để cứu giúp chúng ta. Vẫn có đó những điều tốt lành như vậy trong cuộc sống, trên đời này, từ nhiều phía. Và nếu chúng ta đã nhận, thì chúng ta cũng hãy trao tặng.
Niềm an ủi này phải là hoa trái của chính cảm nghiệm niềm an ủi nhận được từ Thiên Chúa, trực tiếp từ nơi Người hay qua trung gian nhân loại. Điều đó mang lại niềm ủi an mà chúng ta trao tặng nhau tính chất bền vững và chân thật. Niềm an ủi chúng ta dành cho nhau phải là điều gì đó ở bên trong chúng ta, chứ không chỉ là những lời xã giao bên ngoài mau qua. Điều ở bên trong, nghĩa là phát xuất từ chính trái tim rung động và tình yêu nhập cuộc. Đây là trái tim đặt trong nỗi gian truân của anh chị em mình. Thánh Phao-lô viết: “Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ”.
Như vậy, niềm an ủi và ngay cả sự gian truân – nếu có tình yêu trong đó – lại là cơ hội để sống hiệp thông với nhau, nghĩa là đi sâu vào nhau, yêu thương nhau hơn. Thánh Phao-lô viết: “Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. Chúng tôi lấy làm an tâm, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy.” Như vậy thống khổ và an ủi đi đôi với nhau và chúng đều có ý nghĩa. Thống khổ mời gọi an ủi. An ủi mang lại sức mạnh để chấp nhận thống khổ.
3. NIỀM AN ỦI: MỘT HOA TRÁI TỪ NỖI THỐNG KHỔ
Bắt đầu từ hôm nay, chúng ta sẽ nghe trích đoạn mỗi ngày thuộc Tin Mừng theo thánh Mát-thêu. Chúng ta sẽ nghe những lời của Chúa Giêsu và các hành động của Người trong thời gian Người hoạt động công khai. Như chúng ta đã biết, Tin Mừng theo thánh Mát-thêu được cấu trúc chung quanh 5 bài giảng: bài giảng trên núi (chương 5 đến 7), bài giảng về sứ mệnh truyền giáo (chương 10), bài giảng bằng dụ ngôn về Nước Trời (chương 13), bài giảng về Giáo Hội (chương 18) và bài giảng về thời cánh chung (chương 24 và 25). Trích đoạn hôm nay – chương 5 từ câu 1 đến 12, thuộc về bài giảng trên núi. Trong trích đoạn này, Chúa Giêsu nói đến các mối phúc. Tôi xin được dừng lại nơi mối phúc thứ ba: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”.
Nơi đây, chúng ta khám phá ra hai bên: con người và Thiên Chúa. Chúng ta cũng khám phá ra hai vấn đề: vấn đề của con người là sầu khổ. Vấn đề của Thiên Chúa là Thiên Chúa an ủi. Và chúng ta cũng khám phá ra rằng hai phía đó, hai vấn đề đó, không tách rời nhau, luôn liên kết: liên kết giữa con người và Thiên Chúa, liên kết giữa sầu khổ và ủi an. Nhưng, vấn đề được đặt ra là liên kết cách nào đây?
Chúng ta vừa đề cập trên kia về niềm an ủi Thiên Chúa ban cho những ai sống trong gian nan thử thách và con người có thể trao tặng nhau niền an ủi. Điều đó đã tương đối rõ. Vấn đề ở đây là sầu khổ nào mà lại có phúc. Người ta vẫn thường nói là sầu khổ là vô phúc, vì đó là điều chẳng ai muốn rơi vào. Người ta vẫn muốn và tìm mọi cách để thoát sầu khổ mà.
Chúng ta có thể nói đến sầu khổ mang đến ủi an không? Chúng ta có kinh nghiệm nỗi sầu khổ vì sống bất trung, sống không yêu thương không? Nỗi sầu khổ này, nếu sống với tất cả ý thức sẽ là con đường dẫn đến niềm vui, niềm ủi an, vì có sự hoán cải và tiến bộ trên đường thiện.
Chúng ta có thể nói đến nỗi sầu khổ của một trái tim đồng cảm với nỗi đau của tha nhân, của một cuộc đời đồng tử với số phận tha nhân không? Nỗi sầu này, nếu thực sự phát xuất từ tinh yêu, đó lại là nơi của niềm an ủi, vì trái tim và cuộc đời có giá trị và ý nghĩa. Đó là sự dấn thân.
Chúng ta có thể nói về sự sầu khổ của sự thiếu vắng Thiên Chúa trong cuộc đời không? Nỗi sầu khổ này – nếu sâu mạnh trong tâm hồn – sẽ biến thành sự thúc bách của tình yêu Chúa Ki-tô để trở thành niềm an ủi khi thấy anh chị em mình được cứu độ.
Chúng ta có thể nói đến nỗi u sầu của chính Chúa Giêsu Kitô, của một trái tim bị đâm thâu không? Và niềm an ủi đến từ ân sủng chữa lành cho tội lỗi chúng ta và nhân loại.
Và còn biết bao nỗi sầu khổ biến thành niềm an ủi. Nỗi sầu khổ tự nó không biến thành niềm an ủi và cũng chẳng trao ban niềm ủi an, mà chính Thiên Chúa vào cuộc, hiện diện nơi đó.
“Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an”.