Suy Niệm Thứ Ba Tuần XXII Thường Niên A (Lc 4, 31-37)
Đôi nét địa danh: Capharnaum chính là biểu tượng Galilê của dân ngoại, nơi thuận lợi cho việc Truyền Giảng Tin Mừng. Về phương diện kinh tế xã hội: đó là một hải cảng khá phồn thịnh lúc bấy giờ, nơi vảng lai pha tạp nhiều chủng tộc tầng lớp xã hội: thuỷ thủ, thương gia, nông dân… Thánh sử Luca vừa giới thiệu cho chúng ta bối cảnh sinh hoạt tôn giáo ngày Sabát của Đức Giêsu với sứ vụ giảng dạy, xua trừ ma quỷ và chữa lành bệnh nhân…
Như chúng ta đã biết là chúng ta đang ở vào những ngày đầu đời công khai truyền giảng Tin Mừng của Đức Giêsu. Các Thánh sử đều nhấn mạnh đến quyền năng phi thường, đến thế giá toát ra từ con người và lời nói của Ngài. Giới Do-Thái thời đó chịu ảnh hưởng rất lớn của các “trường phái”, các nhóm kinh sư chuyên giải thích Kinh thánh bằng cách trích dẫn, tham chiếu Cựu Ước. Còn Đức Giêsu có lối chú giải mới, không nương tựa vào một trường phái nào cả. Tự Ngài đưa ra một tư tưởng của một Bậc Thầy Siêu Đẳng, gây uy tín ngay lập tức. Ngài không nương dựa vào truyền thống của trường phái, mà trực tiếp kêu gọi lương tri của những người đối thoại với Ngài.
“Trong Hội đường, có một người bị quỉ thần ô uế nhập la to lên…” Một con người bị quỉ ám, một con người mất tự do, một con người không còn là mình nữa… Ma quỉ luôn là thế, ngày xưa cũng như ngày nay, nó đè nặng trên tự do của con người, để trói buộc, để chiếm đoạt con người… “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng thánh của Thiên Chúa”. Quyền lực của sự ác sắp bị tiêu diệt. Chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, sự hoàn hảo tuyệt đối của tình yêu! Sự thánh thiện của Đức Giêsu sẽ chiến thắng mọi nhơ bẩn nhân loại chúng ta. Tình yêu của Ngài sẽ đánh bại những vị kỷ con người chúng ta. Mối liên kết kỳ diệu đầy tình yêu con thảo của Đức Giêsu với Chúa Cha sẽ dạy chúng ta cầu nguyện. Lòng can đảm của Ngài sẽ phá tan mọi khiếp nhược và trễ nải của chúng ta.
“Chúa quát mắng nó: Câm đi, hãy xuất khỏi người này…”
Đây là phép lạ đầu tiên được các Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật. Một cuộc giải phóng kỳ diệu. Một con người “bị xiềng xích” được giải thoát khỏi xâm đoạt của kẻ dữ đang đè nặng trên y. Một cuộc phục hồi toàn vẹn cả thể lý lẫn nhân phẩm. Thế lực của sự dữ bị đánh tan do Đấng đầy quyền năng và thương xót. Mọi người đều thánh phục và kinh ngạc về cách giảng dạy, vì lời Ngài nói là lời của Đấng có thẩm quyền: “Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải xuất ra”. Và tiếng đồn về Ngài lạn ra khắp nơi trong vùng.
Ngày nay cũng vậy, Đức Giêsu vẫn là nhân vật “thời danh”! Nhưng chúng ta có biết vượt trên các dư luận bề ngoài đó, để khám phá ra chính con người của Ngài trong mầu nhiệm Ngôi Vị sống động của Ngài trong chúng ta không!? Ước chi Lời Chúa và Phụng Vụ hôm nay cho ta cảm nghiệm được tình thương và quyền năng của Ngài luôn hoạt động trong chúng ta đến nỗi có thể nói được như thánh Phaolô: “Tôi sống mà không phải tôi sống, nhưng là Đức Kitô sống trong tôi”.
Lm. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc