Thứ 7 Tuần XXVIII Thường Niên
Suy niệm Lc 12, 8-12
Đọc bài Tin mừng hôm nay, không biết cộng đoàn có cảm giác thế nào, riêng bản thân khi đọc tới câu: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng được tha”, tự dưng cảm thấy sợ! Bởi, từ sau lễ Ngũ tuần đến giờ, chúng ta đang sống trong thời đại của Chúa Thánh Thần, tội nào mà chẳng phạm đến Thánh Thần. Vậy ta phải hiểu câu Kinh thánh này như thế nào, Chúa Giêsu nhắm tới thứ tội nào không được tha?
Trước hết, chúng ta cần xác tín rằng: không có sự mâu thuẫn nào trong câu nói của Chúa Giêsu, cũng như không có sự đối nghịch nào giữa Chúa Giêsu và Thánh Thần, bởi cả Hai Ngôi cùng Chúa Cha là một Thiên Chúa tình yêu, nhân từ, giàu lòng thương xót, không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho con người.
Thánh Thần được sai đến trần gian, với tư cách là Đấng bào chữa cho con người, để dẫn con người đến sự thật toàn vẹn, và làm chứng cho sự thật. Sự thật đầu tiên Thánh Thần làm chứng, đó là: Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, vì yêu con người, Ngài đã chịu chết và đã sống lại vinh quang, nay đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Sự thật thứ hai Thánh Thần tuyên bố: tất cả mọi người đều là kẻ có tội, Vịnh gia khẳng định: “không một phàm nhân nào công chính trước nhan Thiên Chúa; mọi người đều đã phạm tội”. Thứ ba, Thánh Thần minh chứng Ngài chính là Thần Chân Lý, Đấng không hề sai lầm, chẳng hề lừa dối ai. Như thế, tội nào là tội phạm đến Thánh Thần: đó là tội chống lại sự thật, chống lại chính bản tính của Thánh Thần, và phủ nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa; kế tiếp là bóp méo sự thật, tội này được Tin mừng Thuật lại: khi Đức Giêsu dùng quyền năng Thiên Chúa trừ quỷ, giới lãnh đạo Do thái nói: ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ; tội thứ ba chống lại Thánh Thần đó là kiêu ngạo, khi Thánh Thần nói ta là kẻ có tội: “ Nhưng nếu chúng ta nói là chúng ta không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối”. Một kẻ nói dối không chỉ lừa mình, còn coi Thánh Thần là kẻ nói dối. Như thế, ba giống tội trực tiếp phạm đến Thánh Thần là chống lại Sự Thật, bóp méo sự Thật, cuối cùng là tội kiêu ngạo, coi Thánh Thần là kẻ dối trá. Nhưng có thực sự khi phạm những tội này thì con người hết hi vọng được cứu độ, vì không được tha?
Thưa không phải như vậy, một chân lý chúng ta không chỉ xác tín mà tin cách tuyệt đối: mọi tội con người phạm dù nặng đến đâu đều được tha bổng hết, miễn là chúng ta thật lòng ăn năn sám hối và xưng thú tội mình. Bởi thực chất, chính Chúa Cứu Thế đã ban cho các tông đồ và các đấng kế vị quyền tha tội: “ Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước trời: dưới đất anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”. Chính Thánh Thần được sai đến trần gian với tư cách là Đấng bào chữa cho con người; hơn hết khi chúng ta đến với bí tích Giải tội, chúng ta được tha tội nhân danh Thánh Thần. Linh mục đọc lời xá giải: Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã nhờ sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và ban Thánh Thần để tha tội. Vậy ta phải hiểu câu nói: tội phạm đến Thánh Thần không được tha như thế nào? Đó là tội cố chấp, cương quyết chống lại sự thật, không chịu hoán cải, phủ nhận lòng thương xót, khăng khăng khẳng định mình không có tội. Một kẻ kiêu ngạo cho mình không có tội, họ đâu cần sự tha thứ, làm sao tha thứ khi họ không đón nhận. Như thế, tội phạm đến Thánh Thần là kẻ không đón nhận sự tha thứ, chứ không theo nghĩa là không thể tha thứ. Họ cố chấp coi Thánh Thần là kẻ nói dối, và sẵn sàng bước vào trong bóng tối sự chết. Tội này vô phương cứu chữa.
Khi nhìn lại mình, những tội phạm đến Thánh Thần, chính bản thân chúng ta lên đấm ngực, thực chất, chúng ta cũng phạm, có lẽ khá thường xuyên. Trong một ngày, có biết bao nhiêu lần ta không nghe theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, trái lại còn cố tình làm chuyện bậy bạ, xúc phạm đến Ngài; và đã bao lần, ta bóp méo sự thật, xuyên tạc sự thật và báo cáo láo. Hành vi bóp méo sự thật, tin sai sự thật do ta loan truyền hay thêu dệt nên đã phá hoại phẩm giá, danh dự của biết bao nhiêu người; đã phá vỡ hạnh phúc của biết bao gia đình. Cha tổ phụ Biển Đức Thuận nói: “tội này phạm nhiều mà ít người xưng“.
Vậy qua Lời Chúa hôm nay, ta hãy cùng nhau tạ ơn Chúa đã ban Thánh Thần, để Ngài đồng hành với ta trong mọi nẻo đường của cuộc sống; đồng thời cầu xin Chúa ban cho ta lòng khiêm nhường sám hối, thật lòng chê ghét tội giục lòng đi xưng tội, để lãnh ơn giao hòa với Chúa và với anh chị em. Và xin Thánh Thần soi lòng mở trí cho ta thấy rõ niềm hy vọng do ơn Người kêu gọi mang lại, để sẵn sàng trả lời cho tất cả những ai chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta. Một niềm hy vọng không chỉ được tha thứ mà còn được yêu thương; không phải là tôi tớ nhưng là con, là người đồng thừa tự với Đức Kitô trong Nước Thiên Chúa.
FM. Tùy Phúc Hậu