PHÂN ĐỊNH
(Tông Huấn Chritus Vivit – Đức Kitô Hằng Sống, từ số 278-299)
Viện Phụ DUYÊN THẬP TỰ LÊ VĂN ĐOÀN
DẪN: GỢI MỞ TỪ NGƯỜI CHA CHUNG
Trong suốt năm 2020, cộng đoàn chúng ta đã tĩnh tâm tháng xoay quanh tông huấn “Christus vivit”. Mỗi tháng chúng ta đã được nghe – và nhận văn bản – những chia sẻ của anh em, cá nhân hay từng nhóm. Qua các bài chia sẻ, chúng ta có thể nhận ra hai cách tiếp cận tông huấn khác nhau. Cách tiếp cận thứ nhất là trình bày tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô bằng cách nhờ các nguồn khác để hiểu rõ hơn và từ đó áp dụng vào đời sống đan tu của chúng ta. Cách tiếp cận thứ hai là dựa vào một vài điểm nổi bật của phần được giao để ngay từ đầu đã đề cập đến đời sống đan tu và triển khai từ đó. Cách tiếp cận này không làm nổi bật những gì Đức Thánh Cha muốn diễn đạt. Tông huấn “Christus vivit” – vì được viết cho toàn thể người trẻ kitô hôm nay – nên có thể không liên quan trực tiếp đến người trẻ đang sống đời đan tu với nếp sống và những yếu tố đặc thù; nên khi đưa vào áp dụng trực tiếp vào đời sống đan tu, chúng ta có thể cảm thấy một phần gượng gạo nào đó. Nhưng dầu sao, những nỗ lực của anh em thật đáng trân trọng, vì đã hiểu được phần nào “tâm tư” của Đức Thánh Cha và như nghe được tiếng mời gọi của ngài dội lại cho chính ơn gọi đặc thù của mình. Chân thành cám ơn tất cả anh em đã chuẩn bị kỹ lưỡng và soạn thảo những bài chia sẻ có chất lượng cho cộng đoàn trong suốt một năm qua.
Hôm nay, tháng 12 năm 2020, đề tài cuối cùng được trình bày với anh em về chương cuối của tông huấn “Christus vivit”, chương đặt trọng tâm vào việc phân định hay biện phân. Đây là một trong những hoạt động tinh thần, thiêng liêng của đời sống của con người. Không thể sống mà không có định hướng, chọn lựa. Nhưng không thể có những điều đó mà không có sự phân định. Trong đời sống Kitô hữu, việc phân định đóng vai trò hệ trọng để giúp tìm ra thánh ý Thiên Chúa và sống một cuộc sống đúng theo ý muốn của Người. Đời sống tu trì – vì là một sự thánh hiến đặc biệt bắt nguồn từ sự thánh hiến của bí tích thánh tẩy – cũng là một cuộc chiến đấu để tin vào Thiên Chúa và từ bỏ ma quỉ cùng các cám dỗ của nó (lời tuyên xưng trong nghi thức rửa tội), để bước theo sát Chúa Kitô. Như thế, phân định là điều kiện sống còn để sống đời Kitô hữu và đời thánh hiến tu trì.
Để có thể nắm bắt được tư tưởng Đức Thánh Cha Phanxicô về việc phân định, thiết tưởng trước hết cần một thoáng nhìn lại tông huấn “Christus vivit” để hiểu mục đích và nội dung mà ngài muốn gửi đến. Sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu những điểm chính về phân định mà Đức Thánh Cha nêu lên trong hai tông huấn “Gaudete et exsultate” và “Christus vivit”. Và để sát với nếp sống tu trì của chúng ta, một sự mở rộng về phân định trong ngữ cảnh của đời sống thánh hiến cần thiết cho chúng ta, để có gì áp dụng cụ thể trong nếp sống. Trong phần này, chúng ta sẽ nêu lên chính tư tưởng của Đức Thánh Cha như là những gợi mở cho chúng ta trong hành trình đi theo Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến này. Vì ngài là một tu sĩ, nên những suy tư và kinh nghiệm của ngài là những gợi mở rất quí báu cho chúng ta. Thật vậy, “đó là một con người thánh hiến, cũng như tôi, cũng như rất nhiều người khác đang sống hạnh phúc khi đi theo Chúa Giêsu Kitô, trong phục vụ Giáo Hội và phục vụ anh chị em mình; những người trẻ và những người ít trẻ hơn, ở đây đó khắp nơi, tràn đầy niềm say mê Tin Mừng. Những lời của Đức Thánh Cha chứa đầy sự thật, sự khôn ngoan và niềm say mê. Đức Phanxicô quả thực là một người tình của Chúa Giêsu Kitô. Tôi tin như thế.”[1]
Bản văn anh em đang có trong tay khá dài, sẽ không được đọc lên tất cả hay triển khai hết những gì được viết trong những phút gợi ý bây giờ, xin chỉ dừng lại nơi một số điểm chính yếu. Anh em sẽ đọc lại kỹ hơn khi ở một mình để suy tư về đề tài quan trọng này. Bản văn này như một món quà nho nhỏ gửi tặng anh em nhân dịp cuối năm dương lịch 2020. Ước mong nó như là những gợi ý cho anh em và cộng đoàn chúng ta trong hành trình sắp tới.
I. MỘT THOÁNG NHÌN LẠI TÔNG HUẤN “CHRISTUS VIVIT”
Một thoáng nhìn lại tông huấn cho phép chúng ta hiểu rõ hơn mục đích và thành phần mà Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nhắm đến; đồng thời lướt qua – như là một sự ôn lại – những điểm lớn của nội dung tông huấn.
1. Mục đích
Đức Thánh Cha khẳng định:
“Tông Huấn này được gửi đến các bạn trẻ Kitô giáo. Tông huấn này nhắc nhở các con về những tin tưởng vững chắc được phát sinh từ chúng ta, đồng thời khuyến khích các con thăng tiến trong sự thánh thiện và dấn thân trong ơn gọi mình.” (s.3)
“Nhưng vì nó cũng là một phần tiến trình của Thượng Hội Đồng, tôi cũng gửi đến sứ điệp này đến toàn thể Dân Thiên Chúa, tới các vị chủ chăn và tất cả các tín hữu, vì tất cả chúng ta đều được thách thức và thúc đẩy chúng ta cùng suy tư về giới trẻ và cho giới trẻ.” (s.3)
2. Bố cục và nội dung
Tông Huấn gồm phần Dẫn Nhập và 9 chương bao gồm 299 số.
Chúng ta có thể liên kết các chương với nhau cho một bố cục rõ ràng và dễ nắm bắt dòng tư tưởng của Đức Thánh Cha.
– Trước hết, trong chương 1, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến gương mặt trẻ được đề cập đến trong Cựu Ước và Tân Ước, nơi đó, trong từng khuôn mặt – hoặc nêu đích danh hoặc một chỉ dẫn vô danh – một số yếu tố được nêu lên để làm nổi bật “chất tố trẻ” hầu mời gọi người trẻ nhìn vào đó để suy nghĩ về tuổi trẻ của mình, như đức Thánh Cha viết trong số cuối cùng của chương 1: “Chắc chắn còn nhiều đoạn khác nữa Lời Chúa có thể soi sáng giai đoàn này trong cuộc sống các con.” (s.21)
– Tiếp đến, trong chương 2, sau khi đã nêu lên một số khuôn mặt trẻ trong Kinh Thánh, cũng trong phạm vi Kinh Thánh, Đức Thánh Cha mời gọi đọc và nhìn cuộc đời Chúa Giêsu trong nhãn giới “trẻ” để thấy rằng “Đức Kitô chính là ‘người trẻ giữa những bạn trẻ’ và để thánh hiến họ cho Chúa” (s.22). Vì thế: “Các bạn trẻ thân mến, Đức Giêsu không dạy các con từ xa, hay từ bên ngoài, nhưng từ chính trong tuổi trẻ của các con, một tuổi trẻ mà Người chia sẻ với các con. Điều quan trọng đối với các con là chiêm ngưỡng Đức Giêsu trẻ trung như đã được trình bày trong các sách Tin Mừng, vì Người thực sự là một người trong số các con, và chia sẻ nhiều đặc điểm của tâm hồn tươi trẻ nơi các con” (s.31)
Nhưng chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trẻ trung cũng phải nhìn vào sự tươi trẻ của Giáo Hội, vì Giáo Hội luôn liên kết với Chúa Giêsu. Khi nhìn vào Giáo Hội dưới ánh nhìn của sự trẻ trung, Đức Thánh Cha nêu lên hai mong ước: thứ nhất là “một Giáo Hội mở ra để đổi mới, nghĩa là “Giáo Hôi chỉ tươi trẻ khi Giáo Hội là chính mình… Giáo Hội tươi trẻ khi Giáo Hội chứng tỏ mình có khả năng liên tục trở về với nguồn cội của mình” (s.35). Thứ hai là “Giáo Hội lưu tâm đến các dấu chỉ của thời đại, nghĩa là “Giáo Hội biết lắng nghe nhiều hơn” (s.41), một cách cụ thể “làm thế nào, Giáo Hội có thể đáp ứng các giấc mơ của người trẻ?” (s.41).
Khi đề cập đến Giáo Hội, cần thiết phải nói đến Mẹ Maria, vì “Mẹ Maria được toả sáng ngay trung tâm Giáo Hội” (s.43). Đọc lại lịch sử của cuộc đời Mẹ được thuật lại trong Tin mừng, là cách giúp người trẻ sống sự tươi trẻ của mình, vì “Đức Maria chiếu sáng tuổi trẻ của chúng ta” (s.48).
Giáo Hội trẻ trung vì “giữa lòng Giáo Hội cũng đầy những vị thánh trẻ đã hiến mạng sống mình cho Đức Kitô” (s.49); “gương sáng của các ngài cho thấy những điều người trẻ có khả năng thực hiện, khi họ biết mở lòng ra để gặp gỡ Đức Kitô” (s.49) Và “qua sự thánh thiện của giới trẻ, Giáo Hội có thể canh tân nhiệt thành thiêng liêng và sức sống tông đồ của mình” (s.50), và “để Giáo Hội có thể tràn đầy niềm vui, can đảm, và có nhiều người trẻ dấn thân, cống hiến cho thế giới những chứng từ mới mẻ về sự thánh thiện” (s.63).
– (Chương 3). Từ ánh nhìn về quá khứ, Đức Thánh Cha trở về với người trẻ hôm nay với hai câu hỏi chính yếu: “Người trẻ ngày nay thực sự là thế nào?”, và “điều gì đang diễn ra trong cuộc sống của họ?” (s.64).
Với hai ánh nhìn – tích cực và thực tế – Đức Thánh Cha Phanxicô phân tích môi trường xã hội trong đó những người trẻ đang sống, một môi trường có những điều tốt đẹp nhưng cũng gây nên nhiều khủng hoảng, ngay cả những tội ác. Đồng thời ngài cũng nêu lên những điều đang xảy ra trong tâm hồn những người trẻ, những khao khát, chờ mong và cả những day dứt, buồn chán và thất vọng.
– (Chương 4). Trước tình cảnh cụ thể của người trẻ ngày nay, Đức Thánh Cha công bố sứ điệp trọng đại cho họ để họ lấy lại niềm tin và sống ý nghĩa cuộc đời. Sứ điệp đó được gói trọn trong ba chân lý nền tảng: “Thiên Chúa yêu thương các con”, “Chúa Kitô cứu các con”, “Chúa Kitô hằng sống hiện diện trong cuộc sống các con mọi lúc”. Sứ điệp trọng đại với ba chân lý nền tảng này không chỉ là những biểu thức mà là chân lý sống động làm năng động cuộc sống người trẻ. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho người trẻ trải nghiệm cách mới mẻ những tuyệt vời này.
– (Chương 5). Khởi từ sứ điệp trọng đại trên, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ sống lộ trình tuổi trẻ như là một ơn thánh, một phúc lành. Lộ trình đó chứa đựng thời của những ước mơ và quyết định, của khát vọng sống và trải nghiệm. Nhưng những yếu tố đó phải hướng về một thực tại nền tảng quan trọng nhất của cuộc sống và ý nghĩa sâu sắc nhất, đó là sống tình bạn với Chúa Kitô. Chính nhờ sống tình bạn này với Chúa mà người trẻ tiến tới sự trưởng thành – một sự trưởng thành thiêng liêng. Sự trưởng thành đó khả năng mở ra cho tình huynh đệ, cho sự dấn thân với tư cách là chứng nhân Tin Mừng. Nghĩa là trở thành những nhà thừa sai can đảm.
– (Chương 6). Thực hiện lộ trình, nghĩa là từ hiện tại tiến lên phía trước để đạt tới sự trưởng thành. Nhưng hướng về phía trước không có nghĩa là từ bỏ những gì phía sau. Trong ánh nhìn đó, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ – tuổi của những gì đẹp tươi – hãy nhớ đến những gốc rễ, nguồn cội của mình. Nghĩa là đừng để mình bị bật rễ, bung gốc. Một cách cụ thể, đó là nối kết tương giao với những bậc cao niên, để học hỏi những kinh nghiệm quí giá của họ, vì những người trải nghiệm này có biết bao điều để chia sẻ. Và như thế, cao niên và người trẻ sẽ cùng nhau đồng hành với nhau, cùng xây dựng nơi đây và lúc này hiện tại được xây dựng từ quá khứ để hướng về tương lai.
– (Chương 7). Để người trẻ có thể đạt đến sự trưởng thành toàn diện, cần phải có kế hoạch rõ ràng và kiến hiệu. Để thực hiện điều đó, cần phải có mục vụ giới trẻ. Mục vụ này phải mang tính thượng hội đồng, nghĩa là phải có sự chung tay của mọi người trong Giáo Hội với những phương thức mới đầy sáng tạo và táo bạo. Những phương thức đó cần có những tiếp cận mang tính gần gũi, yêu thương và hiện sinh. Đồng thời đưa những người trẻ vào những môi trường thích hợp, nơi đó họ cảm thấy được chào đón, được nối kết. Chính vì thế mà môi trường giáo dục được ưu tiên cũng như các lãnh vực khác của đời sống giới trẻ. Một khi được chăm sóc, đồng hành, người trẻ sẽ trở thành những thừa sai cho chính những người trẻ khác.
– (Chương 8). Tất cả những sự chăm sóc mang tính mục vụ đó có mục đích để người trẻ biết định hướng đời mình. Định hướng đó chính là ơn gọi của họ. Ơn gọi nên thánh là căn bản, được xây dựng trên việc sống tình bằng hữu với Chúa Giêsu và hiện hữu cho người khác. Từ nền tảng này, ơn gọi tình yêu hôn nhân hay ơn gọi thánh hiến đặc biệt được phân định, chọn lựa và sống với mục đích là tạo dựng một cuộc sống có ý nghĩa. Nhưng làm sao để có thể chọn lựa và sống ơn gọi của chính mình? Đức Thánh Cha đặt vấn đề về sự phân định
– (Chương 9) Phân định.
II. PHÂN ĐỊNH TRONG HAI TÔNG HUẤN “GAUDETE ET EXSUTATE” VÀ “CHRISTUS VIVIT”
Phân định hay biện phân đều được Đức Thánh Cha triển khai trong chương cuối của hai tông huấn. Chắc chắn phân định có tầm quan trọng trong ơn gọi nên thánh ngày nay và tuổi trẻ hôm nay.
Trong tông huấn “Christus vivit”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong chương 9 khi đề cập đến “PHÂN ĐỊNH”:
“Trong tông huấn “Gaudete et exsultate”, cha đã nói một cách hơi khái quát về sự phân định.Giờ đây cha muốn lấy lại một số suy tư đó và áp dụng chúng vào cách chúng ta phân định ơn gọi của mình trong thế giới” (s.278)
Trong hai Tông Huấn được viết tiếp theo nhau, liên quan đến sống thánh thiện trong thời đại hôm nay (Gaudete et exsultate) và người trẻ (Christus vivit) vấn đề biện phân cùng được nêu lên và được đặt vào chương cuối. Hai nhãn quan về sự thánh thiện ngày nay và tuổi trẻ hôm nay được qui tụ trong chương cuối cùng của hai tông huấn khi Đức Thánh Cha Phanxicô cùng đề cập đến “BIỆN PHÂN”. Điều này cho chúng ta thoáng thấy vị trí của sự biện phân quan trọng, không những trong cấu trúc của tông huấn – nghĩa là về hình thức bố cục -, mà còn trong thực tiễn đời sống. Thật vậy, những trình bày của Đức Thánh Cha trong hai tông huấn trên, vừa mang tính chất khách quan, nghĩa là trình bày những khía cạnh của vấn đề với nội hàm phong phú; nhưng, đồng thời mời gọi những độc giả – hay đúng hơn những người trong cuộc -, hãy thủ đắc cho chính mình những điều căn bản được nêu lên. Nhưng làm sao để có thể nhận ra và thủ đắc cho chính mình? Đức Thánh Cha đề nghị con đường “Biện Phân” hay “Phân Định”.
1. Tông Huấn “GAUDETE ET EXSULTATE” (“hãy vui mừng và hoan hỉ”)
Trong chương V là phần cuối của tông huấn, Đức Thánh Cha đã đề cập đến biện phân trong mối liên quan với chiến đấu và tỉnh thức.
– Tại sao biện phân lại liên quan với chiến đấu? Cuộc chiến được đề cập nơi đây là cuộc chiến thiêng liêng. Trong cuộc chiến này, phải biện phân xem đâu là não trạng thế tục, tinh thần thế gian và chính ma quí, để sẵn sàng chiến đấu chống lại.
– Tại sao biện phân lại có mối liên hệ với sự tỉnh thức? Cuộc chiến nội tâm ở đây là một cuộc chiến liên lỷ, trải dài suốt cuộc đời; cho nên thái độ tỉnh thức luôn cần thiết. Nếu không tỉnh thức thì sẽ dễ rơi vào cạm bẫy của ma quỉ, thế gian. Thái độ bị ru ngủ hay tự ru ngủ hoặc bị dụ dỗ bởi những lời hứa giả dối của ma qủi diễn tả sự thiếu vắng biện phân.
– Khi không hoặc cả khi thiếu chiến đấu, tỉnh thức và biện phân, người ta sẽ rơi vào tình trạng sa đoạ thiêng liêng. Đó là tình trạng nguội lạnh, chán chường. Đó là con quỉ ban trưa (theo ngôn ngữ đan tu!). Sự sa đoạ thiêng liêng này còn tệ hơn sự sa ngã của người tội lỗi, vì đó là hình thức mù loà hoàn toàn làm cho người ta sống phóng đãng và tự mãn.
– Chính vì thế, chiến đấu, tỉnh thức và biện phân luôn đi đôi với nhau, có thể ví như chiếc kiềng ba chân vững chắc.
– Đề cập đến biện phân, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nêu lên một số yếu tố căn bản.
+ Đây là một hoạt động hết sức quan trọng, vì đó là nơi và lúc để thẩm định điều gì phát xuất từ Chúa Thánh Thần – nghĩa là từ linh hứng của Thiên Chúa – hay từ ma quỉ hoặc tinh thần thế tục.
+ Biện phân không chỉ là hoạt động của lý trí nhân loại, nghĩa là của sự thông minh và hiểu biết, mà chính là một ân ban của Chúa Thánh Thần. Vì thế, vừa phải vận dụng những phương thế như đọc sách, bàn hỏi, suy tư đồng thời cầu nguyện; nhờ đó sẽ lớn lên trong khả năng thiêng liêng này.
+ Biện phân lại còn khẩn thiết cho ngày hôm nay, khi mà cuộc sống hiện tại lại đề nghị và mang đến nhiều điều làm cho con người, nhất là những người trẻ, bị đắm chìm trong một thứ văn hoá xô bồ bon chen. Thiếu biện phân, con người sẽ trở thành con mồi cho mọi thứ trào lưu rẻ tiền.
+ Chính sự biện phân giúp thẩm định đâu là rượu mới của Thiên Chúa hay là ảo ảnh gây nên bởi ma quỉ và thế gian. Muốn phân định, cần phải chuyển động dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để trở nên con người tự do, sự tự do của chính Chúa Kitô.
+ Cho nên, biện phân cần thiết không những cho những vấn đề hệ trọng khi cần đưa ra những quyết định quan trọng, mà còn trong nhịp sống hằng ngày, với mục đích là làm sao đi theo Chúa một cách trung thành, nhận ra kế hoạch của Chúa và nhạy bén trước các ân ban của Người.
+ Chính vì thế, việc duyệt xét lương tâm mỗi ngày là cần thiết để giúp ngày càng nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa trên cuộc đời, hầu hành động theo kế hoạch đó chứ không dừng lại nơi ý hướng tốt lành.
+ Biện phân, vì là một ân ban của Thiên Chúa và nỗ lực của con người, nên tất cả những phương thế, những hiểu biết về tâm lý, xã hội, luân lý đều có ích lợi. Nhưng cần phải có một bậc thang giá trị. Các ngành khoa học trên là bổ ích, nhưng ơn biện phân còn vượt trên các khoa học đó. Nghĩa là sự biện phân phải dẫn đưa con người đến ý nghĩa và mục đích tối hậu của cuộc sống, đồng thời thấm nhập vào chính mầu nhiệm của Thiên Chúa. Như vậy, ơn biện phân dành cho mọi người, dù là những người bé mọn.
+ Vì là một ân ban của Chúa Thánh Thần, nên biện phân cần phải đối diện với chính sự tự do của Người, nghĩa là để cho Người hoàn toàn tự do hành động. Vì thế, thái độ lắng nghe là thái độ căn bản: lắng nghe Chúa, người khác, lắng nghe chính thực tế. Thái độ căn bản này giúp phá vỡ sự nhốt kín trong chính mình nhưng mở ra cho cuộc sống tốt hơn, lớn hơn; vì Thiên Chúa muốn ban cho những điều vĩ đại.
+ Thái độ lắng nghe Chúa Thánh Thần này được cụ thể hoá trong thái độ tuân phục Tin Mừng, huấn quyền Giáo Hội. Đó là những nơi Chúa Thánh Thần lên tiếng.
+ Cuối cùng, biện phân cần đi vào thời giờ của Thiên Chúa, nghĩa là sự kiên nhẫn của Thiên Chúa và sự quảng đại của bản thân. Chính nhờ đó mà, nhờ sự biện phân, hành trình cuộc sống đạt tới đích điểm là thấm nhập mầu nhiệm Thiên Chúa và đảm nhận sự vụ Người trao vị lợi ích của anh chị em mình.
2. Phân định trong Tông Huấn “CHRISTUS VIVIT”
Trong tông huấn này, Đức Thánh Cha muốn đề cập đến “PHÂN ĐỊNH” với mục đích là khám phá, hiểu biết và sống ơn gọi của mình trong thế giới. Ngài lấy lại những yếu tố đã được đề cập trong tông huấn “Gaudete et exsultate” để triển khai và áp dụng cho người trẻ Kitô ngày nay.
Cần lưu ý rằng những điều Đức Thánh Cha nêu lên không dành cho một hạng người trẻ nào – như là các tu sĩ chẳng hạn -, nhưng cho hết mọi người trẻ và nhắm tới những Kitô hữu trẻ. Vì thế, chúng ta sẽ nhận thấy những vấn đề được nêu lên trong việc biện phân vừa có vẻ “xa” nhưng cũng rất “gần” với đời sống đặc thù của chúng ta là đời thánh hiến tu trì.
A. Biên phân và cuộc sống
Đức Thánh Cha nêu lên một số vấn đề cụ thể của người trẻ trong thế giới ngày nay. Những vấn đề rất hiện sinh trong cuộc sống của họ phải trở thành đối tượng của biện phân.
– Người trẻ ngày nay sống trong một nền văn hoá xô bồ, bon chen. Xã hội trình bày đủ thứ và người trẻ cũng dễ bị “phân mảnh” – cùng một lúc, đối diện với hai hoặc nhiều màn hình, tương tác với nhiều bối cảnh ảo – và dễ rơi vào những thứ chóng qua. Như vậy, phân định rất cần thiết để nhận định điều gì phát xuất từ Thiên Chúa, từ tinh thần thế tục hay cám đỗ của ma quỉ (s.179)
– Nếu biện phân giúp khám phá và nhận định điều gì phát xuất từ Thiên Chúa, mà điều phát xuất từ Thiên Chúa luôn hệ trọng và ý nghĩa tối thượng, thì việc nhìn thấy kế hoạch độc đáo và huyền nhiệm mà Thiên Chúa dành cho mỗi người phải chiếm vị trí ưu tiên (s.280).
– Để có thể khám phá ra huyền nhiệm cuộc sống của mình trong ý định nghiệm mầu của Thiên Chúa, cần phải trở về nơi sâu thăm của bản thân, đó chính là lương tâm, nơi Thiên Chúa ngỏ lời. Đó là một sự phân định chiều sâu (s.281).
– Để có thể nghe, hiểu ý định của Thiên Chúa, lương tâm cần được giáo dục, nghĩa là phải được đặt trước sự hiện diện của Thiên Chúa để nhận ra và nhận định những tội lỗi, những việc làm trong các mối tương giao. Việc duyệt xét lương tâm này giúp mình được Chúa Kitô biến đổi và phát triển toàn diện bản thân (s.283).
B. Phân định ơn gọi
Sau khi đề cập đến biện phân nói chung trong cuộc sống, Đức Thánh Cha nêu lên một hình thức đặc thù của biện phân, đó là phân định ơn gọi.
– Đây là một sự phân định mang tính riêng tư, vì là khám phá ra ơn gọi riêng của mình. Để có thể khám phá ra ơn gọi, mỗi người phải lắng nghe nhiều cách và nhiều nơi khác nhau, nhưng phải được thực hiện trong bầu khí thinh lặng và cầu nguyện lâu giờ thì mới có thể nghe và hiểu được ngôn ngữ của Thiên Chúa (s.283).
– Chính sự thinh lặng và cầu nguyện – hai điều kiện quan trọng – giúp mở ra để đón nhận một tiếng gọi và cả những thách đố phá vỡ sự an toàn cá nhân, để hướng tới một điều gì thật sự mới mẻ và một cuộc sống tốt đẹp hơn (s.284).
– Đối diện với tiếng gọi và với chính mình, những câu hỏi căn bản cần được nêu lên cho chính bản thân. Không phải những câu hỏi liên quan đến lợi nhuận vật chất hay những thành công của trần gian, mà là những câu chất vấn để hướng về điều gì lớn hơn bản thân, để phục vụ tốt hơn cho thế giới và Giáo Hội. Những câu hỏi đó lại là cơ hội để nhận ra chính mình cũng như những gì ấp ủ trong tim (s.285). Vậy phải khởi đi bằng những câu hỏi nào?
– Những câu hỏi vượt qua chính bản thân để hướng tới tương quan với tha nhân. Vậy thì câu hỏi căn bản không phải “tôi là ai?”, mà phải là “tôi hiện hữu cho ai?” (tôi là ai cho ai?). Đức Thánh Cha khẳng định: “Tất nhiên các con hiện hữu cho Thiên Chúa. Nhưng Người vốn quyết định rằng chúng con cũng hiện hữu cho người khác”. Rồi ngài đi đến một kết luận rằng mọi sự các con có như đức tính, tài năng, đặc sủng là để chia sẻ với người khác (s.286).
– Sau khi đã định hướng việc phân định trong việc lắng nghe để khám phá tiếng gọi của Thiên Chúa cho bản thân là dành cuộc đời cho Thiên Chúa và cho tha nhân, Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ đặt ơn gọi của mình trên nền tảng nào.
TRÊN CHÚA GIÊSU, NGƯỜI BẠN THÂN.
+ Phân định ơn gọi là nhận định có lời mời gọi, lời mời gọi đó là từ một người bạn. Người bạn đó chính là Chúa Giêsu. Nói đến tình bạn là nói đến trao ban, tặng ban. Quà tặng đây là điều làm cho bạn mình hạnh phúc nhất. Như vậy, khám phá ơn gọi mình là khám phá ý muốn của Thiên Chúa cho cuộc đời mình. Ý muốn đó là tặng ân của một người bạn thân. Chúa là người bạn đó (s.287).
+ Chúa là người bạn thân, Ngài muốn đối xử với từng người như là người bạn thân. Nếu những tặng ân được “BẠN trao ban cho bạn” là để cuộc đời của người bạn có ý nghĩa cho người khác đồng thời mang lại niềm vui, hạnh phúc. Tặng ân đó, tiếng gọi đó, ơn gọi đó phù hợp cho từng người và toàn bộ cuộc sống (s.288).
– Nếu ơn gọi là một quà tặng được BẠN trao cho bạn, mà quà tặng (ơn gọi) luôn chờ đợi một sự đáp trả, thì quà tặng đó cũng trở thành quà tặng cho người khác. Quà tặng là nơi liên kết ba tương giao: Thiên Chúa – bản thân – tha nhân (s. 289).
– Như vậy, người trẻ, khi đón nhận ơn gọi, nhắm đến mục tiêu cao hơn. Mục tiêu đó vươn cao hơn mọi qui luật và nghĩa vụ, đó chính là bước theo Chúa Giêsu là người bạn thân, để cùng bước đi với nhau, đồng hành với nhau, dành thời giờ cho nhau. Thật là đẹp mối tình bằng hữu của và với Chúa Giêsu! (s. 290).
– Nhưng một vấn đề khác cũng cần được nêu lên: tuy rằng biện phân luôn mang chiều kích cá nhân – vì mỗi người phải tự phân định -, người trẻ có cần đến sự trợ giúp của người khác không? Đức Thánh Cha Phanxicô quảng diễn thêm về vấn đề này: sau khi nói việc tự biện phân, sự đồng hành và giúp biện phân được nêu lên. Và giờ đây, ngài ngỏ lời với những ai có khả năng và ơn huệ này.
C. Cùng phân định
– Cần giúp đỡ các người trẻ trong việc phân định ơn gọi của họ. Đó là những người thực sự có trình độ. Nhưng đâu là điều kiện tối quan trọng để thực hiện chức năng này? Đó là lắng nghe với ba loại nhạy cảm (s. 191).
– Loại nhạy cảm thứ nhất hướng về cá nhân. Đó là lắng nghe một ai đó đang chia sẻ về chính bản thân họ trong (qua) những gì họ nói. Cần có thời giờ dành cho họ để họ nói lên tất cả – mọi ý kiến và chọn lựa – và lắng nghe với cả chú tâm và tôn trọng. Chúa Giêsu lắng nghe hai môn đệ trên đường Emmaus là gương mẫu cho việc lắng nghe này (s. 292).
– Loại nhạy cảm thứ hai được đánh dấu bằng sự phân định. Qua những lời người trẻ nói, người đồng hành cố gắng đặt câu hỏi để nắm bắt điểm trọng tâm của vấn đề, nghĩa là hiểu được những gì đang xảy ra trong tâm hồn họ. Đây là cách lắng nghe được linh hứng bởi Thần Khí ngay lành. Người đồng hành cần can đảm, ấm áp và khéo léo giúp những người trẻ phân định sự thật khỏi những ảo tưởng hoặc những biện minh (s. 294).
– Loại nhạy cảm thứ ba là khả năng cảm nhận những gì đang thúc đẩy người đó. Điều này đòi hỏi một sự lắng nghe sâu sắc hơn, để hiểu xem người trẻ đó đang thực sự muốn trở thành điều gì. Ở đây có hai yếu tố cần ghi nhận là điều họ muốn phải thực sự nhắm tới điều làm đẹp lòng Chúa nhất, tới kế hoạch của Người trên họ, và điều đó phải phát xuất từ trong sâu thẳm lòng họ. Đây là việc giúp người trẻ phân định ý hướng tối hậu của họ, ý hướng quyết định triệt để ý nghĩa cuộc đời họ (s. 294).
– Người đồng hành cùng phân định với người trẻ đến giai đoạn này. Hãy để cho người trẻ tiếp tục hành trình của họ. Thật vậy, sự phân định là một cuộc chiến đấu thiêng liêng, để khám phá ra ơn gọi của bản thân. Đó là con đường của tự do để khi theo ơn gọi đặc thù, cuộc sống sẽ phong nhiêu. Ơn gọi luôn mang tính cá nhân mà chỉ Thiên Chúa mới hiểu biết tường tận (s. 295).
– Và như vậy, người đồng hành, tới một thời điểm nhất định, phải biến mất để người trẻ đi theo con đường họ đã khám phá ra; như chính Chúa Giêsu phục sinh biến mất để hai môn đệ trên đường Emmaus, với trái tim bừng cháy, lên đường về với cộng đoàn mình (s. 296).
– Và để kết thúc phần phân định, Đức Thánh Cha mời gọi các người đồng hành người trẻ đi theo tiến trình trên mà không áp đặt lộ trình của riêng mình. Phải tôn trọng sự độc đáo và tự do của từng người trẻ, vì không có một công thức áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. Chính vì thế mà phải sáng suốt khi nhận thấy những yếu tố tích cực và tiêu cực nơi họ (s. 297). Và hơn thế nữa, chính người đồng hành cũng phải đi trên hành trình đó, như Mẹ Maria khi còn trẻ đã phải đối diện với những vấn nạn và khó khăn của mình. Và giờ đây Mẹ vẫn đồng hành bằng lời cầu nguyện và sự hiện diện từ mẫu của Mẹ.
III. PHÂN ĐỊNH ĐỂ TRƯỞNG THÀNH
Sau khi đã tìm hiểu về sự phân định mà Đức Thánh Cha trình bày trong hai tông huấn trên, chúng ta cũng cần áp dụng vào chính ơn gọi chúng ta, ơn gọi thánh hiến tu trì. Như Đức Thánh Cha viết ngay trong phần dẫn nhập, tông huấn này dành cho mọi người trẻ Kitô. Vì thế, ngài không nói đến những người trẻ sống đời thánh hiến, tuy có nói đến việc phân định ơn gọi để bước vào đời sống này. Dầu sao, với những gì ngài triển khai, chúng ta có thể rút ra một số hệ luận cho cuộc sống đặc thù của mình.
Chúng ta dừng lại một số yếu tố mà Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh về phân định trong những dịp khác nhau; qua đó chúng ta có thể suy tư thêm và gợi mở cho chính nếp sống của mình.
1. Mỗi ngày hướng tới sự trưởng thành
Trong buổi phỏng vấn dành cho cha Fernando Prado về đời sống thánh hiến ngày nay, Đức Thánh Cha đã trả lời câu hỏi “làm tu sĩ ngày nay thì khó hơn nhiều với thời trước không?”:
“Tôi nghĩ rằng đúng vậy, trong thế giới hiện nay việc sống đời sống thánh hiến thì khó hơn. Trước đây, một cách nào đó, kỷ luật sẽ bảo vệ bạn… Thế đó, câu trả lời của tôi cho câu hỏi ở đây là “Vâng, đúng vậy”. Trước đây, sống sự thánh hiến tu trì dễ hơn nhiều, vì trong giai đoạn trước Công Đồng, có một quan niệm về Giáo Hội rất rõ ràng và rất xác định. Rất có thể quan niệm ấy tốt cho thời đại đó. Về phần cá nhân mình, tôi là người của thời ấy, và hồi trẻ tôi đã lớn lên trong tầm nhìn đó. Mọi sự được dọn sẵn cho bạn, mọi sự được qui định nghiêm nhặt…. Ngày nay, chính bạn phải trách nhiệm, chính bạn phải tìm thánh ý Thiên Chúa, trong cộng đoàn, với các bề trên của mình hoặc có thể một mình, nhưng chính bạn phải đi tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.”[2]
Ngay sau đó, câu hỏi được đặt ra là “bằng cách nào ngày nay người ta trở thành một tu sĩ tốt? Đức Thánh Cha giải thích:
“Chính ở đây chúng ta chạm đến vấn đề ơn phân định. Ngày nay, một người thánh hiến mà không lớn lên trong ơn phân định, cứ ở mãi mức độ thô sơ, thì đó là một người bị lỗ hổng rất lớn. Người đó thiếu một điều gì rất nền tảng và không thể trưởng thành. Và một người thánh hiến thì không thể giống như một đứa trẻ ôm bình sữa. Ơn phân định đem lại cho người thánh hiến sự trưởng thành mà người ấy cần. Điều căn bản hôm nay trong đời sống thánh hiến, đó là sự trưởng thành… Một người thánh hiến không thể giống như một đứa trẻ, người ấy phải thực sự trưởng thành. Và để được như thế, sự phân định chính là chìa khoá”[3]
2. Được đồng hành để trở nên trưởng thành.
Trong tông huấn “Christus vivit”, Đức Thánh Cha đã nói đến sự quan trọng và tiến trình giúp người trẻ phân định. Cần đồng hành với họ để cùng với họ thực hiện việc biện phân.
Trả lời câu hỏi: “bằng cách nào ngày nay người ta trở thành một tu sĩ tốt”, Đức Thánh Cha nêu lên sự đồng hành để giúp phân định:
“Tôi muốn nói từ quan điểm đức vâng phục. Tôi tin rằng sự vâng phục nơi một người thánh hiến trưởng thành – hay nói đúng hơn, đang trở nên trưởng thành – là cái dẫn dắt bạn tìm ra những quyết định cần thiết, cùng với các bề trên và cộng đoàn của bạn. Ngày nay, ngay cả ẩn sĩ cô độc nhất cũng không thể bước tới một mình trong đời sống. Trong đời sống thánh hiến, người ta không thể bước tới một mình. Chúng ta cần một ai đó đồng hành với mình. Chúng ta, những người sống đời thánh hiến trong cộng đoàn, chúng ta có cộng đoàn, các bề trên, các công nghị, đó là những bạn đồng hành của chúng ta, cho phép chúng ta đi tới đích. Đó là tìm kiếm những con đường và sự kiên vững, hay đúng hơn, tìm kiếm sự trưởng thành trong thánh hiến.”[4]
Liên quan đến việc huấn luyện trong đời sống thánh hiến, có lần Đức Thánh Cha đã so sánh việc huấn luyện như là “việc thủ công” hơn là việc “huấn luyện cảnh sát”. Nhân dịp câu hỏi này được đặt ra, Đức Thánh Cha giải thích thêm và nhấn mạnh đến việc đồng hành:
“Tôi muốn nói về một phương thức huấn luyện trong đó phải trân trọng người ta như sự thật của họ. Trân trọng các ứng sinh hay những người được đào tạo, các chàng trai, các cô gái, như sự thật của họ, để đồng hành với họ, một cách từ từ, theo những nguyên tắc của đặc sủng. Đó là việc có tính thủ công. Hãy quan sát và đồng hành, từng bước một. Chúng ta truyền đạt giáo thuyết cho các bạn ấy, lắng nghe họ, nhất là với tất cả những gì mà họ cảm nhận bên trong, chúng ta giúp họ phân định từ điều họ có và từ điều họ là. Trái lại, cách thức huấn luyện cảnh sát – để nhắc lại hình ảnh này mà tôi đã dùng – qui chiếu đến một phương thức trong đó muốn kiểm soát người ta, sao cho họ tuân giữ các luật lệ và những gì được qui định. Nếu ai không tôn trọng các qui định, ta loại trừ người đó. Nếu họ tôn trọng luật lệ, vậy là mọi sự yên ổn. Người ta không được đồng hành trong hành trình lớn lên, những người trẻ chỉ cần thích nghi với những gì họ được đòi hỏi. Và về lâu dài, điều này có thể làm nổ lên những vấn đề. Sự lớn lên của một con người thì luôn luôn có tính tỉ mỉ như việc thủ công, như thấy trong các gia đình. Nếu các bậc cha mẹ không đồng hành với con cái và bỏ chúng một mình, chúng sẽ không lớn lên tốt đẹp được. Cha mẹ phải ở đó, tạo lập một môi trường tốt, bằng cách dứt khoát nói tiếng “không”, rồi khi thích hợp, cha mẹ giải thích cho con cái vì sao mình nói “không” hay nói “được” với chúng. Chúng là con cái của họ để mắt trên chúng, đồng hành với chúng. Ngày nay người ta không thể quan niệm việc đào tạo mà không có sự theo dõi gần gũi cá nhân. Thật không dễ làm nhà đào tạo hôm nay, cũng như không thể dễ làm cha làm mẹ. Các nhà đào tạo phải là những cha mẹ thiêng liêng có khả năng cho vai trò ấy; họ phải là những con người biết phân định, đạo đức và kiên nhẫn. Quả thật, ngày nay làm nhà đào tạo không đơn giản chút nào. Phức tạp lắm. Không có kiểu mẫu ứng xử cố định. Bạn có đặc sủng của hội dòng, có các ý niệm và có kinh nghiệm về đời sống thánh hiến, bạn có Tin Mừng, và… xin Chúa đến trợ giúp bạn.”[5]
Nhưng, để trở nên trưởng thành, cần phải có một nền đào tạo toàn diện. Về vấn đề này, một lần nữa, Đức Thánh Cha giải thích và nhấn mạnh đến sự đồng hành:
“Việc đào tạo phải bao trùm các chiều kích thiết yếu của con người. Điều này đúng cho những người sống đời thánh hiến và các chủng sinh của các giáo phận. Việc đào tạo phải tựa trên bốn cột trụ: đời sống thiêng liêng, đời sống cộng đoàn, đời sống học tập nghiên cứu và đời sống tông đồ. Và tất cả phải tương tác. Phải đặt con người thụ huấn trong bối cảnh. Đời sống trong cộng đoàn rất quan trọng, bởi vì chính ở đó mà các điểm hạn chế sẽ hiện ra rõ. Người ta biết mình và biết nhau. Điều này dường như quá rõ. Nếu người đào tạo thấy một ai đó không biết kiểm soát những giới hạn của mình, thì cần lưu ý, vì có những dấu hiệu của tâm bệnh hay của một tình trạng thiếu trưởng thành nào đó người ta cần phải biết cách hướng dẫn, kiểm soát hay loại trừ. Tôi muốn nói rằng đừng sợ các điểm hạn chế, nhưng hãy đồng hành và nếu có thể thì làm việc về chúng để vượt qua chúng… Luôn cần phải chừa chỗ, cần để mở cửa, không trấn áp người ta về các hạn chế của họ… Tôi nghĩ điều này thật cần trong đào tạo, đó là huấn luyện các bạn trẻ mà không dồn ép họ vì những điểm hạn chế. Cũng phải lưu tâm đến những người được chọn để trở thành nhà đào tạo. Không thiếu những nhà đào tạo bị tâm bệnh và xử tệ trước những hạn chế của người trẻ, những nhà đào tạo này phá nát các bạn trẻ thay vì giúp họ lớn lên. Thật cũng rất quan trọng việc tìm kiếm những nhà đào tạo tốt.”[6]
Trước câu hỏi về những hạn chế không thể chấp nhận được trong đào tạo, Đức Thánh Cha trả lời rõ ràng:
“Khi ứng sinh có những vấn đề tâm bệnh và mất quan bình nghiêm trọng, khó điều chỉnh ngay cả với một sự trợ giúp của tâm lý trị liệu, thì đừng nhận họ vào hàng linh mục hay đời sống thánh hiến. Cần phải giúp họ đi con đường khác, chứ không bỏ rơi họ. Cần giúp họ định hướng, nhưng đừng nhận họ. Chúng ta hãy luôn nhớ rằng ở đây cần những người sẽ sống đời phục vụ Giáo Hội, phục vụ cộng đoàn Kitô hữu, phục vụ dân Thiên Chúa. Đừng quên chân trời này. Chúng ta phải nắm chắc họ lành mạnh về mặt tâm lý và tình cảm.”[7]
Trả lời về vấn đề khuynh hướng đồng tính, Đức Thánh Cha trả lời và lại nhấn mạnh đến việc đồng hành để phân định:
“Đây là điều làm tôi băn khoăn, vì có lẽ có lúc người ta không đề cập vấn đề này cách thích đáng. Phải hết sức chú ý đến việc huấn luyện trưởng thành nhân bản và tâm cảm. Chúng ta phải phân định nghiêm túc và xét đến tiếng nói kinh nghiệm của Giáo Hội. Khi chúng ta không lưu tâm phân định tất cả điều này, thì các vấn đề sẽ tràn lan. Như tôi đã nói, có thể lúc này các vấn đề không bộc lộ, nhưng mà chúng sẽ bộc lộ rõ. Vấn đề đồng tính là một vấn đề rất hệ trọng mà chúng ta phải phân định đúng đắn với các ứng sinh ngay từ đầu, nếu gặp trường hợp như vậy. Chúng ta phải nghiêm minh… Giáo Hội dạy rằng những người đã bắt rễ xu hướng này thì không được nhận vào thừa tác vụ hay vào đời sống thánh hiến. Thừa tác vụ hay đời sống thánh hiến không phải là chỗ của họ. Đối với các linh mục và tu sĩ đồng tính, chúng ta phải hướng dẫn họ sống đời độc thân trong toàn thể tính của nó và, nhất là, hết sức có trách nhiệm để cố gắng không bao giờ gây gương xấu cho cộng đoàn và cho dân thánh của Thiên Chúa qua lối sống hai mặt.”[8]
Như vậy, mọi tu sĩ phải được đồng hành để trở nên trưởng thành, đó không những là một lời khuyên mà như là một điều khẩn thiết. Đức Thánh Cha xác quyết:
“Các tu sĩ nam nữ phải tìm cách để bước đi trong hành trình với một tu sĩ bạn đường lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn; sự đồng hành này rất cần thiết. Cũng cần phải xin ơn để biết đồng hành, lắng nghe. Thường trong đời sống thánh hiến, một trong những vấn đề lớn mà vị bề trên giám tỉnh gặp phải, đó là nhìn thấy một anh em hay một chị em hoàn toàn một mình, bước đi đơn độc. Điều gì đang diễn ra vậy? Không có ai đồng hành với người ấy? Nói gì thì nói, chúng ta không thể lớn lên trong đời sống thánh hiến, không thể tự đào tạo, nếu không có ai đồng hành với mình. Chúng ta phải chắc chắn rằng không một thành viên nào bước đi một mình. Và thật rõ, không có gì bù đắp cho tình trạng thiếu người đồng hành. Phải làm quen với thực hành này ngay từ thời tập viện. Cần làm quen như vậy, vì nếu một người không có bạn đồng hành tốt, người ấy có thể đi tìm một bạn đồng hành xấu. Những người đơn độc không thể tiến tới được đâu. Tất cả những người thánh hiến cần tìm một bạn đồng hành loại này, và chấp nhận người ấy… Một người đồng hành là một người có thể giúp tạo ra sự khác biệt và là một người biết lắng nghe. Có lẽ không dễ tìm được người lý tưởng, nhưng luôn luôn có một ái đó có thể giúp một chút với tư cách “người đi trước”, để ta có thể tin tưởng và nói chuyện.”[9]
3. Phân định để trưởng thành trong đặc sủng
Khi được hỏi về sự căng thẳng giữa đặc sủng nhận được và việc thích nghi đặc sủng ấy với những nhu cầu của thế giới mà chúng ta đang sống: “Vậy Đức Thánh Cha nghĩ bằng cách nào ta có thể sống tốt hơn sự căng thẳng này trong các hoàn cảnh bấp bênh hiện nay, trong đó các thách đố thì quá lớn mà năng lực sống hoạt thì hiếm hoi?”, Đức Thánh Cha trả lời:
“Hãy cho phép tôi trả lời bạn bằng một hình ảnh xảy đến trong tâm trí tôi. Tôi nghĩ đến hình ảnh Đavít trong Thánh Kinh Cựu Ước mà chúng ta gặp thấy ở trong Sách Samuel quyển thứ nhất. Tin tưởng vào Thiên Chúa, Đavít tình nguyện đi chiến đấu với tên khổng lồ. Người ta trao cho Đavít áo giáp, mũ chiến và vũ khí của Saul. Người ta trang bị cho Đavít đủ thứ, nhưng chàng trai không thể làm gì. Thậm chí chàng không thể bước đi. Thế rồi Thánh Thần tác động và chàng đã vứt đi tất cả những thứ kềnh càng ấy. Chàng cầm cây gậy chăn chiên, lượm những viên đá bỏ túi. Chàng lấy chiếc ná thung và lên đương đi chiến đấu với Gôliát, tên khổng lồ. Đavít là con người biết phân định. Lúc ấy Chúa Thánh Thần đã giúp chàng phân định: “Không, tôi sẽ không tự mình chiến đấu, làm vậy tôi sẽ thua trận. Tôi phải vứt bỏ những thứ này. Tôi sẽ chiến đấu với những gì mình có”. Cũng vậy, mọi người thánh hiến phải nói: “Tôi sẽ đương đầu với đời sống và chiến đấu bằng những gì tôi có”. Tôi có gì? Đây này, sự thực của tôi: tôi là một con người, tôi đã chịu Phép Rửa, tôi có họ và tên của mình, tôi thuộc về hội dòng này, gia đình này… Tôi có tất cả những thứ ấy. Tôi sẽ đi đối thoại và chiến đấu duy chỉ với những gì tôi có, không phải với những cơ cấu được áp đặt cho tôi, không phải với những gì bất thường, không phải với những thói xấu mình đã nhiễm, hay vô số những thứ chẳng liên quan gì tới đặc sủng của mình… Rõ ràng, trong nhiều trường hợp, các công cuộc phản bội chúng ta. Khi chúng ta gán cho chúng quá nhiều tầm quan trọng, thì sức mạnh của đặc sủng sẽ bị bưng bít.”[10]
Khi trả lời về câu hỏi: “Đức Thánh Cha có nghĩ rằng lối sống này sẽ đem lại đủ nhiệt tâm cho các bạn trẻ để họ nghiêm túc xem xét việc đảm nhận đời sống này suốt đời?”, Đức Thánh Cha trả lời và nhấn mạnh đến đặc sủng:
“Thật khó trả lời một câu hỏi như thế. Câu hỏi này rất rộng và không hề đơn giản… Nếu bạn không tìm thấy sức mạnh trong đặc sủng sáng lập, thì đặc sủng ấy sẽ không lôi cuốn ai, hoặc nó có thể sẽ lôi cuốn những người mất quân bình hay bệnh hoạn, và đây là một trong những vấn đề lớn mà chúng ta phải giải quyết để đi vào đời sống thánh hiến, vì có những người tìm kiếm một chỗ tị nạn trong đời sống thánh hiến. Khi người ta cảm thấy sức mạnh này nơi những con người thánh hiến, nó sẽ chạm đến trái tim của các bạn trẻ; các bạn ấy sẽ bùng cháy lên, các bạn ấy sẽ đọc ra thông điệp và sẽ tham gia.”[11]
Sau khi nghe Đức Thánh Cha trả lời và đề cập đến hiện tượng “tìm chỗ tị nạn trong đời thánh hiến” (nghĩa là tìm chỗ dung thân cho cuộc sống an ổn, không thách đố!), cha Fernando Prado đề cập ngay đến vấn đề không dễ để đồng hành và làm công việc phân định. Đức Thánh Cha đồng ý và giải thích thêm:
“Vâng, không dễ. Đây là một thách đố lớn cho các nhà đào tạo. Luôn luôn có những bạn trẻ tìm kiếm sự tị nạn trong cơ chế. Điều này cũng đúng với các chủng viện giáo phận. Có một số dòng, nam và nữ, chưa hiểu sự cần thiết rằng ngày nay phải làm một khảo sát kỹ lưỡng các ơn gọi đến gõ cửa hội dòng mình, và phải tuyển lựa kỹ giữa các ơn gọi ấy. Khi chúng ta đón nhận những người trẻ không có ơn gọi đích thực, những người không có niềm say mê rõ ràng muốn đi theo Đức Giêsu và sống như Ngài, những người tìm kiếm một sự tị nạn trong cơ chế như thế, thì chúng ta đang liều đánh cược hội dòng hay tương lai của sứ vụ linh mục. Chúng ta không thể nhận những người không phù hợp, hay những người có các vấn đề nghiêm trọng mức nào đó, hay những người muốn tìm trong đời sống thánh hiến điều gì đó bảo vệ chính mình. Có lẽ những bạn trẻ tìm kiếm những điều như thế, hoặc đơn giản họ tìm kiếm thể hiện chính mình, có thể một cách vô thức…vì vậy, phải thật chú ý. Thật vậy, không ai trong chúng ta đi vào đời sống thánh hiến với một ý hướng tinh tuyền một trăm phần trăm. Chắc chắn thế. Tất cả chúng ta luôn có lý do khác không tinh thuần lắm khi tham gia đời tu, đôi khi điều này thuộc vô thức, nhưng có một động cơ tinh thuần, có một nền tảng hay thiết yếu, vâng, động cơ mà sau đó được thanh lọc, được xử lý và làm cho tinh thuần, được củng cố phù hợp với con đường. Nhưng người ta không thể ngay từ đầu muốn tìm kiếm một sự tị nạn trong đời sống thánh hiến, vì như vậy thì không ổn. Người ta phải bước tới với đôi mắt rộng mở để không mất cảnh giác với những điều mà về sau mình có thể ân hận… Tôi nhấn mạnh: Phải rất thận trọng với việc nhận người vào đời sống thánh hiến và các chủng viện.”[12]
Phân định để hướng tới sự trưởng thành trong đặc sủng: sự trưởng thành của một cá nhân nhưng đồng thời cũng là sự trưởng thành của một cộng đoàn. Khi trả lời về câu hỏi liên quan đến một số hội dòng và đan viện mới có một số thành công về ơn gọi, Đức Thánh Cha nói cần phải phân định và ngài đưa ra ba tiêu chuẩn cho một cộng đoàn có giá trị chân thật:
“Đối với tôi, tiêu chuẩn căn bản để trân trọng một cộng đoàn, đó là ba chữ “P” mà tôi đã đề cập tại một cuộc gặp gỡ với những người thánh hiến. Tôi muốn nói đến chữ “P” của Pauvreté (Nghèo khó), chữ “P” của Prière (Cầu nguyện), và chữ “P” của Patience (Nhẫn nại). Sự nghèo khó là một đặc tính rất nền tảng. Nó là một cột trụ thực sự, một chìa khoá. Khi thiếu sự nghèo khó, tất cả đổ vỡ. Sự hãnh thắng mà tôi vừa nói đến cũng là một dạng thiếu nghèo khó, một dạng tự mãn, nhưng ở đây tôi muốn nói đến sự nghèo khó về kinh tế. Sự nghèo khó là một chìa khoá. Về cầu nguyện, cần lưu ý rằng đó phải là cầu nguyện đích thực. Nếu người ta không cầu nguyện thực sự, sẽ không có gì tốt đẹp đâu. Thật quan trọng việc cầu nguyện và biết cầu nguyện. Người thánh hiến phải có một đời sống cầu nguyện đàng hoàng. Dĩ nhiên ở đây nói đến việc cầu nguyện chung, trong phụng vụ, nhưng cũng nói đến việc cầu nguyện riêng của mỗi người thánh hiến nữa… Tinh thần cầu nguyện sẽ đem lại sẽ đem lại lòng khiêm nhường thiết yếu cho người thánh hiến… Chúng ta phải phục hồi tâm thức tôn thờ Chúa Cha trong tinh thần và sự thật, điều này chắc chắn triển nở nơi việc cầu nguyện tôn thờ trong thinh lặng… Kiên nhẫn hệ tại việc học biết chịu đựng nhau. Đó là chịu đựng một cách tích cực, từ chính trái tim. Đó là chờ đợi người anh em trên đường đi… phải đi theo nhịp bước của người chậm hơn; nghĩa là phải có khả năng kiên nhẫn với những giới hạn của người khác.”[13]
Và đây là điều Đức Thánh Cha nói đến bề trên khi được hỏi một bề trên tốt phải có những đức tính nào:
“Tôi nghĩ còn hơn là đức tính, người ta có thể nói về những thái độ. Ba thái độ ấy là: cầu nguyện, yêu thương người anh em, và lắng nghe họ. Nhất là quan tâm chăm sóc anh em hay chị em mình. Không có những điều đó, sẽ không có gì cả. Đàng khác người phục vụ cộng đoàn với quyền bính phải là một người có một đời sống cầu nguyện và đạo đức, nhờ đó người ấy biết giúp các anh em hay chị em mình không ngừng lớn lên trong tinh thần thuộc về một gia đình tu trì, thuộc về đặc sủng và các truyền thống của hội dòng, nói tóm lại thuộc về Giáo Hội. Khi một bề trên quên thân phận mình là con trai hay con gái (của Giáo Hội), thì vị ấy không biết làm cha, làm mẹ, làm bạn, làm anh em đâu. Ai không là con, thì không thể làm cha, làm mẹ.”[14]
KẾT: GỢI MỞ CHO TƯƠNG LAI CHÚNG TA
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu tư tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô về sự phân định – biện phân – được triển khai trong hai tông huấn “Gaudete et exsultate” và “Christus vivit”, và như một áp dụng vấn đề trên vào đời sông thánh hiến, chúng ta cũng đã được lắng nghe ngài phát biểu về vấn đề này trong những khía cạnh khác nhau với những chỉ dẫn rất nền tảng và cụ thể.
Chúng ta nhận thấy phân định thật quan trọng trong đời sống thánh hiến: Đức Thánh Cha khẳng định đó là chìa khoá cho sự trưởng thành. Càng sống lâu năm trong Nhà Chúa, ai trong chúng ta cũng khao khát lớn lên, trở thành con người lớn, con người trưởng thành. Khát vọng đó rất tốt. Nhưng để đạt được, cần phải đi tới, tiến bộ không ngừng, nhất là trong những gì làm nên căn tính ơn gọi của chúng ta, những gì cấu thành đặc sủng của hội dòng, những gì làm nên nếp sống và truyền thống tốt lành của cộng đoàn. Một lần nữa, chúng ta hãy nghe những lời tâm huyết của Đức Giáo Hoàng, Người Cha Chung, nhắn với những người con sống đời thánh hiến:
“Hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo”. Nghĩa là cần phải bước đi trước mặt Chúa, cần cảm nhận rằng mình đang bước về nơi mà Ngài dẫn dắt, cho phép Ngài dẫn dắt bởi lời hứa của Ngài. Điều này phải là cơ sở của mọi sự chọn lựa trong Giáo Hội. Bước đi với Chúa, làm những gì Chúa truyền ta làm. Bước đi, luôn luôn bước đi. Tôi nhấn mạnh điều đó như một chọn lựa thiết yếu để sống đời thánh hiến hôm nay. Nếu đời sống thánh hiến không đi tới, nó sẽ lạc mất. Nếu nó không đi trước mặt Chúa, nó sẽ lạc mất. Và nếu nó đi, mà không tiến bộ, không tìm kiếm sự hoàn hảo, không trở nên “không đáng trách”, thì nó cũng lạc mất rồi… Chúng ta phải bước tới về phía chân trời cánh chung này, không ngừng hướng tới “Chúa Giêsu, xin hãy đến”, Ngài là Đấng mà chúng ta mong đợi, với việc phân định luôn gắn liền với cuộc hành trình này.”[15]
Chúng ta cần bước tới. Đừng ai chùn chân. Đừng ai thất vọng mà bỏ cuộc. Hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu.
“Sự hiện diện của Đức Giêsu là tất cả. Đó là sức mạnh của ơn gọi thánh hiến. Một đời sống thánh hiến mà không có sự hiện diện của Đức Giêsu qua lời của Ngài trong Tin Mừng, qua cảm hứng mà Ngài truyền cho…thì coi như bị phá sản. Không có niềm say mê của tình yêu với Đức Giêsu, đời sống thánh hiến không có tương lai… Điều cần là ta phải ra khỏi chính mình, say mê Đức Giêsu người tình yêu dấu, với trái tim lửa cháy, và cách nào đó trở nên một tương lai cho anh chị em mình. Bằng đời sống mình, chúng ta chỉ ra con đường cho người khác, chúng ta giúp đỡ họ, đồng hành với họ…luôn cùng bước tới. Đừng chặn dòng nước chảy. Như tôi đã nói về Giáo Hội trong nhiều dịp, ở đây tôi cũng muốn nói rằng đời sống thánh hiến giống như nước vậy, nếu nó ứ đọng, nó sẽ bốc mùi.”[16]
Thiết tưởng đây là nền tảng của tương lai chúng ta – cá nhân cũng như cộng đoàn và hội dòng – “bước đi trước mặt Chúa và nên hoàn thiện”, “say mê Chúa Giêsu, người tình yêu dấu”. Đây chính là nền tảng của mọi phân định của chúng ta khi đối diện với những tình huống cuộc sống hay những vấn đề cần giải quyết hoặc những hướng đi cần khai mở. Chúng ta được mời gọi bước đi và tiến bộ về mọi phương diện. Đó chính là tiến trình của mỗi người và cộng đoàn hướng tới sự trưởng thành. Chúng ta không nên để mình bị mắc kẹt chỉ lùng bùng trong hiện tại. “Đành rằng thật thiết yếu việc chúng ta phân tích cái hiện tại, nhưng chúng ta phải dám làm quen với tương lai trong khi không đánh mất ký ức của mình.”[17]
Hướng về tương lai, luôn trong trạng thái phân định, để mỗi người và cộng đoàn chúng ta “nhận ra đâu là ý Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2), hầu “tất cả chúng ta…đạt tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13).
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô trò chuyện với Fernando Prado, Sức mạnh của ơn gọi, đời sống thánh hiến ngày nay, bản dịch của Lê Công Đức, nhà xuất bản Đồng Nai, 1919, tr.124-125.
[2] Đức Gíao Hoàng Phanxicô trò chuyện với Fernando Prado, Sức mạnh của ơn gọi, đời sống thánh hiến ngày nay, bản dịch của Lê Công Đức, nhà xuất bản Đồng Nai, 1919, tr.55.
[3]Sức mạnh của ơn gọi, tr.53.
[4] Sức mạnh của ơn gọi, tr.55.
[5] Sức mạnh của ơn gọi, tr.79-81.
[6] Sức mạnh của ơn gọi, tr.85-86.
[7] Sức mạnh của ơn gọi, tr.86.
[8] Sức mạnh của ơn gọi, tr.88.
[9] Sức mạnh của ơn gọi, tr.89.
[10] Sức mạnh của ơn gọi, tr.56-57.
[11] Sức mạnh của ơn gọi, tr.62-63.
[12] Sức mạnh của ơn gọi, tr.66-57.
[13] Sức mạnh của ơn gọi, tr.76-77.
[14] Sức mạnh của ơn gọi, tr.100.
[15] Sức mạnh của ơn gọi, tr.105-107.
[16] Sức mạnh của ơn gọi, tr.46-47.
[17] Sức mạnh của ơn gọi, tr.108.