PHỤC VỤ TRONG TINH THẦN CỦA CHÚA
(Hc 36,1.4-5a.10-17 / Mc 10,32-45)
“Chúa Giêsu dẫn đầu các môn đệ”, Chúa biết mình đang dẫn các môn đệ đi đâu và cũng tỏ cho các ông biết điều đó. Nhưng như ĐTC Phanxicô trong một bài giảng đã nói: “Giữa con tim của Chúa Giêsu và con tim của các môn đệ có một khoảng cách mà chỉ có Chúa Thánh Thân mới có thể san bằng” (28/06/2017). Quả thế, như Tin Mừng hôm nay thuật lại, trên suốt đường đi, các môn đệ đã bị dẫn dắt bởi những mối bận tâm không tương hợp với “hướng đi” của Chúa Giêsu. Ông Giacôbê và Gioan phỗng tay trên khi nhanh miệng xin ngồi bên hữu bên tả Thầy lúc Thầy được vinh quang. Hai anh em nhà ông Dêbêđê đã theo Chúa Giêsu từ lúc Ngài khởi đầu sứ vụ công khai, họ là những người bạn đồng hành đầu tiên của Chúa cùng với Phêrô và Anrê, họ từ bỏ mọi thứ, gia đình và nghề nghiệp để ở với Ngài (x. Mc 1, 16-20), họ tự hào mình là những người kỳ cựu trong nhóm. Họ còn là anh em họ của Chúa Giêsu… và vì những lý do đó mà họ nghĩ họ phải được ưu tiên hơn những người khác.
Mười môn đệ còn lại tỏ ra tức giận vì không tiên liệu điều đó trước 2 ông con nhà Dêbêđê. Lúc này Chúa Giêsu chỉ biết gạt đi nỗi buồn đau sang một bên và kiên nhẫn ôn tồn dạy dỗ họ, Ngài cho họ biết: phần thưởng không nằm ở chỗ cai trị, nhưng là làm tôi tớ phục vụ. “Chúa đã dẫn đầu” và đã làm gương về sự bỏ mình: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá chuộc muôn người”. Các môn đệ không thể hiểu được lời này vì các ông còn nuôi nhiều tham vọng. Trong khi chương trình cứu độ của Chúa Giêsu nói lên tinh thần xả kỷ của Ngài thì các môn đệ lại tỏ ra là những người còn vị kỷ, chỉ biết tìm lợi ích cho bản thân.
Trên bước đường theo Chúa người môn đệ khó tránh khỏi sự cám dỗ “phục vụ chính mình” thay vì trở thành “người phục vụ”. Trong Tin Mừng hôm nay cho thấy, các môn đệ cốt cán của Chúa thay vì quan tâm, cố gắng hiểu chương trình của Thầy thì lại đặt lợi ích cá nhân lên trước. Đây cũng là điều nhắc nhở mỗi chúng ta rằng không ai có thể cảm thấy an toàn trước logic của quyền lực, vốn đã biến Tin Mừng hôm nay thành một cuộc cạnh tranh vị trí đứng đầu. Nghịch lý thay, sự kiêu ngạo có thể ẩn núp dưới cái bóng lý tưởng của nghèo khó, khiết tịnh, công bằng, khiêm tốn, hiệp nhất. Điều này xảy ra khi người môn đệ nghĩ rằng, họ phải giữ lấy cho mình một vị trí danh dự nào đó. Chúa Giêsu đã khẳng định đường lối của Ngài: “Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người.” (cc 43.44). Như thế, Chúa đã khẳng định rằng bất cứ ai tin vào Ngài, đi theo Ngài thì phải sẵn sàng làm tôi tớ phục vụ mọi người chứ không phải làm chủ, chờ người khác phục vụ cho mình. Bởi vì chỉ ai chọn phục vụ mới thực sự làm chủ cuộc đời mình. Nhưng điều này các môn để phải học từng chút một, bởi họ chưa trải qua con đường hẹp của thập giá. Họ chưa nghiệm và chưa thấy tận mắt vị trí cuối cùng theo cách thức của Đấng Kitô nghĩa là gì. Mất một thời gian, sau khi Chúa chết đi trong sự trần trụi của việc từ bỏ mình họ mới nghiệm ra và cuối cùng tham vọng của họ cũng sẽ biến thành sự thánh thiện.
Thi sĩ Tagore đã thấu hiểu được chân lý của sự phục vụ nên đã viết ba câu thơ như sau:
“Nằm ngủ, tôi mơ thấy đời sống toàn là Niềm vui và Hạnh phúc; tỉnh dậy, tôi nhận ra sống là Phục vụ; tôi dấn thân phục vụ và tôi khám phá ra rằng Phục vụ là Hạnh phúc.”
Não trạng thế gian thường khiến chúng ta có ước muốn “vị trí cao hơn” và đặt chúng ta lên trên người khác. Đặt mình trên người khác dẫn đến việc đè đẹp và thậm chí loại bỏ người khác. Để trở thành môn đệ Chúa cần học cách chết đi chính mình, từ bỏ tính ích kỷ của mình, lòng ham muốn thống trị và chỉ huy. Chúng ta cũng không nên nuôi dưỡng cảm giác ghen tị, mà Chúa Giêsu coi đó là “con mắt xấu”, như mười người đã làm chống lại Giacôbê và Gioan. Cũng vì lý do này mà Chúa Giêsu đã gọi họ tới và chỉ ra cho họ biết rằng, não trạng trần tục dẫn đến việc nô lệ hóa người khác, mà lối sống sai lầm này là tự lừa dối mình, trở nên người tàn nhẫn. Chỉ những người chia sẻ tinh thần Phúc Âm, mỗi ngày sẽ mỗi trưởng thành lên và cuộc sống trở nên nhân bản hơn. Ở thời này, hẳn Mẹ Têrêxa Calcutta là mẫu mực cho ta thầy rõ sự cao cả của người hết lòng phục vụ tha nhân, biết cho đi trọn vẹn chính mình để đến với người cùng cực đói nghèo. Mẹ đã mang Tin Mừng về sự phục vụ người nghèo đói khổ nhất. Sống như Mẹ Têrêxa Calcutta là sống cao cả, cho đi trọn vẹn cuộc đời mình dù chẳng có gì để cho. Cho là hết lòng phục vụ.
Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta hiểu và thực hiện Lời Chúa cách nghiệm túc, không nản chí, không biến đức tin thành đặc ân. Xin cho chúng ta biết khiêm nhường phục vụ, sống tinh thần xả kỷ như Chúa Giêsu đã nêu gương. Chúng ta là môn đệ của đấng đã hiến dâng tất cả vì Nước Trời.
Duy Khiêm