Thứ 4 Tuần I Thường Niên B
(Dt 2,14-18; Mc 1,29-39)
Quá trình “sinh lão bệnh tử” như một lộ trình trong kiếp sống nhân sinh con người. Quả vậy, khi mang kiếp sống con người, Đức Giê-su đã quá hiểu về thân phận con người phải chịu. Bởi thế, “Đức Giê-su phải trở nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Dt 2,17). Kỳ thực, “vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Dt 2,18). Vậy, đâu là lý do cho thấy quyền năng Chúa trên bệnh tật?
Quyền năng của Đức Giê-su đối với thể xác con người phát xuất từ sự sống lại đầy tính năng động của Người. Đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Đức Giê-su đã biểu lộ tình yêu của Người bằng cách hy sinh mạng sống vì chúng ta, nên không ai có tình yêu cao cả hơn người hy sinh mạng sống vì Chúa và vì anh chị em. Như thế, mỗi người được mời gọi noi gương bắt chước Đức Giê-su, Người Thầy chí ái tuyệt hảo trong mọi sự tốt lành. Đặc biệt là thể hiện tình yêu đối với những người bệnh tật qua việc chữa lành.
Chúa Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật. Ngài là Vị Lương Y tuyệt hảo chữa mọi bệnh hoạn tật nguyền, kể cả trừ quỷ. Chẳng những thế, Ngài còn chữa trị tận căn cơn bệnh tâm hồn với bất cứ ai mở lòng và chạy đến cùng Ngài. Điều đó cho thấy quyền năng của Ngài trên mọi bệnh tật cả xác lẫn hồn. Tình thương Chúa vượt xa tình người mẹ hiền âu yếm vỗ về người con đau ốm; nâng con lên ôm con vào lòng và hôn con. Quả vậy, “có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15).
Việc rao giảng Tin Mừng mà Đức Giê-su mang đến diễn tả sức mạng và quyền năng Ngài trên mọi bệnh hoạn tật nguyền. Vì chưng, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đã đến nhà hai ông Si-mon và An-rê. Và có thể nói, bà mẹ vợ ông Si-mon là người diễm phúc vì được sức mạnh quyền năng của Chúa đem đến ngay lúc bà đang lên cơn sốt. Một thái độ, một hành vi, một cử chỉ thật tuyệt vời đầy tình yêu Chúa và tình người nơi Đức Giê-su khi “Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,31). Một khi bà đã nhận ra ân huệ và tình yêu nhưng không của Chúa trên bà, thì lập tức bà đáp lại bằng sự phục vụ.
Chính Đức Giê-su cũng trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Do đó, Ngài cũng giải thoát con người khỏi ách thống trị và kìm kẹp của ác quỷ bằng việc thi thố quyền năng và tình yêu của Ngài trên mọi bệnh hoạn, tật nguyền. Chẳng những thế, “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện” (Mc 1,35). Như vậy, một ngày sống của Chúa Giê-su là trải dài trong sự kết hiệp mật thiết với Chúa Cha và thi thố tình thương và quyền năng trên mọi người.
Lạy Chúa Giê-su xin chữa lành hồn xác con trong tình thương và quyền năng của Ngài. Nhờ đó, con cũng hăng say xả thân vì và cho người khác như Chúa đã làm cho con.
FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn