SA MẠC HỒNG ÂN

Lời mở

Các chuyên gia về an toàn môi sinh mới đây lại cảnh báo nguy cơ: nhiều vùng đất (cách riêng tại Phi Châu) đang bị sa mạc hóa, và như vậy vô hiệu hóa khả năng nảy hạt sinh mầm để đáp ứng nhu cầu thực phẩm và tạo thêm màu xanh cho hành tinh chúng ta.

            Một cách tương tự, lãnh vực tâm thần của nhân loại cũng đang lâm cảnh “sa mạc hóa”, nghĩa là con người để cuộc đời bị mất đi lẽ sống. Bằng chứng là hiện tượng tự tử cao nhất tại Nhật Bản, một quốc gia tiến bộ và giàu có hàng đầu trên thế giới. Khu rừng rộng lớn quanh núi Phú Sĩ nổi tiếng đã trở thành mệnh danh là “Rừng tự tử”, “Rừng ma quỷ”, nơi đó, trung bình hằng năm có đến ba chục ngàn người tới kết liểu cuộc đời trong tuyệt vọng.

            Vì thế, nhận định của Đức Benedictô XVI trong Đại Hội giới trẻ tại Sidney 2008, thật là chí lý: “Các con đang sống giữa lòng một thế giới muốn quên đi Thiên Chúa, hay thậm chí muốn phủ nhận Ngài, dựa trên một cảm nhận sai lầm về tự do…Trong lòng nhiều người sống trong xã hội chúng ta, bên cạnh sự thịnh vượng vật chất là sự lan rộng của sa mạc tâm linh, một sự trống rỗng nội tâm, nỗi lo sợ không tên và một cảm thức lặng lẽ của tuyệt vọng”.

            Tuy nhiên, bên trên các sa mạc khô cằn và trống rỗng do con người tạo nên, Thiên Chúa đã biến Sa Mạc thành Hồng Ân khai mở một lộ trình dẫn vào Đất Hứa, tiên trưng cho Giao Ước mới vĩnh cửu, cứu cánh hạnh phúc Thiên Chúa dành cho con người. Bởi vậy, bài viết này sẽ trình bày về sa mạc dưới hai góc độ:

  1. Ý NGHĨA SA MẠC TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA.
  2. Ý NGHĨA SA MẠC TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA CON NGƯỜI

—– 000 —–

I. Ý NGHĨA SA MẠC TRONG NHIỆM CỤC CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA.

Đức tin kitô giáo xác định: “Cùng đích của toàn bộ nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa là đưa các thụ tạo vào sự kết hợp trọn vẹn với Ba Ngôi diễm phúc” (Ga 17,21-23);(GLHTCG 260). Như vậy: “Loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính của Thiên Chúa” (2Pr 1,4); (Tông huấn Redemptoris Custos, RC 5). “Đó là kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã định từ trước trong Đức Kitô” (Ep 1,9).

  • Sa mạc trinh nguyên của địa đàng.

“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất…Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp” (x. St 1,1.31).

Riêng con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27) trong “sự thánh thiện nguyên thủy, ấy là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa” (LG 2), (GLHTCG 375). Do vậy, “Con người đầu tiên được đặt trong tình thân với Đấng Tạo Hóa, hài hòa với chính mình và với vạn vật chung quanh” (nđd 374). Thế nhưng, tất cả bị đánh mất vì tội đã phạm. Con người lìa xa Thiên Chúa, kéo theo những hậu quả khôn lường.

  • Sa mạc cô lập do tội lỗi.

Tự cô lập trong tội, con người “mất vinh quang Thiên Chúa”(Rm 3,21) sa vào cảnh huynh đệ tương tàn (x. St 3,3-15) và bản thân “bị lâm vào cảnh mê muội, đau khổ và phải chết” (GLHTCG 405). Hơn nữa, “khi từ chối không nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người đã phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích tối hậu, đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thọ tạo”(GS 13).Tuy nhiên, Thiên Chúa giàu thương xót đã vượt thắng tội lỗi con người bằng tình yêu tăng bội (x. Rm 5,20).

  • Sa mạc cứu độ trong kế hoạch của Thiên Chúa.

Đó là “Thiên ý nhiệm mầu”, Thiên Chúa thực hiện qua từng giai đoạn của mối tình Giao Ước cho đến thời viên mãn trong Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1,9-10).

  • Với ông Môsê, sa mạc dẫn vào Đất Hứa.

Nhằm  tiến hành chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn một Dân riêng là Israel để dọn đường mở lối (x. Xh 13,17-18). Đây là một lộ trình trải qua nhiều thử thách của Sa mạc (x. Xh 16-17), thử thách vì chưa trọn niềm tin vào Chúa, hơn nữa, do bị chi phối của đam mê:“Trong sa mạc, lòng buông theo dục vọng, chốn hoang vu, họ thách thức Chúa Trời” (Tv.106,14). Dân  không còn nhớ cảnh nô lệ lầm than của mình (x. Xh 14, 12), mà lại luyến tiếc nồi thịt và hành tỏi của Ai cập (x. Xh 16,3), để rồi bao lần than trách Thiên Chúa (x. Xh 14,11; 16,2; 17,2; Ds 14,2; 16,13), và thậm chí đã đúc bò vàng để tôn thờ (x. Xh 32,4-5). Tuy nhiên, dầu bị dân phản bội, nhưng tình thương của Giavê lại càng vượt trội, Ngài vẫn tiếp tục đồng hành với dân Ngài (x. Dnl 2,4) suốt 40 năm. Chúa cũng cung cấp cho dân man-na làm lương thực và nước uống tuôn trào từ tảng đá (x. Xh 16,4; Dnl 8,15). Hơn nữa, Chúa đã lập Giao Ước với dân Ngài tại Sinai (x. Xh 19,20). Cuối cùng đã hoàn thành mục tiêu, dẫn đưa họ vào Đất Hứa (x. Xh 23,29.31). Bị đáp trả thất trung, Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, vì Ngài không thể chối bỏ chính mình (x. 2Tm 2,13). Dẫu sao, lộ trình dài qua sa mạc đã in sâu đậm mối tình kết ước giữa Giavê và dân Ngài; mãi về sau các ngôn sứ còn ghi nhận: “Hãy đi mà thét vào tai Giêrusalem như sau: “Đức Chúa phán thế nầy: Ta nhớ lại lòng trung nghĩa của ngươi lúc ngươi còn trẻ, tình yêu của ngươi, khi ngươi mới thành hôn, lúc ngươi theo Ta trong sa mạc, trên vùng đất chẳng ai gieo trồng” ( Gr 2,2). Thắm thiết hơn nữa, lời ngôn sứ Hôsê: “Ta sẽ  quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc để  cùng nó thố lộ tâm tình …Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai cập…Ta sẽ lập với nó một hôn ước vĩnh cửu trong ân tình và xót thương”(Hs 2,16-17.21).

Còn hơn nữa, những gì đã được thực hiện cho Israel lại trở thành tiên báo về các ân huệ cao quý dành cho thời Giao Uớc mới. Như vậy, man-na tiên báo Bánh trường sinh Thánh Thể (x. Ga 6, 49-51). Đặc biệt Con Rắn Đồng cứu sống được nêu cao trong sa mạc báo trước ơn cứu độ phát xuất từ hiến tế của Chúa Giêsu trên Thập Giá (x. Ga 3,14; 12,32).

Thánh Phaolô còn ghi nhận: những gì xảy ra cho dân trong sa mạc đã trở thành những bài học dạy dỗ chúng ta (x. I Cor 10,6.11).

            Có thể nói, bài học sa mạc dưới góc độ nào đó, vẫn còn giá trị giáo dục trong tiến trình Thiên Chúa dẫn đưa con người mọi thời đi vào con đường cứu độ được thực hiện nhờ Đức Giêsu Kitô.

  • Qua Chúa Giêsu, sa mạc dẫn vào Giao Ước Mới.

Tin Mừng Gioan ghi nhận: “Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn Ân Sủng và Sự Thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17). Quả thật, “nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”(Dt 1,1). Kinh Thánh xác nhận: “Mọi Lời hứa của Thiên Chúa đều là “có” nơi Người (Đức Giêsu Kitô). Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “A men để tôn vinh Thiên Chúa” (2Cr 1,20).

Trong thực tế, sứ vụ cứu thế của Đức Kitô gắn kết với sa mạc trong nhiều ý nghĩa.

*Sa mạc chiến thắng cám dỗ.

Theo Kinh Thánh, sa mạc vốn được coi là vùng hoang địa, nơi trú ẩn của ma quỷ (x. Lv 16,10; Lc 8,29; 11,24). Tin Mừng ghi nhận: Thánh Thần dẫn Đức Kitô vào hoang địa 40 ngày, để chịu quỷ cám dỗ và Ngài đã chiến thắng nó (x. Lc 4,2-13). Quả thật, Đức Kitô xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ (x. I Ga 3,8). Ngài còn trở lại sa mạc nhiều lần (x.Ga 6,15; Mc 1,35). Như vậy, Ngài đã thuần hóa, thánh hóa sa mạc thành chốn thuận lợi cho đời sống tâm linh (x. Mc 6,31), đặc biệt cho việc cầu nguyện với Thiên Chúa (x. Lc 6,12; Mt 14,23; Mc 1,35; Ga 6,15).

*Sa mạc cứu độ trên đồi Canvê.

Xét cho cùng, chính hiến tế của Chúa Giêsu trên Thập Giá đã biến đồi Canvê thành sa mạc cứu độ. Giá trị của sa mạc cứu độ là một hiện trạng tâm linh, Đức Giêsu Kitô đã trải qua để hoàn thành công trình cứu độ. Đó chính là Mầu Nhiệm Vượt Qua, bao gồm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Sứ vụ chính yếu này của Ngài đã được Ngài báo trước trong Tin Mừng ba lần (x. Mt 16,21; 17,22; 20,17-19) và đã được hoàn tất trên đồi Canvê (x. Ga 19,30).

Chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu khổ hình  thập giá cho chúng ta cảm nhận được thực chất của cảnh sa mạc do tội lỗi con người gây nên và Chúa Giêsu đã gánh lấy. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã phải thốt lên lời than thở:“Eli, Eli, le-ma-xa-bac-tha-ni, nghĩa là: Lạy Thiên  Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46). Có thể nói, đó chính là bối cảnh sa mạc ghê sợ Chúa Giêsu đã chịu thay cho con người. Đồi Can-vê lúc ấy là một cảnh ồn ào náo loạn, nhưng chính nơi đó đã đích thực trở thành sa mạc rùng rợn nhất, vì thiếu vắng tình yêu, và là nơi hận thù gian ác đang chống lại và khai trừ chính Thiên Chúa Tình yêu. Tuy nhiên, cũng chính nơi đó, lúc đó, Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế đã lấp đầy sự  trống vắng kinh hoàng ấy với Tình  yêu  của Thiên Chúa để trở thành “Sa mạc Cứu độ”; “Sa mạc Hồng ân”. Quả thật,“Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cor 5,21). “Chính  Chúa Giêsu đã mang vào thân thể tội lỗi của chúng ta, mà đưa lên cây thập gía” (1Pr 2,24); “Người đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta” (Kh 1,5). Như thế, Ngài đã thắng tội lỗi và sự chết, đem lại ơn giao hoà và đã trao phó tất cả trong tay Thiên Chúa Cha. (x. Lc 23,46). Hơn nữa, khi kết thúc cuộc đời, Ngài đã trao ban Thần Khí tác sinh (x. Ga 19,30) để việc tái sinh con người mới được thực hiện.(x Ga 3,5).

Đức Kitô đã trở thành nguồn ơn cứu độ cho mọi người như Kinh Thánh đã xác định: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9).Quả vậy, từ đỉnh cao của Tình Yêu (x. Ga 15,13) Ngài đã trở thành trọng tâm thu hút mọi người đến với Ngài như Lời Ngài mời gọi: “Một khi Tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” ( Ga 12,32), để tiếp nhận ơn cứu độ trào tuôn.

 

II. Ý NGHĨA SA MẠC TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH CỦA CON NGƯỜI

  • Sống tinh thần sa mạc cứu độ của Tin Mừng.

Chúa Giêsu luôn quy hướng về Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai phái Ngài ( x.Ga 7,29; 8,42; 10,36; 17,3), Ngài đã tự giới thiệu: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Chúa Giêsu Kitô là Đường, thậm chí là Đường duy nhất đẫn đến Chúa Cha “Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Ngài cũng là Người dẫn đường vào Nhà Cha (x. Ga 14,2-3), Nước Thiên Chúa (x. Lc 8,10), Nước Trời (x. Mt 19,23; 20,1), và sự sống đời đời (x. Ga 17,2-3).

Tuy nhiên, con đường Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô lại được đánh giá là con đường hẹp dẫn đến sự sống (x. Mt 7,13). Con đường hẹp vì mang tính chất của sa mạc cứu độ, gồm con đường Từ Bỏ, con đường Thập Giá, đó là con đường Chúa Giêsu đã trải qua và cũng dành cho những ai muốn theo Ngài. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều ghi lại lời Chúa Giêsu: “Rồi Đức Giêsu nói với mọi người: Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23; x. Mt 14,13; Mc 6,30).

*Sa mạc từ bỏ.

Trong lịch sử thánh biết bao trường hợp, những con người lên đường ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa; việc tiên quyết họ đã làm là bỏ lại đằng sau tất cả: Như Abraham, Môsê …và cả các môn đệ Chúa Giêsu. Tin Mừng ghi danh sách những gì họ đã bỏ để theo Chúa: “Nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất vì Danh Thầy”(Mt 19,29).Thế nhưng, để bước theo Chúa Giêsu, Ngài đòi hỏi một từ bỏ thiết yếu bao gồm tất cả là từ bỏ chính mình (x. Mt 14,13; Mc 6,30; Lc 9,23). Chính đó là từ bỏ cái tôi, cái bản ngã đã bị tội lỗi con người biến thành huyễn ngã, con người cũ cần phải cởi bỏ (x. Ep 4,23), để mặc lấy con người mới mà tiến bước theo Chúa (x. Cl 3,10). Đức Bênêdictô XVI đã nói đến trường hợp “con người tự giam hãm mình trong nhà tù của cái tôi do chính mình tạo nên” (Phát biểu trong Đại hội thế giới các gia đình 2009 tại Mexicô). Vì thế, mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có dịp nhấn mạnh người môn đệ theo Chúa Kitô cần “ra khỏi chính mình, xuất hành ra khỏi bản thân” (Chia sẻ trong Thánh lễ 8/05/2013 tại nguyện đường Thánh Martha). Đây không chỉ là một động tác khởi đầu, nhưng là một thực trạng kéo dài cả cuộc đời theo Chúa Kitô để có thể sống yêu thương phục vụ theo Tin Mừng. 

*Sa mạc thập giá.

Chính nhờ thập giá mà sa mạc mang tính cứu độ, nhưng vì thế mà con đường thập giá mãi trở thành vấp phạm đối với người Do Thái và điên rồ với người Hy Lạp (x. ICr 1,17-23); nhưng vì thập giá là khí cụ của tình yêu cứu độ, nên đã trở thành sức mạnh của Thiên Chúa và là nguồn hy vọng – vinh quang cho con người. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ Thập Giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào Thập Giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian (Gl 6,14). Vậy, giá trị của đau khổ thử thách phát xuất từ tình yêu Đức Giêsu Kitô. Vì thế, chân phước mẹ Têrêxa Calcutta đã định nghĩa đau khổ một cách tuyệt vời; “Đau khổ là nụ hôn của Chúa Giêsu Kitô được trao ban”.

* Sa mạc của đêm tối.

Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng của trần gian (x. Ga 9,5), các môn đệ của Ngài cũng phải trở nên ánh sáng cho đời (x. Mt 14,16). Thế thì tại sao đời sống tâm linh các môn đệ của Chúa lại có những đêm tối dày đặc? Chúng ta được biết đêm tối thử thách nặng nề của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu, còn Mẹ Têrêxa Calcutta suốt cuộc đời tông đồ bác ái đã trải qua trên 30 năm trong đêm tối của tâm hồn.

Sau đây là vài suy tư giúp hiểu thêm bí ẩn của các đêm tối trong đời sống tâm linh.

Trước hết phải nêu lên tính siêu việt của Thiên Chúa vượt khả năng con người, không sao đạt thấu (x. 1Tm 6,16). Thánh Tôma Aquinô giúp làm sáng tỏ vấn đề bằng một hình ảnh cụ thể về sự bất lực của lý trí con người… “Đứng trước những điều rất minh bạch của thiên nhiên, trí khôn ta, như con mắt của cú mèo trước ánh sáng. Vì thế, một số tín khoản bị hoài nghi, không hệ tại sự bấp bênh của đối tượng, mà hệ tại sự sở đoản của trí tuệ con người” (Sum. Th. Pars I, q.1 a. 5 ad 1).

Tác giả cuốn SUY NIỆM TRÊN CÁT, mục cầu nguyện, cũng đã nêu lên giới hạn của lý trí trong đời sống thiêng liêng:“Kinh nghiệm cầu nguyện trong sa mạc cho thấy điều ta thường coi là ánh sáng thực ra là ánh sáng của ta, chứ không phải của Chúa. Sa mạc đòi ta phải tắt cái ngọn lửa mờ nhạt của ta đi. Rồi khi cái ánh sáng của con người không còn nữa, mắt ta sẽ quen với vẻ chói lọi trong ánh sáng của Chúa. Như thế, bóng tối là đòi hỏi tiên quyết để ta có thể nhìn thấy. Và nếu như thế, quả là vô ích nếu ta cứ cố dùng ánh sáng của ta để thấy ánh sáng của Chúa”. Trái lại, quả là cần thiết: “Trong ánh sáng của Chúa, chúng con mới nhìn ra ánh sáng”(Tv 35,10).

Vì thế, Thánh Phaolô đã khấn xin Thần Khí Thiên Chúa soi sáng để nhận biết các tác động thần linh: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em Thần Khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu”( Ep 1,17-19).

Liên quan đến các đặc sủng thần bí, Thánh tiến sĩ Bonaventura cũng có những lời khuyên thật thích hợp: Bạn hãy hỏi ơn thánh chứ đừng hỏi kiến thức, hỏi lòng khao khát chứ đừng hỏi lý trí, hỏi tiếng rên xiết của lời cầu nguyện chứ đừng hỏi việc chuyên cần đọc sách, hỏi Hôn phu chứ đừng hỏi thầy giáo, hỏi Thiên Chúa chứ đừng hỏi người phàm, hỏi mây mù chứ đừng hỏi ánh quang; bạn cũng đừng hỏi ánh sáng nhưng hãy hỏi ngọn lửa thiêu đốt trọn vẹn con người và đưa con người lên tới Thiên Chúa bằng sự kết hiệp chan chứa và lòng yêu mến nồng nàn”(Thánh Bonaventura, Lộ Trình Tâm Linh lên cùng Thiên Chúa, ch.7, số 6).

Quả vậy, chính tình mến trung kiên đối với Thiên Chúa và thực thi Thánh ý Ngài mới là thực chất của sự thánh thiện. Cuộc sống của Mẹ Têrêxa Calcutta triền miên trong đêm tối thử thách, nhưng vẫn tràn đầy hoa trái của tình bác ái. Thánh Phêrô cũng đã xác nhận về giá trị thanh luyện cần thiết của các thử thách trong đời sống kitô hữu: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, – vàng là của phù vân, mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người”( 1Pr 1,6-9). Đó cũng là điều kiện để bước theo Chúa Kitô (x. 1Pr 2,21), và để phục vụ ích lợi của Thân mình Đức Kitô là Hội Thánh (x. Cl 1,24), nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài (x. Rm 8,29).

* Nên một với Chúa Giêsu Kitô: Mục tiêu của ơn gọi kitô hữu

Lộ trình theo Chúa Giêsu chủ yếu nhằm mục đích kết hợp nên một với Ngài, Thánh Phaolô đã trình bày diễn tiến này khá rõ nét trong trích dẫn của thơ gởi giáo đoàn Rôma (x. Rm 6, 3-11). 

Chúng ta nhờ bí tích “thánh tẩy được thuộc về Đức Kitô… để được sống một đời sống mới” (c.3-4). “Thật vậy, vì chúng ta đã NÊN MỘT VỚI ĐỨC KITÔ, nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng NÊN MỘT với người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại (c.5).“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (c.8). Không những đó là niềm tin của chúng ta mà còn là nội dung cuộc sống của các môn đệ bước theo Chúa, như Thánh Phaolô xác nhận: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi”(2 Cr 4,10).

Vậy hiệu quả, chính là “Chết đối với tội lỗi”, vì “Con người cũ nơi chúng ta đã chịu đóng đinh vào Thập giá với Đức Kitô, để không còn nô lệ cho tội lỗi nữa (c.6). Và nay được “Sống cho Thiên Chúa” là sống nhờ Thần Khí, tặng ân của Đức Kitô Phục sinh, là dấu chứng thuộc về Đức Kitô. Bởi vì, “Ai không có Thần Khí của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8,9).

Chính Thần Khí là nguyên lý tác sinh đời sống kitô hữu: “Tôi xin nói với anh em là hãy sống theo Thần Khí, và như vậy anh em sẽ không còn thỏa mãn đam mê của tính xác thịt nữa”(Gl 5,16). Quả vậy, do tác động của Thần Khí, sẽ trổ sinh hoa trái thần linh trong cuộc sống (x. Gl 5,22-23). Còn phải kể biết bao linh ân đa dạng của Thần Khí tác sinh (x. Ga 3, 5-8), nghĩa tử (x. Rm 8,15; Gl 4,6), tình yêu (x. Rm 5,5), sức mạnh (x. Cv 1,8). Đặc biệt Thần Khí là nguồn hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi (x. 2 Cr 13,13; Ep 2,18; I Ga 3,24) đồng thời đem lại ơn hiệp nhất trong lòng Giáo Hội {x. Ep 4,3). Đó là muc tiêu Giáo Hội đặc biệt hướng tới trong Năm Thánh nầy, vì “Cánh cữa đức tin” mở rộng dẫn vào đời sống  hiệp thông với Thiên Chúa và vào Giáo Hội” (Porta fidei 1)  Bởi vậy, “ Giáo Hội nói chung và các  vị muc tử trong Giáo Hội, giống như Chúa Ki tô, phải lên đường để dẫn đưa con người ra khỏi sa mạc, tiến đến sự sống, hướng về tình bạn  với Con Thiên Chúa, về Đấng ban cho chúng ta sự sống, sự  sống sung mãn” (Porta fidei 2). Ân huệ hiệp thông là hồng ân trên mọi hồng ân, vì đó là cùng đích của tất cả nhiệm cục cứu độ Thiên Chúa dành cho con người (x. GLHTCG 260).

  THAY LỜI KẾT:

Tội của nguyên tổ Adam, nhờ lòng nhân ái xót thương của Thiên Chúa đã trở thành Tội Hồng Phúc. Cũng vậy, sa mạc tối tăm do con người tự tạo ra, nhờ công trình cứu độ của Đức Kitô đã trở thành sa mạc hồng ân. Vì thế, Giáo hội tràn ngập vui mừng hát bài ca tạ ơn, với lời tuyên xưng: “Thiên Chúa tạo dựng con người cách lạ lùng, và đã tái tạo con người cách lạ lùng hơn nữa”.

Sa mạc hồng ân còn mang thêm tính chất nghịch lý, vì sa mạc từ bản chất vốn tách biệt và đơn độc lại trở thành lối dẫn vào ân huệ Hiệp Thông, hiệp thông được Công Đồng Vatican II xác định là “ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người”(GS 19). Vậy tính đơn độc của sa mạc hồng ân phải hiểu là đơn thuần, đơn nhất thể hiện được tính nhất thống để phục vụ hiệp thông cách trọn vẹn qua năng lực của tình mến. Đó là điều được thực hiện rõ nét nơi cuộc đời và sứ vụ tông đồ ẩn kín của thánh nữ tiến sĩ Têrêxa Hài Đồng Giêsu: Tuy sống âm thầm, tách biệt trong bốn bức tường của Đan viện Cát Minh, và kết thúc cuộc đời vào tuổi 24; thế nhưng chị thánh đã có ảnh hưởng rộng lớn trong hồng ân hiệp thông giữa lòng Giáo hội. Vì thế, Giáo hội đã tôn phong ngài cùng với Thánh Phanxicô Xaviê là Quan thầy các xứ truyền giáo. Chính chị thánh cũng cho chúng ta biết bí quyết và ý nghĩa cuộc đời của chị: “Tôi đã tìm được sứ mạng của tôi, là sống tình mến; trong lòng Giáo hội Mẹ, tôi là trái tim”. Cũng trong chiều hướng đó, Evagre một nhân chứng của phong trào đan tu đang thời phát triển, đã định nghĩa đan sĩ một cách nghịch lý: “Đan sĩ là con người tách biệt với tất cả, nhưng liên kết với tất cả”. Ở đây, bí quyết của hiện tượng này vẫn là năng lực kỳ diệu của tình mến Chúa Giêsu Kitô. Công đồng Vatican II cũng đã xác nhận: “Họ hiện diện với con người đồng thời qua tình mến của Đức Giêsu Kitô” (LG 46). Và nhờ đó, Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã đạt tới xác tín: Tất cả là hồng ân. Vậy qua đức mến, không những sa mạc thành hồng ân mà là qua đức mến, tất cả cũng trở thành hồng ân, và là hồng ân cho tất cả trong tình hiệp thông. Thế mới nghiệm được mọi chiều cao sâu dài rộng của Tình yêu Đức Giêsu Kitô vượt trên mọi hiểu biết, để cùng nhau luôn hát bài ca cảm tạ hồng ân. (x. Ep 3, 17-21). “Vì đó là điều Thiên Chúa muốn về anh em trong Đức Kitô Giêsu” (I Th 5,18).

 Vp. Duy Ân

You May Also Like

Trả lời

X