Thứ 7 Tuần XXIX Thường Niên
Ep 4,7-16; Lc 13,1-9
Thiên Chúa không mỏi mệt khi chúng ta kêu cầu Người. Lòng thương xót của Người vượt hơn muôn ngàn sự yếu đuối và tội lỗi của con người. Hơn nữa, tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa còn biểu lộ qua “sự kiên nhẫn mời gọi con người hoán cải”. Thực vậy, “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi” (Is 42,3). Điều đó cho thấy rõ, “Thiên Chúa nhân hậu như thế là để thúc giục bạn hối cải sao?” (Rm 2,4). Thế thì con người hoán cải ra sao và bằng cách nào trước tình yêu vô biên và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa?
Lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa chờ đợi ta hoán cải ăn năn. Hoán cải hay sám hối mời gọi ta thay đổi tận căn: từ cách ăn nết ở, từ suy nghĩ, lời nói, đến thái độ và hành động. Ngay khi bắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giê-su đã kêu mời mọi người sám hối: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Đó là một phần cốt yếu của việc loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi ta như người cha chạnh lòng thương con cái; Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn Người. Chúa kiên nhẫn đợi chờ ta như Người Cha nhân hậu đón chờ đứa con hoang đàng trở về. Quả vậy, “việc thống hối là hành động của một ‘tâm hồn tan nát’ được ân sủng lôi kéo và thúc đẩy, để đáp lại tình yêu thương xót của Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương chúng ta trước” (SGL số 1428). Thống hối nội tâm còn “định hướng mới cách triệt để cho cả cuộc đời, là trở về cùng Thiên Chúa với cả tâm hồn, đoạn tuyệt với tội lỗi, quay lưng với sự dữ, và ghê tởm những hành động xấu xa chúng ta đã phạm” (SGL số 1431).
Như cộng đoàn kia kiên nhẫn chăm sóc khu vườn trong đó có chuối, có ổi, có khoai môn … để ta có trái ăn, có hoa để nấu canh chua cá, có khoai môn để luộc, để nấu chè…. Hay như vương quốc nọ chăn nuôi đàn bò sữa, từng người chăm chỉ cắt cỏ, cho ăn, tắm rửa vỗ về nuôi béo để cho ta cũng như nhiều người có sữa hưởng dùng. Thế mà, Thiên Chúa còn hơn ngàn ngàn lần như thế; Ngài kiên nhẫn đợi chờ ta từng giây phút để mời gọi, thúc giục ta hoán cải. Hình ảnh dụ ngôn cây vả không ra trái nói lên một kỳ hạn cuối cùng và chứng tỏ lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa: lời gọi hoán cải thật minh bạch và khẩn thiết. Chúa kiên nhẫn đợi chờ con người hoán cải và cho cơ hội cuối cùng để con người định đoạt trước sự sống đích thực của mình. Hoán cải còn đòi ta không ngừng vươn lên, sống từng giây phút thánh mỗi ngày; hôm qua không tốt thì hôm nay tốt, ngày nay tốt thì ngày mai tốt hơn và mãi vươn tới Đức Ki-tô, vì Người là Đầu. Vì thế, “xin tôn vinh Đấng có thể dùng quyền năng đang hoạt động nơi chúng ta, mà làm gấp ngàn lần điều chúng ta dám cầu xin hay nghĩ tới” (Ep 3,20). Vậy chúng ta hoán cải cụ thể như thế nào và bằng cách nào?
Sự hoán cải cụ thể nhất đó là sống điều mà thánh Phao-lô đã nói trong bài đọc 1: “Sống theo sự thật và trong tình bác ái”. Đó là điều kiện tiên quyết mà Chúa muốn chúng ta hoán cải, vì chưng, “sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Ki-tô vì Người là Đầu” (Ep 4,15). Đúng vậy, sự thật và bác ái đây chính là đặc tính của Thiên Chúa; vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) đồng thời: “chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Sống trong sự thật, thì “sự thật sẽ giải thoát chúng ta” (x Ga 8,32) và sống trong tình yêu bác ái thì “tình yêu che phủ muôn vàn tội lỗi” (x. 1 Pr 4,8). Thế nên, “Thống hối nội tâm cũng bao gồm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời sống với niềm hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và lòng tin tưởng vào sự trợ giúp của ân sủng của Ngài” (SGL số 1431). Quả thế, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Ki-tô. Do đó, “anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau” (Ep 4,2). Và đó cũng chính là sống theo Thần Khí và để cho Thần Khí hướng dẫn; chính Ngài sẽ dẫn ta đến sự thật toàn vẹn và giải thoát chúng ta.
Đức Ki-tô chính là khuôn mẫu và là khuôn vàn thước ngọc cho mọi người dõi bước theo Ngài trong mọi thời đại. Đồng thời, Ngài là tâm điểm mời gọi chúng ta quy hướng về Ngài bằng việc sám hối, đổi mới và canh tân ngang qua việc sống trong sự thật và trong tình bác ái. Vì đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Lạy Chúa xin biến đổi con và giúp con luôn biết mở lòng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn và thánh hóa.
FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn