SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng Năm B

Is 40,1-5.9-11; 2Pr 3,8-14; Mc 1,1-18

Việc loan báo Tin Mừng được khởi đi từ Đức Ki-tô, vì chính Người là Tin Mừng mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại. Bởi chưng, “tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9). Trong sứ vụ thi hành thánh ý Chúa Cha, Chúa Giê-su đã sống và thực thi Tin Mừng do chính Ngài loan báo. Vậy sứ vụ loan báo Tin Mừng khởi đi từ Đức Ki-tô đã và đang hoạt động nơi mỗi người hôm nay ra sao? Đồng thời, Tin Mừng của Ngài có đọng lại trong ta và tỏa lan đến mọi người không? 

Đức Ki-tô là “An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu và là Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” (Kh 22,13) của vũ trụ nhân loại. Nhờ Ngài và do Ngài mà mọi loài được hiện hữu và được dựng nên. Vì chưng, “Chúa Ki-tô chính là nguyên lý và khuôn mẫu của nhân loại được đổi mới, thấm đẫm tình yêu thương huynh đệ, tâm tư chân thành và tinh thần hòa bình, một nhân loại mà mọi người đều khao khát” (sắc lệnh Ad Gentes, số 8). Thế nên, để Lời Chúa được lan rộng và tỏa sáng (2 Ts 3,1), để Nước Chúa được công bố và thiết lập khắp trần gian, thì mỗi người phải trở nên muối cho đời và ánh sáng cho trần gian. Kỳ thực, “Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn cho mọi người đi tới chỗ ăn năn hối cải” (2 Pr 3,9). Quả thế, “theo lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2 Pr 3,13).

   Như thế, việc rao giảng Tin Mừng trình bày cho mọi người biết Chúa Ki-tô là đường, là sự thật và là sự sống luôn là bổn phận và trách nhiệm của mọi Ki-tô hữu. Đồng thời, loan báo cho mọi người lời của chính Người: “Hãy thống hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Tất cả mọi người đều nhờ Đức Ki-tô để được cứu độ, bởi lẽ, Ngài là mẫu gương và là Thầy dạy, là Đấng giải thoát, Đấng cứu độ và là Đấng ban sự sống. Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa là khởi đầu cuộc tạo thành mới. Do đó, Tin Mừng của Chúa luôn là nắm men cho tự do và tiến bộ, và mãi mãi vẫn là chất men khơi dậy tình huynh đệ, hiệp nhất và hòa bình. Thế nên, “Hỡi kẻ loan tin mừng cho Xi-on, hãy trèo lên núi cao. Hỡi kẻ loan tin mừng cho Giê-ru-sa-lem, hãy cất tiếng lên cho thật mạnh. Cất tiếng lên, đừng sợ, hãy bảo cho các thành miền Giu-đa rằng: Kìa Thiên Chúa các ngươi!” (Is 40,9).

Thánh Gioan Tiền Hô là sứ giả của Đức Ki-tô, như lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: “này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con”. Thêm nữa, có tiếng hô: “trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3). Thánh nhân rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Quả thế, “tôi đã làm phép rửa cho anh em nhờ nước; còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần”. Sau khi thi hành sứ vụ và trao sứ vụ cho các môn đệ, Ngài lên ngự bên hữu Chúa Cha. Giáo Hội được Chúa Ki-tô sai đi để bày tỏ và thông ban tình yêu Thiên Chúa cũng như mang Tin Mừng cho hết mọi người, mọi dân tộc. Qua đó, các Ki-tô hữu phải thấm đượm Tin Mừng qua sự quang tỏa tình yêu thương và làm cho ánh sáng Tin Mừng Chúa lan tỏa khắp cùng thế giới. Ngang qua việc sống đức ái trọn hảo và làm cho đức ái tỏa lan đến tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp hoặc tôn giáo. Thật vậy, “chỉ có một Thiên Chúa duy nhất cũng như chỉ có một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là con người Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người” (1Tm 2,4-6). Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin giúp con luôn thấm đượm và tỏa lan Tin Mừng của Chúa cho mọi người bằng việc sống Tin Mừng Tình Thương Cứu Độ.   

FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn

You May Also Like

Trả lời

X