Suy niệm Lời Chúa, thứ 4 tuần XX thường niên, Mt 20, 1-6
LÒNG TRẮC ẨN
Với sự công phá cuồng loạn của căn bệnh vô cảm đang làm cho xã hội trở nên đông cứng đến tê liệt tình tương thân tương ái. Đứng trước thực trạng đó, bài Tin Mừng hôm nay vang lên như một tiếng chuông nhằm lay động và đánh thức lòng trắc ẩn nơi tâm con người vốn tự bản chất là “nhân chi sơ tính bản thiện”. Vì thế, dựa vào ý nghĩa của bài Tin Mừng, xin chọn chủ đề “Lòng Trắc Ẩn” để suy niệm với cộng đoàn. Với chủ đề này xin trình bày theo ba góc cạnh.
* Thứ nhất: Lòng trắc ẩn phi thời gian. Nói tới phi thời gian là muốn diễn tả lòng trắc ẩn như một dòng chảy không ngắt quãng, bất kể ở chỗ đó hôi thối thế nào, dòng suối vẫn cứ chảy xuống để thanh tảy, để làm cho nó được đầy tràn sự sống. Cũng vậy, lòng trắc ẩn không bao giờ được đóng khung trong một thời gian nhất định. Một ngày có 24h mà có người dành hẳn 23h để thực thi lòng trắc ẩn nhưng sang giờ thứ 24, có ai tới xin giúp cũng mặc kệ, đó chỉ là hình thức Phariseu. Họ nói rằng một tuần chẳng có 6 ngày để làm việc, sao lại đến xin chữa bệnh vào ngày thứ bảy? Với Chúa Giêsu, lòng trắc ẩn của Ngài tuôn trào không giới hạn. Chỉ cần gặp đối tượng, bất kể đó là lúc nào, ngày nào, kể cả ngày Sabbat, Ngài vẫn “chạnh lòng thương” và ra tay thi ân giáng phúc. Ông chủ trong dụ ngôn mà Ngài vẽ ra hôm nay là minh chứng hùng hồn nhất về lòng thương xót của Ngài. Ngay từ tảng sáng ông đã ra thuê thợ vào làm vườn nho, rồi giờ thứ 3, thứ 6, thứ 9 và tới tận giờ thứ 11(thứ 11 tương đương với 5h chiều của chúng ta, và ngày làm việc kết thúc lúc 6h), ông lại ra và thấy có người đứng không, ông lại đưa vào làm vườn nho. Ông trả cho họ mỗi người một đồng, số tiền đủ để họ nuôi sống bản thân và gia đình trong một ngày.
* Kế đến: Lòng trắc ẩn phi đối tượng. Phi đối tượng ở đây không dừng lại ở cảm tính, thích ai thương ai thì chỉ giúp người ấy. Phi đối tượng là bất kể họ là ai, miễn họ đang cần đến sự trợ giúp, ta phải giúp đỡ với tất cả hảo tâm. Ông chủ trong bài Tin Mừng đã cho chúng ta thấy rõ ràng về góc cạnh này. Ông không hề phân biệt nhân công được thuê trước với người đến làm sau. Sự không phân biệt này không có nghĩa là cào bằng tốt xấu như nhau, người có công với người không có công trạng. Nhưng sự không phân biệt chỉ muốn diễn tả mỗi người là duy nhất trước lòng trắc ẩn của ông. Ông ban tặng cho họ theo nhu cầu, chứ không theo công trạng của họ. Bởi thế, ta không lấy làm lạ khi ông trả cho người vào làm sao chót bằng với người làm trước, vì nhu cầu của họ và gia đình họ, và vì lòng quảng đại của ông chủ.
* Sau cùng: Lòng trắc ẩn vượt qua sự công bằng. Theo lẽ thường, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng. Nhưng lòng trắc ẩn vượt qua sự công bằng. Vượt qua không có nghĩa là loại bỏ sự công bằng hay công lý, nhưng là để thi thố tình thương nhằm đáp ứng nhu cầu sống còn của một con người. Thế nên, ông chủ vườn nho đã làm một việc lạ thường là vượt qua cái lý của con người đi đến cái lý của Thiên Chúa, mà cái lý hay công lý của Thiên Chúa được Đức Phanxico diễn tả: “Công lý của Thiên Chúa là tình yêu”(Tông chiếu lòng Chúa thương xót, số 21). Vì thế, ông chủ vườn nho đã không chiếu theo lẽ công bằng mà đối xử với công nhân nhưng là để cho lòng trắc ẩn lên tiếng. Ở đâu lòng trắc ẩn lên tiếng ở đó sẽ có sự sống; ở đâu lòng trắc ẩn lên tiếng ở đó sẽ có niềm vui và hạnh phúc.
Vô cảm trước nỗi đau của tha nhân là một hành vi đáng lên án, phải loại bỏ càng sớm càng tốt. Chúng ta, những người môn đệ của Chúa Kitô, cũng như Thầy mình, hãy giống lên một hồi chuông Đức ái để đánh thức lòng trắc ẩn nơi con người; chỉ có lòng trắc ẩn mới đập tan tảng băng vô cảm; đồng thời thổi bùng lên ngọn lửa của tình liên đới yêu thương giữa người với người. Tuy nhiên, để đánh thức lòng trắc ẩn người khác, thì lòng trắc ẩn phải được “bùng nổ” trong cộng đoàn và nơi bản thân ta trước. Có như thế, muôn dân sẽ nhận biết Đạo của chúng ta là đạo Yêu thương, Chúa chúng ta thờ là Chúa của lòng thương xót và luôn chạnh lòng thương, ra tay giúp con người vượt qua những nỗi oan khiên của kiếp người.
Lm. Phêrô Tùy