TẠI NAZARETH THÁNH THẦN ĐÓNG ẤN SỨ VỤ CỦA ĐỨC GIÊSU

SUY NIỆM THỨ 5 SAU LỄ HIỂN LINH

LC 4, 14-22

  1. Bối cảnh: Sau một thời gian hoạt động Đức Giêsu được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy trở về miền Galilê và tiếng tăm của Ngài đồn ra khắp vùng lân cận. Ngài giảng dạy trong các Hội đường và được mọi người tôn vinh. Rồi Ngài đến Nazareth nơi Ngài sinh trưởng. Tại đây trong một bối cảnh trang nghiêm và chính thức, ngày sa bát, trong Hội đường, Đức Giêsu công bố sứ vụ của Ngài: Với tư cách là Đấng Thiên Sai-Messia-vừa được tấn phong, Ngài được sai đi loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khổ…và công bố năm hồng ân của Chúa. Như thế Ngài thực hiện điều mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa qua miệng ngôn sứ Isaia.
  2. Nội dung và sứ vụ của Đức Giêsu.

“Ngài vào Hội đường như Ngài vẫn làm trong ngày Sa bát và đứng lên đọc sách Thánh. Họ trao cho Ngài cuốn sách ngôn sứ Isaia, Ngài mở ra gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Is 61, 1-2).

Đức Giêsu cuộn cuốn sách lại trả cho người giúp việc Hội đường rồi ngồi xuống. Ai nấy trong Hội đường đều chăm chú nhìn Ngài. Ngài bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

  • Tuy nhiên trong đám thính giả trong Hội đường hôm đó và có lẽ cả chúng ta nữa đều thắc mắc: “Không phải Đức Giêsu được sai đi để loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi người sao? Vậy tại sao Ngài lại nói: “Chúa đã xức dầu tấn phong tôi để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo” thôi ư?

Thiết tưởng chúng ta cần phân tích kỹ toàn văn bản đoạn sách Isaia mà Đức Giêsu đã áp dụng cho sứ vụ của Ngài:

Sau khi công bố “Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo”, Đức Giêsu còn nêu thêm một số thí dụ để giải thích thế nào là loan báo Tin Mừng cho người nghèo:

Cho người mù được sáng mắt.

Công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha.

Trả tự do cho người bị áp bức.

Công bố một năm hồng ăn của Chúa.

Như vậy người nghèo là tất cả những ai đang ở trong tình cảnh khổ sở, thiếu thốn, như bị giam cầm, bị mù, bị áp bức và đang mong thoát khỏi những cảnh ngộ ấy. Đối với những người như thế, lời công bố của Đức Giêsu mới thực sự là Tin Mừng cho họ. Còn những ai không khổ sở thiếu thốn thì lời Đức Giêsu nói đó chẳng liên can gì đến họ, nên không phải Tin Mừng của họ.

Nhưng xét cho cùng, suy cho thấu, thì ai mà không khổ sở thiếu thốn? Ai mà không bị giam cầm trong một thứ ngục tù nào đó? Ai mà không mù quáng một cách nào đó? Ai mà không bị áp bức bởi một thế lực đen tối nào đó? Vì vậy Tin Mừng của Đức Giêsu là Tin Mừng cho tất cả mọi người. Tuy nhiên Tin Mừng ấy chỉ có hiệu quả đối với những ai ý thức mình là người nghèo.

  • Chúa đã sai tôi đi: Với đoạn Tin Mừng này, thánh Luca trình bày Đức Giêsu được Thiên Chúa xức dầu Thánh Thần và sai đi. Tất cả chúng ta đều là những người được Chúa sai đi. Ngày trước, Thiên Chúa đã sai Đức Giêsu đi, rồi đến phiên Đức Giêsu lại sai chúng ta đi, như Ngài nói: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em ra đi”. Vì vậy, lời Kinh Thánh mà Đức Giêsu đã áp dụng cho bản thân Ngài “Chúa đã sai tôi đi” cũng phải được chính chúng ta áp dụng cho mình “Chúa cũng sai tôi đi”. Sai đi để làm gì? Thưa sai đi để làm Tông đồ cho Chúa. Mỗi người Kitô hữu là một Tông đồ. Công đồng Vaticanô II còn nói mạnh hơn: “Làm Tông đồ là bản tính của người Kitô hữu”.
  • Sứ vụ Tông đồ của người Kitô hữu: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em ra đi”. Nhưng sai đi làm Tông đồ đến với ai? Bài Tin Mừng hôm nay kể rõ những hạng người mà Chúa sai ta đến:

Trước tiên là đến với những người nghèo khổ, thiếu thốn.

Đến với những người đau khổ bệnh tật phần hồn phần xác.

Đến với những người tội lỗi, khô khan, nguội lạnh.

Đến với những người chưa nhận biết Chúa hay không tin.

Bằng cầu nguyện lời nói, việc làm nhất là bằng đời sống chứng tá đức tin, đức mến và phục vụ trong khiêm tốn và quảng đại.

  • Năm hồng ân của Chúa: Tại Hội đường Nazareth, Đức Giêsu đã dùng đoạn trích sách ngôn sứ Isaia để phác họa sứ vụ của Ngài. Chính Ngài công bố một năm hồng ân của Chúa. Mà đối với Chúa: Một năm cũng như một ngày, nên cũng được gọi là “Ngày Của Chúa” mà dân chúng bấy lâu nay hằng mong đợi thì nay đã đến. Đó là ngày Hồng Ân cho mọi người, cách riêng cho người nghèo. Ngày Toàn Xá hay là năm Toàn Xá-năm Hồng Ân của Chúa-Những người Pharisiêu nghĩ rằng: Ngày của Chúa là một ngày phán xét. Còn Đức Giêsu thì loan báo “ngày của Chúa” là ngày xóa nợ, ngày hồng ân, ngày toàn xá. Đó là ơn giải thoát chúng ta không tùy thuộc vào công nghiệp của chúng ta mà hoàn toàn do lòng từ bi của Thiên Chúa.

Hôm nay, nơi Đức Giêsu đã ứng nghiệm sấm ngôn của ngôn sứ Isaia do Thánh Thần linh hứng, chính Đức Giêsu cũng là một tiên tri tràn đầy Thánh Thần, một tiên tri cao cả mang ơn gọi và sứ vụ cứu độ.

Ngài đã nhận lãnh Thánh Thần như một việc xức dầu. Ngài được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo hèn…Ngài được sai đến với những kẻ bị giam cầm trong lao tù, trong ích kỷ trong tham lam. Ngài cho kẻ mù được sáng mắt, kẻ u tối thoát vòng tối tăm, Ngài trả lại tự do cho người bị áp bức, phá xiềng xích cho tội nhân.

Ngài khai mở một năm Thánh, Năm Toàn Xá, Năm Hồng Ân Cứu Độ!

Ước gì Lời Chúa cũng được ứng nghiệm trong cuộc đời chúng ta bằng sự cộng tác tích cực của bản thân mỗi người. Lạy Chúa xin ban ơn giúp sức cho chúng con chu toàn ơn gọi và sứ vụ mình.

 

LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC

You May Also Like

Trả lời

X