THẮC MẮC, DẤU CHỈ CỦA SỰ HIỂU BIẾT

Thứ 7 tuần XXV thường niên

(Lc 9, 43b-45)

Có những thứ bình thường nhưng không tầm thường; Có những thứ hiển nhiên nhưng không phải ai cũng biết. Đi theo Thầy, sống với Thầy, tai nghe mắt thấy những lời Thầy nói những việc Thầy làm nhưng các môn đệ vẫn không hiểu Thầy. Vậy làm sao để hiểu, lời nói việc làm và đường lối của Thầy?

Con Người sắp bị nộp vào tay người đời”. Điều này không những được báo trước, chính Chúa Giê su còn cắt nghĩa: “không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám hi sinh tính mạng vì bạn hữu”. Nhưng họ vẫn không hiểu ý nghĩa cuộc thương khó của Thầy. Gần gũi, thân thiết sống với ai đó hằng ngày không cho ta khả năng dự đoán về số phận của họ. Trong gia đình vợ vẫn có thể ngạc nhiên về chồng, cha mẹ vẫn có thể ngạc nhiên về con cái. Trong cộng đoàn, vẫn có những người mà ta không thể ngờ được về những khả năng đặc biệt hay những sa ngã mà họ phải trải qua. Chúng ta không thể dự đoán và hiểu được những người mà chúng ta biết là vì ta chỉ tập trung vào bản thân mình.

Các môn đệ theo Chúa là những người có gia đình, vợ con là những người có nghề nghiệp nhưng họ vẫn luôn thao thức một điều gì đó lớn hơn, vượt ra khỏi những cái tầm thường đó là khôi phục một vương quốc Israel. Thời điểm ấy đã đến, ngày họ nhận biết Đức Giê su chính là Đấng Mê-si-a mà muôn dân đang mong đợi: “Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống”. Các ông đi theo Chúa Giê su với hoài bão, với nhiệt thành, với mục đích cao trọng. Nhưng tất cả những gì các môn đệ toan tính ấp ủ là của riêng mình, chính vì vậy các ông không hiểu và thậm chí không chấp nhận con đường khổ nạn của Thầy Giê su: “Xin Chúa thương đừng để Thầy gặp điều này”.

Chúng ta cũng vậy, dấn thân theo Chúa nhưng vẫn chạy theo toan tính riêng, làm việc cho Chúa nhưng là để đạt được kế hoạch nhỏ riêng mình. Tập trung quá vào bản thân, ta sẽ không thể hiểu và cũng chẳng thể cảm thông với anh em, với cộng đoàn. Bao lâu chúng ta không để cho Chúa dẫn ta đi trên con đường của Ngài, qua Tin mừng, qua lời nhắc bảo của bề trên, của anh chị em, chúng ta vẫn chôn mình trong những suy tính logic của riêng mình là bấy lâu ta vẫn chưa chấp nhận và bằng lòng bước vào cuộc khổ nạn với Chúa Giê su.

Dân chúng kinh ngạc về những phép lạ Đức Giê su đã làm như: nào là ‘chữa lành bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho kẻ chết sống lại. Các môn đệ cũng buông vào dòng chảy ấy, các ông không chỉ kinh ngạc mà các ông rất tự hào về Thầy mình. Nhưng, Đức Giê-su lôi các ông xuống và nói: “Con người sắp bị nộp vào tay người đời”. Với lời tuyên bố của Đức Giê-su, các ông không những bị sốc mà còn cố tình làm ngơ: Làm sao Thầy có thể bị nộp vào tay người đời được, Thầy có thể chiến thắng tất cả các thế lực chỉ bằng lời quyền năng của Thầy. ‘Thầy đúng là lẩm cẩm’ và họ sợ không dám hỏi Thầy.

Sợ không dám hỏi, vừa là hành động không dám cùng Thầy đương đầu với đau khổ, hay chỉ là một thói quen che đậy cái dốt của mình. Chính vì không dám hỏi Thầy về ý nghĩa của cuộc khổ nạn, mà các ông lao vào một cuộc tranh luận ngớ ngẩn: trong các ông ‘ai là người lớn nhất’. Chúng ta cũng vậy, có những thông tin, có những sự việc, chúng ta không biết rõ hoặc chỉ biết một phần, chúng ta ngại hỏi đương sự,  ngại hỏi người có trách nhiệm. Chúng ta sợ, chúng ta ngại hỏi nhưng lại xì xào, có bé xé ra to với tài thêm thắt cắt xén để rồi lao vào những tranh luận ngớ ngẩn, gây ra bao hiểu lầm chia rẽ, phá vỡ bầu khí và sự bình an của gia đình, cộng đoàn và chính nội tâm của nhau.

Sai lầm của các Tông đồ “sợ không dám hỏi” đã khiến Phê rô lại lao vào cản bước và trách móc Thầy: ‘Xin Chúa thương đừng để Thầy gặp chuyện ấy’. Là môn đệ Chúa Giê-su chúng ta cũng có thể chịu chung cảnh ngộ như các môn đệ xưa. Chúng ta có thể bị rơi vào tình trạng không hiểu rõ, hay hiểu biết theo định kiến hạn hẹp để rồi lao vào ngăn cản, không cản ngăn được thì chê bai dèm pha nói xấu nhau. Sợ không dám truy tìm sự thật, mà cứ mổ xẻ bêu xấu nhau, chẳng khác gì tự dìu nhau xuống bùn mà thôi?

Lậy Chúa, xin cho chúng con biết mạnh dạn đến với Chúa không chút nghi ngờ. Và khi chúng con không thể hiểu được ý Chúa muốn trên con, xin cho chúng con biết khiêm nhường bàn hỏi với Chúa xuyên qua những người hữu trách để thấu tỏ ý Chúa và được thông phần vào huyền nhiệm tình yêu hiến tế của Chúa. Xin cho chúng con biết truy tìm sự thật trong mọi việc, mọi vấn đề và mọi vấn nạn để trong mọi sự Chúa được tôn vinh, và chúng con được sự thật giải thoát, và đó cũng chính là phương thế để chúng con xây dựng bình an và hiệp nhất trong đời sống cộng đoàn. Xin Chúa ban Thánh Thần của Ngài cho chúng con, để Người soi sáng mở trí cho chúng con hiểu biết đường lối Chúa mà tuân giữ. A men.

FM. Placido Phạm Văn Chung

You May Also Like

Trả lời

X