Ngày 12.09 – Suy Niệm về lễ Thánh Danh Đức Maria, Gl 4,4-7; Lc 1,39-47
Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Danh Thánh Đức Maria, qua lễ này Giáo Hội muốn giới thiệu cho chúng ta thấy Danh Thánh Mẹ rất uy quyền, tuyệt mỹ… Như bà Elisabeth đã thốt lên: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ..” (c. 42).Danh Mẹ được chúc phúc, trổi vượt trên mọi thụ tạo.
Trong Giáo Hội ngoài Danh Thánh Chúa Giêsu và Thiên Chúa, không một danh xưng nào được nhắc tới nhiều với lòng tôn kính, mến yêu, mang tới sự ủi cho bao tâm hồn bằng Danh Thánh Đức Maria. Thánh Bênađô nói: “Khi bạn chiến đấu với bão táp trên biển cuộc đời, hãy ngước nhìn lên Sao Biển là Mẹ Maria… Trong những khó khăn và nguy hiểm, hãy nhớ đến Mẹ – hãy réo gọi Mẹ! Đừng để Danh Thánh Mẹ rời xa môi miệng bạn. Hãy tưởng nghĩ đến Mẹ luôn luôn! Có Mẹ, bạn sẽ không lạc lối. Được Mẹ chở che, bạn sẽ không sợ gì. Mẹ sẽ dẫn bạn đến với Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ của bạn!” Thánh Tôma Aquinô cho ta thấy rõ hơn ý nghĩa của từ Sao Biển, ngài nói: “Maria có nghĩa là Sao Biển. Vì vậy, ví như thuỷ thủ được sao biển hướng dẫn vào hải cảng thế nào, thì các Kitô hữu muốn tới vinh quang cũng đều nhờ sự cầu bầu Hiền Mẫu của Mẹ Maria như vậy”.
Lòng tôn kính Danh Thánh Đức Maria đã được nhiều Kitô Hữu thực hành ngay từ những buổi đầu của Giáo Hội. Nhưng mãi tới năm 1683, Đức Thánh Cha Innôcente XI chính thức chọn ngày 12 tháng 09 hằng năm là ngày tôn kính Thánh Danh Đức Maria cho toàn Giáo Hội. Nếu Giáo Hội được ví như con thuyền đang lênh đênh trên biển khơi, thì Đức Maria được ví như “Ngôi Sao Biển” chiếu sáng cho con thuyền của Giáo Hội đi đúng đường.
Giáo Hội dạy chúng ta tôn kính Đức Trinh Nữ Maria khi nói: “Nhờ hồng ân Thiên Chúa, Ðức Maria được tôn vinh, sau Chúa Con, vượt trên hết các thiên thần và loài người, vì Ngài là Mẹ rất thánh của Thiên Chúa và đã tham dự vào các mầu nhiệm của Chúa Kitô; do đó Ngài đáng được Giáo Hội tôn vinh và đặc biệt sùng kính” (Vatican II, Ánh Sáng Muôn Dân, số 66).
Chúng ta biết rằng, Đức Maria không phải là một nữ thần, một nhân vật huyền thoại, Mẹ là một phụ nữ như bao người nữ khác, là thụ tạo như chúng ta. Trong bài đọc 1 thánh Phaolo đã nói: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4,4). Sở dĩ “người đàn bà” ấy “vượt trên hết các thiên thần và loài người” là nhờ Ân Sủng và niềm tin. Thánh Giêronimo dịch Maria từ tiếng Do Thái có nghĩa là “biển”, với anh xưng này được diễn tả sự Siêu Việt của những Ân Sủng xuống trên Đức Maria. Quả thật, tất cả dòng sông đều đổ ra biển cả, nên mọi kho tàng ân sủng từ trời, mọi đặc quyền và đặc sủng cao cả đều tuôn đổ trên Đức Trinh Nữ Maria và Người được gọi là: “Mẹ của Ân Sủng”. Chúa đã tạo con người Tuyệt Mỹ nơi Đức Maria để xứng là Mẹ của Đức Kitô. Còn về niềm tin, chính bà Êlisabet đã thốt lên: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. (c.45). Sách Giáo Lý Công Giáo dạy: Mẹ là người “trong cuộc lữ hành đức tin” (LG58), đã đi vào tận đêm tối của đức tin khi hiệp thông với khổ hình Thập Giá và đêm đen trong mồ của Con Mẹ (x. GLCG 165). Chính vì đức tin này mà Mẹ sẽ được mọi đời khen là diễm phúc.
Nói về danh xứng và tước hiệu thì Đức Maria có rất nhiều. Nhưng chúng ta dừng lại danh xưng mà Tin Mừng hôm nay ám chỉ tới. Các nhà chú giải thường so sánh Đức Maria với hình ảnh trong Cựu Ước, đó là “Hòm Bia Giao Ước”. Quả thật, sự kiện Đức Maria thăm viếng bà Elisabet được thánh Luca nói tới giống việc vua Đavit chuyển Hòm Bia Giao Ước về Giêrusalem (x. 2Sm 6), qua đây thánh nhân như ám chỉ rằng: Đức Maria là “Hòm Bia Giao Ước” mới. Là Hòm Bia của Giao Ước mới nên Đức Maria mang trong mình “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1, 32), Ngài chính là Đấng mặc khải, là nguồn ơn phúc, là nguyên do mang lại niềm vui. Đức Maria vội vã đưa Đức Giêsu đến với những người khác. Bà Elisabeth thốt lên: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (c. 43). Lời này cũng được lấy từ Cựu Ước, khi vua Đavít dùng những lời như thế lúc Hòm Bia Giao ước được di chuyển về Giêrusalem. Vua Đavít đã thốt lên: “Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” (x. 2Sm 6,9). Có những chi tiết khác liên kết cuộc viếng thăm của Đức Maria với “Hòm Bia Giao Ước”. Cả Đức Maria và Hòm Bia ở lại “ba tháng” trong miền Giuđê; Hòm Bia được đón tiếp trong niềm vui và lễ mừng, và đưa phúc lành đến gia đình đã nhận lấy Hòm Bia (x. 2Sm 6,10-11); khi Đức Maria vào nhà Dacaria, trẻ Gioan cũng đã nhảy lên vui sướng.
Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Đức Maria như là Hòm Bia Giao Ước mà Thiên Chúa đã chọn không ở trong một tòa nhà, nhưng ở trong cung lòng một người phụ nữ.
Có Chúa trong mình không chỉ là đặc ân dành riêng cho Đức Maria. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi trở thành như Đức Maria, là “Hòm Bia Giao Ước”. Quả thế, qua bí Tích Thánh Thể, chúng ta cũng đón nhận chính Chúa Giêsu vào trong lòng chúng ta. Nhiệm vụ của chúng ta là mang Chúa đến cho người khác, đem niềm vui và phúc lành của Chúa đến cho những ai chúng gặp gỡ.
Duy Khiêm