SUY NIỆM THỨ BẢY MÙA GIÁNG SINH
MT 10, 16-22
1. Đôi nét tiểu sử:
Thánh Stêphanô là một trong bảy phó tế đầu tiên được các Tông đồ tuyển chọn và trao trách nhiệm quản lý các tài sản và giúp đỡ các quả phụ trong Giáo Hội sơ khai. Ngài là một người đầy Thánh Thần và đức tin, nhiệt thành rao giảng Tin Mừng về Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai mà người Do Thái hằng mong đợi. Nhưng thay vì tiếp nhận lời Ngài, họ đã kết án và giết ngài. Thánh nhân đã tranh luận sôi nổi nhiều lần với những người Do Thái cứng lòng, và nhờ Thánh Thần soi dẫn ngài đã nói lên những lời lẽ khôn ngoan, nên họ không tài nào địch nổi. Vì thế họ tức giận rồi vu khống cho ngài tội phạm thượng chống lại Môisê và Thiên Chúa. Họ đã điệu ngài ra ngoài thành rồi ném đá cho đến chết. Nhưng trước khi tắt thở, thánh Stêphanô còn ngước mắt lên trời xin Chúa tha tội cho những người hành hạ mình. Chúa đã nhận lời cầu nguyện của thánh nhân và ban cho thánh Phaolô, đang giữ y phục của những kẻ ném đá thánh Stêphanô được ơn trở lại. (Trích Phụng Vụ chư thánh- Châu Kiên Long 1975).
2. Suy niệm:
“Này Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói, vậy anh em hãy khôn ngoan như rắn và đơn sơ như bồ cầu”.
Đã rõ chúng ta biết câu này kết thúc những lời Đức Giêsu huấn dụ khi sai các Tông Đồ ra khơi thực tập truyền giáo, đồng thời cũng là lời khuyên cáo các Tông Đồ trước những bất trắc, nguy hiểm trên bước đường truyền giáo. Dưới hình ảnh bầy sói hung dữ, mưu mô, quỷ quyệt, ám chỉ những con người, phe nhóm, bè phái, ý thức hệ…đi ngược lại với Tin Mừng và bách hại các Tông đồ của Chúa và Giáo hội.
Trước những mưu mô vừa xảo quyệt đầy nguy hiểm vừa hung hãn như thế, Đức Giêsu dùng thế giới động vật mà so sánh và khuyên bảo các Tông Đồ đừng đưa thân hứng chịu cách vụng về, nhưng hãy xử trí, hành động cách khôn ngoan, thông minh, khéo léo và tinh tế như loài rắn. Đồng thời cũng phải giữ tâm hồn và thái độ đơn sơ, đơn thành đôn hậu, không mưu mô, không giả dối lại hiền từ như bồ câu. Cần phải cho thiên hạ cảm thấy rằng sứ giả của Tin Mừng chỉ chuyên lo phụng sự Chúa, không tìm kiếm tư lợi, bịn rịn, dính bén gì khác…
“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đường, sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết”. Đối với các Tông đồ Đức Giêsu không chút giấu diếm, Tin Mừng đôi khi có thể tạo nên chống đối và ngược đãi. Ngài không ngại nói lên điều đó. Ngài yêu cầu các Tông đồ cũng như mọi thừa tác viên hay Kitô hữu chúng ta hãy có thái độ can đảm như Ngài, Đấng đã bị tố cáo trước tòa Philatô; đã bị ngược đãi và bị lên án tử bất công trên cây thập giá. Vả lại giữa những cuộc bách hại người môn đệ có được hai lý do để an ủi và hãnh diện đó là:
- Bị bách hại vì đức tin và vì Chúa.
- Bị bách hại là cơ hội để làm chứng cho đức tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ trần gian đã được Thiên Chúa Cha ủy phái tới như lời đã hứa xưa với tổ tiên, khi bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Chúa để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết. “Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì. Chính Thánh Thần của Chúa Cha sẽ nói trong anh em”. Các Tông Đồ không cần phải băn khoăn lo lắng. Họ đâu chỉ dựa vào sự hiểu biết cá nhân để tìm những câu trả lời: đã có Thánh Thần của Thiên Chúa nói trong họ và ban cho họ sự khôn ngoan mà đối phương không thể nào thắng được (x Lc 21, 15; Mc 13, 11). Đừng sợ vì có Chúa quan phòng trong tất cả những hoàn cảnh khốn quẫn, bắt bớ, ngược đãi.
Sự chống đối, ngược đãi ấy đôi khi xảy ra ngay tại gia đình mình: “anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét”. Hận thù có thể nẩy sinh khắp nơi…thậm chí xảy ra ngay cả trong gia đình thân thích.
Nhưng Đức Giêsu đề nghị cho chúng ta một giải pháp duy nhất: “Hãy bền chí đến cùng”, hãy luôn trung thành! Hãy vững vàng và can đảm trước mọi nguy khốn, chống đối, ngược đãi hay thất bại…Để được thế, niềm tin phải là một hành động tín nhiệm sâu xa nơi Thiên Chúa, một biểu lộ tín thác tuyệt đối đối với Người, cho dù có chịu bao thử thách đau đớn. Kể cả cái chết thì vẫn một lòng tín thác vào Chúa và luôn kiên trì: “Có kiên trì, bền chí, anh em mới giữ được mạng sống mình, mới được cứu thoát” (xMt 10, 22; Lc 21, 18). Vậy kiên trì là gì? Thưa là dù gặp phải gian truân thử thách, chúng ta không lùi bước, không nản lòng, không bỏ cuộc nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin và lý tưởng sống của mình như thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi.
Lạy Chúa, đức tin không giữ chúng con khỏi chết, cũng không cứu chúng con thoát đau khổ, nhưng đức tin chính là hiến dân mạng sống mình cho tình yêu Chúa và tha nhân. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, để trong bất cứu hoàn cảnh nào, chúng con vẫn luôn kiên trì giữ vững niềm tin vào Chúa mãi đến cùng.
LM PHÊRÔ KHOA-LÊ TRỌNG NGỌC