THẬP GIÁ LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ SỐNG

THẬP GIÁ LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN SỰ SỐNG

Thứ Năm Lễ Tro: Lc 9, 22-25

— 000 —

Thánh Phê-rô vừa thay mặt anh em trong Nhóm Mười Hai tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa (Lc 9,18-21), Ngài bắt đầu nói đến cuộc Thương Khó, tử nạn và Phục Sinh của mình, và nói một cách rõ ràng. Đây là điều mới mẻ cả về nội dung lẫn hình thức trình bày. Ngài không dùng Dụ ngôn nữa, nhưng nói thẳng về định mệnh đang chờ đợi Ngài. “ Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các Kỳ mục, Thượng tế cùng Kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”.

Có người cho rằng lời tiên báo của Đức Giê-su về cuộc Khổ nạn và Phục Sinh chỉ là lời được viết dựa trên các biến cố đã xảy ra. Thực ra, Đức Giê-su đã thấy những phản ứng chống đối lời giảng dạy của Ngài; Ngài biết mình phải đương đầu với các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và Ngài thấy rõ bóng dáng của cái chết đang rình rập mình. Nhưng Đức Giê-su không thối lui, dù Ngài có thể thối lui. Ngài không đi tìm cái chết, nhưng Ngài muốn hằng trung tín với Chúa Cha và phục vụ (cứu độ) loài người, dù phải trả giá bằng mạng sống. Đó là sự lựa chọn tự nguyện của Đức Giêsu. Cái chết là giá phải trả để trung tín về một tình yêu!

Mới bước sang ngày thứ hai của Mùa Chay Thánh, thế mà chúng ta được đặt đứng trước sự kiện cốt yếu của Mùa Chay: Cuộc tiến về dự Lễ Vượt Qua…bước hành trình tới đời sống sung mãn…Việc hướng lên tuyệt đỉnh của hoan lạc…Mục đích của Thiên Chúa là sự sống, là hạnh phúc…Lễ Vượt Qua đang ở phía trước mà tất cả chúng ta đang hướng tới.

Nhưng bước đường hành trình là Thập Giá, đau khổ và từ bỏ.

Một mẫu mực, một nguyên tắc, một nỗ lực duy nhất của Mùa Chay Thánh là : noi gương bắt chước Đức Giê-su và bước theo con đường Ngài đã trải qua.

Do đó, việc quan trọng hàng đầu là nguyện ngắm suy niệm, để thực sự đặt Đức Giê-su Kitô trước mặt, trong tâm hồn và giữa cuộc sống chúng ta.

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”

  1. “Từ bỏ chính mình”:

Xem ra từ bỏ mình nghĩa là tha hóa (aliánation): mình không còn là mình nữa. Xét về phương diện tâm lý thì điều này không tốt, vì mỗi người phải giữ lấy cái độc đáo của mình. Nhưng xét theo thần học thì lại rất tốt, tuy chúng ta không còn là mình nữa, mà chúng ta lại được hóa nên giống Đức Giê-su thì thật là tuyệt vời: được đồng hình đồng dạng với Đức Giê-su. Hơn nữa, đây thực sự không phải “tha hóa”, mà là tìm lại chính mình, bởi vì ngay từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” Ngài. Mà vì do tội lỗi nên con người bị tha hóa. Nay cố gắng trở nên giống Đức Giê-su chính là tìm lại hình ảnh ban đầu.

Vậy, làm môn đệ Đức Giê-su là làm một người khác hẳn, nên không lạ gì khi Ngài bảo chúng ta phải từ bỏ mình. Cái phần “mình” được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần “Chúa” thành “Kitô khác” hoàn toàn ( Alter Christus).

“Từ bỏ” đến “Hiến dâng” –Nói từ bỏ thì chúng ta cảm thấy tiếc . Nhưng nếu nói “hiến dâng” như thánh Phao-lô (Rm 12,1-2) thì chúng ta thấy hăng hái hơn. Vì thế thánh Phao-lô nói: “Anh em hãy hiến thân anh em làm của lễ sống động cho Thiên Chúa”, tuy cũng cùng ý nghĩa với câu Đức Giê-su nói: “Ai muốn theo Tôi, hãy từ bỏ chính mình”, nhưng tích cực hơn.

“Hiến thân” hàm chứa tình yêu; yêu là cho, yêu trọn vẹn là cho cả con người mình: Hiến thân.

“Hiến thân” là một hành vi tự do: Chỉ vì yêu nên tự nguyện hiến thân. “Hiến thân” còn có giá trị tôn thờ-dâng mình như một của lễ dâng lên Thiên Chúa để thờ phượng Ngài.

  1. Vác Thập giá mình hằng ngày:

+ Thập giá đây là những đau khổ phải chịu và sẵn sàng đón nhận do bản thân mình, hoàn cảnh…do ma quỷ gây ra và có khi do Thiên Chúa gửi đến vì yêu thương và muốn thanh luyện chúng ta.

+ Vác nói đây là đón nhận với tinh thần siêu nhiên “ vì được thông phần những đau khổ của Đức Giê-su Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Ngài tỏ hiện, anh em cũng được vui mừng hoan hỷ” ( 1Pr 4,13-14).

+ Hằng ngày: Thánh Luca thêm vào hai từ này (x.Lc11,3) để nhắc nhở đây là một qui luật thường hằng của cuộc đời người Ki-tô hữu.

  1. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.

 Để giải thích và khích lệ việc thực thi điều kiện theo Ngài trên đây, Đức Giê-su trưng ra hai việc như mẫu gương:

+ Ai chịu thiệt thòi sự sống mình ở đời này vì Chúa, thì sẽ bảo toàn được sự sống đời sau. Vì những sự ở đời này sẽ qua đi, chỉ có Nước Trời mới là Vĩnh cửu thôi.

+Ai xấu hổ vì Chúa và những Lời Ngài dạy bảo, thì sẽ không được đón nhận trong ngày cánh chung.

Đức Giê-su mời gọi chúng ta cân nhắc tầm cỡ đời đời của những chọn lựa của chúng ta và tương lai vô tận của tình thương đã trao ban!

Lm Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc

You May Also Like

Trả lời

X