THẾ NÀO LÀ LÒNG CHAI DẠ ĐÁ? Thứ Sáu Tuần V Mùa Chay – Năm C (Ga 10, 31-42)

Sách tiên tri Cựu Ước thường cho rằng những kẻ không tin là lòng chai dạ đá. Quả đúng như vậy, mưa tuôn như thác đổ trên mỏm đá, vẫn không thấm được giọt nào. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu quá thất vọng trước những con người chai đá này. Vì dù nại chứng lý của Kinh Thánh hay chứng thực bằng việc làm, họ cũng không tin.
Kinh Thánh, qua thánh vịnh gọi những người được Thiên Chúa tuyển chọn, chẳng hạn như cụ tổ Abraham, Moses, David…, là những vị thần thánh, vì thánh không gì khác hơn là qadosh, nghĩa là được Thiên Chúa tách rời khỏi các phàm nhân để thuộc về Người. Đức Kitô, khi thiên thần đến truyền tin cho Đức Maria, đã gọi là Đấng Thánh (Lc1,35), bởi Ngài là Con Thiên Chúa.
Những công việc Ngài đã thực hiện trước mắt toàn dân như cho kẻ chết sống lại, trừ diệt ma quỷ…là những chứng tá hùng hồn về thần tính của Đức Kitô. Trong triết lý, người ta khẳng định bản tính là nguồn của hành động (natura est origo actionum): bản tính người, sẽ phát sinh những hành động nhân linh. Hay nói ngược lại: hành động nhân linh chứng minh chủ thể là con người. Vậy Đức Kitô thực hiện những hành động mà Kinh Thánh dành riêng cho Thiên Chúa chẳng hạn cho Lazaro và con trai bà góa thành Naim được sống lại, nên Ngài cũng là Thiên Chúa.
Tiếc thay, nhà chức trách Do Thái “có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe”. “Cánh cửa đức tin” (Cv 14,27) nơi họ đang bị khóa chặt, thành thử không một tia ánh sáng Tin Mừng có thể lọt vào tâm hồn họ. Đến đây ta ngộ ra tầm quan trọng của lòng tin. Nếu có lòng tin thì dù mang thân phận một đàn bà đất Canaan cũng trở thành con cái Thiên Chúa để hội đủ điều kiện nhận được “bánh dành cho con cái Israel.”
❖ Sứ điệp Tin Mừng
Nhờ đức tin, tín hữu được trở thành con cái Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội. Nhưng như thánh Giacôbê khẳng định: “Đức tin không kèm theo việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Việc làm nào đây? Thưa là sự tín thác tuyệt đối vào Đức Kitô, khi đức tin đòi hỏi ta chọn là tôi Chúa hơn tiền của và lạc thú thấp hèn.
Mùa chay là thời gian sám hối và tin vào Tin Mừng, như Hội Thánh nêu lên trong nghi thức xức tro. Sám hối là đổi hướng đi, nhắm thẳng Đức Kitô mà tiến dưới ánh sáng của Tin Mừng (Ph 3, 14). Bạn có đủ can đảm để thực hiện bước quyết liệt này không?
Mùa chay cũng là dịp ta thể hiện tình hiệp thông với Chúa nơi tha nhân. Phải chăng vì thành kiến, chúng ta không nhận ra họ cũng là những người được Chúa thánh hiến. Nói theo lời Tin Mừng hôm nay: Họ là những bậc thần thánh. Từ xác tín này, chúng ta sẽ quý mến nhau cách chân thành như Chúa đã quý mến chúng ta (Ga 15,9).

Vp. Domenico Phạm Văn Hiền O.Cist

You May Also Like

Trả lời

X