NGHỊCH LÝ CỦA TIN MỪNG

TÍNH NGHỊCH LÝ CỦA TIN MỪNG

Suy Niệm Thứ 4, XXIII TN  (1Cr 7,25-31; Lc 6, 20-26 )

Tính nghịch lý của Tin Mừng mời gọi mỗi người dám từ bỏ, dám đánh đổi ngay cả mạng sống. Quả vậy, tại sao nghèo mà lại có phúc, tại sao đói khổ, khóc lóc hay bị người khác oán ghét, khai trừ, sỉ vả mà lại coi là có phúc. Trong khi giàu có, no nê, vui cười hay được người đời ca tụng mà lại coi là khốn, là họa? Vậy đâu là tính nghịch lý của Tin Mừng? Và tính nghịch lý của Tin Mừng nơi Đức Ki-tô mang lại gì cho con người?

Thánh sử Lu-ca trình bày tính song đối giữa bốn phúc và bốn họa. Phúc mà Đức Giê-su mời gọi mỗi người xem ra hơi khác thường hay không bình thường. Tại sao thế? Tại vì nó đi ngược hẳn với cái nhìn và lối suy nghĩ của thế gian; tại vì đó là phúc thật thế gian này không có mà chỉ có trong Nước Trời. Lẽ tự nhiên của con người là muốn đi tìm cái chi chi đó, ví dụ như giàu sang phú quý, quyền lực, danh vọng, hạnh phúc, sung sướng, vui vẻ, bình an… Ngược lại, Đức Giê-su lại nói: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, đói khát, khóc lóc…”. Ôi thật là khó hiểu nếu không đặt nó trong ân sủng, tình thương của Đức Giê-su và dưới lăng kính của đức tin. Như thế, chúng ta hãy kín múc nguồn thần linh, nguồn ân sủng và sức sống thần thiêng từ những kho báu vô tận của Lời Thiên Chúa. Bởi lẽ, “không biết kinh thánh là không biết Chúa Ki-tô” (Dei Verbum, số 25). Điều đó minh chứng cho tình thương và lòng ái tuất của Chúa ban tặng cho con người; đồng thời cho thấy tính nghịch lý của Tin Mừng. Quả thật, “Lời Thiên Chúa luôn sống động và linh nghiệm” (Dt 4, 12); “có năng lực xây dựng và ban phần gia nghiệp cho tất cả những người đã được thánh hóa” (Cv 20,32). Như thế, “Lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến” (Cv 20,32). Bởi chưng, “chúng ta ngỏ lời với Người khi cầu nguyện và chúng ta nghe Người nói lúc chúng ta đọc các lời Người tuyên phán” (Dei Verbum số 25). 

Chính trong tình thương ân sủng của Chúa Thánh Linh thôi thúc và luôi cuốn chúng ta khám phá và đi đến tận nguồn, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37). Đồng thời, “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những ai được Người kêu gọi theo ý Người định” (Rm 8,28). Mà ý Người định là “những người có tinh thần phó thác, cậy trông và yêu mến Người”, nghĩa là những người có tinh thần trẻ thơ luôn hoàn toàn tín thác vào Người. Thêm nữa, Lời Chúa mời gọi chúng ta dám đánh đổi mang chiều kích “tự hủy” để noi gương Thầy Chí Thánh dám hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Do đó, ai càng gắn bó và bám víu vào những giá trị đời này thì càng thất vọng và bất hạnh. Như thế, chỉ có những ai dám dứt bỏ tham, sân, si mới đạt tới hạnh phúc thật. Đó chính là tính nghịch lý của Tin Mừng. Hạnh phúc thật chỉ có trong Chúa, ai dứt bỏ mọi cám dỗ vì Chúa sẽ tìm được Chúa; nhất là ai dám đánh đổi mạng sống mình vì Chúa sẽ được phần thưởng là chính Chúa. Chính lẽ đó mà Thánh Phao-lô đã nói trong bài đọc 1: “thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui… Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,29-31). Lạy Chúa Giê-su, thật kỳ diệu và lạ lùng thay thánh ý Ngài. Sống nghèo để được giàu có, chịu bất hạnh để được hạnh phúc thật; từ bỏ tất cả để được tất cả là chính Chúa. Từ bỏ thế gian để được Nước Trời; chết đi để được sống viên mãn trong Chúa ôi thật tuyệt vời. Điều đó minh chứng cho tính nghịch lý của Tin Mừng và là thành quả cho những ai thực thi ý Chúa. Amen.  

FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn

You May Also Like

Trả lời

X