Thứ 5 Ngày 03/09/2020 – Tuần XXII Thường Niên (1Cr 3, 18-23; Lc 5, 1-11)
Vâng lời là bản chất của người thánh hiến. Dù là bản chất, nhưng vâng lời không phải là nút enter trên bàn phím để rồi cứ nhấn là nhảy, là chạy như cái máy.
Vâng lời không những là thách đố, còn chứa đựng những giá trị nhiệm mầu, chúng ta phải vượt qua mới thấu đạt ý nghĩa đích thực của vâng phục. Vậy đâu là thách đố của đức vâng lời?
Thách đố lớn của đức vâng lời, theo thánh Phao lô diễn tả trong bài đọc I, đó là: “tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời”. Một người cho mình khôn theo thói đời thì luôn tự mãn về những gì mình có, như thế thật khó để vâng lời. Và nếu người truyền lệnh là người không những kém về tài đức, kém về bằng cấp, và tuổi tác cũng chỉ đáng bậc em út, thì làm sao vâng lời. Vâng lời thật không dễ.
Kinh nghiệm, mưu mẹo đánh bắt cá, có thể nói Phê rô là bậc thầy Đức Giê su, người có tới hai đời sống bằng nghề mộc chứ không phải nghề đánh cá. Tuy nhiên, kinh nghiệm thường nghiệm ấy đã khiến Phê rô phải thốt lên sự thật với Đức Giê su: “thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả cả đêm mà không bắt được gì”. Tới đây ta mới hiểu lời của thánh Phao lô trong bài đọc I: “tư tưởng của kẻ khôn ngoan… thật chỉ như cơn gió thoảng”. Như thế, ai cho mình là khôn theo thói đời là kẻ tự lừa dối mình, và kết quả của lòng tự mãn dù có vất vả cũng uổng công, cũng là dã tràng xe cát. Theo ngôn từ của Phao lô “họ là những kẻ điên rồ trước mặt Thiên Chúa”.
Tin mừng hôm nay, cho ta thấy một kinh nghiệm khác về đức vâng lời. Đức Giê su nói với ông Simon: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ngập ngừng, nhưng Phêrô vẫn làm theo: “vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”. Lòng vâng phục ấy đã cho Phê rô thấy được những giá trị, thành quả hoàn toàn khác với tài trí của ông. Vậy đâu là giá trị của đức vâng lời?
Giá trị đầu tiên: Phê rô và đồng bạn đã được chứng kiến một phép lạ nhãn tiền, một mẻ lưới mà chưa bao giờ bắt được nhiều cá như vậy: “đổ đầy hai thuyền cá đến gần chìm”.
Giá trị thứ hai là một ân huệ kép: Phê rô vừa nhận ra con người thật của mình, vừa nhận ra Người đang nói với ông là Thiên Chúa, như Tin mừng viết: “thấy vậy, ông Phê rô sấp mặt dưới chân Đức Giê su và nói: Lậy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Kinh nghiệm, kiến thức và mưu mẹo bắt cá là những thứ Phê rô tự hào, kiêu hãnh với đồng nghiệp, với gia đình nay chỉ là rơm rác không đáng tự hào, và ông còn cho đó là tội lỗi đáng xấu hổ. Giờ đây điều khiến Phê rô tự hào chính là quyền năng và tình yêu của Thầy Giê su, bởi vậy ông cũng như các đồng bạn đã bỏ mọi sự để đi theo Đức Giê su: “họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà đi theo Người”. Và các ông đã trở nên những người khôn ngoan thật nhờ khiêm nhường vâng lời Đức Giê su, và trở thành những người “thu phục người ta”.
Thánh Gregorio giáo hoàng chúng ta mừng kính hôm nay, một vị thánh đã bỏ trốn để khỏi phải làm giáo hoàng. Nhưng khi thánh ý Chúa tỏ hiện, thánh nhân đã vâng phục với lòng khiêm hạ và trở thành khí cụ hữu ích trong bàn tay Thầy Giê su. Ngài không chỉ để lại những công trình hữu ích cho giáo hội, nhưng hơn hết ngài đã trở lên như tấm lưới thu phục người ta về với Chúa cách mạnh mẽ. Ngài làm mọi cách cổ động xóa bỏ chế độ nô lệ để ai nấy được sống xứng với phẩm giá làm người, làm con Chúa.
Dẫu biết rằng tự mãn chẳng khác gì tự đẩy mình xuống hố, ấy vậy mà người ta vẫn cho mình là khôn ngoan theo thói đời. Dẫu biết rằng khiêm tốn vâng lời luôn đem đến những hoa trái sự sống, bình an và hiệp nhất, mà ai nấy vẫn cảm thấy thật khó, thật khổ khi vâng lời.
Gương sáng của Thánh Phê rô, và thánh Giáo hoàng Gregorio, với những giá trị, thành quả của đức vâng lời thật sự là lời mời gọi mỗi chúng ta, cách riêng là những ai đã khấn vâng lời hãy duyệt xét lại, xem mình đã phát huy sức mạnh của đức vâng phục như thế nào, và đã thu được những thành quả nào? Hãy xét lại để tránh kiểu vâng mà không phục theo thói đời; Hãy xét lại để biết rằng ta chỉ có thể nên người khôn ngoan thật trước mặt Chúa là nhờ liên kết với Đức Ki tô trong sự vâng phục mà thôi.
FM. Tùy Phúc Hậu