ĐỨC GIÊSU LÀ CHÀNG RỂ

ĐỨC GIÊ-SU LÀ CHÀNG RỂ

1Cr 4,1-5; Lc 5,33-39

Tiệc cưới diễn tả niềm vui và hạnh phúc của đôi tân hôn và những người dự tiệc; tất cả cùng chung vui, trao tặng và chia sẻ cho nhau những niềm hạnh phúc. Hơn thế, khi tiệc cưới đó lại là tiệc cưới của Con Chiên, tiệc cưới Nước Trời. Trong đó, Tin Mừng hôm nay trình bày Đức Giê-su chính là Chàng Rể mang lại ơn cứu độ và niềm vui hạnh phúc cho mọi người dự tiệc cưới Nước Trời. Và nếu đó là tiệc cưới diễn tả niềm vui hạnh phúc thì việc ăn chay lúc này sẽ không hợp lý. Vậy đâu là điều cho thấy Đức Giê-su là Chàng Rể đích thực của tiệc cưới Nước Trời? Và đâu là căn cốt của việc ăn chay mà Đức Giê-su mong muốn?

Kính thưa cộng đoàn, ngang qua việc tranh luận về việc ăn chay, Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn tiệc cưới để nói lên giá trị đích thực của việc ăn chay: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ. Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới ăn chay”. Vậy chàng rể ấy là ai nếu không phải là chính Đức Giê-su. Người chính là Chàng Rể của tiệc cưới, mà tiệc cưới này không phải là tiệc cưới bình thường mà là tiệc cưới Nước Trời. Những người khách, cách riêng những người bạn hữu của chú rể phải góp phần tạo niềm vui. Tiệc cưới Nước Trời còn chỉ thời cứu độ mang lại niềm vui, trong đó Thiên Chúa hứa ban hạnh phúc cho con người.

Đức Giê-su đến khai mạc thời mới đó, thời cánh chung với những định luật mới. Đức Giê-su đem vào thế giới này một cái gì hoàn toàn mới, không thể đi đôi với luật cũ. Thông điệp của Đức Giê-su chính là Tin Mừng tình thương cứu độ và là một khởi điểm mới. Thời của Người là tiệc cưới, chính Người là Tân Lang và các môn đệ Người là các phù rể. Đồng thời, đây còn là ý tưởng thời đại Đấng Mê-si-a đã được Chúa Giê-su khai mở, còn được nhấn mạnh bằng hai hình ảnh vải mới và rượu mới. Người ta phải thay đổi não trạng để đi vào thời đại mới; ý nghĩa của những gì thuộc Cựu Ước chỉ hiện lên dưới ánh sáng của Tin Mừng.  

Ngài đã đến đem Tin Mừng Tình Thương và bình an hạnh phúc cho con người. Hơn nữa, Ngài đến gieo vãi tình thương và lòng thương xót cho tất cả những ai cậy trông và tín thác vào Ngài. Do đó, mọi việc và mọi điều nơi Ngài đều nhắm đến tình yêu chứ không phải là những lề luật chết. Thật thế, Ngài chính là Nhà Làm Luật mà luật của Ngài không gì khác hơn là luật yêu thương. Tất cả chỉ tóm gọn trong điều luật duy nhất là “mến Chúa – yêu người”.

Ăn chay là một công việc tốt đẹp của nhiều tôn giáo và cũng là điều mà Đức Giê-su sống và làm. Việc ăn chay mang một ý nghĩa tôn giáo, đồng thời việc ăn chay là một công việc tốt cho con người trong việc quy hướng về Chúa, về tình yêu – đức ái. Do đó, việc ăn chay chỉ đúng nghĩa và đẹp lòng Thiên Chúa khi và chỉ khi điều đó đẹp ý Chúa. Quả thế, cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: “Mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58,6-7). Đức Giê-su là Chàng Rể, Ngài đến để kiện toàn Luật Mới – luật của yêu thương mang lại hạnh phúc cho mọi người. Luật của Ngài tượng trưng cho hình ảnh áo mới cũng như rượu mới cho con người. Đồng thời, áo mới cũng như rượu mới còn là biểu tượng cho chính Ngài, vì vải mới, rượu mới chỉ Tin Mừng. Áo mới như trong lời đọc của các dịp lễ mà vị chủ sự vẫn đọc: “Con hãy cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là chính Đức Ki-tô”. Rượu mới như trong tiệc cưới Ca-na: “ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon cho đến mãi bây giờ” (Ga 2,10). Hơn nữa, Ngài chính là Chàng Rể đem lại niềm vui – an bình và hạnh phúc đích thực cho con người.

Do vậy, sách Gương Chúa Giê-su đã nói: “vâng lạy Chúa, chẳng có chi thánh thiện nếu Chúa rút tay đi, sự khôn ngoan nào có ích gì nếu Chúa ngừng dẫn dắt. Quả thật, Chúng con bị lung lay, nhưng Chúa làm cho chúng con được vững vàng; chúng con nguội lạnh, nhưng Chúa lại cho chúng con được sưởi ấm”. (Sách kinh đêm, Thường niên tuần XXII, tr 147). Thế nên, “người đã đặt niềm hy vọng vững vàng nơi Thiên Chúa, thì dù có được mọi người tán dương, người ấy cũng chẳng nao núng”. Đồng thời, chúng ta hãy hát những bản tình ca mới như trong bài khúc tân ca của Thánh Gioan Thánh Giá, nghĩa là sống và thực thi giới răn yêu thương của Chúa.  

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô – Vua Tình Yêu, xin cho mỗi chúng con được trở nên những môn đệ trung tín, ngoan hiền của Chúa để chúng con cũng là những người bạn của Chàng Rể luôn biết khiêm nhường và an vui bình an khi thấy Chàng Rể được nổi bật và được tôn vinh cho mọi người nhận biết “Đức Ki-tô – Vua Tình Yêu là Chàng Rể đích thực đem lại bình an – hạnh phúc và lòng thương xót cho con người”.

FM. Gregorio Đỗ Thường Toàn

You May Also Like

Trả lời

X