Thứ 2 Tuần XXVI Thường Niên
Tìm Kiếm Danh Lợi Thú Chân Thực
(G 1,6-22. Lc 9, 46-50)
“Danh lợi thú”, là ba thứ làm cho người ta phải thao thức kiếm tìm và tranh đấu để có được trong cuộc đời. Và để đạt nó, người ta nghĩ phải ở chỗ cao nhất, phải là người lớn nhất vì càng làm lớn bổng lộc càng nhiều.
Các môn đệ theo Chúa Giê-su, nhưng vẫn mang trong mình thao thức ấy, nên các ông không chỉ tự hỏi “Ai là người lớn nhất?”, mà có người còn xin được ngồi bên tả hay bên hữu Thầy. Đó là điều quan tâm và ưu tiên số một của các ông trong lúc này. Chúa Giê-su không trách, không bác bỏ, nhưng hướng các ông về giá trị nguyên thủy và đích thực của người làm lớn là như thế nào: cũng là tìm danh lợi thú, nhưng “danh lợi thú” đó không phải để vinh danh bản thân mà để phục vụ, hy sinh và làm sáng danh Chúa.
Thứ nhất “cái danh”: ở đây không chỉ là danh tiếng mà là làm cho Danh Cha, danh Đức Ki tô được nhiều người biết và làm danh dự con người được tôn trọng và sống xứng với phẩm giá của mình. Bởi thế, là môn đệ theo Chúa phải là người đem lại giá trị và nhân phẩm cho người khác và nhận ra Đức Ki-tô nơi tất cả mọi người, để không phân biệt đối xử, nhưng là đón tiếp mọi người cách xứng đáng, như chính Đức Ki-tô và phục vụ như đang phục vụ Đức Ki tô. Thánh Biển Đức trong Tu luật của ngài đã mời gọi các môn sinh mang lấy tâm tình này, qua việc sống với anh em và tiếp đón khách đến đan viện như là “tiếp rước chính Đức Ki-tô” bởi như Đức Ki-tô đã nói: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.
Thứ hai “cái lợi”: người làm lớn là người có khả năng phục vụ và đem lại ích lợi cho người khác hơn là cho chính mình. Nói cách khác là chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận mục nát đi, vì ích lợi chung cho tha nhân. Đó cũng là mong ước của cha tổ phụ Biển Đức Thuận khi lập dòng, để qua đời sống hy sinh trong sự thanh vắng và cầu nguyện, cha không chỉ mong muốn cho bản thân nhưng còn thao thức cho nhiều người khác được ơn nhận biết Chúa, nhất là cho dân tộc Việt Nam. Sống theo tinh thần đấng sáng lập, các đan sĩ được mời gọi trở nên nhỏ bé, trở nên món quà để làm lợi cho tha nhân bằng đời sống cầu nguyện, hy sinh và phục vụ trong âm thầm.
Thứ ba “cái thú”: ở đây không phải là thú chiếm hữu những là niềm vui của trao ban và bằng lòng với hiện tại. Tuy nhiên, Người làm lớn theo tinh thần Chúa Ki-tô lắm lúc cũng nhiêu khê, bị hiểu lầm, bắt bớ và cô đơn, thậm chí đe dọa đến mạng sống mình. Những lúc như thế, chúng ta có còn nhận ra ân huệ của Thiên Chúa như ông Gióp ở bài đọc thứ nhất. Ông có một niềm tin mạnh mẽ nơi Thiên Chúa, trước những đau khổ những hiểm họa và cô độc, ông không hề kêu trách Thiên Chúa nhưng bằng lòng với hiện tại và sẵn sàng đón nhận tất cả như ân huệ Thiên Chúa ban, đón nhận với một niềm vui thật sự: “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng Danh Đức Chúa”.
Các tông đồ đã hăng say dấn thân cách vui vẻ, nhất là dám hy sinh mạng sống vì danh Đức Ki-tô và ích lợi của Hội Thánh Người khi đã cảm nhận được cái “danh lợi thú” đích thật, đó là trở nên tôi tớ của các tôi tớ trong sứ mạng phục vụ và trao ban tình thương của Chúa cho mọi người. Còn chúng ta thì sao?
Là người đan sĩ sống đời chiêm niệm “danh lợi thú” của chúng ta là gì nếu không phải là “mọi sự để Thiên Chúa được vinh danh” và tất cả “không lấy gì làm hơn Chúa Ki-tô”. Đan sĩ sẽ không bao giờ cảm thấy hối tiếc, mệt mỏi, nhàm chán hay kiếm tìm điều gì khác, một khi đã nhận ra được ý nghĩa và giá trị lớn lao trong ơn gọi mình phục vụ và yêu thương.
Qua lời chúa hôm nay, xin Chúa dạy chúng con luôn biết tìm kiếm cái lợi đích thực là phúc thiên đàng cho mình và cho người, biết nỗ lực làm cho Danh Cha được cả sáng, và vui thú trong sứ mạng phục vụ Chúa và con người.
FM. Eduardo Nguyễn Trí Nhớ