TRUYỀN TIN- MẦU NHIỆM NGÔI HAI NHẬP THỂ

TRUYỀN TIN- MẦU NHIỆM NGÔI HAI NHẬP THỂ

(Lễ Truyền Tin: Is 7, 10-14;8,10; Dt 10, 4-10; Lc 1, 25-38)

I. Đôi nét lịch sử phụng vụ

Lễ Truyền Tin là lễ kỳ cựu và đáng kính; là lễ chung của Chúa Kitô và của Đức Trinh Nữ Maria, nghĩa là Lễ Ngôi Lời Nhập Thể trong lòng Đức Maria (Mc 6,3). Trong kho tàng vô tận của Phụng vụ Đông Phương và Tây Phương cử hành Lễ Trọng này là lễ Tưởng Niệm tiếng “Xin Vâng” cứu độ của Ngôi Lời Nhập Thể: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Tv 39, 8-9; Dt 10, 7.9).

Lễ này được mừng kính ở Giáo Hội Đông Phương từ khoảng năm 550. Giáo Hội Roma mãi đến thế kỷ thứ bảy mới chấp nhận Lễ này. Nhưng cũng có nhiều tài liệu nói Lễ Truyền Tin hình như đã mừng tại Constantinople, trước Công đồng Êphêsô (431). Tại Palestine, Syrie, Tiểu Á, Ai Cập lễ này được kính mừng rất sớm: người ta đã thấy mừng tại Nazareth vào đầu thế kỷ IV, nhân dịp xây cất Đền Thờ kính Mầu Nhiệm Truyền Tin.

II. Nhiệm cục cứu độ

Biến cố mầu nhiệm Truyền Tin là cao điểm nhất của chương trình cứu độ Thiên Chúa dành cho loài người, vì:

  1. Tất cả Cựu Ước từ lời Thiên Chúa hứa với hai ông bà Nguyên Tổ trong vườn Địa Đàng là: “Miêu Duệ người nữ sẽ đạp giập đầu rắn già Satan” (St 3, 15). Và việc thiết lập Giao Ước với Tổ Phụ Abraham cho đến ngày trọng đại của Đức Chúa (x. Ml 3, 23) đều chuẩn bị cho mầu nhiệm Truyền Tin Ngôi Lời Nhập Thể.
  2. Tấc cả Tân Ước cũng vậy:

Từ khi Ngôi Lời Nhập Thể, sinh ra cho đến lúc chết trên Thập Giá, rồi Phục Sinh, Lên Trời, cử Thánh Thần đến thiết lập Hội Thánh và trở lại Vinh Quang trong ngày sau hết, đều bắt đầu và thể hiện bởi Mầu Nhiệm Truyền Tin qua nội dung Tin Mừng theo thánh Luca tường thuật trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay với hai sứ điệp và hai lời đáp trả:

III. Các sứ điệp

Tổng Thiên Sứ Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành miền Galilê gọi là Nazareth, gặp một Trinh Nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse thuộc dòng dõi vua Đavít, Trinh Nữ ấy tên là Maria.

Sứ Thần vào nhà Trinh Nữ và nói: “Mừng vui lên hỡi Đấng Đầy Ân Sủng, Đức Chúa ở cùng Bà. Nghe lời ấy, Bà rất bối rối và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì? Sứ Thần liền nói: “thưa Bà Maria, xin đừng sợ, vì Bà đẹp lòng Thiên Chúa”. Và đây là các sứ điệp:

1. Sứ điệp thứ nhất:

Thiên Thần Truyền Tin Mầu Nhiệm Nhập Thể: “Này đây Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”… Vậy nội dung chính yếu Sứ Điệp này là: xin Đức Trinh Nữ cộng tác vào việc cho Ngôi Lời Nhập Thể làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ.

Là một Trinh Nữ đã tự nguyện thuộc trọn về Chúa, không hề biết đến việc vợ chồng, vừa nghe sứ điệp, Đức Trinh Nữ phân vân thắc mắc: “việc ấy xẩy ra thế nào được?
2. Sứ điệp thứ hai:

Để giải đáp Sứ Thần liền truyền đạt sứ điệp thứ hai: “Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối cao sẽ rợp bóng trên Bà, vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”.

Rõ ràng Thiên Chúa đã can thiệp cách đặc biệt cho Bà được thụ thai “bởi phép Chúa Thánh Thần và do quyền năng của Đấng Tối Cao, nên việc thụ thai và sinh con mà vẫn đồng trinh, như lời ngôn sứ Isaia: “Này đây một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, đặt tên là Emmanuel” (Is 7,14). Vì không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được (x. Lc 1, 37).

Vậy với quyền năng của Đấng Tối Cao, một cung lòng trinh nữ không sinh con, đã được dâng hiến để sinh hạ Đấng Cứu Thế.

Với quyền năng của Đấng Tối Cao, một thế giới tuyệt vọng trong vòng kiềm toả của tội lỗi đã hy vọng được ơn cứu thoát.

Với quyền năng của Đấng Tối Cao, một nhân loại đang sống đưới ách nô lệ của Satan ác thần, đã được tự do làm con Chúa.

Và Đức Maria đã thân thưa: “Fiat, vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người cứ thực hiện cho tôi như lời Sứ Thần nói” (Lc 1,38)

IV. Hai lời đáp trả

1. Lời đáp của Đức Trinh Nữ Maria đầy khiêm tốn, tin tưởng, vâng phục và phó thác.

Một lời tuy vắn gọn, nhưng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt thế giới. một lời khai mở cho kỷ nguyên mới, kỷ nguyên cứu rỗi. một lời đem lại cho muôn loài niềm hy vọng và bình an! Cả Triều Thần Thiên Quốc và vũ trụ đều thở phào hân hoan.

2. Lời đáp của Ngôi Lời

Lời “Fiat, xin vâng” của Đức Maria kéo theo lời xin vâng của Ngôi Lời: “Lạy Cha, này con đến để thực thi ý Cha”. “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai đã xuống thế làm người” và ở cùng chúng ta: “Emmanuel”.

Cả hai lời “xin vâng” không chỉ thốt lên một lần để thay tất cả, nhưng là lời xin vâng liên lỷ trọn cuộc đời và hoàn tất trên đồi Calvê. Ước gì những lời xin vâng của chúng ta qua Bí tích Rửa Tội và Đời Thánh Hiến cũng được liên lỷ thể hiện suốt cuộc đời mình.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay bật mí cho chúng ta Mầu Nhiệm Truyền Tin, lịch sử Cứu Độ nhân loại được bắt đầu thực hiện bằng lời thưa “xin vâng” của Mẹ Maria như mời gọi tất cả chúng ta ngước nhìn lên Mẹ với cả tâm tình thiết tha nguyện cầu và noi gương Mẹ Maria:

* Luôn tìm ý Chúa trong cuộc sống của mình.

* Trung thành trong niềm tin yêu để thực thi ý Chúa.

* Ý thức về sự cộng tác trong ơn cứu độ muôn người.

Lm. Phêrô Khoa Lê Trọng Ngọc

You May Also Like

Trả lời

X