Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC TỪ DỤ NGÔN MƯỜI TRINH NỮ

Thứ sáu 28/08/2020-Thứ sáu tuần XXI thường niên, Thánh Augustino GM, TSHT, lễ nhớ, Mt 25,1-13

Ý Nghĩa Và Bài Học Từ Dụ Ngôn Mười Trinh Nữ

Bài Tin Mừng hôm nay là một trong những bài nói về thời Cánh Chung. Nhưng thời Cánh Chung là gì? Phải chăng là: Thời mà công lý được ngự trị, thời mà tình bác ái kitô giáo được biểu lộ một cách trọn vẹn; thời của những người thấp cổ bé miệng, thời mà Chúa sẽ thưởng công và luận phạt mọi người xứng với công đức và việc xấu xa của mỗi người đã làm? Nếu chỉ đọc lướt qua bài Tin Mừng hôm nay, ta lại thấy có vẻ như Năm cô khôn ngoan không sống tình bác ái; Năm cô khôn ngoan không có khả năng cảm thông trước sự thiếu sót đáng thương của năm cô dại khi họ hạ mình xuống xin: “Xin các chị cho chúng em chút dầu của các chị vì đèn của chúng em đã tắt mất rồi”. Thế mà, họ vẫn được khen thưởng.  Phải chăng Chúa Giêsu không công bằng, thiên vị, cố tình chơi “khăm” năm cô dại? Giả sử Ngài đến sớm hơn một chút thì năm cô dại đâu có đến nỗi gì, vì các cô cũng cầm đèn sáng trong tay. Vậy mà Chúa lại đến quá trễ, vào lúc quá nửa đêm. Vậy đâu là ý nghĩa của dụ ngôn? Qua dụ ngôn này Chúa Giêsu muốn nhắn gửi chúng ta những bài học nào?

  1. Ý Nghĩa Của Dụ Ngôn: Mười Cô Trinh Nữ

Để có thể hiểu được dụ ngôn này, chúng ta cùng  tìm hiểu xem tập tục rước dâu của người Do Thái thời xưa như thế nào? Và đâu là ý nghĩa đích thực của các từ như: đồng trinh, đèn và dầu…

Theo tục lệ nước Do Thái thời, thì nghi thức rước dâu về nhà chồng bao giờ cũng được cử hành vào ban đêm khi sao Mai vừa mọc lên, có khi quá nửa đêm mới bắt đầu. Theo tục lệ này thì các bạn bè của chàng rể, các bạn của cô dâu, cùng thân nhân, họ hàng canh thức, sẵn sàng chờ chàng rể đến để cùng nhau đi tới nhà cô dâu để dự tiệc cưới. Trong nghi thức này, có nhiều trinh nữ cầm đèn cháy sáng dẫn đường cho chàng rể để cuộc nghênh đón tưng bừng náo nhiệt…(x. spiderum.com, Lễ cưới của người Do Thái). Và theo các nhà chú giải Kinh Thánh: mười người nữ đồng trinh tượng trưng cho toàn thể Hội Thánh, một Hội Thánh thánh thiện, tinh tuyền vô tỳ vết. Sự trinh tiết còn là dấu chỉ cho sự thanh khiết tâm linh của mỗi người. Chú rể tượng trưng cho sự tái lâm của Chúa Giêsu hoặc cho ngày phán xét (x. vi.wikipedia.org,wiki, Dụ ngôn mười trinh nữ).

Đèn và dầu là hai biểu tượng nổi bật trong dụ ngôn. Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh xem đèn là tâm linh con người; là cuộc sống chan hoà yêu thương. Còn dầu là bảy ơn của Chúa Thánh Linh cư ngụ trong lòng tín hữu; Là ân nghĩa Chúa; Là đức tin, cậy, mến. Theo cách chú  giải này thì sự hiện diện của Thiên Chúa là sự bảo đảm cho nguồn dự trữ tâm linh giúp con người tiếp tục tiến bước dù phải lâm vào những tình huống khó khăn. Tương tự, các cô gái sắp cạn dầu trong bình là tượng trưng cho những người cạn kiệt sức mạnh tinh thần, hoặc đức tin bị lụi tàn trong những lúc gian truân, hoặc suy sụp trước những cám dỗ trong cuộc sống. Họ không sẵn sàng để ứng hầu trước mặt Chúa trong ngày họ nhắm mắt lìa đời hoặc trong ngày phán xét sau cùng. Mặt khác, mối quan hệ giữa Chúa Thánh Linh với mỗi tín hữu là một sự tương giao có tính cá nhân, không thể san sẻ cho người khác, tương tự như trường hợp năm người khôn không thể chia sẻ số dầu còn lại cho năm người dại. Thông điệp này của dụ ngôn có thể hiểu là không ai có thể vào thiên đàng bằng đức tin vay mượn (x. vi.wikipedia.org,wiki, Dụ ngôn mười trinh nữ).

 Ngoài ra: các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Điều này muốn nói lên rằng là con người, ai trong chúng ta cũng đều có những yếu đuối xác hồn, vì “không thánh nhân nào mà không có quá khứ, không tội nhân nào mà không có tương lai”. Chú rể đến muộn là một trong những biểu hiện tình yêu của Thiên Chúa, Ngài luôn trì hoãn, kiên nhẫn, chờ đợi con người với tất cả tình thương của một người Cha nhân hậu tốt lành. Rồi người ta đóng cửa lại, muốn nói rằng cái chết của mỗi người chỉ xẩy ra một lần duy nhất mà thôi, không có lần thứ hai. Như sách giáo lý minh định: “phận con người là phải chết một lần”.

Với những tìm hiểu trên, ta thấy năm cô khôn ngoan không phải là những người sống không có tình bác ái. Nhưng ngược lại, họ là những người luôn hướng về Nước Trời, luôn kiếm tìm Thiên Chúa, luôn trung thành tin cậy mến Thiên Chúa. Khi vì lỗi lầm, yếu đuối mà bị vấp ngã thì họ vẫn biết chỗi dậy với tất cả lòng tin yêu, phó thác. Lòng trí họ luôn mong ước Chúa trở lại. Cuộc sống của họ chan hoà tình bác ái, yêu thường, nhờ thế họ luôn sống trong ân sủng của Chúa, ngọn đèn đức tin của họ luôn cháy sáng, không tàn lụi, luôn sẵn sàng chờ Chúa đến với niềm hoan lạc sâu thẳm. Như lời thánh Phaolô nói: “Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện”.

Còn về phía Chúa, Chúa không phải là người chậm chạp, thiên vị hoặc muốn chơi “khăm” năm cô dại. Nhưng Ngài là Đấng luôn trì hoãn, kiên nhẫn, luôn chờ đợi con người với một tình thương của một người Cha nhân lành. Ơn gọi của thánh Augustino mà Giáo Hội mừng kính hôm nay là một ví dụ cụ thể.

Vậy qua bài tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nhắn gửi cho ta những sứ điệp nào? Thiết nghĩ, qua bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta 4 bài học như sau:

  1. Bài Học Áp Dụng

Thứ nhất: Là con người, ai cũng có những yếu đuối xác hồn, không ai có thể tự hào rằng mình luôn luôn đứng vững. Do đó, chúng ta phải nuôi dưỡng đức tin, tăng cường đức cậy, và củng cố đức mến của chúng ta mỗi ngày.

Thứ hai: Giờ Chúa đến gõ cửa mỗi người luôn là bất ngờ, lúc nào là tuỳ ý Chúa muốn, không ai có thể đoán biết trước được. Như lời Người phán: “chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Chính vì thế, sẵn sàng, tỉnh thức chờ đợi luôn là điều mà mỗi người chúng ta cần phải thủ đắc được.

Thứ ba: Mỗi người chúng ta đều phải chết một lần và chỉ một lần duy nhất mà thôi, không có lần thứ hai hay thứ ba. Những ai đã sẵn sàng, đủ điều kiện thì được đi theo Chàng Rể vào hưởng niềm vui của tiệc cưới ngay tức khắc. Còn những ai chưa sẵn sàng đủ thì phải chịu hình phạt theo xứng với những lỗi lầm của mình.

Thứ bốn: Không ai có thể vào được nước trời bằng đức tin vay mượn. Nghĩa là đến giờ Chúa gọi chúng ta không thể nào đến được với Chúa bằng hai bàn tay trống không. Muốn được vậy thì đòi ta phải trung kiên trong niềm tin, sẵn sàng trong niềm cậy trông phó thác, như lời thánh Phaolô khuyên: “Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ. Ai ngủ, thì ngủ ban đêm; ai say sưa thì say sưa ban đêm. Nhưng chúng ta, chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ”.

Vậy, ước gì qua bài tin mừng hôm nay, mỗi người chúng ta cùng có những tâm tình, hành động tựa như cô dâu đang đứng trước ngày cưới. Luôn biết trang điểm cho mình bằng những việc lành phúc đức, để mai sau chúng ta cùng được Đức Kitô đón vào dự tiệc cưới Thiên thu.

FM.Phêrô Tự-Phan Văn Thập

 

 

You May Also Like

Trả lời

X